ĐỨC KITÔ LÀ CON ĐƯỜNG, SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG

 

I. VẤN ĐỀ VÀ GIẢI ĐÁP

 

Khi suy nghĩ về Đức Kitô là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống, có một vấn đề được đặt ra, cách riêng trong thần học của thời kỳ cận đại : vấn đề về tính đồng thời contemporanéité) của Ngài. Kể từ khi Đức Kitô sống ở trần gian đến nay, đã nhiều thế kỷ trôi qua. Khoảng thời gian dài này được Lessing, một nhà tư tưởng người Đức sống ở thế kỷ 18, gọi là “hố kinh khủng” chia cách ta với Đức Kitô. Vậy làm sao mà một người đã sống trước ta quá lâu lại có thể là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống cho chúng ta hôm nay ?

 

Vấn đề phải tìm hiểu là chúng ta có thể có kinh nghiệm về Đức Kitô như thế nào, làm sao biến cố cứu độ của Chúa lại trở thành kinh nghiệm của chúng ta hôm nay.

 

Thời cận đại, vấn đề trên được giải đáp theo ba hướng.

 

Hướng thứ nhất coi Chúa như một gương mẫu cho cuộc đời. Emmanuel Kant chẳng hạn, đi theo hướng này. Theo ông, Đức Kitô là gương mẫu tuyệt vời của đời sống đạo đức, một con người đã thực hiện theo cách thức cao cả nhất những đòi hỏi của vương quốc tình yêu, mà một người như chúng ta, tự sức riêng, hầu như không kham nổi.

 

Quan điểm của Kant có tính chất điển hình của thời cận đại, coi Chúa như một lý tưởng. Có thể bắt gặp quan điểm này trong những tác phẩm của nhóm thần học tự do viết về cuộc đời của Chúa, chẳng hạn cuốn “Cuộc đời Đức Giêsu” của Ernest Renan, một cuốn sách rất nổi tiếng. Đức Giêsu của Renan là con người tinh tuyền, đẹp đẽ nhất trong số con cái loài người, vì Ngài đã biết thực hiện cách tuyệt vời vương quốc tình yêu trong tâm khảm của mình.

 

Thần học của thời kỳ lãng mạn sau đó cũng coi Đức Giêsu như một gương mẫu đạo đức.

 

Quan niệm trên hiển nhiên có nhiều giới hạn. Cho dù cao quý và gây xúc động mấy đi nữa, gương mẫu vẫn chỉ có tính chất ngoại tại, không ăn nhập với thực tế mà chúng ta đang sống. Đối chiếu với lời của Phaolô trong thư Galát (2,20 : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”), ta thấy rõ không thể nói về Đức Kitô như nói về một gương mẫu. Gương mẫu và tôi ở bên ngoài nhau. Và như vậy, tôi vẫn không thể vượt qua được cái hố ngăn cách rộng lớn và đáng sợ như Lessing nói.

 

Một giới hạn nữa là Đức Kitô được trình bày, trong một kiểu cách giảng thuyết nào đó, không phải như một Đấng đang sống đã đi vào đời sống tôi, giúp cho tôi sinh hoa trái đạt tới sự sống đời đời, nhưng đúng hơn như một thứ luật lệ hay luân lý mà tôi phải phục tùng.

Chúng ta không chấp nhận quan niệm thu hẹp Đức Kitô vào một luật đạo đức phải phục tùng, một kiểu mẫu thuần tuý bên ngoài phải noi theo. Chúng ta muốn có kinh nghiệm sống động về Đức Kitô. Chỉ khi đó, Ngài mới có thể trở thành Chúa của cuộc đới ta.

 

Hướng thứ hai là vĩnh cửu hoá hiện tại. Người đề nghị hướng này là Soren Kierkegaard, một nhà triết học và thần học lớn của tiền bán thế kỷ 19. Trước vấn nạn : Làm thế nào để Đức Kitô không phải là đối tượng hoá đá của giảng thuyết đạo đức, nhưng thật sự là Chúa của đời sống tôi, ông đã trả lời : Phải trở thành “đồng thời” với Đức Kitô bằng một nỗ lực khổ chế. Nỗ lực này giải thoát ta khỏi sự vô thường của thời gian hiện tại, để đạt tới kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa.

 

Có thể tổng hợp ý tưởng cùa Kierkegaard về tính đồng thời của Đức Kitô trong kiểu nói “vĩnh cửu hoá hiện tại”. Hiện tại của con người phải được vĩnh cửu hoá nơi Thiên Chúa. Phải vượt qua sự vô thường của thực tại để trở về với Thiên Chúa. Phải ra khỏi hiện hữu (existence bởi ex-sistere=ở ngoài), xa tránh thế gian (fuga mundi) để trở lại với kinh nghiệm nguyên thuỷ về Ngài.

 

Theo Kierkegaard, biết và yêu Đức Kitô có nghĩa là trở thành người đồng thời với Ngài. Không phải Ngài trở thành đồng thời với ta, nhưng chính ta gặp lại vẻ đẹp của Thiên Chúa vĩnh cửu, nhờ khổ chế, nhờ quên đi thế giới với những đau khổ và tội lỗi của nó.

 

Không thể chối cãi sự hấp dẫn của nhãn quan này. Nó đã được chấp nhận không những nơi Giáo hội Luthêrô, mà Kierkegaard là thành viên, mà còn nơi nhiều nhà giảng thuyết và nhà luân lý công giáo.

 

Mặc dù rất gợi ý, nhãn quan trên đây làm mất đi ý nghĩa của việc Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã muốn đi vào thế gian để đồng hành với nhân loại. Thiên Chúa của người kitô hữu là Thiên Chúa đang sống trong thời gian của con người, Thiên Chúa ẩn mình trong lịch sử của con người. Thế nên, để có thể nhận ra Ngài, chúng ta không được ra khỏi thế gian, ngược lại, phải đi vào trong lịch sử ấy.

 

Chúng ta không chấp nhận con đường khổ chế, nếu coi đó là con đường để gặp Đức Kitô đang sống. Một kitô giáo xa tránh thế gian và lịch sử là một kitô giáo phản bội lại việc nhập thể của Thiên Chúa. Đối với ta, vấn đề không phải là đưa hiện tại vào trong vĩnh cửu, nhưng là để vĩnh cửu ùa vào trong thời gian, vì Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, Ngôi Lời đã trở nên người phàm.

 

Hướng thứ ba là dựa vào Tân ước để đưa ra con đường Ba ngôi. Con đường này cho thấy Đức Kitô là hồng ân của Chúa Cha được ban cho con người, và hồng ân này đến với ta nhờ sức mạnh sống động của Thánh Thần.

 

Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã công bố rằng Đức Kitô vẫn sống trong Thần Khí. Sau khi sống lại, Ngài không còn chết nữa. Trong Thần Khí, Ngài gặp gỡ tôi ngày hôm nay và biến đổi cuộc cuộc đời hiện tại của tôi. Ngài làm cho thời giờ hiện tại trở thành thời giờ của ân sủng, thành kinh nghiệm về Ngài.

Như vậy, cho dù có cả hai mươi thế kỷ chia cách Đức Kitô với ta, Ngài vẫn đang sống và hiện diện nơi ta, đồng thời với chúng ta, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần.

 

Có một vấn đề liên hệ đến nhãn quan này cần được lưu ý : sự khác biệt giữa ý tưởng kinh thánh về sự tưởng niệm (mémorial) và ý tưởng hy lạp về sự tưởng nhớ (mémoire). Theo quan niệm hy lạp và tây phương, tưởng nhớ là một chuyển động đi từ hiện tại tới quá khứ, tức là một công việc thuần tuý của trí khôn gặp lại quá khứ. Còn tưởng niệm theo Kinh thánh là quá khứ trở thành hiện tại. Trong tưởng niệm, biến cố cứu độ độc nhất và vĩnh viễn trở thành đồng thời với ta, bắt gặp và biến đổi hiện tại của ta.

 

Thế nhưng ta không thể thật sự hiểu ý tưởng về tưởng niệm nếu không đi vào chiều kích ba ngôi. Chính Chúa Cha, trong Thần Khí, làm cho Chúa Kitô hiện diện. Chính Chúa Cha, khi cử Thần Khí đến, đã làm cho sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô trở thành kinh nghiệm của ta, hiện tại cho ta.

 

Vậy nhãn quan của Giáo Hội sơ khai về tính đồng thời của Đức Kitô là một nhãn quan thánh thần học và ba ngôi. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô trở thành người đồng thời với ta. Chính trong Chúa Thánh Thần mà chúng ta có thể nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Chính hồng ân của Chúa Cha, trong Thần Khí, làm cho Chúa Con hiện diện cho ta. Chúng ta không thể hiểu được Đức Giêsu là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống, nếu không có ý tưởng về sự trung gian của Ba Ngôi.

 

Chấp nhận nhãn quan ba ngôi, chúng ta không sống bằng một ý tưởng, một khoa đạo đức, một giáo thuyết hoặc bằng cách xa tránh thế gian. Chúng ta sống bằng kinh nghiệm về một Đấng đang sống, là Đấng đưa ta vào sâu trong diễn tiến của lịch sử.

 

Do đó, chúng ta không bao giờ được coi kitô giáo như một hệ thống luân lý, hoặc như một hình thức xa tránh thế gian. Kitô giáo loan báo một Đấng đang sống. Đấng ấy đến thay đổi cuộc đời của con người, ở đây và lúc này.

 

B. SỨ ĐIỆP

 

Trong Phúc âm Gioan, Đức Giêsu tuyên bố mình là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống (Ga 14,6). Trong thư Galat, Phaolô viết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Có thể nói câu của thư Galát xác định vấn đề, còn câu Chúa nói trong Phúc âm Gioan giúp ta hiểu phải sống cách cụ thể vấn đề ấy như thế nào.

 

Tân ước trình bày Đức Kitô trong hoạt động của Ngài là mạc khải và cứu độ. Mối bận tâm của các tác giả Tân ước không phải là khai triển một khoa siêu hình học hay hữu thể học, nhưng đúng hơn, là sự rao giảng sơ khởi Tin Mừng. Tân ước không tường thuật diễn tiến cuộc đời Chúa theo thời gian, nhưng loan báo Đức Giêsu đã sống giữa ta và đang sống cho ta. Tân ước loan báo Đức Kitô,  Đấng mạc khải Chúa Cha, cho ta chia sẻ kinh nghiệm về Thiên Chúa, hướng dẫn ta trên những nẻo đường trần gian.

 

Cơ cấu nền tảng của việc loan báo này ăn khớp với mạc khải về một Đức Kitô là Ngôn Sứ, là Sự Thật, là Vua. Chiều kích mạc khải này cũng là chiều kích của kinh nghiệm cứu thế, vì trong Kinh Thánh, kiến thức không bao giờ trừu tượng, nhưng luôn là một kinh nghiệm sống động về nội dung kiến thức. Do đó ta hiểu vì sao Đấng là Ngôn Sứ và Sự Thật lại đồng thời là Con Đường, là Vua, tức là Đấng hướng dẫn ta, và cũng là Tư Tế, là Sự Sống, tức là Đấng ban cho ta đầy tràn sự sống.

 

Hầu như cả Tân ước đều trình bày nhãn quan này, minh nhiên hoặc mặc nhiên. Nhãn quan này được thần học hệ thống hoá, nhất là từ thời Cải Cách và thời Cận đại cho tới Cồng đồng Vatican II. Công đồng chủ yếu bàn về Đức Kitô và Giáo hội, khởi đi từ ba chức năng của Đức Kitô : Ngôn Sứ, Tư Tế và Vương Đế. Trong hai Hiến chế về Giáo Hội cũng như trong các văn kiện khác, lược đồ về Đức Kitô Ngôn Sứ, Tư Tế và Vương Đế không ngừng được lặp đi lặp lại. Lược đồ này dựa trên xác quyết Đức Kitô là Đấng mạc khải và cứu thế. Với tư cách là Đấng mạc khải, Ngài là Ngôn Sứ và là Sự Thật. Với tư cách là Đấng cứu thế, Ngài là Con Đường, Sự Sống, Vương Đế và Tư Tế.

 

Chính sự hiểu biết trên đây đưa đến quyết định và kinh nghiệm sống. Cuộc gặp gỡ của người môn đệ với Đức Kitô thể hiện qua những hành vi nối tiếp nhau : trí khôn biết Chúa là Sự Thật, ý muốn quyết định đi theo Ngài là Con Đường, tâm hồn đón nhận Ngài là Sự Sống.

 

Qua diễn tiến trên, có thể đưa ra ba câu hỏi : Căn cứ vào Tân ước, Đức Kitô là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống theo nghĩa nào ? Đức Kitô Con Đường, Sự Thật và Sự Sống hiện diện với ta như thế nào ? Đức Kitô Con Đường, Sự Thật và Sự Sống từ đâu mà đến, để trở thành Đấng đang sống trong ta ?

 

1. Đức Kitô Sự Thật

 

Tân ước trình bày Đức Kitô như một Đấng loan báo Tin mừng. Trong Phúc âm Nhất lãm, có tới 109 lần Đức Giêsu nói về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Cuộc đời của Ngài hoàn toàn hướng về Nước Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Ngài là Đấng mạc khải, đồng thời cũng là chính mạc khải. Trong Ngài, Nước Thiên Chúa đã trở thành hiện tại cho ta.

Nước Thiên Chúa là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đến cư ngụ giữa nhân loại. Đó là lời loan báo vĩ đại nhất của Đức Giêsu : Thiên Chúa Tình Yêu tường thuật lịch sử tình yêu của mình trong lịch sử con người. Và lịch sử của Thiên Chúa, tự nền tảng, là lịch sử của lòng trung tín.

 

Trong tiếng hipri, không có từ “sự thật” theo nghĩa mà Tây phương quen hiểu. Để diễn tả “sự thật”, người Do thái dùng từ “trung tín” (emet). Theo não trạng hy lạp, sự thật có nghĩa là “cất tấm màn che phủ một cái gì đó”. Sự thật là điều người ta có thể nắm được và làm chủ, khi tấm màn đã được vén lên. Theo triết học kinh viện, sự thật là sự hoà hợp của một phát biểu với đối tượng được biết và chủ thể biết. Một khi sự thật tỏ lộ, người ta làm chủ nó.

 

Nếu Đức Giêsu là Sự Thật theo nghĩa hy lạp, Ngài sẽ là một sự vật mà người ta nắm được, chứ không phải là một Đấng mà người ta bắt gặp. Trong Kinh Thánh, sự thật không phải là cái gì đó lộ ra hoặc được ban để người ta nắm được, nhưng sự thật là sự trung tín, tức là mối liên hệ tình yêu, mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người. Đối với người Do thái, sự thật là sự trung tín trong tình yêu. Theo não trạng hy lạp, ngược với sự thật là sai lầm, còn theo não trạng do thái, ngược với sự thật là bất trung, tội lỗi. Do đó, một câu như “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta” có nghĩa là “sự trung tín trong tình yêu sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta”. Sự thật không phải là cái gì đó mà người ta làm chủ, nhưng là Ai đó làm chủ ta.

 

Khi Đức Giêsu xưng mình là Sự Thật thì Ngài muốn nói rằng : Tôi là sự trung tín của Thiên Chúa trong tình yêu.

 

Ngôn sứ không đơn thuần là một thày dạy truyền đạt những sự thật thuộc phạm vi tri thức, nhưng là người mạc khải và truyền đạt sự thật tình yêu, giúp người ta hiểu rằng ý nghĩa của cuộc đời là tin vào tình yêu Thiên Chúa và để mình được Ngài yêu.

 

Ai trung tín với lời của Đức Kitô sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát người đó (Ga 8,32). Theo nghĩa này, Đức Kitô là Thày hoặc Thủ Lãnh của ta: “Anh em đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô” (Mt 23,10). Chỉ mình Đức Kitô mạc khải cách tinh tuyền và hoàn toàn sự trung tín của tình yêu Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu Sự Thật, Ngôn Sứ, Thày, Thủ Lãnh có thể hiện diện với ta như thế nào ? Hiện diện trong Thần Khí, Tân ước cho biết rõ như vậy. Chính Thần Khí làm cho Đức Giêsu hiện diện bất cứ khi nào và nơi nào. Vì vậy, trong Tân ước, nhất là trong Gioan, Thần Khí được gọi là “Thần Khí Sự Thật” (Ga 14,17; 26,26; 16,13). Thần Khí hiện tại hoá sự trung tín của Thiên Chúa được bày tỏ trong Đức Giêsu. Tin vào Thần Khí Sự Thật là tin vào sự trung tín của Thiên Chúa.

 

Sự trung tín của Thiên Chúa hiện diện ở đâu ? Có thể nhận ra 3 nơi hiện diện : lời Thiên Chúa, dấu chỉ thời đại và lịch sử tình yêu.

 

Trong tiếng hipri, lời là debar. Từ này không chỉ một âm thanh trống rỗng (flatus vocis), nhưng có nghĩa là cái ở phía sau, ở trong, ở dưới, tức là ở trung tâm, chủ tính của một sự vật. Nếu lời là trọng tâm của sự vật thì, đối với người Do thái, lời Thiên Chúa có nghĩa là chính Thiên Chúa trong dấu chỉ lời Ngài. Và đó cũng là ý tưởng của Kinh Thánh về lời Thiên Chúa : Lời Thiên Chúa không phải là một sự gì đó, nhưng là một Ai đó, là Thiên Chúa hằng sống trong dấu chỉ lời Ngài, là Thiên Chúa tỏ mình ra trong quyền năng của lời Ngài.

 

Vậy nơi đầu tiên cho thấy sự trung tín của Thiên Chúa là lời của Ngài. Ai khám phá ra Đức Giêsu Sự Thật không thể không khám phá ra lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là dấu chỉ sống động nói lên sự trung tín của Thiên Chúa. Nếu mỗi gia đình có cuốn Kinh Thánh thì, một cách nào đó, sự trung tín của Thiên Chúa đi vào trong mỗi gia đình và mỗi người.

 

Nhưng lời Thiên Chúa mà thôi chưa đủ. Còn phải lưu ý tới những dấu chỉ của thời đại, như Đức Giêsu nói và mời gọi (x.Mt 16,2). Những dấu chỉ này là gì ? Là những biến cố, sự kiện, lời nói trong lịch sử cho thấy Thiên Chúa hiện diện ngày hôm nay. Thiên Chúa trung tín qua lịch sử trong đó Ngài đối thoại với con người, cho dù lịch sử có thể hàm hồ.

 

Để hiểu lịch sử cho đúng và rõ, phải luôn đọc lịch sử trong Phúc âm và đọc Phúc âm trong lịch sử. Đọc lịch sử trong Phúc âm có nghĩa là giải thích sự việc dựa vào ánh sáng của lời Chúa. Đọc Phúc âm trong lịch sử có nghĩa là giải thích Phúc âm dựa vào ánh sáng của sự việc. Người chỉ đọc lịch sử dựa vào Phúc âm có nguy cơ trở thành người bảo thủ cực đoan, muốn diễn dịch lịch sử từ lời Chúa. Ngược lại, người đọc Phúc âm dựa vào lịch sử có nguy cơ giản lược Phúc âm vào não trạng thế tục. Đó là cám dỗ của tinh thần thế tục. Để cân bằng hai khía cạnh trên đây, phải luôn đọc lời Chúa trong lịch sử và đọc lịch sử trong lời Chúa. Theo K. Barth, người kitô hữu phải mỗi ngày một tay cầm cuốn Kinh Thánh, tay kia cầm tờ nhật báo.

 

Nơi hiện diện thứ ba là lịch sử tình yêu. Đọc trong Mt 25,35tt, ta thấy khi xét xử ta, Chúa không xét xử điều gì khác hơn là hành vi bác ái hay không bác ái của ta đối với người khác, nhất là những người nghèo khổ. Những người này là “dấu chỉ” của chính Chúa đang hiện diện giữa ta, cần được ta yêu thương. Nơi nào người ta yêu hay được yêu trong sự thật, nơi đó Thiên Chúa hiện diện.

 

2. Đức Kitô Con Đường

 

Chỉ mình Đức Giêsu là Con Đường. Chỉ mình Ngài là Cửa chuồng chiên. Chỉ mình Ngài đưa ta tới Chúa Cha. Ngài là Con Đường đưa tới sự sống, là Con Đường đua tới sự thật. Ngài là Con Đường vì là Mục Tử của ta. Đức Giêsu là Mục Tử đau khổ, bị hành hạ vì yêu các con chiên của mình (Mc 14,27), Mục Tử xét xử (Mt 25,31), Mục Tử chăn chiên (Dt 13,20), Mục Tử tối cao (1Pr 5,4).

 

Ý tưởng về Con Đường bao hàm chiều kích ba ngôi. Đức Kitô là Con Đường, vì trong Thần Khí, Ngài đưa ta tới Chúa Cha. Ân huệ của Chúa Cha đến với ta cũng nhờ Đức Kitô. Không thể nói về Đức Kitô Con Đường mà không nói về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha.

 

Đức Kitô Con Đường hiện diện như thế nào ? Một lần nữa, Tân ước cho biết rõ : hiện diện trong Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đưa ta tới Chúa Cha nhờ Đức Kitô. “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8,9). “Không ai có thể nói rằng : Đức Giêsu là Chúa – tức là có thể tuyên xưng Chúa là sự thật – nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3). “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đấy có tự do” (2Cr 3,17). Vậy chính trong Thần Khí mà ta được tự do, để đến với Chúa Cha, qua con  đường là Đức Kitô.

 

Kiểu nói “con đường của Đức Kitô” là một kiểu nói kinh thánh (Cv 9,2; 18,25; 22,4 …). Con đường của Đức Kitô nhấn mạnh hơn chiều kích giáo hội học và thánh thần học. Chính Thần Khí dẫn ta đi theo con đường của Đức Kitô.

 

Thần Khí làm cho Đức Kitô Con Đường hiện diện ở đâu ? Ở hai nơi cụ thể : nơi Giáo Hội và nơi những nỗ lực giải thoát. Một nơi có tính chất giáo hội điển hình, một nơi có tính chất thế tục.

 

Giáo Hội không phải là một thực thể tuyệt đối, vì Giáo Hội không phải là Nước Thiên Chúa. Giáo Hội là “Nước Thiên Chúa hiện diện trong mầu nhiệm” (GH 3), là hạt giống của Nước Thiên Chúa, là Vương quốc đang hình thành. Thực sự Giáo Hội chỉ là con đường chứ không phải quê hương. Chính vì vậy người kitô hữu không thể chấp nhận thái độ đắc thắng. Giáo Hội không phải là một bà chủ cao tuổi đã đạt tới đích, nhưng là một nữ tỳ trẻ trung như Đức Maria, đang trên đường về quê trời. Giáo Hội hoàn toàn hướng tới tương lai của Thiên Chúa, là dân gồm những người lữ hành. Cùng với những cơ cấu và định chế của mình, Giáo Hội là con đường của Đức Kitô hiện diện cách cụ thể.

 

Đức Kitô còn hiện diện trong những nỗ lực nhằm giải thoát nhân loại. Nếu quả đúng là ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đấy có tự do (2Cr 3,17), thì ở bất cứ nơi nào người ta hoạt động nhằm “giải phóng sự tự do”, nơi đó Đức Kitô Con Đường hiện diện, vì nơi đó Thần Khí hiện diện. Điều nói trên phải thúc đẩy ta tái khám phá giá trị của những nỗ lực nhằm giải thoát con người, vì Đức Kitô Con Đường hiện diện trong những nỗ lực này. Sự hiện diện này là thực, tuy có thể không mấy người biết đến hoặc nhận ra.

 

3. Đức Kitô Sự Sống

 

Đức Kitô là Sự Sống. Đây là một đề tài điển hình của Phúc âm Gioan. Có thể bắt gặp đề tài này ở nhiều chỗ, như Ga 1,4; 5,26; 6,35.57; 11,25; 14,6. Chúng ta chỉ cần nhớ lại bản văn xác định sứ mệnh của Đức Giêsu: “Tôi đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), hoặc bản văn về Con Chiên Thiên Chúa, vô tội, hy sinh mạng sống mình vì tội lỗi thế gian.

 

Theo Gioan, Đức Kitô là Sự Sống, dâng mình làm lễ hy sinh và ban sự sống cho ta. Ngài dâng hy tế này trong chức vụ Thượng Tế (Dt 3,1). Đức Kitô là Thượng Tế, là Đấng ban sự sống mình, hiến tế chính mình, để cho ta được sống.

 

Đức Kitô Sự Sống hiện diện cho ta như thế nào ? Đó là hiện diện trong Thánh Thần. Chính trong Thánh Thần mà ta nhận được sự sống của Đức Kitô.

 

Trong Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinopoli, chúng ta tuyên xưng Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống”. Thánh Thần ban cho ta sự sống của Đức Kitô. Phaolô viết: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8,11). Vậy Đức Kitô hiện diện cho ta trong Thần Khí là Đấng ban sự sống.

 

Thần Khí ban cho ta Đức Kitô Sự Sống ở đâu ? Ở hai nơi : các bí tích và những đau khổ. Một nơi có tính chất giáo hội hơn, một nơi có tính chất thế tục hơn.

 

Trong quá khứ, người ta có khuynh hướng sự vật hoá bí tích. Bộ Giáo luật 1917 bàn về bí tích trong đoạn “Về các sự vật”. Nhưng Công đồng Vatican II đã coi các bí tích như những biến cố, biến cố của cuộc gặp gỡ giữa Đấng đang sống và những con người sống, giữa Đấng Phục sinh và những con người đã được sống lại, giữa vinh quang và lịch sử : vinh quang ẩn giấu dưới các dấu chỉ lịch sử.

 

Lịch sử đi vào trong Ba Ngôi và Ba Ngôi đi vào trong lịch sử. Quả thực, từ khởi thuỷ, ngay cả Thánh Thể cũng có cấu trúc ba ngôi sâu sắc, vì Thánh Thể là việc tạ ơn Chúa Cha, khẩn cầu (épiclèse) Chúa Thánh Thần thánh hoá, tưởng niệm Chúa Con. Thánh Thể hoàn toàn là trình thuật ba ngôi. Trong bí tích này, chúng ta có kinh nghiệm về Đức Kitô, Đấng ban sự sống. Nhờ các bí tích, sự sống của Ngài lưu chuyển trong ta.

 

Đức Kitô còn hiện diện nơi những đau khổ của nhân loại. Ngoài bản văn Mt 25,31tt đã nói trên, cũng nên nhắc tới bản văn Cl 1,24: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô phải chịu, tôi xin mang lấy nó vào thân cho đủ mức vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”. Đau khổ cũng là lúc mà người ta có thể có kinh nghiệm sống động về Đức Kitô. Khi ấy, người ta vẫn cảm nhận được tình yêu của Chúa, sự sống của Chúa. Và ân sủng của Ngài sẽ giúp người ta vượt qua đau khổ.

 

Đức Kitô là Sự Thật vì, trong Thần Khí, mạc khải cho ta Chúa Cha; là Con Đường vì, trong Thần Khí, đưa ta tới Chúa Cha; là Sự Sống vì, trong Thần Khí, chuyển đạt cho ta sự sống của Chúa Cha. Những khía cạnh trên cho thấy Đức Kitô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người (1Tm 2,5).

 

Nhờ Đức Kitô Trung Gian, chúng ta được ơn cứu độ là tham dự vào sự sống Ba Ngôi, là sức mạnh trong yếu đuối, niềm vui trong đau khổ, an ủi trong cô đơn, chiến thắng trong thử thách, sự sống trong sự chết. Ai đón nhận Đức Kitô, đều trở thành con cái trong người Con, được hiệp thông với Thiên Chúa, học biết cách yêu thương và hy vọng hài hoà với tấm lòng của Thiên Chúa, cho dù phải nhọc nhằn trong nỗ lực giữ vững đức tin.

 

Thánh Thần phủ bóng trên người đó như đã phủ bóng trên Đức Maria. Cũng như Đức Maria, kiểu mẫu đầu tiên của con người biết đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, người đó không xa tránh thế gian, nhưng được mời gọi bước đi trong tình yêu, trong sự trung tín và hy vọng. Như Đức Maria, người đó mỗi ngày được gia tăng về đức tin (Rm 1,17), vừa hoạt động vừa chiêm niệm, vừa vui mừng trong kinh nghiệm về Thần Khí vừa đau khổ trong đời sống hiện tại.

 

Là lữ khách trên đường đời, sống nghèo giữa các người nghèo, người thâm tín Đức Kitô đang hiện diện sẽ không ngừng biểu dương sức mạnh của sự sống lại và sự sống của Ngài. Họ có sống là sống cho Ngài, và có chết cũng là chết cho Ngài. Trong sự sống cũng như trong sự chết, họ chỉ muốn thuộc về Ngài. “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sốg cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9). Là vì, chỉ mình Đức Kitô là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

------------

(*) lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,

                         Ed. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr. 169-190


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà