NGỘ ĐẠO LÀ GÌ?

"Ngộ đạo" (Gnose) là từ ngữ được dùng để chỉ một hiện tượng tổng quát mà người ta có thể khám phá thấy những biểu hiện qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử, khởi từ thế kỷ I, sau Công Nguyên, cho tới thời hiện đại, và "ngộ đạo thuyết" (gnosticisme) chỉ hiện tượng đặc biệt của thế kỷ II.

Xét là hiện tượng tổng quát, Ngộ đạo (từ Hy Lạp thông dụng có nghĩa là tri thức") là ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo, được mạc khải, được chiếm hữu và truyền đạt bởi những người được khai tâm, với tham vọng đưa ra một giải thích toàn triệt về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu, dựa trên cơ sở nhị nguyện (đối lập giữa thế giới sự thiện và thế giới sự dữ), và qua đó mở ra con đường cứu độ cho tinh thần. Ngộ đạo không chỉ là một phong trào cứu độ bằng tri thức; dưới góc độ lịch sử các tôn giáo, bản chất của ngộ đạo là một quan niệm nhị nguyện bài-vũ trụ (dualime anticosmique): Tri thức và cứu độ tự bản chất là xa lạ với thế giới xấu xa này. Cũng cần lưu ý đặc tính bí mật của nó, đặc tính này biến Ngộ đạo thành một tôn giáo của những người đã được khai tâm, và nội dung thường là thần thoại.

Hiện tượng này, một hiện tượng vừa đáng ngại vừa lôi cuốn, có thể nói đã bùng nổ vào thế kỷ II. Nhưng từ lâu nay, người ta chỉ biết về Ngộ đạo thuyết xuyên qua các tác phẩm Giáo Phụ, trong đó có tác phẩm của Irénée. Ngày nay với khám phá mới, công cuộc nghiên cứu đã có những tiến bộ lớn lao, đặc biệt là việc khám phá ra thư viện của một giáo phái Ngộ đạo ở Nag-Hammadi (Ai Cập, 1947): Khoảng 50 tác phẩm khác nhau, có cả một số tác phẩm được soạn thảo tận thế kỷ II, và đang được công bố.

Các khuynh hướng Ngộ đạo đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ I trong một khung cảnh địa lý chạy dài từ Palestine đến Tiểu Á. Những khuynh hướng này có lẽ đã có mặt trong bối cảnh của một vài tác phẩm Tân Ước. Thế rồi giáo phái hình thành và lan tràn khắp nơi. Vào thế kỷ II, nó lan tới Alexandria biến nơi này thành trung tâm của Ngộ đạo thuyết, đặc biệt là của một thứ Ngộ đạo thuyết "Kitô Giáo", cho mình là kẻ được ký thác truyền thống chính thực, và bậc thầy có ảnh hưởng nhất của chủ thuyết này là Valantin. Oâng này truyền bá giáo thuyết của mình sang tận Tây Phương. Đối tượng chính mà Irénée chống lại đó là Ngộ đạo của Valantin. Ngộ đạo chìm dần ở thế kỷ III, để rồi hầu như ngay lập tức, phái Maniché trỗi dậy thay thế, đây là chủ thuyết mà các Giáo phụ sẽ phải chống lại bắt đầu từ thế kỷ IV. Thánh Augustinô một thời là môn đồ của phái này trước khi trở thành đối thủ đáng sợ của nó.

Và một thời kỳ đầy biến chuyển về tôn giáo và văn hóa như là thời kỳ đầu Công Nguyên, nguyên nhân các giáo phái tuyên truyền thành công hẳn có thể hiều là vì các chủ đề mà Ngộ giáo khai triển đánh động con người một cách sâu xa. Chủ đề căn bản của Ngộ đạo là nỗi khắc khoải về sự dữ của cuộc hiện hữu trong thế giới này. Ngộ đạo xuất hiện như một biểu hiện của ý thức bất hạnh. Ý thức này làm nảy sinh nơi người Ngộ đạo cảm thức về một sự vong thân, một cuộc lưu đày, một sự tước bỏ so với một thiên đàng đã mất, so với sự hoàn hảo đã bị lãng quên. Ở trần gian này, con người cảm thấy lạc loài, bị xâu xé giữa thiện và ác, vật chất và tinh thần, linh hồn và thể xác, bị phá vỡ thành hai phái tính riêng biệt, tản mát trong thời gian. Con người mang nỗi hoài vọng da diết về sự duy nhất thuở đầu, một sự duy nhất mà chỉ có một thảm họa vũ trụ mới có thể phá tan để rồi sinh ra cái thế giới đổ vỡ này. Cứu độ hệ tại ở chỗ thoát khỏi vật chất và mọi thứ nhị nguyên mà nó đẻ ra, cứu độ là trốn thoát và trở về với thế giới hoàn hảo và thống nhất của tinh thần.

Con đường cứu độ nàm trong "tri thức", tri thức này vừa là nhận thức bẩm sinh về thân phận của tinh thần ở trần gian này, đồng thời là sự đắc thủ tri thức hoàn hảo, làm tăng triển nhận thức trên. Nhờ tri thức, con người ý thức về bản tính đích thực của mình là một hữu thể tinh thần. Ngộ đạo là việc tinh thần trở về với chính mình. Là tự biết mình, đúng như câu ngạn ngữ: "Anh hãy tự biết mình". Người khai tâm (initié) là người thủ đắc trí thức giải thoát này và như thế là đã được cứu độ. Nơi những kẻ khác, tinh thần còn đang ngủ yên, nhưng lời chỉ dạy có thể đánh thức nó. Cuối cùng những người khác, những "ngươi vật chất" chỉ được cấu tạo bằng những yếu tố xác thịt, tất sẽ bị hủy diệt vô phương cứu chữa. Như thế, các Kitô hữu theo Ngộ đạo tự xem mình như Giáo Hội của những người hoàn hảo, nòng cốt của những người được tuyển chọn, khai mào cho tất cả các trào lưu "Cathares" (tinh tuyền, thanh sạch) trong lịch sử Kitô giáo.

Về bản chất tai họa vũ trụ, nguyên lai của thế giới đổ vỡ này, các giáo phái mạnh ai nấy thêu dệt trên một phác thảo hoàn toàn mang tính chất thần thoại. Chính từ giai trật các hữu thể cấu tạo nên thượng giới, đã xảy ra biến chuyển làm phát sinh một Đấng tạo hóa dị hình, tác giả của thế giới này. Cũng chính từ thượng giới, một Quyền Năng đã xuống giải thoát những mảnh tinh thần bằng cách đem tri thức đến. Ở đây, cũng như chủ thuyết Maniché, Ngộ đạo thuyết hòa trộn đủ thứ thần thoại vay mượn ở các tôn giáo rất khác nhau, Người ta có những lý do để nghĩ rằng các Kitô hữu Ngộ đạo không nhất thiết lấy lại thần thoại này, nhưng không vì thế mà họ tránh được việc hủy hoại tận căn hữu thể và vai trò của Đức Kitô Cứu Thế.

PHÚC ÂM THEO THOMAS

(Khoảng năm 140)

Trình bày những chủ đề Ngộ đạo hay gần với Ngộ đạo: quan niệm nhị nguyên về con người, từ khước tính dục (trở về tình trạng ấu thơ), hoài vọng về sự duy nhất đã mất.

"Đức Giêsu nhìn thấy những đứa trẻ còn bú. Ngài nói với các môn đệ: Những trẻ bú này giống như những người bước vào Nước Trời.

Họ nói với Ngài: Vậy khi trở thành trẻ nhỏ, chúng con vào Nước Trời ư?

Đức Giêsu nói với họ: Khi các ngươi coi hai là một, và khi các ngươi coi nội giới như ngoại giới và ngoại giới như nội giới, và điều trên cao như diều dưới thấp, và khi các ngươi coi, đàn ông với đàn bà, chỉ là một thứ đến mức đàn ông chẳng phải đàn ông, đàn bà chẳng phải đàn bà, khi các ngươi làm hai mắt thay cho một mắt, một tay thay cho một tay, và một chân thay cho một chân, một hình ảnh thay cho một hình ảnh, bấy giờ các ngươi sẽ vào Nước Trời".

(P.V.F.LEvangile selon Thomas, 1959, p. 17-19)

THÁNH THI NGỘ ĐẠO DO HIPPOLYTE THÀNH ROMA LƯU GIỮ

Sự dữ của thế giới và hành động của Đức Kitô Cứu Thế

"Luật đầu tiên làm phát sinh vũ trụ là trí tuệ

Nguyên lý thứ hai, sau thọ sinh thứ nhất, là hỗn mang hỗn độn: hàng thứ ba, theo định chế của luật, rơi về phần linh hồn.

Vì lẽ đó, mang hình thái nước, linh hồn phiền sầu, là đồ chơi, nô lệ sự chết.

Có lúc được ban vương quyền, linh hồn vui hưởng ánh quang.

Khi bị đẩy vào bất hạnh, linh hồn đớn đau than khóc.

Rốt cuộc, có những lúc cùng đường nghẽn lối

Kiếp lang thang bất hạnh dẫn tới mê lộ khôn cùng

Bấy giờ Đức Giêsu nói: Lạy Cha, xin hãy nhìn!

Linh hồn gặp bất hạnh đang phiêu bạt trên thế gian, xa khỏi khí thiêng của Người.

Nó tìm cách trốn khỏi hỗn mang kinh tởm, nhưng biết đâu là lối ngõ băng qua.

Vì vậy, Lạy Cha, xin hãy sai con đến! Con sẽ xuống thế mang theo ấn tín

Con sẽ băng qua các hữu thể thần linh (éons): và mọi mầu nhiệm con sẽ mạc khải và dưới danh xưng Ngộ đạo, con sẽ truyền đạt những bí mật của thánh đạo."

(Philosophoumena, V.10 A. Siouville, Paris 1928, p. 162-163)

TÌM THẤY THƯ VIỆN CỦA MỘT PHÁI NGỘ ĐẠO

Vào năm 1945 hoặc 1946, các nông dân tình cờ khám phá thấy một chiếc chum đầy những cảo bản trong một ngôi mộ cổ, vùng Nag-Hammadi thượng Ai Cập. Ban đầu, chiếc chum bị bọn lái buôn dấu ở Ai Cập. Sau đó thu hồi lại được và giao cho các nhà chuyên môn. Trong chum có 13 quyển bằng chỉ thảo (papyrus) có bìa da bọc ngoài, chứa tất cả 49 văn phẩm khác nhau, viết bằng tiếng Copte. Các quyển này có từ thế kỷ II và IV. Qua nội dung các tác phẩm, người ta có thể biết chắc nguồn gốc của chúng: đây là thư viện của một phái Ngộ đạo, được đưa ra ánh sáng, sau 15 thế kỷ bị chôn vùi, nhờ khám phá đó.

Tập bản văn này cung cấp một tư liệu hầu như hoàn toàn mới mẻ về một nền văn chương hình thành từ thế kỷ II. Trong số các tác phẩm được tìm thấy, một số đã được Irénée và Hippolyte biết đến.

Chỉ nguyên tựa đề các tác phẩm cũng cho thấy tính chất lạ lùng và hết sức bí hiểm của nền văn chương này: Chúng ta thấy những tựa đề như: "Sách Thánh của Thần Khi vĩ đại vô hình", "Tư tưởng của Quyền lực vĩ đại", "Mạc khải của Adam cho con trai là Seth", "Khôn ngoan của Đức Giêsu" (đây thuần túy là sự phỏng tác có màu sắc Kitô giáo rập theo một khuôn mẫu ngoại giáo), "Tin mừng về chân lý" (Theo Irénée, Valentin có viết một tác phẩm mang tựa đề này), "Tin mừng theo Thomas", "Sách bí nhiệm của Gioan", "Khải huyền của Phêrô".v.v.

Các tác phẩm này cho thấy Ngộ dạo hầu chắc phát xuất từ bên ngoài Kitô giáo: với sự pha trộn đến lạ lùng các tôn giáo khác, ngộ đạo rõ ràng xuất hiện như một hình thái tôn giáo có khả năng hòa nhập vào những khung tôn giáo hết sức khác biệt. Ngoài ra, các văn phẩm đó mang lại một tư liệu chưa từng có về ngộ đạo "theo Kitô giáo", là thứ Ngộ đạo mà Irénée đã lên tiếng chống lại phái Ngộ đạo này, khi sát nhập Kitô giáo, đã tự cho mình mới là người biểu lộ Kitô giáo trong sự thuần khiết của nó. Vả lại, người ta nhận thấy nơi các phái Ngộ đạo, dù là theo Kitô giáo hay không, có những luận thuyết hết sức khác biệt nhau. Tuy nhiên, cái nhìn của chúng vẫn luôn luôn là sự đối lập giữa hai thế giới. Và do đó, trong các phái đạo theo Kitô giáo, họ không nhìn nhận vị Chúa thần linh nơi Đức Yêsu nhân trần, nơi Đấng chịu đóng đinh, cũng như không nhìn nhận Giáo Hội đích thực nơi cộng đoàn hữu hình, cơ chế của Giáo Hội Công Giáo.

Các luận đề lớn của ngộ đạo sẽ xuất hiện nơi học thuyết Manichée khởi từ thế kỷ III, và sẽ tiếp tục xuất hiện dọc theo các thời đại, chẳng hạn nơi phong trào Cathres hoặc Albigeois trong thời Trung cổ.

Là mục tử, Irénée hết sức nhạy cảm với sự tuyên truyền tích cực và khéo léo của các giáo phái trong các môi trường Kitô giáo, và là nhà thần học, Ngài cũng hết sức nhạy cảm với việc chính nền tảng đức tin bị đặt thành vấn đề bởi Ngộ đạo: nó dẫn tới tất cả những chia cắt hủy hoại - chia cắt giữa Thiên Chúa Tối cao và Đấng Sáng tạo, giữa công trình tạo dựng và công trình cứu độ, giữa con người và vũ trụ, giữa thân xác và linh hồn, giữa Cựu Ước, công trình của Đấng Sáng Tạo, và Tân Ước, mạc khải duy nhất của Chúa Cha. Nó đụng tới cả bản chất cứu độ: vong thân đích thực của con người là ở chỗ nào? Phải chăng chỉ duy có tri thức mới cứu thoát? Đâu là ý nghĩa của đời sống luân lý, của đời sống bí tích?. Hữu thể nhân linh phải chăng chỉ là bãi chiến trường của cuộc chiến siêu việt giữa Thiện và Aùc, và phải chăng Đức Kitô, Đấng Cứu độ, từ trời cao nhảy dù xuống trần gian này mà chẳng liên lụy gì với trần thế, và vai trò chính của Ngài chỉ là Đấng mạc khải của Ngộ đạo?. Nhập thể và mầu nhiệm Vượt qua mất hết ý nghĩa. Ngay cả nguồn mạch của đức tin cũng ra hư hoại vì nó không còn ở trong truyền thống Giáo Hội giải thích Thánh Kinh nữa, mà là trong truyền thống và các kinh thư bí mật của phái Ngộ đạo.

Bấy nhiêu vấn đề thường xuyên nằm trong chân trời tư tưởng của Irénée và đã đưa Ngài đến chỗ hình thành một nhãn quan ăn rễ sâu trong các thư Phaolô nhưng đồng thời có những nét độc đáo và đặc sắc riêng của nó.

MỘT HỆ THỐNG NGỘ ĐẠO

Giáo thuyết của Basilide (Ngộ đạo ở Alexandrie), do Irénée mô tả (Chống Ngộ đạo I, 24, 3-5).

"Theo ông ta, từ Chúa Cha không được sinh ra, trước tiên Trí Tuệ được sinh ra, rồi từ Trí Tuệ sinh ra Logos, từ Logos sinh ra Minh Triết, rồi từ Minh Triết sinh ra Khôn Ngoan và Sức mạnh, từ Sức mạnh và Khôn Ngoan sinh ra Đức hạnh, các Hữu Thể Thượng Đẳng (Archontes) và các Thiên Thần mà ông gọi là các Thiên Thần đệ nhất và do các vị này mà trời thứ nhất được dựng nên. Rồi, do lưu xuất từ cac thiên thần đó, những thiên thần khác ra đời, và đã dựng nên trời thứ hai tương tự như trời thứ nhất. Cũng thể cách như thế, những thiên thần khác nữa. đã làm ra trời thứ ba. Rồi từ hạng thiên thần đệ tam này, một hạng thứ tư phát xuất, cấp thấp hơn và cứ thế tiếp tục. Theo cách đó, các hạng Hữu thể thượng đẳng và các thiên thần nối tiếp nhau xuất hiện và cho đến 365 tầng trời. Chính vì lẽ này mà có cùng con số ngày trong năm, hợp với số các tầng trời.

Các thiên thần ở tầng trời bên dưới, tầng trời mà chúng ta nhìn thấy, đã tạo nên tất cả những gì trần gian chứa đựng và chia sẻ với nhau mặt đất và các quốc gia trên đất. Vị Tổng lãnh Thiên Thần này được coi như là Thiên Chúa của người Do Thái. Vị này, vì muốn đặt mọi dân tộc khác dưới tay người của mình, nghĩa là người Do Thái, đã bị các Hữu thể thượng đẳng khác đứng lên đánh lại. Cũng vì lẽ đó mà các dân tộc khác đứng lên chống lại dân tộc Do Thái. Bất giờ Chúa Cha, Đấng không được sinh ra, không thể gọi tên, nhìn thấy sự gian ác của Hữu thể thượng đẳng, đã sai phái Trí Tuệ, Trưởng tử của Người - chính là Đấng mà người ta gọi là Kitô - để giải thoát những ai tin vào Ngài khỏi ách thống trị của nhữngTác giả tạo nên thế gian này. Ngài xuất hiện nơi các dân tộc của các Hữu thể Thượng đẳng, trên trần gian, dưới hình dạng một con người và Ngài thực hiện những việc lạ lùng. Bởi thế, chính Ngài không chịu khổ nạn, nhưng một Simon de Cyréné nào đó đã bị trưng dụng và đã vác thập giá thay cho Ngài. Và chính Simon, vì không biết và lầm lạc, đã bị đóng đinh.

Vậy kẻ nào "biết" điều đó thì được giải thoát khỏi các Hữu thể Thượng đẳng, tác giả của thế giới này. Và người ta không cần tuyên xưng những kẻ đã bị đóng đinh, nhưng là Đấng đã đến dưới hình dạng con người, ra vẻ bị đóng đinh, được gọi là Giêsu, và đã được Chúa Cha sai đến để triệt hạ những công trình của các Tác giả tạo thành thế giới, nhờ "nhiệm cục" đó. Basilide nói: Nếu ai tuyên xưng Đấng-bị-đóng-đinh, kẻ đó còn đang là nô lệ và ở dưới sự thống trị của những kẻ đã tạo nên các thân xác; nhưng người nào chối bỏ Đấng ấy, người đó được giải thoát khỏi quyền lực của họ và nhận biết "nhiệm cục" của Chúa Cha, Đấng-không-được-sinh-ra.

Cứu độ chỉ dành cho linh hồn, vì thân xác tự bản tính là hư hoại.

(Sources Chrétiennes, No. 264, p. 327-329)


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà