CHƯƠNG 3

 

CÁC GIÁO PHỤ CAPPADOCE

GRÉGOIRE DE NYSSE

 

 

Người ta không biết nhiều về cuộc sống riêng tư của Grégoire, em trai Basile, Grégoire de Nazianze là mẫu người dễ thân tình bao nhiêu thì Grégoire de Nysse này lại ít bạn hữu, ít có những tương giao bên ngoài gia đình bấy nhiêu. Gia đình của ngài, trước tiên phải kể đến Basile le Grand - Basile Cả, mà tầm vóc lớn lao thành như bóng che. Một bóng che thành che khuất : rồi tới chị cả Macrine, sớm phụ trách một nữ tu viện mà sau này Grégoire có ghi lại nếp sống và thuật lại cuộc đàm luận cuối cùng, theo kiểu của Platon, trong cuốn "Về linh hồn và sự Phục Sinh" (Sur lâme et résurrection). Hai nhân vật này dường như có hơi che lấp mất ngài.

 

Tuy nhiên, dẫu kém hoạt động, người em này vẫn không thiếu uy lực hay nghị lực như có đôi lần ngài tỏ ra cho anh mình thấy điều đó. Riêng con người của ngài, ngài vừa có óc phương pháp, vừa có óc trực giác, như ngài sẽ phát huy trong một tác phẩm đáng kể sau này, một khả năng nắm bắt các vấn đề hết sức khác nhau và có thể thực hiện tổng hợp dưới góc độ đức tin. Năng lực của ngài về duy lý và về siêu hình vượt trội các đồng liêu Cappadoce, và có lẽ hơn hết thảy các Giáo Phụ Hylạp.

 

I. MỘT CUỘC ÐỜI KHÔNG NGỜ - MỘT CÔNG TRÌNH LỚN LAO.

MỘT CUỘC ÐỜI BẮT ÐẦU Ở TUỔI 40.

 

Giai đoạn đầu của cuộc đời ngài không có vẻ hướng ngài theo chiều này, khiến người ta đánh dấu hỏi. Ngài sinh sớm nhất là vào năm 331 ; người ta không thấy ngài theo học các lớp "đại học". Ngài chỉ học với Basile và Macrine. Tuy nhiên, người ta nhận thấy ngài có một kiến thức rất quảng bác.

 

Trong số những người cùng thời, không ai am tường Platin, Plotin, Porphyre, Jamblique, Philon như ngài. Ngài chịu ảnh hưởng rõ ràng của Aristote và phái Khắc Kỷ. Ngài thán phục Libanus, một bậc thầy ngoại giáo ở Antioche. Ngài đã từng học Irénée, Méthode dOlympe, Athanase, Marcel dAncyre và nhất là Origène. Ngài tranh biện, bất luận là với các nhà chuyên môn về y học, toán học, hay thiên văn học.

 

Vì rất sành về các phương pháp, kỹ thuật của trào lưu Ngụy Biện Thứ [Seconde Sophistique (phát triển vào thế kỷ II DC)] và am hiểu khoa tu từ, biện chứng (dialectique - thuật đối thoại), ngài được bổ làm thầy dạy khoa tu từ, sau một thời gian giữ chức đọc sách (lecteur) trong Giáo Hội. Sở dĩ như thế là vì ngài muốn chọn theo một sự nghiệp ngoài đời, không chấp nhận sống đời đan tu, một đời sống mà, vào những năm 355, gia đình ngài rất ưa chuộng. Hơn thế nữa, mặc dù sau này ngài sẽ là một nhà thần học lớn nhất về đức trinh khiết và sẽ là người đem lại cho đời sống đan tu một khoa thần bí chói ngời nhất, nhưng ngài lại kết hôn, chắc là với Théobise - và chắc có lẽ sống với bà cho đến lúc bà qua đời (385), tuy nhiên điều đó không làm cho ngài có thái độ mềm dịu hơn so với các đồng liêu của ngài đối với đời sống hôn nhân "được bày ra nhằm khuây khoả trước cái chết". Là Kitô hữu rất nhiệt thành, thời gian sống của ngài được chia ra vừa cho những bận tâm của nghề nghiệp, vừa làm việc trí thức và dường như ngài còn dành thời gian sống ẩn cư tại đan viện Iris để nghiên cứu. Theo yêu cầu của anh và chị ngài vào năm 371, ngài soạn một khảo luận về "Ðức Trinh Khiết" (Sur la Virginité).

 

MỘT GIÁM MỤC TỐT LÀNH.

 

Cũng vào khoảng thời gian đó (371 - 372), Basile áp đặt cho ngài Tòa Giám Mục ở Nysse, một "Hoang mạc" và là nơi Basile chôn mất sự phấn khởi của ngài. Tại nơi ấy, ngài đã nên một Giám Mục tốt lành, gần gũi với dân chúng, nhưng, nếu đúng như lời của thầy Basile, ngài lại ngây thơ và quyết đoán công việc cách vụng về.

 

Phe Arius, là phe ngài chống lại trong tư thế nhà thần học, đã kết án "kẻ theo Nicée cách xác tín" (Nicéen convaincu) tội biển thủ (malversation), ngài bị truất quyền vào năm 367, và được phục hồi lúc Valens băng hà (378).

 

Về tín lý, không phải lúc nào hai anh em cũng hoàn toàn nhất trí với nhau. Khi Giám Mục Césarée qua đời (1.1.379) và ngay sau đó, Macrine cũng theo chân, thì cậu em mới tỏ rõ con người mình. Ngài lập tức xuất bản ba hay bốn cuốn sách, ngài được các đồng sự tại Thượng Hội Ðồng Antioche (379) và ngay cả Théodose (Hoàng đế kế vị Valens) tín nhiệm. Người ta vẫn muốn giữ ngài ở lại Sébaste, nhưng ngài lập em của ngài là Pierre làm Giám Mục ở đó (380). Ngài giữ một vai trò quan trọng tại Công đồng Constantinople (381), và cùng năm ấy, theo ý của hoàng đế, ngài được đặt làm người giám sát về giáo lý chính thống cho địa phận Pont.

 

Chắc hẳn ngài có dịp đi đây đó ngang qua Jérusalem, nhờ đó mà chúng ta có được một bức thư phê bình khá nặng nề về Thánh Ðịa và về việc hành hương. Ngài lao vào nhiều cuộc bút chiến lớn chống lại Eunome, và đó là cơ hội ngài thực hiện một tổng luận thực sự của thần học Cappadoce và chống lại bè Apollinaire, mà theo ý kiến của ngài, người ta đã chống lại một cách quá yếu ớt. Là nhà thuyết giảng lừng danh, ngài thường được mời đến Constantinople nhằm can thiệp những vụ đặc biệt, chẳng hạn, về Thần Tính của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần (383), hoặc để giảng thuyết tùy hoàn cảnh, chẳng hạn những bài điếu văn (385) về công chúa Pulchérie, con gái của Théodose, chết lúc lên sáu, hay về hoàng hậu Llacella. Grégoire là một loại cố vấn của hoàng đế. Ðấy cũng là thời đương lên của ngôi sao Jean, sau này sẽ là "Chrysostome", vả lại khoảng năm 387, khi hoàng đế dời về Milan, gần chỗ Ammoise, thì Grégoire cũng rút lui. Ngài còn việc khác phải làm : theo đuổi công trình lớn về thần học và thần bí của mình. Vào năm 394, ngài có trở lại Constantinople nhân dịp Thượng Hội Ðồng, rồi sau đó biệt tăm.

 

LỜI KHIỂN TRÁCH CỦA NGƯỜI ANH.

 

Grégoire đã thử hòa giải anh mình với người chú làm Giám Mục bằng những phương thế rất khả nghi. Basile, anh ông, đã khiển trách sự "quá ngây thơ của ông" (lá thư được viết năm 371).

 

"Tôi biết phải dùng thư để chống lại chú cách nào đây ? Tôi biết phải công kích chú thế nào cho xứng với sự quá ngây thơ của chú ? Chú hãy nói cho tôi biết có ai lọt ba lần vào cùng một chiếc lưới không ? Có ai ba lần sa vào cùng một cái bẫy không ? Chẳng có con vật nào lọt lưới hay sa bẫy dễ dàng như thế. Chú đã mạo bức thư thứ nhất rồi đưa đến cho tôi, làm như đó là thư của vị Giám Mục đáng kính, chú của hai chúng ta, tôi cũng chẳng hiểu tại sao chú đã lừa dối tôi như thế, tôi đã nhận lá thư đó như là thư của chính vị Giám Mục do chú mang tới, mà quả thực, làm sao tôi lại không nhận bức thư đó được. Tôi đã cho nhiều người bạn xem thư vì tôi quá sung sướng, tôi đã cảm tạ Thiên Chúa. Nhưng sự gian lận đã bị phơi bày khi chính vị Giám Mục lên tiếng phủ nhận. Chuyện này làm cho chúng tôi đỏ mặt vì xấu hổ, chúng tôi chỉ mong được độn thổ vì mất danh dự cho sự gian lận, dối trá và lừa đão này. Rồi người ta lại đưa cho tôi lá thư thứ hai tưởng là chính vị Giám Mục gửi cho tôi qua người giúp việc của ngài là Astérios. Nhưng rồi lá thư đó cũng không xác thực nốt, vì chính vị Giám Mục đã bác bỏ trước mặt người anh em đáng kính Antimos, như chính ông đã thuật lại cho chúng tôi. Biết phải nhận những gì những gì do chú và những người của chú gửi đến thế nào đây ? tôi mong có một trái tim bằng đá để không nhớ tới quá khứ cũng như không nhận ra mình trong hiện tại hầu có thể chịu đựng được mọi xúc phạm, mắt luôn nhìn xuống đất như một con vật (.)

 

Nếu tôi phải viết cho chú điều đó chính là để chống lại tính ngây thơ của chú (trong những trường hợp khác, tôi thấy tính ngây thơ này hẳn thích hợp với người Kitô hữu, nhưng trong lúc này tôi không thấy thích hợp tí nào cả) để trong tương lai, ít ra chú phải lo mà đề phòng và cũng phải kiêng nể tôi, vì (tôi phải thành thực nói với chú) trong lãnh vực này chú là một tác viên không đáng tín nhiệm (.)

 

Vả lại, chú nên có những lo toan khác trong lúc này, vì chú là em tôi, vì chú chưa quên, tình máu mủ và vì chú không xem chúng tôi là kẻ địch : quả thật, chúng ta đã bị đưa vào một cuộc sống, cuộc sống này nghiền nát thân xác chúng ta, ngược đãi linh hồn chúng ta, vì nó vượt quá sức lực của chúng ta. Tuy nhiên, vì chú đã xông vào trận chiến như thế, thì giờ đây chú cũng phải hiện diện ở đó và hãy lo mà gánh lấy trách nhiệm.

Basile, Lá thư 58. Gửi cho Grégoire, em ông. C.U.F.

1957, trang 145 - 146. Bản dịch : Y. Courtonne.

 

Trong lá thư 100 gửi Eusèbe de Samosate (372), Basile lại tố giác sự ngây thơ của Grégoire de Nysse, người "tập họp các hội nghị ở Ancyre và cũng chính là người coi thường các hội nghị đó".

 

CUỘC HÀNH HƯƠNG JÉRUSALEM ? CHÚA THÁNH THẦN "KHÔNG THỂ ÐẾN VỚI CHÚNG TA".

 

Khi vua Constantin trở lại, những hang động thánh ở Palestin đã được hoàn trả lại cho việc phượng tự của Kitô giáo và các đoàn hành hương tăng lên rất nhanh (xem Égérie hay Éthérie cùng thời với đoạn văn của Grégoire và những cuộc tranh cãi chung quanh vụ thánh Jérome ở phần dưới). Vào năm 382 - 383, trong bức thư gửi cho ba người hành hương đạo đức. Grégoire có lẽ là người đầu tiên chống lại lòng đạo đức bình dân này. Các lý luận của ngài, thừa hưởng một phần của các vị tiền bối, và thường được người ta lấy lại vào thời Trung Cổ.

 

Trong số những người chọn đời sống độc thân, có những kẻ cho rằng việc được nhìn thấy những nơi chốn tại Jérusalem, những chỗ mà người ta chiêm ngưỡng các dấu tích của Chúa khi Ngài đến trong xác phàm, đó là việc của lòng đạo đức (.). Nhưng khi Chúa kêu gọi những người được chúc phúc đến hưởng Nước Trời, Ngài đâu có xếp việc hành hương Jérusalem vào số những việc lành của họ. Khi Ngài công bố các mối phúc, Ngài đâu có đặt thứ lòng sùng mộ đó vào số các mối phúc (.). Và thậm chí nó có là việc hữu ích đi nữa, thì những người hoàn hão cũng không nên ao ước chuyện đó (.). Những bó buộc của cuộc hành trình sẽ kéo theo sự chểnh mảng các việc bổn phận (.). Một phụ nữ không thể đi cả một lộ trình như thế mà lại không cần một người dẫn đường (.). Và khi người phụ nữ phó thác mình cho một người đàn ông xa lạ hoặc thân thuộc thì người phụ nữ ấy sẽ làm phương hại đến luật tiết dục. Vì các quán ăn, quán trọ, và các thành thị phương Ðông là những chỗ hết sức tự do, dễ dãi với những chuyện xấu xa ; làm sao đi qua khói mà không cay mắt cho được ? (.) và kẻ đi tới được những chỗ danh tiếng đó thì được lợi ích gì ? Người đó không thể nghĩ tưởng rằng ngày nay, Chúa rời bỏ chúng ta, những người ngoại quốc, để đến sống ở đó bằng xương bằng thịt, hay nghĩ rằng Chúa Thánh Thần có dồi dào tại Jérusalem. Nếu quả thực có thể suy diễn sự hiện diện của Thiên Chúa từ các biểu tượng hữu hình, thì việc giả thiết Chúa đang hiện diện tại Cappadoce hơn bất cứ nơi nào khác là điều hữu lý hơn. Thực vậy ở Cappadoce, có biết bao nhiêu bàn thờ trên đó Danh Chúa được tôn vinh ? Có lẽ không nơi nào trên thế giới người ta đếm được nhiều bàn thờ như thế. Hơn nữa, nếu ở Jérusalem có nhiều ân sủng hơn thì tội lỗi hẳn sẽ không thành thói quen đối với những người ở đó đến mức như thế. Thế mà, chẳng có thứ tội nào mà họ không dám phạm : trụy lạc, dâm ô, trộm cắp, thờ ngẫu thượng, đầu độc, ghen tương và giết người, nhất là các thứ tội ác thâm căn cố đế mà không ở đâu có ngoài những nơi này, đó là sẵn sàng giết người cách tàn nhẫn vì bã danh lợi (.) Trước cũng như sau ngày chúng ta lưu lại Jérusalem, chúng ta đều tuyên xưng rằng Ðức Kitô, Ðấng đã xuất hiện là Thiên Chúa thật. Niềm tin của chúng ta vào Ngài cũng chẳng tăng thêm sau cuộc hành hương. Trước khi đến Bêlem, chúng ta biết rằng, Ðức Giêsu đã làm người nhờ trung gian Ðức Trinh Nữ Maria. Trước khi thấy ngôi mộ của Ngài, chúng ta tin rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết. Nếu không nhìn thấy Núi Cây Dầu, chúng ta vẫn tuyên xưng chân lý : Ngài đã lên trời.

 

Lọi ích duy nhất mà chúng ta rút được từ cuộc hành hương đó là : nhờ có thể so sánh, chúng ta hiểu được rằng quê hương chúng ta còn thánh thiện gấp mấy lần xứ người . Thay đổi nơi chốn cũng chẳng làm chúng ta tiến gần Thiên Chúa thêm chút nào. Dù bạn có ở đâu đi nữa thì Thiên Chúa cũng sẽ đến với bạn, miễn là các căn phòng của tâm hồn bạn phải thế nào để Ngài có thể cư ngụ nơi bạn. Nếu con người nội tâm của bạn chất đầy những tư tưởng xấu xa, thì dù bạn có đứng trên đồi Golgotha, trên núi Cây Dầu, trên tảng đá kỷ niệm biến cố Phục Sinh đi nữa, bạn vẫn còn rất xa với việc đón tiếp Ðức Kitô vào trong tâm hồn bạn, xa chẳng kém gì người chưa hề tuyên xưng Ngài.

 

Vậy, bạn yêu quý, hãy khuyên các anh em đi hành hương từ thân xác mình về Thiên Chúa, chứ đừng đi từ Cappadoce về Palestine. Thánh Thần thổi đâu tùy Ngài muốn : từ đấy các tín hữu thông phần vào ân sủng nhờ Luật Ðức Tin (Rm 12, 6) chứ không phải nhờ cuộc hành hương tới Jêrusalem.

Thư số 2, PG 46, 1010 - 1016. Trad. Liébaert

 

MỘT CÔNG TRÌNH KHÔNG NGỜ.

 

Theo nhiều người, trong số ba vị Cappadoce, Grégoire de Nysse là vị để lại công trình quan trọng hơn cả : tất cả các trước tác từ khảo luận "Sur la Virginite" (371), đều xuất hiện từ năm 379 trở về sau. Công trình vừa đa diện, vừa dồi dào : gồm những bài trình bày giáo lý, các bài bình giải (commentaires exégétiques), khảo luận về tu đức, các bài giảng (homélies), và diễn từ (discours), chúng ta có thể phân loại như thế, nhưng nội dung không hề bị hạn chế bởi các thể loại văn chương. Trong Kitô giáo cổ thời Grégoire de Nysse không được truyền bá và phiên dịch như các vị Cappadoce khác. Bù lại, từ khoảng nửa thế kỷ nay, ngài lại là một Giáo Phụ, được nghiên cứu nhiều hơn hết, dựa trên cơ sở một bản văn được bình chú (texte critique) mà W. Jaeger và H. Langerbeck đã góp phần xây dựng, và, có thể nói, nhuận sắc lại nữa. Ở Pháp, dưới sự thúc đẩy có lẽ là của Hans Urs Von Balthasar và nhờ chỗ dựa vững chắc, nhất là về khoa ngữ văn học (philogie) của cha Aubineau, Daniélou đã sớm đi sâu vào cuộc tái khám phá này.

 

SƠ LƯỢC VỀ TÁC PHẨM.

 

Các tác phẩm của ngài thường rất khó xác định ngày tháng, dài ngắn rất khác nhau, nội dung pha trộn rất phức tạp. Ở đây, chúng ta phân chia một bên là các tác phẩm triết học và thần học, một bên là các tác phẩm tu đức và chú giải. Cũng nên biết rằng sự phân chia này hoàn toàn tương đối, phỏng chừng.

 

I. CÁC BẢN VĂN TRIẾT HỌC VÀ THẦN HỌC.

 

* Thiên về triết học :

 

(1.) Contre le destin (Chống lại định mệnh) : một tranh luận ngắn với người ngoại giáo về sự Quan Phòng.

 

(2.) Aux Grecs, à partir des notions communes (Với người Hylạp, khởi xướng đi từ những khái niệm chung) : Hướng về Chúa Ba Ngôi.

 

(3.) Sur la^me et la résurrection (Về linh hồn và sự sống lại) : mang đậm màu sắc triết thuyết Platon và thần bí.

 

* Thiên về luân lý :

 

Các bài giảng về "Yêu người nghèo" và "Chống lại người cho vay nặng lãi" ("Sur lamour des pauvres" et "Contre les usuriers") (A.G. Hamman, Riches et Pauvres dans lÉglise ancienne, no.6, Paris, 1962).

 

* Thiên về thần học :

 

(1.) Contre Eunome (380 - 383) (Chống lại Eunome) là một khảo luận dài chiếm bộ sách, được W. Jacger sắp xếp lại theo thứ tự niên biểu, bao gồm "La Réfutation de la profession dEunome" (Bác bỏ tuyên tín của Eunome).

 

(2.) A Théophile contre les apollinaristes, (Gửi Théophile, chống phái Apollinaires) : là một bài trình bày ngắn.

 

(3.) Antirrhéticus contre Apollinaire (Phản bác chống Apollinaire) : có những trích dẫn quan trọng và phong phú.

 

(4.) Bài giảng "Sur le Saint-Esprit contre les macédoniens pneumatomaques" (Về Chúa Thánh Thần, chống lại phái Macédonius - những kẻ chống Thánh Thần).

 

(5.) Thư gửi cho Eustathe (= lá thư số 189 của Basile) nhằm bênh vực Chúa Thánh Thần.

 

(6.) Quil ngườiy a pas trois dieux et autrea opuscules (Không có Ba Chúa và các tập sách nhỏ khác).

 

(7.) Bài giảng về "Quand il se sera soumis toutes choses" (1Cor 15, 28) (Khi mọi sự phục quyền Ngài), nói về ngày tận thế hay ngày Phục Sinh toàn thể nhờ Ơn Cứu Chuộc.

 

(8.) Discour Catéchétique hay Grand catéchèse, là một tiểu luận về thần học có hệ thống (Ba Ngôi, Nhập Thể, Cứu Chuộc, Phép Rửa và Phép Thánh Thể), dựa nhiều vào Origène (coll. Les Pères dans la foi, 1978).

 

II. CÁC BẢN VĂN TU ÐỨC VÀ CHÚ GIẢI KINH THÁNH.

 

* Chú giải khác sát nghĩa (nghĩa đen) :

 

(1.) Sue la création de lhomme (SC no. 6) (về việc sáng tạo con người).

 

(2.) Explication apologétique de lHexáeméron (Giải thích hộ giáo về Hexáeméron - tức là về Sáu Ngày theo tạo dựng). Gồm hai cuốn viết năm 373, có liên quan mật thiết với tác phẩm của Basile vì nó bổ túc và sửa chữa các bài giảng của Basile về Sáu Ngày Tạo Dựng (Hexáeméron).

 

* Chú giải theo nghĩa ẩn dụ và thiêng liêng :

 

(1.) Về các tựa đề của các Thánh Vịnh, về Thánh Vịnh 6, về sách Giảng Viên, về Kinh Lạy Cha, về Thư I Corintô.

 

* Chú giải theo nghĩa ẩn dụ, chủ yếu mang tính chất thần bí :

 

(1.) Vie de Moise (Cuộc đời Môsê) (SC 1bis).

 

(2.) Các bài giảng về Diễm Tình Ca (15).

 

(3.) Các bài giảng về các Mối Phúc (8).

 

* Về tu đức nói riêng :

 

(1.) De la Virginité (Về Ðức trinh khiết) : là bài ca ngợi về đức trinh khiết nội tâm, đồng thời bênh vực một cách nào đó thân xác và hôn nhân, chống lại những người quá nghiêm ngặt (SC no. 119).

 

(2.) De la perfection (Về sự hoàn thiện).

 

(3.) De la profession du Chrétien (Về việc tuyên xưng đức tin của Kitô hữu).

 

(4.) De la règle Chrétienne (De instituto Christiano) (Về qui luật Kitô giáo), đã được W. Jaeger khôi phục lại nguyên vẹn, tác phẩm này liên hệ mật thiết với cuốn "La Grande lettre de Macaire" và đang bị tranh cãi rất nhiều (soạn trước hay sau Grand Lettre của Macaire ? Có chính thực là của Grégoire de Nysse không ?).

 

 

II. MỘT THẦN HỌC UY MÃNH.

 

THIÊN CHÚA, ÐẤNG SÁNG TẠO VÀ CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI :

LỖI PHẠM CỦA CON NGƯỜI.

 

Tất cả giáo thuyết của Grégoire chỉ có thể hiểu được khởi từ Thiên Chúa, Ðấng Tuyết Ðối, đó là chìa khóa tư tưởng của ngài. Ðấng tự yếu tính là vô hạn và bất biến, thượng trí và tuyệt đối tự do. Ngược lại, mọi thụ tạo - theo định nghĩa - đều hữu hạn và biến đổi : vì hiện hữu của thụ tạo là từ vô (non-être) chuyển sang hữu (lêtre), nên tự bản chất, tạo vật bao hàm sự đổi thay. Tạo vật được phân chia thành những thực tại siêu vũ trụ (réalités hypercosmiques), là những thực tại được tham dự khả tri tính (intelligibilité) của Thiên Chúa, và thành các hữu thể vũ trụ (êtres cosmiques) là những hữu thể vật chất và khả giác. Tinh thần không thể bị giản lược vào vật chất.

 

Nhưng sau đó, con người xuất hiện, nơi con người, Ðấng Sáng Tạo thực hiện sự hỗn hợp giữa khả tri và khả giác (lintelligible et le sensible). Nơi con người, tinh thần được kết với một thể xác phàm trần, không phải vì sự sa ngã (chute) nào đó của linh hồn như Origène dưới ảnh hưởng của thời Platon - đã nghĩ, nhưng đó là do Thánh Ý Thiên Chúa, nói theo ngôn ngữ Cappadoce. Vì tự yếu tính là đổi thay như mọi thụ tạo khác, con người nằm trong thời gian, thời gian ở đây chỉ là hiện hữu trải dài của nhân loại (durée de lhumanité), và con người theo đuổi vận hành của mình trong lịch sử, một vận hành có thể có tiến bộ nhờ không ngừng vươn tới một hiện hữu sung mãn hơn (passage perpétuel à plus dêtre). Ðược dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nhờ Người và cho Người, con người bảo đảm sự hiện diện của tinh thần ở nơi vật chất, và ngược lại. Con người còn được thông phần tự do của Thiên Chúa và toàn bộ những ưu phẩm của Người, nếu không thì không còn là hình ảnh nữa. Ðược dựng nên theo ý của Thiên Chúa, con người sống trong một trạng thái như thiên thần. Tuy nhiên, thân xác có chỗ đứng như thế nào trong trạng thái này thì không được xác định rõ lắm, vì con người ấy sinh sôi nảy nở mà không xử dụng đến phái tính. Con người là một hữu-thể-biên (un être frontière), tiếp giáp với thần linh, nhưng vẫn biến đổi trong tự do của mình, vì tự do cũng được tạo dựng, không ngừng phải chọn lựa giữa thiện và ác và luôn có nguy cơ đánh mất sự duy nhất của mình. Như thế con người là tất cả (hay hầu như vậy) và không là gì cả (hay hầu như vậy) và Grégoire rất thích nói về "huyền nhiệm" này.

 

Nhưng rồi, con người đã xử dụng tự do của mình để "nhìn về đất", đó không phải là lỗi của Thiên Chúa ! "Khi ánh dương bừng chiếu" (.) nếu ai đó tự ý nhắm mắt không muốn nhìn, thì mặt trời đâu chịu trách nhiệm về việc người ấy không trông thấy ; ấy là nguyên tội. Grégoire không hoàn toàn lập lại lý thuyết của Origène về sự tiền hữu của các linh hồn và của một tội phạm trước, Ngài nói đến tội do Adam phạm, nhưng không nhấn mạnh trên sự kiện độc nhất. Ngài nói đến tội của "những người đầu tiên", đồng thời cũng nói đến tội của "người đầu tiên". Ðúng hơn ngài quan niệm nguyên tội như việc làm của tất cả bản tính nhân loại, bắt đầu nơi Adam, tiếp diễn trong tội riêng của từng người, với trách nhiệm như nhau. Dầu sao, lỗi phạm đầu tiên này cũng gây ra một "xáo trộn phổ quát" thay vì trạng thái thơ mộng lúc ban đầu của vương quyền, của cái đẹp, của tính cách làm chủ tuyệt đối, của sự tự lập. Khi con người, do ngộ nhận đã sa xuống dưới, sa vào trong sự dữ, vào trong sự phi lý ; bấy giờ cuộc tạo dựng thứ hai xảy đến : con người, từ nay, là nam là nữ. Khi đã được mặc cho "bộ da" của thân phận loài vật và có phái tính, thì liền bị xâu xé giữa một bên là những đam mê của cảm tính thống trị và bên kia là khát vọng say mê của bản tính nguyên sơ, là bản tính vẫn tiếp tục vươn về Thiên Chúa một cách vô vọng. Ác thần giam hãm nhân loại cho đến thời cứu chuộc ; đây là hồi kết thúc màn khiêu vũ với các thiên thần, kết thúc bản "giao hưởng thần hứng" của vũ trụ đồng thanh.

 

CON NGƯỜI, HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA, CHIA SẺ SỰ TỰ DO CỦA THIÊN CHÚA.

 

(9) Tính chất bất thường của những hoàn cảnh hiện tại của đời sống con người không đủ để chứng minh rằng con người đã không bao giờ sở hữu những điều thiện hảo đó. Thực vậy, con người xét như là tác phẩm của Thiên Chúa, Ðấng đã lấy lượng hải hà của Ngài để dẫn đưa con người tới sự sống, thì cứ đúng lý, không ai lại có thể nghi ngờ rằng, kẻ nhờ lòng tốt lành của Thiên Chúa mà hiện hữu lại bị chính Ðấng Sáng Tạo nên mình dìm vào trong sự dữ. Như vậy đã có một nguyên nhân khác gây ra hiện trạng của chúng ta, làm cho chúng ta mất đi một tình trạng đáng ao ước hơn. Cả về điểm này, khởi điểm suy luận của chúng ta cũng cần phải đạt được sự tán đồng của đối phương. Thực vậy, Ðấng đã dựng nên con người, cho con người được thông phần vào chính các ân huệ của Ngài, và khi tạo nên bản tính con người, Ngài đã đặt vào bản tính đó nguyên lý của tất cả những gì là tốt đẹp, để cho mỗi năng hướng nơi con người (disposition) hướng niềm khao khát của con người về ưu phẩm thần linh tương ứng, Ðấng ấy làm sao lại tước bỏ những gì là đẹp đẽ nhất, quí giá nhất trong các ân huệ đó được, tôi muốn nói về ân huệ được sống tự do, tự chủ. Quả vậy, nếu đời sống con người lại bị một điều gì đó tất yếu dẫn dắt, thì lúc đó hình ảnh (con người là hình ảnh Thiên Chúa) sẽ thành dối trá, sai lạc, vì hình ảnh đó đã bị biến dạng bởi một yếu tố khác biệt với nguyên mẫu. Làm sao gọi được là hình ảnh của bản tính tối thượng khi mà con người phải phục tùng và lệ thuộc những điều tất yếu ? Nếu thực sự là hình ảnh hoàn toàn của Thiên Chúa thì tất nhiên con người phải có được ý chí tự do và tự chủ trong bản tính của mình, để cho sự thông phần vào các ưu phẩm của Thiên Chúa trở thành phần thưởng của công đức.

 

Bạn hẳn sẽ nói : Vậy do đâu mà một hữu thể được ban tặng tất cả, không trừ một ưu quyền cao quí nào, lại đi đổi lấy một đời sống thấp kém hơn ? Ðiều này thực ra cũng dễ giải thích. Không có bất cứ sự xuất hiện nào của sự dữ mà lại là do ý muốn của Thiên Chúa, nếu không, tội lỗi xấu xa sẽ không còn đáng trách nữa, vì nó sẽ viện dẫn Thiên Chúa như là người tạo ra và là tác giả. Nhưng sự dữ phát sinh là từ bên trong, nó hình thành do hiệu quả của ý muốn chúng ta mỗi một khi linh hồn lìa xa sự thiện. Thật vậy, cũng như cái nhìn là hoạt động của một khả năng tự nhiên và mù loà là sự thiếu mất hoạt động đó, thì giữa nhân đức và tật xấu cũng có sự đối lập như vậy. Không thể quan niệm hiện hữu của sự dữ cách nào khác ngoài việc coi đó như là sự thiếu vắng nhân đức.

 

(12) Ánh sáng biến mất dần dần thì cũng kéo theo bóng tối, vì bóng tối không hiện hữu trước ánh sáng. Cũng vậy, bao lâu sự thiện còn hiện diện trong bản tính chúng ta thì sự dữ tự nó không hiện hữu được, chính sự biến mất của yếu tố trước đã làm phát sinh yếu tố sau. Như thế, khi hiểu đặc tính của tự do là lựa chọn đối tượng mình muốn cách tự do, thì trách nhiệm về các sự dữ mà ngày nay bạn đang phải chịu không thể qui cho Thiên Chúa, Ðấng đã tạo nên bản tính tự do và tự chủ của bạn, mà phải qui cho sự thiếu khôn ngoan của bạn, vì đã chọn điều tệ hại thay vì điều tốt đẹp hơn.

Discours catéchétique V, 9 - 12. Coll. Textes

et documents. Hemmer et Lejay, p. 30 - 33. Trad. L. méridier.

 

CON NGƯỜI TRƯỚC ÐẤNG KHÔN TẢ : TRI THỨC VỀ THIÊN CHÚA.

 

* Thiên Chúa "ở bên kia mọi danh xưng".

 

Tội lỗi, hiển nhiên, chỉ là khơi rộng thêm cái khoảng cách mà Grégoire, trên bình diện hữu thể luận đã đặt giữa Ðấng Sáng Tạo và con người thụ tạo. Vô hạn - theo định nghĩa - là cái bất khả đạt thấu, "bên kia mọi danh xưng". Tri thức mà chúng ta tưởng có được về Ðấng vô hạn thực ra là vô tri (inconnaissance). Trí năng của chúng ta "chỉ đạt tới chỗ nắn ra một ngẫu tượng về Thiên Chúa". Các hoàn cảnh xảy đến đã khiến cho quan điểm triết học này của Grégoire càng cứng rắn hơn. Sau Basile, ngài đụng độ với Eunome de Cyzique, một người thuộc bè Arius, thấm nhiễm luận lý của Aristote, đã xác quyết rằng trí tuệ con người có thể thấu suốt yếu tính của Thiên Chúa, Thiên Chúa là tác giả của ngôn ngữ và là Vị đặt tên cho vạn vật ngay cả trong sự đa phức của chúng ; Người thông tri những điều ấy cho những tôi tớ được linh hứng của Người. Lẽ nào họ lại không diễn tả Người một cách thích đáng được ? Grégoire đối lại : Thiên Chúa tự khải qua những điều Người tỏ lộ, nhưng chính hữu thể của Người thì không bao giờ thấu đạt được. Ngài thêm rằng, dù sao, ngôn ngữ vẫn là sản phẩm của loài người. Ngay cả ngôn ngữ của Thánh Kinh cũng bị giới hạn vào những biểu tượng vay mượn ở thế giới khả giác : ngôn ngữ không đủ để diễn tả sự vô hạn của Thiên Chúa, Ðấng thực sự là khôn tả. Người ta chỉ có thể nói về Thiên Chúa điều Người không là (ce quil ngườiest pas). Ðây là điều mà người ta gọi là thần học phủ định (théologie négative).

 

* Tri thức về điều bất khả tri (linconnaissable).

 

Nhưng Grégoire không dừng lại ở đó, ngay trong khảo luận đầu tiên của ngài "De la Virginité", ngài có viết rằng, linh hồn, một khi đã được giải thoát khỏi những đam mê thì lại có thể nhận biết Thiên Chúa, được kết hợp với Chúa Kitô trong hôn phối thiêng liêng và hầu như được phục sinh vậ. Suốt khoảng 15 năm, trong nhiều tác phẩm khác nhau, ngài đã minh xác lộ trình đi lên của một tri thức nào đó, cố nhiên, lộ trình này không hoàn toàn mạch lạc, đặc biệt trong những ẩn dụ được xử dụng nhằm diễn tả những thực tại phần nào vượt quá lý trí : Ánh sáng, đám mây, bóng tối . thật là bước đi lên kỳ lạ với cái nhìn của người phàm tục, tuy nhiên đây là một bước đi lên khá vững chắc, vì dựa trên triết thuyết Platon đã được Kitô hóa đúng mức và dựa trên một bậc thầy là Origène. Các chặng đường đi lên, tuy chưa được rõ lắm về các điểm chuyển tiếp, nhưng chỗ nào người ta cũng có thể nhận ra ba chặng mà ngài vạch rõ trong cuốn "Cuộc đời Môsê" (Vie de Moise).

 

Chặng đầu tiên là một hình thức dự bị và chủ yếu thuộc bình diện luân lý. Ðây là chặng khổ chế, nhằm đạt đến trạng thái không còn những đam mê, dục vọng, đây là trạng thái "apatheia" nổi tiếng mà phái Khắc Kỷ minh họa và được tất cả nền luân lý của các Giáo Phụ lấy lại với những sắc thái và những dè dặt khác nhau. Ðây là giai đoạn siêu vượt thân xác, là con đường thanh luyện (Thanh đạo, voie purgative), nó là điều kiện của bước đi lên (la montée) chứ chưa thật sự là đi lên. Ở cấp tiếp theo, Grégoire cho thấy ngài không chút nghi ngờ khả năng của chúng ta có thể biết được điều gì đó về Thiên Chúa. Kitô hữu có thể vận dụng tinh thần nhằm tự gỡ mình khỏi cái khả giác và đọc ra ý nghĩa của các dấu chỉ, các biểu tượng tức là những tia sáng còn tạm bợ, và đó là những tỏ hiện của Thiên Chúa, những "thần hiển" (théophanie) : vũ trụ tạo thành biểu lộ cho Kitô hữu sự cao cả của Thiên Chúa ; còn lịch sử cứu độ, "nhiệm cục" (économie) thì mạc khải cho Kitô hữu đặc biệt về lòng "nhân ái" (philanthropie) của Thiên Chúa. Như vậy Kitô hữu đạt tới các "danh xưng" và các ưu phẩm của Thiên Chúa, tức thế giới khả niệm của Platon (monde intelligence), đối tượng của sự chiêm ngắm (théoria) hay của tri thức (gnose). Ðằng sau những chuỗi sự kiện thấy được, và đó là những phản ánh (reflets) của ý định Thiên chúa, Kitô hữu thấu triệt các hữu thể, cho đến tận biên giới tiếp giáp với Thiên Chúa, thấu triệt các định luật cũng như các mối dây tất yếu nối kết chúng (akolouthia), và chính những định luật, những mối dây liên kết đó biện chính cho việc "hệ thống hóa thần học". Một cách nào đó có thể nói đây là con đường soi sáng (minh đạo - voie illuminative) và là cấp độ của các giáo thuyết thần học.

 

Chúng ta còn phải vượt qua thế giới của tinh thần của những ý niệm, phải từ bỏ thế giới đó và, qua đêm tối của trí tuệ, đạt tới thế giới của Nhất Thể (lUn) mà Plotin đã đoán ra, nhờ một kinh nghiệm siêu lý (supprarationnelle), trong sự hiển lộ lặng im của hiện diện thần linh. Ðây là con đường kết hiệp (voie unitive) con đường thần hiệp mà sau này sẽ được xác định rõ hơn (mystique).

 

NGÔN NGỮ LÀ VIỆC CỦA CON NGƯỜI.

 

Cũng như những bản tính của các vật thể, vì là tác phẩm của Ðấng Sáng Tạo, đều xuất hiện cùng một cách đối với mọi người và không có bất cứ một sự khác biệt nào về tri giác nơi con người khi chúng ta tiếp xúc với lửa hoặc khí, hoặc nước, chỉ có một bản tính bất biến trong tất cả hoạt động cùng một thể cách và không hề bị biến đổi do sự khác biệt của các chủ thể tham dự - cũng thế, nếu như Thiên Chúa ấn định tên gọi cho các sự vật, thì hẳn mọi người đều theo cùng một ch1 đặt tên đó.

 

Nhưng, trong thực tế, bản tính của các sự vật, xét vì được Thiên Chúa ấn định, nên vẫn bất biến, trong khi các từ ngữ chỉ các sự vật đó lại bị phân chia thành bấy nhiêu ngôn ngữ khác nhau, đến nỗi khó mà đếm được có đến bao nhiêu ngôn ngữ (.) Ðối với người này hay người kia thì đá hoặc gỗ đều xuất hiện như nhau, thế nhưng thên gọi vật thể lại khác nhau đối với mỗi người. Như vậy, nguyên lý của chúng ta vẫn vững chắc theo đó, ngôn từ nhân loại là những phát minh của chúng ta.

 

Thuở ban đầu, lúc con người còn đang xử dụng cùng một ngôn ngữ, chúng ta không thấy Kinh Thánh nói gì đến việc Thiên Chúa dạy các từ ngữ cho con người, và sau khi con người chia rẽ thành bao nhiêu thứ tiếng khác nhau, cũng không thấy nói đến một thiên luật ấn định mỗi thứ tiếng phải diễn đạt thế nào. Nhưng, vì Thiên chúa muốn cho loài người xử dụng nhiều thứ tiếng khác nhau, Ngài đã để cho bản tính nhân loại phát triển tự nhiên, và bản tính đó đã kết cấu các âm thanh nơi mọi người cách tự do để phát biểu rõ ràng các từ ngữ.

 

Như Môsê, là người sinh ra sau việc xây tháp (Babel) rất nhiều thế hệ, nhưng ông chỉ xử dụng một thứ tiếng duy nhất - sau biến cố tháp Babel - để thuật lại lịch sử khai nguyên của thế giới. Ông gán cho Thiên Chúa một số câu nói trong khi xử dụng ngôn ngữ của chính mình để trình thuật, thứ ngôn ngữ mà ông đã được dạy dỗ và đã trở thành quen thuộc đối với ông, và Môsê cũng không biến đổi các lời nói của Thiên Chúa đi bằng một thứ ngôn ngữ khác lạ nào đó với ý đồ lấy cái vẻ khác lạ của ngôn ngữ và việc thay đổi các danh từ để chúng minh rằng những lời đó đích thực là của Thiên Chúa. Ông đã sử dụng ngôn ngữ quen thuộc của mình để trình bày vừa những điều liên quan đến ông vừa những điều liên quan tới Thiên Chúa (.) Như vậy, Môsê đã diễn đạt theo môi trường trong đó ông được sinh ra, được giáo dục. Ông gán cho Thiên Chúa những lời mà ông vẫn thường được nghe nói ; do tình trạng thơ ấu lúc bấy giờ của những người đang được dẫn dắt tới sự nhận biết Thiên Chúa, để ý muốn của Thiên Chúa được tỏ bày rõ ràng dễ hiểu, và để làm cho người nghe trở nên thuần thục dễ bảo, nhờ lòng kính sợ do uy thế của người nói gợi lên.

Contre Eunome XII, PG 45. 996A - 997D

Dịch dựa theo bản dịch của J. Liébaert.

ÁNH SÁNG, ÐÁM MÂY, BÓNG TỐI.

 

Sự tỏ hiện của Thiên Chúa cho Môsê vĩ đại xảy ra trước hết là qua ánh sáng (từ bụi gai), sau đó Thiên Chúa đã nói với ông trong đám mây, cuối cùng khi đã trở nên hiểu biết hơn, hoàn hảo hơn, Môsê được nhìn thấy Thiên Chúa trong bóng tối . Ðây là điều chúng ta cần phải học hỏi qua tiến trình này. Ði từ bóng tối tới ánh sáng là hành vi tách biệt đầu tiên, khỏi những ý tưởng sai trái và lầm lạc về Thiên Chúa. Trí tuệ chú ý hơn tới những thực tại ẩn giấu sẽ dẫn đưa linh hồn đi từ những sự vật hữu hình tới thực tại siêu hình, ví tựa một đám mây che tối mọi thực tại khả giác (.) Cuối cùng, khi đã đi qua những con đường đó tiến về những điều trên cao, rời bỏ các thực tại trần thế theo như khả năng con người có thể, linh hồn tiến vào trong các thẩm cung của tri thức về Thiên Chúa, được bóng tối thần linh bao trùm trọn vẹn.

(Hom. sur Le Cant. des Cant. XI, PG 44, 1000 CD)

 

MỘT LUẬN LÝ THỰC TẾ.

 

Tư tưởng của Gréogire tự căn bản là qui hướng về Thiên Chúa. Hiển nhiên ngài chủ yếu không phải là nhà luân lý. Thế những cả những luận đề quan trọng cũng như những áp dụng cụ thể nhất đều được ngài đề cập đến. Nếu ta thu thập lại tất cả những gì mà ngài đã viết về các dục vọng đam mê kể từ khảo luận đầu tiên "De la Virginité" của ngài thì hẳn không phải là điều vô ích, và người ta có thể lấy làm mừng với việc Augustin hẳn đã không biết đến phần mà "nhà thần học của tự do" dành cho sáng kiến của con người, tất nhiên nhà thần học này nhìn vấn đề trong một viễn tượng khác.

 

Dù sao, Grégoire de Nysse trong tư cách là mục tử, đã biết làm một con người thực tế như các đồng sự của ngài. Trong hai bài giảng "Về lòng yêu thương người nghèo" (Sur larmour des pauvres) và "Chống những kẻ cho vay nặng lãi" (COntre les usuriers), ngài đã tìm lại được nguồn cảm hứng và lý tưởng của họ. Ðể lên án việc cho vay lấy lãi, ngài dựa hẳn "vào cha Basile thần thánh của chúng ta" (là anh cả thôi), trong khi khiêm tốn lấy làm tiếc vì "chưng ra một chiếc cộ do lừa và bò kéo, bên cạnh những chiến mã uy phong của người". Cũng như Basile, ngài tố giác chế độ cho vay là trái nghịch với luật của Thiên Chúa ; chế độ này, thay vì phá bỏ nghèo đói, lại chỉ làm cho trầm trọng thêm. Ngài phác họa chân dung của kẻ cho vay nặng lãi với khuôn mặt lo lắng chẳng kém gì La Bruyère và mô tả về cái chết bất đắc kỳ tử của hắn như một ngụ ngôn báo trước ngụ ngôn "anh nông phu và bầy con" (Le laboureur et ses enfants). Xoay quanh sự nghèo khổ, ngài khai thác thần học về con người, hình ảnh Thiên Chúa : Chớ khinh bỉ người nghèo (.) hãy tự hỏi họ là ai và bạn sẽ khám phá ra sự cao cả của họ : họ có khuôn mặt của Ðấng Cứu Thế . Cảm thương và chia sẻ là những điều Thiên Chúa ưa thích, người mang những tâm tình như vậy sẽ được chính những tâm tình đó thần hóa (.), làm cho người ấy nên hình ảnh của Hữu Thể uyên nguyên vĩnh hằng, Ðấng siêu vượt mọi trí tuệ. Ðặc biệt đối với những người phong cùi "những kẻ được sinh ra theo hình ảnh Thiên Chúa và được uỷ thác việc cai quản trái đất", Grégoire đòi cho họ quyền thuộc về nhân loại : "Ðừng xé mất sự duy nhất mà Thần Khí đã đặt vào thế giới ; tức là, chớ coi những hữu thể cùng mang bản tính như chúng ta là những kẻ xa lạ", và ngài miêu tả cảnh tượng "đã từng đánh động mình đến ứa nước mắt". Ngài miêu tả còn sống sượng hơn cả Grégoire de Nazianze nữa.

 

Trong cuốn "Chú giải sách Giảng Viên" (Commentaire de lEcclesiaste) có lẽ ngài đẩy xa hơn anh của ngài luận đề về cộng đồng nguyên thuỷ, ngài liên kết luận đề này với vẻ huy hoàng của hình ảnh Thiên Chúa có nơi mỗi người, trong khi sự phân biệt giữa "cái của tôi và cái của anh" lại phát xuất từ sự sa đoạ ban đầu (déchéance originelle). Cũng trong tác phẩm này, ngài tố giác cách riêng chế độ nô lệ : vì, con người tự yếu tính thông phần tự do của Thiên Chúa, bắt con người làm nô lệ là hủy hoại con người. Lối lập luận này có lẽ là lối lập luận đặc trưng của ngài.

 

NGƯỜI CHO VAY NẶNG LÃI DƯỚI MẮT GRÉGOIRE HAY LA BRUYÈRE.

 

Ông cho vay nặng lãi đếm từng ngày, tính từng tháng, luôn nghĩ về số vốn, mơ về lợi nhuận, run lên vì lo không biết món tiền đến hạn phải trả có béo bở hay lại lép như hạt lúa mì bị mưa đá : ông dò xét chuyện làm ăn, việc đi lại, từng bước chân, việc buôn bán của người vay nợ. Nếu ông có nghe thấy cái tin đồn nhảm nào đó bảo anh vay nợ nọ đã để cho bọn ăn cắp tấn công hay một thứ tai họa gì gì đó thình lình làm anh ta sạt nghiệp, thì ông liền ngồi sụp xuống, tay chân vần vò hết than đến thở. Ông trải tờ giao kèo ra mà khóc cho cái cục vàng bằng giấy. Ông moi chứng thư mà như moi chiếc áo của đứa con đã mất, nhìn vào tờ giấy mà nỗi đau của ông cứ ngùn ngụt.

 

Nếu ông cho vay một số tiền lớn thì ông cứ như người đứng miết trên bờ, lo lắng chuyện gió bão : thủy thủ nào ghé bến thì ông dồn hỏi tới tấp : có nghe vụ đắm tàu nào không ? Ði biển chắc là an toàn cả chứ ? Nỗi lo canh cánh hàng ngày khiến lòng ông khắc sâu phiền não. Chúng ta hãy nói cho ông lời khuyên này : Hãy để đấy, ông bạn của tôi, hãy bỏ cái lo toan tai hại ấy đi, hãy dẹp thứ hy vọng gậm nhấm làm hao mòn bạn, đừng có phơi đồng vốn của mình ra để rồi chạy theo những đồng lợi : bạn đòi hỏi người nghèo những lợi tức và của cải mới, chẳng khác gì người nông dân đòi hỏi có hàng tạ lúa mì đối với một mãnh đất cằn cỗi và khô cháy vì hạn hán, hay một thùng rượu nho đối với một vườn nho bị mưa đá phá nát tươm, hay những thơ nhi đối với một người đàn bà son sẻ, hay dòng sữa ngọt từ những thiếu nữ chưa chồng con.

Contre les usuriers, 5, PG 46, 441AB, trong

A.G. Hamman, Riches et Pauvres, trang 164.

Bản dịch : Fr. Quéré-Jaulmes.

NGƯỜI CHO VAY NẶNG LÃI VÀ CON CÁI CỦA ÔNG.

 

Trong thành phố chúng ta có một người mà tôi không nói tên (vì kính trọng hương hồn ông ta). Ông làm nghề cho vay nặng lãi và tích trữ của cải lợi nhuận trong nhà. Lòng tham vò võ ông tiết kiệm từng đồng trong các món chi tiêu, và như bao kẻ hà tiện khác, ông đâu có thiếu cơm ăn áo mặc, thế mà tứ thời bát tiết vận độc một bộ đồ, mà lại giữ hàng bao nhiêu năm, con cái thì ông để sống như bọn ăn mày, nhà tắm chớ hề ông bén mảng tới, vì sợ mất ba đồng obon. Ông nghĩ ra hàng ngàn thủ đoạn để làm tăng thêm số thu nhập. Vì không tìm thấy ai khả dĩ tin cậy được để canh giữ túi tiền của mình, con cái, tôi tớ, chủ ngân hàng, băng niêm phong, ổ khóa, đều không thể tin được, thế là ông giấu vàng vào các lỗ đục trên các tường nhà rồi lấy vữa vít kín lại để không ai có thể tìm ra dấu vết. Hơn nữa, ông liên tục thay đổi chỗ cất giấu kho tàng, và nhờ càng lúc càng khéo léo, ông tránh được mọi sự tò mò thóc mách của kẻ khác. Bất thình lình ông chết, không kịp trối lại chỗ cất giấu vàng cho một người thân nào. Lúc sống ông chôn vàng ra sao thì lúc chết người ta cũng chôn ông như vậy. Con cái ông thì chắc mẫm rằng, với gia tài như thế, họ sẽ làm lu mờ tất cả những người giàu có đồng hương của họ, thế là chúng tìm kiếm mọi nơi mọi chỗ, tra hỏi lẫn nhau, tra vấn các đầy tớ, đào nền nhà, đục tường, khám nhà của hàng xóm, của những người quen biết. Tóm lại, chúng đã dùng trăm phương nghìn kế mà vẫn không tìm thấy một đồng xu. Hiện giờ, chúng sống torng cảnh màn trời chiếu đất, khốn cùng, dùng đủ thứ tiếng để nguyền rủa sự kỳ quặc, gàn dở của cha chúng.

 

Hỡi quí vị cho vay nặng lãi, đó là điều đã xảy ra cho người bạn, người đồng nghiệp của quí vị. Kẻ kinh doanh đồ hư ảo đã chết cái chết đích đáng : sau khi đã kiệt sức vì mệt mõi và thiếu thốn, ông lại gánh lấy hình phạt đời đời làm gia sản, và để lại cho con cái sự khốn cùng.

(Contre les usuriers 9, PG 46, 449B - 452A

trong A.6 Hamman. Riches et Pauvres,

p. 168 - 169. Trad. Fr. Quéré - Jaulmes).

 

"CẢNH TƯỢNG KINH KHIẾP NÀY THƯỜNG LÀM TÔI XÚC ÐỘNG TRÀO NƯỚC MẮT"

 

Các bạn hạy nhìn con người này : chứng bịnh ghê gớm đã biến dạng họ thành những con vật : thay vì móng tay móng chân, bệnh tật đã tra những mảnh gỗ vào bàn tay, bàn chân họ. Những dấu vết để lại trên đường đi của chúng ta mới thật lạ lùng ! Ai nhận ra nổi đó là vết chân của con người ? Những kẻ mà ngày hôm qua còn đứng thẳng, mắt nhìn trời, thì hôm nay đã cúi gầm xuống đất, đi bằng bốn chân, gần như biến thành con vật : các bạn hãy nghe tiếng thở khàn khàn phát ra từ lồng ngực họ : họ thở như thế đấy.

 

Nhưng phải thừa nhận rằng : thân phận của họ còn tồi tệ hơn thân phận loài vật. Ít ra, các con vật nói chung còn giữ được các hình dáng lúc chúng sinh ra cho tới khi chết. Dù có một vài biến đổi đi nữa thì không con nào lại phải chịu một sự đảo lộn quá mức như thế. Còn nơi những con người này, mọi sự xảy ra như thể họ bị thay đổi bản tính, mất đi những nét đặc thù của giống loại mình để biến thành những quái vật. Bàn tay thì họ dùng làm bàn chân. Ðầu gối trở thành gót chân, còn mắt cá chân, ngón chân của họ, nếu chưa bị gặm mòn hoàn toàn thì họ kéo lê lết cách thê thảm, giống như những con tàu kéo theo mấy chiếc xà-lúp.

 

Bạn biết rõ đó là một con người nhưng bạn có kính trọng người đó như một người anh em không ? Không, bạn không thương xót một hữu thể thuộc dòng giống của bạn, vẻ xấu xa của người đó chỉ làm bạn kinh tởm, lời van xin của người đó làm bạn khó chịu và bạn chạy trốn khi người đó tới gần như chạy trốn một con ác thú (.)

 

Ðó là những bịnh nhân duy nhất bị xua đuổi khỏi mọi xứ sở, như thể họ là những kẻ thù bị ch1 tên của nhân loại. Người ta xem họ không xứng đáng ở chung một nhà, ăn chung một bàn với mình hay dùng chung bất cứ đồ vật nào. Ðiều này cũng chưa đến nổi nào. Tệ hơn nữa, họ bị cấm xử dụng nước giếng công cộng cũng như sông ngòi, người ta nói : sợ họ làm nhiễm độc. Nếu một con chó có đến nhúng lưỡi đầy máu vào dòng nước thì người ta cũng không bảo nước đã ra bẩn thỉu, nhưng khi bịnh nhân này mới chỉ đến gần thôi thì người ta đã cho rằng vì hắn, nguồn nước đó hết uống nổi.

 

Người ta thấy khắp nơi, những người khốn khổ này bước đi chậm chạp như một đàn cừu đi tìm một bãi cỏ lớn hơn. Ðể kiếm ăn, họ phải mang theo nỗi khốn cùng, phơi bày những vết lở loét của họ thay cho lời van xin (.)

 

Người nông dân vuốt ve và chiều chuộng con bê của mình. Còn hơn thế, người du khách lấy tay rửa móng chân cho con lừa, xoa bóp xương sống của nó, xúc phân và rửa chuồng cho nó. Còn người anh em của chúng ta, đồng loại của chúng ta, chúng ta lại hạ thấp họ xuống hơn hàng thú vật sao ?

De larmour des pauvres. PG 46, 476A - 481B,

Trong A.G. Hamman. Riches et Pauvres, trang

150 - 154. Bản dịch : Fr. Quéré - Jaulmes.

 

"CỦA ANH VÀ CỦA TÔI, NHỮNG TỪ BI THẢM".

 

Khi chưa có sự chết, khi bịnh tật còn vắng mặt, thì các từ bi thảm này : "của anh và của tôi" hoàn toàn bị loại khỏi cuộc sống. Cũng như mặt trời là của chung, không khí là của chung, và trên hết, ân sủng Thiên Chúa là của chung, cũng vậy, sự chia sẻ tự do mọi của cải cũng được thực hiện trong sự bình đẳng như thế, và bịnh tham lam chưa được biết đến (.) Hình ảnh Thiên Chúa rực sáng trong tâm hồn.

(Homélies sur lEcclésiaste, VI, PG 44, 708 CD).

 

CON NGƯỜI CHIA SẺ TỰ DO THẦN LINH KHÔNG THỂ LÀ NÔ LỆ.

 

Grégoire de Nysse chú giải Giảng Viên 2, 7 : "Tôi đã tậu tôi trai, tớ gái".

 

Dù cũng là người như bao người khác, ông ta tự cho mình là chủ của những người cùng bản tính như mình (.) Các người thấy có ngạo nghễ chưa ! Chủ định như thế rõ ràng là chống lại Thiên Chúa (.). Bản tính con người là tự do, tự chủ, vậy mà ngươi buộc con người phải làm nô lệ, như thế là ngươi đã phá bỏ luật của Thiên Chúa (.). Kẻ đã được Ðấng Tạo Hoá cho làm chủ trái đất, đã được Ngài đặt lên để cai quản thì ngươi lại bắt cúi mình dưới ách nô lệ (.) Phải chăng ngươi đã quên đi những giới hạn quyền uy của ngươi ? (.) Quyền này chỉ được thực thi trên loài vật không có lý trí (.) Thế thì tại sao lại xảy ra việc (.) ngươi tấn công những người có bản tính tự do, tại sao ngươi lại biến những người có cùng bản tính với ngươi thành thân phận loài vật bốn chân và loài bò sát ? (.) Phải chăng đàn bò của ngươi đã sinh ra cho ngươi những con người ? Chỉ duy có những sinh vật không có lý trí mới là nô lệ của con người(.) Hãy nói xem ngươi định giá những người nô lệ này là bao nhiêu ? Ngươi có tìm thấy trên thế gian này điều gì đáng giá bằng con người không ? Ngươi ước tính xem lý trí trị giá bao nhiêu ? Ngươi đã trả bao nhiêu đồng obon cho hình ảnh của Thiên Chúa ? Ngươi đã trả bao nhiêu đồng statère cho bản tính được Thiên Chúa tạo dựng (.) vốn là hình ảnh của Thiên Chúa và cai quản toàn trái đất ? (.) Ngươi hoàn toàn ngang bằng với người khác, vậy hãy nói xem, ngươi hơn ai cái gì mà đến độ ngươi tự cho mình là chủ người khác trong khi ngươi cũng chỉ là người.

Homélies sur lEcclésiaste IV, PG 44, 664C - 668B

 

MỘT THẦN HỌC MANG TÍNH TRIẾT LÝ.

 

Dầu sao Grégoire trước hết vẫn là một nhà thần học lớn về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và về Mầu Nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc (Incarnation rédemptrice). Những qui luật đức tin cho giáo lý chính thống của Ngài đó là Thánh Kinh, được giải thích rất rộng rãi, và truyền thống mà chúng tôi đã lãnh nhận từ các Thánh Phụ". Nhưng để đào sâu đức tin, để diễn đạt và thông truyền đức tin, ngài mạnh dạn suy tư trên những khái niệm mà ở chặng sau, ngài đòi phải bỏ để kết hợp với Thiên Chúa. Trong lập luận táo bạo nhất của ngài tất nhiên là ở những lãnh vực mà ngài hiểu là không đòi buộc tin, cùng với Grégoire de Nazianze, ngài đòi ngay cả quyền đưa ra giả thuyết, hiểu như là "khoảng không gian tự do" mà một nhà thần học gia ngày nay mơ ước tới, và ngài đã vui sướng lao vào những "khoảng không gian tự do" đó.

 

THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ.

 

Cùng mang danh Cappadoce, ngài tuyên bố thần tính của Chúa Thánh Thần, trong diễn từ về Chúa Thánh Thần, mà ngài được mời đọc tại Constantinople ; nhưng, nhất là ngài bảo vệ sự duy nhất về bản tính của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tiểu luận "Quil ngườiy a pas trois Dieux"(không có ba Thiên Chúa). Chỗ khác ngài khẳng định sự tương hướng của Tam Vị về Nhất Thể (la conspiration de trois vers lun). Sự phân biệt các Ngôi Vị chỉ là do tương quan giữa các vị, chỉ duy Ngôi Cha là nguyên uỷ và hai Ngôi kia là do nguyên ủy - Ngôi Con là và mãi mãi là Con Một, còn Thánh Thần xuất bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con ; từ đây điều này sẽ trở thành giáo huấn thông thường của Giáo Hội Ðông phương.

 

Khi áp dụng cho Ðức Kitô những từ ngữ bản tính (nature) và ngôi vị (personne) : Grégoire không lưu tâm đến sự chính xác chặt chẽ như nêu trên nữa. Ngài nhắc đến "Ngôi Vị (prosôpon) duy nhất". Ngài thường nhất mạnh đến hoạt động của Ngôi Lời hơn, "Ðấng đã phối hợp với bản tính chúng ta, ngõ hầu, nhờ sự phối hợp với thần tính, nhân tính có thể trở nên thần linh, được gìn giữ khỏi sự chết và được giải thoát khỏi sự thống trị, áp bức của kẻ thù". Tuy nhiên, để chống lại những người theo Apollinaire, ngài làm nổi bật sự toàn vẹn của bản tính nhân loại của Ðức Kitô (Ngôi Lời) "trở thành người", Ngài mang lấy tất cả con người, "Tất cả bản tính chúng ta", bản tính đó đã trở thành như thế nào thì Ngài mang lấy như vậy, nghĩa là "với tấm áo da của nó". Cách riêng Ngài "đã mang lấy các tâm tình (passion) của chúng ta", "mang lấy ý chí nhân loại" mà Người đã đặt trong sự tùng phục Thánh Ý Chúa Cha (xem Lạy Chúa, 12, 42), "nhằm cứu độ nhân loại".

 

ƠN CỨU ÐỘ PHỔ QUÁT.

 

Mặc dầu bảo toàn trọn vẹn nhân tính của Ðức Kitô, thậm chí ngài còn cho rằng nhân tính đó có một sự độc lập nào đó, Grégoire vừa nhấn mạnh đến sự duy nhất về Ngôi Vị, và cũng như nơi Grégoire de Nazianze, điều này kéo theo khẳng định về "chuyển thông các đặc tính" (communication des idiomes) và về mẫu tính thần linh của Ðức Maria (maternité divine). Tuy nhiên, chính thần tính mới giữ vai trò làm chủ và xuyên qua nhân tính của Ðức Giêsu, thần tính còn "tái lập nhân loại trong bình an và tự do của Ngài, sau khi đã triệt hạ kẻ thù truyền kiếp". Cuộc khải hoàn của Ngài từ sự chết đã là sự trở về với đời sống vĩnh cửu của nhân loại. Ðức Giêsu đưa nhân loại trở lại hình ảnh của Thiên Chúa và kết nhập vào Thân Mình Ngài, vì "con người - mà nơi con người đó, Thiên Chúa đã Nhập Thể" - không ngừng nên một với nhân loại. Khi chú giải 1Cr 15, 28, Grégoire viết : "Nhờ sự thông phần mà hết thảy chúng ta được hiệp nhất với Thân Mình Chúa Kitô, chúng ta trở nên một thân mình duy nhất, và là Thân Mình của Người. Khi nào hết thảy chúng ta được nên hoàn hảo và được hiệp nhất với Thiên Chúa, thì khi ấy toàn thể Thân Mình Ðức Kitô sẽ tùng phục quyền năng tác sinh. Sự tùng phục của Thân Mình này được gọi là sự tùng phục của chính Chúa Con, vì Người tự đồng hóa với Thân Mình Người là Giáo Hội". Chính mỗi người sẽ phải đi lại con đường của Thiên Chúa, bằng cách kết hiệp với cái chết của Ðức Kitô nơi Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Thánh Thể, nơi đời sống Phụng Vụ của giáo Hội. Tuy nhiên, vì luôn luôn nhạy cảm với khía cạnh phổ quát hơn là khía cạnh cá nhân, Grégoire nhìn thấy mọi linh hồn được phục hồi tình trạng giống Thiên Chúa nhờ ân sủng của Ðức Kitô, được trở nên Thiên Chúa, được thần hóa, được vươn tới Thiên Chúa trong sự siêu thăng thần bí, trong khi chờ đợi hạnh phúc vĩnh cửu. Như vậy, thân phận phải chết, hữu hạn (mortalité) cũng nên thiện ích cho chúng ta ; Khi linh hồn lìa khỏi xác, cũng là lúc chấm dứt tội phạm, nhờ được khôi phục bởi sự phục sinh, con người lại trở nên vẹn tuyền. Còn hơn thế nữa, vì bản tính nhân loại của Ðức Kitô thuộc về thế giới như thành phần thuộc về toàn thể, nên toàn thế giới cũng được biến đổi trong nhân tính hiệp nhất với Ngôi Lời, chính Ngôi Lời thông ban mầm sống Phục Sinh của Người cho thế giới trong Mầu Nhiệm Giáo Hội, vũ trụ tìm được chỗ đứng của mình trong bản giao hưởng phổ quát. Tuy không hoàn toàn đồng nhất với Origène, Grégoire chấp nhận luận đề về "apocatastase", về sự phục hồi toàn thể thụ tạo trong Ðức Kitô, kể cả các tội nhân và thậm chí cả ma quỷ nữa. Hết thảy mọi người lại trở về với sự tinh tuyền, với sự duy nhất nguyên sơ của mình. Sự dữ, tội lỗi và sự chết, vì xuất hiện với thời gian và gắn liền với thời gian, tất cũng phải biến mất với thời gian.

 

"PHAOLÔ, SYLVANÔ, TIMÔTHÊ" : MỘT BẢN THỂ, BA NGÔI VỊ (UNE SUBSTANCE, TROIS HYPOSTASES).

 

Biểu thức này được các Giáo Phụ Cappadoce phổ biến như một di sản chung và đã được chính thức nhìn nhận trong Thượng Hội Ðồng Alexandrie vào năm 362. Bản văn dưới đây, trước đây được coi là của Basile gửi cho em là Grégoire, nhưng có thể là của Grégoire de Nysse. Tác giả nói tới tên riêng để phân biệt từng Ngôi Vị. "Phaolô, Sylvanô, Timôthê" đối lại với "sự tương thông bản tính" (cùng chung bản tính, communauté de nature).

 

Vậy, chúng tôi xác quyết điều này : điều được nói đến cách riêng biệt, thì được chỉ bằng từ hypostase (cá vị, ngôi vị). Thật vậy, khi nói "người, thì ta nghe thấy một ý tưởng hơi mơ hồ, không xác định, do ý nghĩa bất định (indéfinie) của từ ngữ đó : để như thế, từ "người" chỉ đến bản tính, chứ không chỉ đến thực tại nằm ở dưới và được chỉ riêng bằng tên gọi của nó. Ngược lại, khi nói Phaolô, thì người ta chỉ đến bản tính thực hữu nơi vật mà tên gọi đó chỉ. Ðó chính là hypostase ; đây không phải là một ý niệm bất định như ý niệm bản thể (subtance), ý niệm bản thể không thể có được tính chất xác định nào vì nó nói đến tính chất chung của vật được chỉ, còn ý niệm hypostase (cávị, ngôi vị) lại giới định (délimiter) và xác định (définir) những gì là chung, là chưa xác định trong một đối tượng nhất định nào đó, nhờ vào các đặc tính hiển nhiên của đối tượng đó.

 

Vì lẽ này, trong tính tương thông của bản thể (communauté de la substance), chúng tôi khẳng định rằng, những nét đặc trưng nhận thấy nơi Ba Ngôi, như chúng ta đã được thông truyền trong đức tin, và là những nét làm nên tính đặc thù của các Ngôi Vị, những nét đó bất khả dung hợp và bất khả chuyển thông : mỗi Ngôi Vị được hiểu cách khác nhau nhờ những nét đặc trưng riêng biệt của mình, đến độ, nhờ những dấu hiệu mà tôi đã nói tới, chúng ta có thể khám phá ra điều phân biệt giữa các Ngôi Vị. Ngược lại, xét dưới khía cạnh là hữu thể vô hạn, siêu phàm, không-được-tạo-dựng (incrée), không bị chứa đựng bởi bất cứ một không gian nào, cũng như đối với các ưu phẩm thuộc cùng một bình diện, thì không có bất cứ sự khác biệt nào trong bản tính ban sự sống (tôi nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần), nhưng chúng ta có thể nhận thấy nơi các Ngài một sự tương thông nào đó liên tục và bất khả phân. Những suy tư cho phép chúng ta hiểu được sự uy linh cao cả của Ngôi Vị này hay Ngôi Vị kia, như đức tin nhìn nhận nơi Ba Ngôi Chí Thánh, cũng cho phép chúng ta hiểu như thế, không hề có sự khác biệt nào, về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nếu ta nhìn ngắm vinh quang của Ba Ngôi, không hề có khoảng cách nào, khoảng trống nào giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để suy tư có thể tiến vào được.

Pseudo - Basile, Lettre 38, 2 - 3. Gửi cho Grégoire

C.U.F. 1957, trang 82 - 86. Bản dịch : Y. Courtonne.

 

NGÔI LỜI "MANG LẤY TOÀN DIỆN BẢN TÍNH CỦA CHÚNG TA NƠI MÌNH".

 

Ngôi Lời (.), Ðấng có từ khởi thủy và ở bên Thiên Chúa, Ðấng trong những ngày cuối cùng muốn thông phần vào sự hèn hạ của bản tính chúng ta vì yêu thương con người, đã làm người, hòa mình với con người và mang lấy nơi mình toàn diện bản tính của chúng ta vì lý do này : để : nhờ sự hòa trộn với thần linh, con người cũng được thần hóa và để, qua những hoa quả đầu mùa này, toàn bộ bột nhào của bản tính chúng ta cũng được tác thánh.

Antirrhéticus contre Apollinaire, XV, PG 45, 1152C

 

III. MỘT LỐI CHÚ GIẢI THẦN BÍ.

 

Khi đã được phục hồi nhờ công trình cứu độ của Ðức Kitô, từ nay, giữa lòng đời sống Giáo Hội, một đời sống luôn hiện diện nơi Grégoire, con người có đủ khả năng vượt qua giai đoạn suy tư về các dữ kiện đức tin. Hình ảnh của Thiên Chúa siêu vời nơi con người, một thời gian bị che khuất bởi sự tà vạy của tội lỗi, đã được bóc khỏi lớp rỉ sét, nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Con người phải góp phần vào việc thanh tẩy hình ảnh ấy. Ý tưởng này là trọng tâm của tất cả các tác phẩm riêng về tu đức của Grégoire : nếu con người đã tìm lại được hình ảnh đầu tiên thì "khi nhìn vào mình, con người sẽ thấy Ðấng mà mình tìm kiếm".

 

Ý tưởng này giải thích được tầm quan trọng của sự "nhập thần" (linstace), vào trong chính mình, luân phiên với sự "xuất thần" (lextase) ra khỏi chính mình. Một khi linh hồn đã đựoc nên đồng hình với Thiên Chúa thì linh hồn hiểu biết, một cách nào đó, Ðấng Tạo Dựng nên mình, sự hiểu biết này vượt trên sự chiêm ngắm các "Danh Hiệu", vì ở đây linh hồn cảm nghiệm sự hiện diện của Người nơi mình, và sống sự hiện diện đó trong niềm tin thuần khiết và trong tình yêu. Ðây chính là cấp độ thứ ba của tri thức về Thiên Chúa đã được nói ở trên. Grégoire là người đầu tiên mô tả chính xác sự tiếp cận siêu lý này (supraretionel) ; đây là lối tiếp cận phong phú hơn rất nhiều so với tiếp cận bằng suy tư, nhưng phân biệt với hưởng kiến chung cuộc (vision finale), vì lối tiếp cận siêu lý này vẫn luôn tăm tối, vẫn luôn là khôn tả.

 

Ngài thực hiện sự tiếp cận đó trong các khảo luận về đời sống tâm linh của ngài, nhưng nhất là xuyên qua phép ẩn dụ (lallégorisme) trong lối chú giải của ngài. Sách Diệu Ca nghiễm nhiên trở thành con đường siêu thăng (đi lên : ascension) của linh hồn. Do biến cố Nhập Thể, linh hồn "chịu lấy mũi tên của Thiên Chúa . bị thương nơi trái tim bởi lưỡi nhọn của đức tin . bị thương đến chí mạng bởi tình yêu, nhưng vết thương lập tức biến thành niềm vui hôn lễ". Nhưng sách Diệu Ca cũng ca ngợi sự kết hiệp của Giáo Hội với Ðức Kitô, vị Hôn Phu của mình ; ý tưởng này gợi nhớ lại Origène, và báo trước thánh Bernado khi đề cập đến Môsê, Grégoire sử dụng ý của Origène, và cả của Philon là tác giả của cuốn "Cuộc đời Moise" viết theo lối ẩn dụ, nhằm suy diễn ra lịch sử của mọi người qua các biến cố của Kinh Thánh ; những dữ kiện đặc thù phải được nâng lên tới tầm mức của những biểu tượng phổ quát nhờ lối ẩn dụ ; lối mà giúp hiểu ra nơi ơn gọi của Abraham, hay nơi hành trình trong sa mạc là những dấu chỉ của linh hồn hay của cà đoàn dân trên đường tiến về Thiên Chúa. Grégoire không chối cãi thực tại của sự kiện lịch sử nhưng sự kiện lịch sử thì cụ thể, cá biệt, hạn chế, Thánh Thần mới là Ðấng hiện tại hóa và phổ quát hóa sự kiện. Ngài cho ta thấy nơi sự kiện đó cuộc xuất hành của toàn Giáo Hội, và cách riêng của mỗi linh hồn hướng về Ngôi Lời, hướng về Thiên Chúa là Ðất Hứa vĩnh cửu, không khi nào đạt tới, miền đất mà mỗi bước tới gần lại khơi lên niềm khao khát thêm một lần bước tới. Môsê khát mong lên cao mãi : "Kẻ bước lên cao thì không bao giờ dừng lại", đối với người ấy, mọi nghỉ ngơi đếu cần đến vận động, mọi giếng nước đều cần tới dòng sông. Mọi khám phá đều làm nảy sinh niềm hy vọng khám phá thêm nữa : "Sự hoàn hảo chỉ có một giới hạn đó là không có hạn giới", nó có được tính vô hạn của sự thiện. Ta đạt tới Thiên Chúa bao giờ cũng là từ sau lưng, và mãi mãi ta khao khát Thánh Nhan Người : "Tìm thấy Thiên Chúa là tìm kiếm Người không ngơi (.) mối lợi của tìm kiếm là chính sự tìm kiếm". Thấy Thiên Chúa là khao khát Người không bao giờ thỏa, khát mong Người trong từng khoảnh khắc đầy ứ lại làm nảy sinh một niềm khao khát mới. Chẳng bao giờ no thỏa, ngay cả "trong đêm tối nơi Thiên Chúa hiện diện" : Thiên Chúa thông ban cho linh hồn "những giọt đêm lăn chảy từ lọn tóc (Người)" "từ sự sung mãn của Người, Người tưới xuống linh hồn Thần Trí của những tư tưởng tinh tế, thâm u". Và này linh hồn để mình được đưa vào kho túy lúy yêu thương, nhưng "khi đã vào rồi, linh hồn lại lao lên cao hơn nữa, mỗi lúc một lớn thêm và không ngừng tăng trưởng". "Sự thông dự vào viên mãn thần linh không ngừng làm cho linh hồn thêm phú túc và sức chứa đựng của linh hồn tăng theo sự dồi dào các điều thiên hảo". Vì Thiên Chúa tự lộ qua sự tặng ban (don) và thông dự (participation). Người được biết nhiều hơn, nhưng đồng thời Người tỏ mình càng là Ðấng bất khả tri và vô hạn hơn, khiến cho niềm khao khát càng lúc càng thẳm sâu, không bao giờ bị thất vọng và vẫn mãi là khôn thỏa.

 

Ở cấp độ này, Grégoire là một người được thần hứng, một ngôn sứ. Văn phong của ngài mà người ta thường nói là nhạt nhẽo, bỗng chất đầy những hình ảnh rực chói. Ðấng Vĩnh Cữu, Ðấng làm cho ngài ngất say, đã khiến cho ngòi bút của ngài đượm nét mới mẻ, hiện đại đến không ngờ.

 

Nhân vật thật kỳ lạ ! Ði vào cuộc đời có vẻ như quá muộn màng, không đạt tới tầm vóc của Basile, anh cả của ngài, nhưng có một thời ngài từng là con người hoạt động vẻ vang, ngay tận chốn cung đình. Cùng với Basile và Grégoire de Nazianze, ngài là một nhà thần học, thậm chí còn vượt qua họ cả về khối lượng tác phẩm cũng như về chiều sâu triết lý trong tư tưởng của ngài. Nhưng nhất là, và còn hơn cả họ, ngài là một bậc thầy về chiêm niệm. Basile đã có công lớn trong việc thiết lập các cấu trúc chế độ đan viện - mặc dầu không quá nhấn mạnh đến việc đó, còn Grégoire de Nysse dầu không hề thuộc về một cộng đoàn nào, nhưng cũng cung cấp cho cộng đoàn đan tu cũng như cho mọi Kitô hữu một linh đạo cao vời khôn sánh. Nếu Grégoire nhà thần học (Grégoire de Nazianze) không ngừng làm cho giáo lý của mình mang đầy sức sống của một nhiệt hứng tâm linh mãnh liệt, thì Grégoire này, theo sau Origène, ngất say với một lối ẩn dụ táo bạo đã nối dài giáo lý vào trong đời sống thần bí, một đời sống dừng lại hầu như nơi ngưỡng cửa của thần linh. Evagre le Pontique, Pseudo-Denys và Maxime le Confesseur chịu ảnh hưởng của ngài rất nhiều. Tuy thế, kẻ bị Thiên Chúa ám ảnh này, với cái nhìn đăm đăm hướng về Ðấng Chí Cao (R.M.Hubner) vẫn không kém chú tâm tới con người và nỡi khốn cùng của con người.

 

Kiểu nói "Các vị Cappadoce" (Les Cappadociens) luôn luôn là chỉ đến bộ ba : Basile và hai Grégoire. Bộ ba này đã củng cố giáo lý Kitô học được định tín tại Công đồng Nicée, đã làm cho thần học về Chúa ThánhThần và về Ba Ngôi phát triển đáng kể, dù gắn liền hay không với Ngôi Vị Chúa Cha (phụ tính thần linh - paternité divine). Các vị cũng đã xây dựng một linh đạo thần bí hầu như đạt tới tột đỉnh, dựa trên Origène và lối chú giải ẩn dụ của ông (exégèse allégorique). Tuy nhiên, không chỉ có ba, cùng trong một môi trường và ngay trong thời kỳ này còn có Amphiloque dIconium, làm Giám Mục Iconium vào năm 373 và Tổng Giám Mục của Licaonie theo đề cử của Basile. Dường như vị này có xác định hai bản tính của Chúa Kitô, Thần Tính đồng bản thể với Chúa Cha và nhân tính đồng bản thể với nhân tính của chúng ta ; hai bản tính phối hợp với nhau mà không lẫn lộn trong chỉ một Ngôi Vị. Sự thua kém chắc chắn của vị này là ở chỗ đã để lại phần chính tác phẩm của mình qua những mảnh rời rạc. Cappadoce của hậu bán thế kỷ IV rõ ràng là một trung tâm thần học hoạt động mạnh mẽ. Trong rất nhiều lãnh vực, nó đã nâng khuynh hướng chiêm niệm của trường phái Alexandrie lên đến tầm mức cao nhất trong đường lối chính thống.

 

ÐỨC KITÔ PHỤC SINH "PHỤC HỒI MỌI LOÀI TRỞ LẠI TÌNH TRẠNG BAN ÐẦU".

 

"Cửa hỡi hãy nâng đầu lên,

Hãy vươn cao lên nữa, hỡi cửa ngàn thu,

Ðể Vua Vinh Quang tiến vào".

 

Ðấng chứa đựng mọi sự, dù ở bất cứ nơi nào, Ngài cũng tự đặt mình vào tầm mức của những kẻ đón nhận Ngài, không những Ngài đã làm người, giữa mọi người, mà cả khi ở giữa các thiên thần, ngài cũng thích ứng với bản tính của các thiên thần nữa. Nhưng khi người giữ cửa hỏi : "Vua Vinh Quang là ai vậy ?", người ta chỉ vào Ngài mà trả lời cho họ : "Chính là Ngài, Ðấng hùng dũng, Ðấng oai hùng trong chinh chiến". Ngài sẽ chiến đấu chống lại kẻ bạo ngược, giam hãm bản tính con người trong vòng nô lệ, Ngài sẽ lật nhào kẻ nắm giữ quyền lực sự chết để khôi phục loài người trong hòa bình và tự do sau khi đã quật ngã kẻ thù tàn bạo này.

 

"Cửa hỡi, hãy nâng đầu lên."

 

Một lần nữa, ngài cũng nói những lời đó. Quả thật, mầu nhiệm sự chết đã được hoàn tất, việc chiến thắng kẻ thù đã hoàn thành và chiến tích thập giá đã được giương cao chống lại chúng.

 

"Khi lên nơi cao, Ngài đã dẫn theo một đoàn người bị cầm tù", chính Ngài đã ban cho con người sự sống, vương quốc và những ân sủng tuyệt hảo. Một lần nữa, hãy mở tung mọi cánh cửa dựng nên để chống lại Ngài. Những người lính canh của chúng ta chạy đến gặp Ngài và truyền mở cửa để, khi đi ngang qua cửa, Ngài giành được vinh quang. Nhưng họ không còn nhận ra Ngài nữa : Ngài đã mặc chiếc áo dài vấy bẩn do cuộc sống chúng ta, áo quần của Ngài đỏ ngầu những máu do ác tâm con người phun vào. Vì thế, những người đồng hành của Ngài lại hỏi một lần nữa câu nói : Vua Vinh Quang này là ai ? Người ta không trả lời cho họ như trước nữa : "Chính Ngài, Ðấng hùng dũng, Ðấng oai hùng trong chinh chiến", nhưng trả lời rằng : "Chính Ngài, Chúa thiên binh". Ngài đã đoạt được quyền chủ tể thế giới, Ngài thu hợp tất cả trong Ngài, trong muôn sự Ngài đứng hàng đầu, Ngài khôi phục mọi loài trở lại tình trạng ban đầu. "Chính Ngài là Vua Vinh Quang".

 

Hom. sur lAssension du Christ. PG 46, 694AC,

theo G.Peters. Lire les Pères de lÉglise, trang 586.

Bài giảng này được viết vào năm 388,

có lẽ chứng từ đầu tiên của lễ Chúa Lên Trời tách khỏi

lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cùng với bài tường thuật của Ethérie.

 

"NGƯỜI ÐÓ NẮM BẮT ÐƯỢC NGUYÊN MẪU NƠI HÌNH ẢNH"

 

Ngài nói "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi" (Lc, 17, 21), để chúng ta biết rằng kẻ đã thanh tẩy lòng mình khỏi mọi tạo vật và mọi năng hướng khả giác thì nắm bắt được hình ảnh của bản tính thần linh trong vẻ đẹp riêng của nó (.) Trong bạn, có một khả năng có thể đạt tới sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Ðấng tác tạo nên bạn đã đặt vào trong bản tính của bạn, trong chính yếu tính của bạn khả năng tốt đẹp đó. Thiên chúa khắc sâu vào các năng hướng tự nhiên của bạn những hình ảnh về các điều thiện hảo của chính bản tính Ngài, như thể Ngài ấn sẵn một hình tượng để chạm trổ vào miếng sáp ong. Thế nhưng, sự đồi bại bao trùm chung quanh ấn tích hình ảnh Thiên Chúa (caractère Déiforme) như một bức màn xấu xa đã khiến cho điều tốt đẹp ẩn bên dưới ra vô ích. Ngược lại, nếu bạn tẩy sạch những cáu ghét bám vào lòng bạn bằng một đời sống chuyên cần, bạn sẽ khôi phục lại được vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa nơi bạn (beauté Déiforme). Ðiều gì giống sự thiện hảo thì cũng hoàn toàn tốt đẹp. Khi đó, kẻ nhìn vào mình thì cũng chiêm ngắm nơi mình đối tượng mình khao khát. Và cũng vậy, kẻ có lòng thuần khiết sẽ trở thành người có phúc, vì khi nhìn chính sự thuần khiết nơi mình, người đó nắm bắt được nguyên mẫu (archétype) nơi hình ảnh, giống như những kẻ nhìn mặt trời trong gương, dù cho họ có nhìn thẳng lên trời, họ cũng chỉ thấy mặt trời trong ánh phản chiếu của chiếc gương.

Hom. sur le béatitudes VI, PG 44, 1270C - 1272B.

 

MỌI KẺ ÐÃ ÐI LÊN ÐƯỢC MỜI GỌI LÊN CAO NỮA.

 

Với kẻ đã thức tỉnh thì Ngôi Lời nói : "Hãy đứng lên", và với kẻ đã đi tới, Ngài nói "Hãy đến". Quả thật, kẻ nào đã thực sự đứng lên, sẽ không bao giờ thiếu đòi hỏi đứng lên mãi, kẻ nào đã chạy về phía Chúa sẽ thấy con đường chạy tới Ngài là cả không gian rộng mênh mông bát ngát. Cần phải tỉnh thức luôn luôn và khi đã chạy đến gần, không bao giờ chúng ta được dừng lại. Ngài càng nói : "Hãy đứng lên" và "Hãy đến" bao nhiêu, thì Ngài càng ban cho chúng ta sức mạnh để đi tới những đỉnh cao hơn bấy nhiêu.

Hom. sur le Cantique des cantiques V, PG 44, 8760.

 

NƠI KHO TÚY LÚY YÊU THƯƠNG.

 

Tiếp đó linh hồn nói : "Chàng hãy đưa em vào hầm rượu, hãy thức tỉnh tình yêu trong em" (Diệu Ca 2,4). Cơn khát của linh hồn đã lên dữ dội đến nỗi "chén khôn ngoan" (Cn 9, 2) không còn làm nàng no thỏa, chén đã dốc cạn mà cơn khát dường như không thể nguôi ngoai. Nàng đòi được đưa vào tận trong hầm rượu và kề môi ngay vào những thùng chứa đầy ắp thứ rượu ngọt ngào. Nàng muốn được nhìn thấy chùm nho ép trong thùng, thấy cây nho đã sản sinh ra chùm nho đó, thấy người trồng nho của cây nho đích thực, người đã trồng tỉa nên chùm nho sai trái và ngọt ngào.

 

Chính vì thế mà linh hồn khao khát được vào hầm rượu nơi huyền nhiệm của rượu ngon được thực hiện. Khi đã đi vào, linh hồn lại vươn lên cao hơn nữa. Nàng xin được thần phục tình yêu. Mà tình yêu, Gioan nói, đó là Thiên Chúa.

Hom. sur le Cantique des cantiques IV, PG 44, 845AH - 845AB.

Bản dịch : O. Clément. Sources . trang 218.

 

Khi đọc bản văn này và một số bản văn khác được nói đến trong phần trình bày, người ta nghĩ tới cuốn "Nourritures terrestres" của A. Gide (Của ăn trần thế). Gide đã cho biết, trên một bình diện hoàn toàn khác, đóng góp của những ước muốn : "Việc thỏa mãn những ước muốn mang lại lợi ích - vì nhờ đó mà các ước muốn lại tăng thêm (.) Mỗi ước muốn làm tôi giàu có hơn là sự chiếm hữu vốn luôn làm sai lệch chính đối tượng ước muốn của tôi (Paris, 1941, trang 19) và ông ngợi ca "Ðiệu luân vũ của những cơn khát đã nư" (Ronde de mes soifs étanchés, p. 35).

 


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà