HILAIRE DE POITIERS "ATHANASE CỦA TÂY PHƯƠNG"

 

 

Tuy cùng thời với nhau, Hilaire và Athanase có lẽ chưa bao giờ gặp nhau. Nhưng, hai tên tuổi này cần phải được đặt bên nhau vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai cuộc đời, nhiều nét giống nhau giữa vai trò của mỗi người trong cuộc khủng hoảng ở thế kỷ IV. Chắc chắn Hilaire đã không tham dự vào những diễn biến đầu tiên của cuộc khủng hoảng này, vì ngài khởi đầu sự nghiệp Giám Mục và là nhà thần học vào khoảng năm 350. Thế nhưng, Hilaire chẳng bao lâu đóng một vai trò trong Giáo Hội Tây phương như vai trò mà Athanase đã đóng từ 20 năm trong Giáo Hội Ðông phương : một người bảo vệ không thể lay chuyển cho đức tin của Nicée, một người cương quyết chống lại sức ép của triều đình, một nhân chứng chắc chắn về niềm tin Ba Ngôi của Giáo Hội, và cuối cùng là người kiến tạo hữu hiệu sự tái thống nhất hàng Giám Mục. Ngoài ra, chúng ta có thể cúi chào ngài trong tư cách là vị đại tiến sĩ đầu tiên xuất hiện từ Giáo Hội Gaule.

 

Tuy nhiên, dường như không có gì chuẩn bị trước cho ngài đi vào một định mệnh liên hệ với Giáo Hội như vậy. Sinh ra trong một gia đình khá giả, ngài đã được đào tạo rất tốt về mặt trí thức. Poitiers là một thành của Aquitaine II lúc bấy giờ, Aquitaine là một tỉnh có thể tự hào vì có một nền văn hóa rực rỡ. Chúng ta không rõ Hilaire đã hướng tới sự nghiệp nào và hành trình thiêng liêng của ngài ra sao. Tuy nhiên, chính ngài hé cho thấy ngài chỉ đến với Ðức Tin sau một tìm kiếm lâu dài, nhờ gặp gỡ Thánh Kinh, khám phá Ðức Kitô và sứ điệp của Người : một hành trình làm cho ta nhớ lại hành trình của Justin, và cho thấy, ngài trở lại và được rửa tội khi đã trưởng thành. Lúc các giáo sĩ và giáo dân chọn Ngài làm Giám Mục thì ngài đã lập gia đình và có một đứa con gái.

 

Ngài đã lập tức tỏ ra là một mục tử xác tín về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu Thánh Kinh. Tác phẩm "Chú giải về thánh Matthêu" viết trong những năm đầu của đời Giám Mục, minh chứng điều đó ; tác phẩm này cho thấy ngài đã quen thuộc Thánh Kinh một cách đặc biệt. Cũng trong thời gian đó, ngài còn soạn thảo ba cuốn đầu tiên của đại tác phẩm "Về Ba Ngôi". Vào giai đoạn này, ngài biết Tertullien và Cyprien, nhưng vẫn chưa biết đến các nguồn Kitô giáo Hylạp. Cho tới những năm 355 - 356, ngài chỉ theo dõi từ xa các diễn biến của cuộc khủng hoảng Arius, chứ không trực tiếp can dự.

 

HILAIRE HÉ CHO THẤY HÀNH TRÌNH ÐẾN VỚI ÐỨC TIN VÀ PHÉP RỬA CỦA MÌNH.

 

Khát vọng của tâm hồn tôi, không những là làm những gì mà sẽ thật đau khổ và đáng bị phê phán nếu không làm điều đó, nhưng còn là khát vọng mong đuợc biết tác giả của ân sủng lớn lao đến như thế, nghĩa là Thiên Chúa. Tất cả tâm hồn tôi muốn báo đáp cho Người : tin chắc rằng phụng sự Người, đặt tất cả niềm hy vọng vào Người, nghỉ an nơi lòng nhân hậu của Người giữa muôn tai họa hiện tại, như nơi một hải cảng thân quen, chắc chắn . đó chính là làm cho tâm hồn mình nên tôn quí .

 

Trong lúc gẫm suy những ý tưởng như thế và những ý tưởng khác tương tự, tôi chợt gặp thấy những cuốn sách do Môsê và các Tiên Tri viết theo các truyền thống của Dothái giáo. Trong đó, người ta có thể đọc thấy chính những lời của Ðấng Tạo Dựng chứng thực về mình : "Ta là Ðấng Có" (Xh 3, 14), và "Người sẽ nói với con cái Israel thế này : Ðấng Có đã sai tôi đến với các người". Tôi lấy làm thán phục trước một định nghĩa hoàn hảo như thế về Thiên Chúa : nó diễn tả tri thức khôn dò thấu về bản tính Thiên Chúa trong một công thức hoàn toàn thích hợp với trí tuệ con người.

 

Thêm vào tất cả những ý tưởng đó còn có một tâm thức tự nhiên : niềm hy vọng về chân phúc bất hoại, xứng đáng lãnh nhận, nhờ tư tưởng thánh thiện về Thiên Chúa và nhờ cuộc sống vô phương trách cứ, như phần thưởng cho cuộc chiến đầu đã giành chiến thắng. Ðúng vậy, có ý tưởng chính xác về Thiên Chúa liệu có ích gì, nếu mọi tâm thức đều bị cái chết huỷ hoại, bị tiêu tan do sự sụp đổ nào đó của bản tính hư hoại mà tôi không rõ .

 

Giờ đây, tâm hồn từng xao xuyến lo âu của tôi đã tìm lại được một niềm hy vọng vượt quá mong đợi. Ðấy là giáo huấn về huyền nhiệm Thiên Chúa mà tôi đã hân hoan đón nhận. Nhờ thân xác, linh hồn tôi tiến đến với Thiên Chúa : nhờ niềm tin, linh hồn tôi được kêu gọi tới một cuộc sinh ra mới, được ban cho khả năng đón nhận ơn tái sinh thần linh.

Về Ba Ngôi I, 3 - 12 Trad. A. Rlaise,

Coll. "Les écrits des Saints", Ed. du

Soleil Levant, Namur 1964, p. 38 - 47

NGƯỜI CHIẾN ÐẤU.

 

Chính những năm 355 - 356 đã quyết định vận mệnh của ngài trong Giáo Hội. Khi đó, hoàng đế Constance ra sức áp đặt hàng Giám Mục phải thuận theo chính sách tôn giáo của ông và phải lên án Athanase. Tại một Công Ðồng nhóm họp tại Arles, các Giám Mục hiện diện đều tùng phục, ngoại trừ Paulin de Trèves, người bị lưu đầy. Một Công Ðồng khác ở Milan năm 355 cũng lại là một chiến thắng cho hoàng đế. Phẫn nộ trước cách thức đe dọa của chính quyền cũng như trươc sự nhu nhược của các đồng sự, Hilaire thấy không thể giữ thái độ dè dặt nữa và quyết đứng ra chống lại. Chỉ một thời gian ngắn, ngài trở thành linh hồn cuộc chống đối, lôi kéo được một phần hàng Giám Mục Gaule vào cuộc. Từ đây ngài là đích nhắm cho phe Arius thay chân của hoàng đế, và ngay sau đó, cũng như Rhadanius de Toulouse, ngài lãnh án lưu đày. Ngài bị đày sang Tiểu Á chính trong thời gian Giáo Hoàng Libère bị bắt và giải sang Thrace.

 

Như vậy tại Ðông phương, Hilaire sẽ sống những năm tháng đen tối nhất của Giáo Hội thế kỷ IV (356- 366) trong khi Athanase, người được ngài hăng say bảo vệ, đang lẫn trốn tại Aicập. Ðược hưởng ,một cuộc sống khá tự do, ngài không ngồi yên. Trong thời kỳ này, ngài hoàn tất khảo luận "Về Ba Ngôi" và một tác phẩm thần học khác nhằm trình bày cho các Giám Mục Gaule và Anh thấy những nét tinh tế về thần học Hylạp, và nhiều bản tuyên tín do các Công Ðồng bên Ðông phương soạn thảo từ lúc cuộc tranh luận phát triển : "Về các hội nghị" hay "Về đức tin của người Ðông phương" (chúng ta cũng có một tác phẩm tương tự của Athanase, với nhan đề giống như vậy "Về các hội nghị"). Ngài còn thực hiện một tập tài liệu, kiểu hồ sơ lịch sử của Athanase, để tố giác những mưu mô của phe Arius và dùng các sự kiện để biện minh cho vị Giám Mục thành Alexandrie.

 

Các tác phẩm này duy trì sự chống đối ở Gaule. Tuy nhiên, Hilaire và những người theo ngài đã không thể làm điều gì để ngăn chặn sự lụn bại của hàng Giám Mục. Năm 357, Giáo Hoàng Libère bị phái Arius cô lập và áp chế đã ký nhận một công thức đức tin mà người ta áp đặt cho ngài, cử chỉ này tương đương với việc xá giải cho Arius và bỏ rơi Athanase. Cũng năm ấy, Ossius de Cordoue già lão, người "Cha của các Công Ðồng" chấp nhận những nhượng bộ còn quan trọng hơn nữa. Công việc tệ hại này được hoàn tất với hai Công Ðồng năm 359. Một tại Rimini, Ý : 400 Giám Mục Latinh rốt cuộc nhượng bộ Constance, Công Ðồng kia nhóm họp ít lâu sau tại Séleucie, Tiểu Á : Các Giám Mục chống đối, chán nản trước sự đầu hàng của các Giám Mục Tây phương nên cũng đi vào con đường đó. Ngài bất lực chứng kiến sự đầu hàng của các Giám Mục Ðông phương mà tức giận sôi sục, ngài đi theo các đặc sứ của hai Công Ðồng đến Constantinople, họ phê chuẩn mọi sự mặc cho những lời cảnh cáo của ngài.

 

Ngài không còn phương sách nào hơn là tiếp tục viết. Ngài có chất liệu để bổ túc hồ sơ về lịch sử lạc giáo Arius, và đã thực hiện điều đó. Ngài thảo một bản thỉnh cầu gửi hoàng đế, tiếp đến là một phản kháng với lời lẽ hết sức mạnh mẽ (Cuốn "Chống hoàng đế Constance"), nhưng trong lúc này, ngài muốn xếp lại đó đã. Vả lại, cũng chẳng cần đến thế Constance mới thấy ngài là kẻ quấy rối phiền nhiễu, và cuối cùng ông đã tống ngài về lại Tây phương năm 360.

 

Từ lúc đó, vị Giám Mục dũng cảm của Poitiers dồn hết sức vào việc liên kết lại hàng Giám Mục Gaule và xoá đi sự đầu hàng đáng buồn ở Rimini. Một Công Ðồng được nhóm họp tại Lutèce (Paris) khoảng cuối năm 360 đánh dấu những nỗ lực của ngài thành công hầu như hoàn toàn.

 

Chưa hài lòng với thành quả đáng kể này, Hilaire còn muốn tấn công vào thành trì của lạc giáo Arius là Milan, bên kia dãy Alpes, nơi một Giám Mục theo phái Arius đang giữ vững. Ngài đến tận nơi, được hoàng đế cho phép tổ chức một buổi diễn thuyết tranh luận, nhưng rồi hoàng đế muốn tránh tất cả những gì có thể gây ra xáo trộn nên buộc ngài ngưng hoạt động ở đó. Hilaire đành phải trở về Gaule và đã phản kháng kịch liệt với lời lẽ cay độc trong cuốn "Chống Auxence" (364 - 365).

 

NHỮNG PHẨM CHẤT THIẾT YẾU CHO VỊ GIÁM MỤC.

 

Tông Ðồ Phaolô đáng kính, khi muốn xác định bản chất của chức Giám Mục, và bằng những lời khuyên bảo của mình, muốn tạo ra một con người của Giáo Hội thật sự mới, đã trình bày cho thấy đâu là phẩm chất tối hậu mà người đó phải có, ngài nói : "Phải là người nắm giữ giáo điều chắc chắn chiếu theo đạo lý, để có thể vừa khuyên răn rập theo đạo lý thần lương, vừa biện bác những người chống đối. Vì có lắm kẻ loạn tặc, huênh hoang hư ngôn, phỉnh phờ gạt gẫm" (Tit. 1, 9 - 10). Như vậy ngài cho thấy những phẩm chất đạo đức thuần túy tất nhiên là hữu ích cho phẩm cách của vị tư tế, nếu như bên cạnh đó, không thiếu mất những phẩm chất liên quan đến hiểu biết về đức tin mà vị đó phải giảng dạy và bảo vệ. Quả thế, bằng lòng với một cuộc sống vô phương trách cứ hoặc bằng lòng với việc nói năng thông thái, đấy không phải là việc của một Giám Mục tốt và hữu ích. Ðạo đức vẹn toàn sẽ chỉ có ích cho bản thân mình nếu không đồng thời là nhà thông thái và sự thông thái sẽ không cho phép giảng dạy với uy quyền nếu không đồng thời là người vô phương trách cứ.

 

Tông Ðồ Phaolô đã muốn người ta tìm thấy nơi vị giám Mục giáo huấn với lời lẽ thuần lương, một đức tin có ý thức, có khả năng thuyết phục, một sự phản kháng kiên quyết đối với những kẻ chống đối vô đạo. Quả có lắm kẻ giả mạo đức tin chứ không tùng phục đức tin : chúng tự tạo ra đức tin cho mình hơn là đón nhận, vênh vang với những suy tưởng phàm nhân, hão huyền .

 

Vậy cần phải trả lời cho sự vô đạo đang lầm lạc, cho sự lầm lạc của những hư ngôn, cho sự hư luống của những lời phỉnh phờ gạt gẫm ; và cần phải trả lời bằng sự tinh tuyền của đạo lý, bằng chân lý của đức tin, bằng sự chính xác của lời nói, đến mức sự chính xác là dấu chứng của chân lý và chân lý là dấu chứng của sự chính xác.

(Hilaire, Về Ba Ngôi VIII, 1. Trad. A. Blaise, p. 79 - 81)

 

NHỮNG TAI HẠI DO CÁC GIÁM MỤC GÂY RA.

 

Hilaire tố cáo sự thông đồng của các Giám Mục phe Arius với chính quyền.

 

Trước hết, hãy than vãn cho sự khốn khổ của thời đại chúng ta và lấy làm đau đớn cho cái ý nghĩ điên rồ đã khiến người ta tưởng rằng bảo vệ cho Giáo Hội Chúa Kitô là phải dùng đến những mưu mô thế tục. Tôi hỏi quý vị, quý vị nghĩ mình là Giám Mục, vậy thì các Tông đồ đã dùng những sự bảo trợ nào cho việc rao giảng Tin Mừng ? Các ngài đã dựa trên những quyền lực nào để rao giảng Ðức Kitô và làm cho hầu hết mọi dân nước từ tôn thờ ngẫu tượng sang tôn thờ Thiên Chúa ? Phải chăng các ngài tìm kiếm một sự kính nể nào đó ở triều đình, khi các ngài hát dâng lên Thiên Chúa một bài thánh ca trong chốn lao tù, giữa xiềng xích và sau khi bị đòn roi hay sao ? Phải chăng nhờ những sắc chỉ của một ông vua mà Phaolô bị đem làm cười chốn hí trường, đã hình thành một Giáo Hội cho Ðức Kitô hay sao ? Phải chăng ngài tự bênh vực với sự hỗ trợ của Néron, của Vespasienen hay của Dèse, của những vua chúa mà sự thù ghét đối với chúng ta đã làm nảy nở đức tin vào lời rao giảng Thiên Chúa hay sao ? Khi các ngài tự tay làm việc nuôi thân, khi các ngài bí mật họp nhau trong các phòng cao, khi các ngài rảo qua các làng mạc, thị thành và hầu hết mọi nước, xuyên qua đất liền, biển cả, bất chấp những quyết nghị của nghị viện, những sắc chỉ của nhà vua, có lẽ nào nghĩ rằng các ngài lại không có chìa khóa Nước Trời hay sao ? Sức mạnh của Thiên Chúa lại đã không tỏ lộ chống lại sự thù ghét của con người, khi mà việc rao giảng Tin Mừng càng bị trói buộc thì lại càng mạnh mẽ hay sao ? Thế mà, ngày hôm nay, đau đớn thay, những sự che chở của thế gian lại bảo đảm cho đức tin thần linh, Ðức Kitô dường như bị lột hết sức mạnh, trong lúc người ta dùng âm mưu, mánh khóe nhân danh Ngài : Giáo Hội đem lưu đầy tù tội ra đe dọa ; muốn dùng sức mạnh để làm cho người ta tin mình, nhưng chính vì không kể gì đến những lưu đày, những ngục tối mà Giáo Hội đã lôi kéo vào đức tin. Giáo Hội đày các Giám Mục, nhưng chính những Giám Mục bị đày là những người truyền bá Giáo Hội. Giáo Hội tự hào vì được thế gian yêu thích, trong khi Giáo Hội đã không thuộc về Chúa Kitô được nếu không bị thế gian thù ghét."

Chống Auxence, 3 - 4.

Trad. E. Grijje La Gaule Chretienne à

Lépoque romaine Paris 1964, p. 265 - 266

VỊ TIẾN SĨ.

 

Ngoài cuộc đụng độ trên, những năm cuối đời của Hilaire như là những năm yên hàn. May mắn hơn Athanase ở Ðông phương, và mặc dầu qua đời trước vị này (ngài qua đời năm 367 hoặc 368), ngài đã có thể chứng kiến sự hiệp nhất của Giáo Hội Tây phương được phục hồi rộng khắp. Ngài trở về với các công trình chú giải của mình. Chúng ta còn giữ được một phần cuốn "Chú giải về các Thánh Vịnh" và cuốn "Sách về các mầu nhiệm bàn về việc loan báo Ðức Kitô trong Cựu Ước, trong tác phẩm này, tác giả xử dụng lối chú giải bằng ẩn dụ mà ngài đã khám phá thấy nơi Origène. Hilaire còn sáng tác nhiều thánh thi phụng vụ mà chúng ta còn lưu giữ được ba bài.

 

Cuối cùng, hoạt động của ngài kéo dài khoảng hơn 15 năm. Cả ngài nữa, dường như ngài đã không thể bộc lộ hết khả năng của mình. Là người có học thức uyên thâm, một văn sĩ có tài, tuy rằng ngài sử dụng một ngôn ngữ và một lối viết văn hết sức đặc biệt của mình khiến cho việc đọc hay dịch tác phẩm của ngài là chuyện không dễ dàng gì, như thánh Jérôme nhận xét, nhưng ngài có thiên khiếu để xây dựng nên một văn phẩm lớn. Ngài có tài năng của một nhà thần học. Ba cuốn đầu của khảo luận "Về Ba Ngôi", một loại huấn giáo bậc thầy về đức tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, chứng tỏ một sự chín chắn rất mực về thần học, đưa chúng ta về lại với đức tin phép rửa trong tất cả sự minh bạch của nó.

 

Những tiếp xúc của Hilaire với thần học Hylạp giúp ngài làm giàu và đào sâu suy tư của mình, nhất là cho phép ngài bổ túc thần học của Nicée về điểm phân biệt giữa các Ngôi Vị để chống lại hình thái thuyết. Ðằng khác, ngài còn thừa hưởng truyền thống Latinh một ý thức vững chắc về nhân tính trọn vẹn của Ðức Kitô, cho dẫu ngài đã tưởng cần phải bảo vệ cái quan niệm về tính bất khả thụ của Ngôi Lời đối với đau khổ. Như vậy, tácphẩm của ngài thực sự tạo nên một gạch nối giữa Kitô giáo Laitnh và Kitô giáo Hylạp.

 

Là nhà thần học giữa lòng xã hội bị xé rách, những cũng chính vì những vết xé khác nhau đó mà Hilaire đã nổi bật lên nhờ một ý thức thật sự về đại kết. Mục tiêu của ngài là qui tụ mọi tín hữu bác bỏ thuyết Arius, bât kể họ thích dùng ngôn ngữ nào hay nhạy cảm thế nào về công thức Nicée. Vào một giai đoạn mà người ta hăng say ném vào mặt nhau các từ ngữ thần học và các lời tín hữu thì Hilaire quả quyết đức tin đáng kể hơn là những danh từ, và ngài không ngần ngại hỗ trợ cho những người tin chắc chắn vào thần tính của Ðức Kitô nhưng diễn tả bằng một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của Nicée, dù điều đó khiến cho một số người đồng minh của ngài khó chịu.

 

Về điều này, Hilaire không hề theo chủ nghĩa tương đối. Ngài xác tín rằng đức tin cần phải đối diện với điều mà ngài gọi là "thử thách ngôn ngữ của nhân loại" trong mối ưu tư đạt tới sự chính xác hết sức có thể, nhưng ngài cũng ý thức sâu xa về những giới hạn không thể tránh của ngôn ngữ này. Tôn trọng huyền nhiệm của Thiên Chúa là một trong những nét đặc sắc của tâm hồn ngài. Nhiều lần dưới ngòi bút của ngài, trình bày thần học biến thành lời cầu nguyện dài một cách thật tự nhiên : để có thể đi vào hiểu biết về Thiên Chúa thì trước hết, ngài nói, phải "cầu nguyện . tìm . gõ".

 

Hilaire là nhà thần học độc đáo hơn Athanase, và nhất là rất có cá tính, không lệ thuộc vào câu nệ, tự vạch lấy con đường cho mình với một sự chắc chắn vững vàng hơn nhiều nếu xét về toàn bộ. Ngài đã chuẩn bị cho các nhà thần học lớn thế kỷ IV và V ở Tây phương. Augustin, cũng như sau này thánh Thomas, thích trích dẫn ngài và chính Augustin coi ngài đích thực là "Tiến sĩ Giáo Hội". Sinh tiền, Hilaire có biết một trong những người ngưỡng mộ mình, một sĩ quan quân đội Roma, đó là Martin, Giám Mục Tours tương lai, và là một trong những vị sáng lập chế độ đan tu ở Gaule. Khi từ bỏ binh nghiệp, Martin tìm đến với Hilaire ở Potiers, Hilaire đã lấy tình cha con khích lệ Martin trong bước đầu thiết lập các đan viện ở Ligugé. Như vậy, Giáo Hội Gaule có thêm một lý do để kính nhớ Ðấng đã là một trong những mục tử vĩ đại của mình.

 

CÙNG MỘT ÐỨC TIN DƯỚI NHỮNG TỪ NGỮ KHÁC NHAU.

 

"Duy nhất" về bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con hay "giống nhau" hoàn toàn về bản thể ? Hilaire không muốn người ta tuyệt thông lẫn nhau vì những danh từ trong khi lại chia sẻ cùng một đức tin cốt yếu.

 

Ðứng trước nhiều thảm họa và là những hiểm họa nghiêm trọng cho đức tin như thế, cần phải biết giải thích sự khô cằn của các từ ngữ. Ðừng phê phán một lời nói là nghịch đạo khi điều đó hiểu được là hợp với lòng đạo . Người Công giáo muốn khẳng định bản thể duy nhất của Chúa Cha và Chúa Con thì không nên khởi đầu từ đó : đừng biến nó thành một công thức thiết yếu, như thể ngoài công thức đó thì không có đức tin đích thực. Người đó sẽ khẳng định một bản thể duy nhất mà không nguy hại gì nếu trước đó anh ta nói Chúa Cha không được sinh ra, Chúa Con được sinh ra, Ngài lập hữu bởi Chúa Cha, giống chúa Cha về quyền năng, danh dự và bản tính . Vì Thiên Chúa không là xét về Ngôi Vị nhưng là về bản tính . sau đó, khi nói một bản thể, anh ta sẽ không lầm lạc.

 

Người ta có thể khẳng định một bản thể duy nhất một cách thành tín, thì người ta cũng có thể nín lặng về điều đó một cách thành tín. Tại sao chúng ta lại ngờ vực kiếm chuyện cãi cọ với nhau về danh từ trong khi chúng ta có gì khác nhau trong cách hiểu vấn đề ?

 

Hỡi anh em, tôi xin anh em, hãy dẹp bỏ những ngờ vực và hãy tránh dịp tạo ra những điều đó . tôi không chịu được diễn ngữ (duy nhất về bản thể) của anh em nếu nó có nghĩa là người nào tuyên xưng sự giống nhau về bản thể hiểu theo nghĩa đạo đức thì phải bị vạ tuyệt thông . Người ta không thể lên án một danh từ khi nó không hủy hoại ý nghĩa của đạo giáo.

Về các hội nghị 69. 71. 91

 

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA HILAIRE DÂNG LÊN BA NGÔI.

 

Về phần con, con ý thức rằng phận sự chính của cuộc đời con cũng như mọi lời nói của con, mọi tư tưởng của con là phải hiến cả cho người. Lạy Thiên Chúa là Cha Toàn Năng. Phần thưởng lớn lao nhất mà việc xử dụng ngôn ngữ Người đoái ban cho con có thể mang lại đó là được phụng sự Người bằng cách tuyên ngôn điều mà Người là, nghĩa là Chúa Cha, và là Cha của một Chúa Con duy nhất, và chứng minh chân lý đó trước một thế giới chưa biết đến hay những kẻ lạc giáo phủ nhận nó. Ít ra đó là những gì mà con tuyên bố là mục đích độc nhất của con : phần còn lại, con phải khẩn nài ân sủng của lòng xót thương trợ giúp của Chúa ; hiện thời con đã căng cho Người những cánh buồm của đức tin và của lời tuyên tín của chúng con, xin Người đoái thương làm cho buồm căng nhờ luồng gió của Thần Khí Người, ban sức đẩy và đà lướt tới cho việc rao giảng mà chúng con đang thực hiện. Vâng, Người thành tín với chúng con, Ðấng đã bảo đảm lời hứa này : "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho" (Lạy Chúa, 11, 9). Phần chúng con, chúng con xin Người những gì mà thân phận nghèo hèn của chúng con thiếu thốn và chúng con sẽ đem lòng nhiệt thành không biết mệt mỏi vào việc tìm kiếm cặn kẽ lời của các Tiên Tri, các Tông Ðồ của Người, chúng con sẽ gõ mọi cánh cửa giữ chặt ngõ vào tri thức về huyền nhiệm những chính Người mới là Ðấng ban cho chúng con khi chúng con kêu xin, hiện diện khi chúng con tìm kiếm Người và mở ra khi chúng con đã gõ .

 

Vậy, xin Người ban cho chúng con được ơn trao cho từ ngữ ý nghĩa thật của chúng, ban ánh sáng cho phép hiểu được, cho chúng con có được lối văn thanh cao và một niềm tin chính xác. Ðiều chúng con tin, xin hãy làm cho chúng con có khả năng diễn tả ra : nghĩa là có thể tán tụng Người, Thiên Chúa duy nhất là Cha, cũng như một Chúa duy nhất của chúng con, Ðức Giêsu Kitô, dưới ánh sáng của các Tiên Tri, các Tông Ðồ, chống lại những phủ nhận của những kẻ lạc giáo.

Về Ba Ngôi I, 37 Trad. A. Blaise, p. 51 - 52

 

SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM.

 

P. CALTIER, Saint Hilaire de Poitiers, Le premier docteur de lEglise Latine, Beuachene, Paris 1960.

 

E. GRIFFE, La Gaule chrétienne à lépoque romaine, Des Origines chrétiennes à la fin du IV è sìecle, Paris, 1964, p. 218 - 170.

 

Hilaire et son temps, Collique de Poitiers 1968, Paris Études Augustiniennes, 1969.

 

CÁC BẢN DỊCH

 

Saint Hilaire de Poitiers, taxtes choice, coll. "Les Ecrits des Saints", Editions du Soleil Levant, Namur, 1964.

Hilaiare de Poitiers, La Trinité I - III, coll. "Les Pères dans la foi", Paris, D.D.B. 1981.

"Sources Chrétiennes" : Commentaire sur Mattheu, no. 254 et 258. Traité des Mystères, no. 19.

 

LỜI BẠT

(CHO PHẦN KẾ TIẾP)

 

VÀO LÚC Athanase qua đời (373) sau Hilaire ít lâu, Basile đã là Giám Mục từ vài năm (370), đánh dấu sự xuất hiện của các "đại Giáo Phụ Cappadoce" : Thánh Basile thành Césarée, thánh Grégoire thành Naziance và thánh Grégoire thành Nysse. Jean Chrysostome vừa mới được rửa tội (372), Ambroise sắp được phong làm giám Mục Milan (374), Jérôme ra đi, khởi đầu tiếp xúc với đời sống đan tu Ðông phương, trong lúc Augustin mới 20 tuổi, đang theo học tại Carthage. Như vậy, sự kế tục sẽ thật tuyệt vời, nhưng điều đó hẳn không thể có được nếu không có công khó của những người mà, trên bình diện tư tưởng Kitô giáo và thần học, xứng đáng được gọi là những người khai phá : Justin, Irénée, Tertullien, Origène, Cyprien, Athanase, Hilaire . những người đã biết mở ra những con đường và đặt những cột mốc quyết định.

 

TUY NHIÊN, công trình của các ngài, dù hết sức phong phú và đôi khi táo bạo nữa, vẫn không thể tránh khỏi tính chất chưa hoàn tất của nó. Sự chín mùi sẽ xuất hiện vào những thập niên cuối của thế kỷ IV. Sau giai đoạn của những người khai phá sẽ là giai đoạn mà những người xây dựng là chính, những người đã xây nên một di sản thần học và tu đức mà mãi mãi sẽ là chất sống cho Kitô hữu Ðông phương lẫn Tây phương (như tập 2 sẽ cho thấy điều đó).


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà