PHẦN II

TÂY PHƯƠNG Ở KHÚC QUANH THẾ KỶ V

CHƯƠNG I

 

THÁNH AMBROISE

VỊ HOÀNG TỬ CỦA GIÁO HỘI

 

 

I. MỘT GIÁM MỤC HOẠT ÐỘNG VĨ ÐẠI.

 

Sau khi Lactance chết, có lẽ sát trước Công Ðồng Nicée, Tây phương không còn những khuôn mặt lớn, thánh Hilaire chỉ được biết đến vào khoảng năm 356 và chỉ kéo dài hơn chục năm , trong khi đó, ở Ðông phương, thánh Athanase chiếm lĩnh diễn đàn trong gần 50 năm, chung quanh ngài và tiếp nối ngài là cả một nhóm thần học gia lớn. Nhưng rồi thánh Ambroise, thánh Jérôme và thánh Augustin tiếp nối nhau xuất hiện. Tây phương giành lại chỗ đứng.

 

AMBROISE, DANH GIA VỌNG TỘC.

 

Thánh Ambroise thuộc dòng dõi quyền quí. Cha ngài, một Kitô hữu xuất thân từ một trong những gia đình nổi tiếng nhất của Nghị viện Rôma, lúc bấy giờ làm Tổng trấn xứ Gaule tại Trêves ; ông mất sớm. Ðứa con trai được người mẹ đạo hạnh dẫn về Rôma cùng với em trai là Satyrus và em gái là Marcelline, sau này sẽ khấn sống đồng trinh. Năm 370, vào lối 30 tuổi, Ambroise trở thành Tổng đốc (gouverneur) tỉnh Émilie-Ligure ở Milan. Giám Mục tại đây là Auxence, là một con người theo phái homéens [đồng dạng, Chúa Cha giống Chúa Con], Hilaire cố gắng thuyết phục ông trở về với giáo lý chính thống nhưng vô hiệu. Cái chết của vị Giám Mục theo phe Arius này đã gây nhiều xáo trộn khiến vị tổng đốc phải đến dàn xếp. Lúc đó, một em bé la lên : "Ambroise Giám Mục". Hoàng đế Valentinien I xuôi theo tình thế, chấp nhận cho Ambroise lên kế vị, mặc dầu ngài chưa biết gì đến các cuộc tranh luận. Vị Tổng đốc liền được rửa tội và tuần lễ sau, có lẽ là ngày 7.12 năm 374, ngài được tấn phong do một Giám Mục theo Nicée, như lời yêu cầu của ngài. Ngài cho rước di hài của Denys, vị tiền nhiệm của Auxence, chết nơi lưu đày trở về. Ngược lại ngài vẫn để nguyên hàng giáo sĩ đã từng gắn bó với Auxence.

 

Ambroise không phải là người làm việc nửa vời. Làm Giám Mục, ngài vẫn chu đáo tận tâm không kém gì lúc làm tổng đốc. Ngài tự buộc mình học hỏi đào sâu về Kitô giáo tại trường của Simplicien : học Kinh Thánh, tất cả các tác giả Latinh và Hylạp, thêm vào đó là Philon và Plotin. Ngài phân phát gia tài cho người nghèo, hăng hái đứng ra bênh vực họ chống lại kẻ giàu có. Những tên Achab mới bóc lột Naboth. Ngài quan tâm nâng đỡ các trinh nữ, khai tâm cho các dự tòng, nuôi dưỡng dân của ngài. Phần lớn công trình về chú giải, tín lý, luân lý, tu đức của ngài phát xuất từ hoạt động mục vụ đó.

 

CUỘC CHIẾN ÐẤU CHỐNG BÈ ARIUS.

 

Ambroise phải đối phó với một quyền lực chính trị không phải lúc nào cũng dễ dàng để cho ngài thi hành trách vụ. Hoàng đế Valentinien I, trước kia hậu thuẩn cho Auxence, nay không còn xen vào bao nhiêu, nhưng bà vợ thứ hai của ông là Justine lại đứng về phe Arius. Năm 375, Gratien, hãy còn trẻ, lên kế vị và cùng với Valentinien II, còn là một đứa bé, chia nhau cai trị Tây phương, đây cũng là thời gian mà Théodose sắp thế chỗ Valens, một người theo phe Arius, bên Ðông phương (364 - 378). Ban đầu, do ảnh hưởng của mẹ, Gratien tỏ ra khoan dung rộng rãi đối với những người không-Công giáo. Ambroise phản ứng lại : ngài đặt một Giám Mục chính thống ở Sirmium, và long trọng nhắc lại đức tin Nicée, và ngài đã mau chống chiếm được sự quí mến của Gratien. Ngày 3. 8. 378, hoàng đế ra lệnh cấm tất cả mọi lạc giáo hoạt động, trong khi đó bên Ðông phương, hoàng đế Théodose cũng dần dần áp đặt đức tin chân thật.

 

Từ đây, vị Giám Mục chơi lá bài chủ nghĩa quốc gia, ngài liệt bè Arius vào hạng những kẻ xâm lăng : quân Goth lại chẳng thuộc bè Arius đó sao ? Ngài lẫn lộn lòng trung thành với Chúa và với đế quốc. Khi Gratien yêu cầu ngài viết bài toát yếu giáo lý "Về đức tin", ngài đề gửi Gratien "Thánh Hoàng đế" và trong một lá thư năm 380, lại gọi ông là "Hoàng đế Kitô hữu chính danh nhất" (Le plus Chrétien des empereurs). Mặc dầu Valens tử trận trong khi đánh quân Goth, ngài lại đi tố cáo bè Arius - và qua đó tố cáo Justine - là cửa ngõ qua đó quân thù lẻn vào tổ quốc : "Như trước kia cỗ xe là chỗ chúng náu thân, thì nay Giáo Hội lại là cỗ xe của chúng. Và người đàn bà đó đi đến đâu thì đều mang binh đội của y thị tới đó". Bè Arius hay quân Goth cũng đều là bọn bài - Roma. Ngài vừa than tiếc cho việc đế quốc bị phân chia đồng thời cũng phàn nàn ngay cả về sự vươn lên của Constantinople, "Rôma mới" mà khoản 3 của Công Ðồng năm 381 đã dàn xếp ngay sau thành của Ðức Giáo Hoàng.

 

Tuy nhiên, phe Arius và người ngoại giáo vẫn luôn còn đó. Tại Công Ðồng Aquilée năm 381, bằng sự khôn khéo hơn là với lòng nhân đạo. Ambroise nhờ thay thế quyền làm cho hai Giám Mục cuối cùng đối nghịch với Nicée phải rời bỏ tòa của họ. Lạc giáo bị ngăn chận ở Illyrie và Ý. Tuy nhiên Justine không bó tay thúc thủ. Bà gài người của mình vào hoàng cung tại Milan. Năm 383, Gratien bị Maxime ám sát. Valantinien II, mới 12 tuổi, trở thành vị hoàng đế duy nhất ở Tây phương, trước mặt Maxime, kẻ tiếm quyền. Dưới áp lực của Justine, từ năm 385, ông đòi người ta hoàn lại một thánh đường cho những người Arius, nhưng không xong. Ngày 23 tháng Giêng năm 386, ông cho phe Arius và phía Công Giáo hưởng quyền lợi như nhau. Các nhà thờ trên toàn đế quốc phải để cho người Arius lui tới, nếu không sẽ bị tử hình. Tại Milan, ông đòi nhượng lại ngôi nhà thờ Porcienne, và hơn thế nữa, cả ngôi "Vương Cung Thánh Ðường Mới" cho phe Arius. Mercurinus, một linh mục thân tín của Justine đã tự xưng danh là Auxence với ý đồ tiếm đoạt ngôi Giám Mục. Triều đình gợi ý một cuộc phân xử trong đó cả hai phe tham dự dưới sự chủ tọa của hoàng đế. Ambroise đã khước từ đề nghị đó với ý thức phẩm cách của mình trong một bức thư gởi Valentinien tháng 3 năm 386 : Giáo dân xét xử Giám Mục từ bao giờ ? Ðụng độ gia tăng trong Tuần Thánh. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá, Ambroise cùng với dân chúng, chiếm giữ ngôi thánh đường Porcienne [cửa] đã bị quân lính bao vây. Trước những bắt bớ và trừng phạt, vị Giám Mục đã đáp lại bằng những thánh thi đầu tiên và lối hát luân phiên các ThánhVịnh (chant alterné). Vị mục tử tốt lành, trong một bài giảng bi tráng, đã tố giác nặng lời tên Scythe (Mercurinus gốc người Scythe) kẻ tự xưng là Auxence. Biết mình không thể phản kháng bằng vũ lực, ngài chỉ giữ lại những vũ khí hòa bình. Ngài xin các tín hữu cho mình được quyền ra đi tử đạo. Mọi đe dọa đối với ngài cũng chỉ như trò đùa con trẻ. Một cuộc gặp gỡ lạ lùng xảy ra : một bà Monica nào đó đã tham dự sốt sắng vào các đêm canh thức và con trai bà là Augustine đã cùng chịu "nỗi kinh hoàng của thành đô". Cuối cùng, ngày thứ Hai Tuần Thánh đã có được những biện pháp dàn xếp. Cũng trong thời gian này, Ambroise đã khám phá ra di hài của hai thánh Gervais và Protais trong những hoàn cảnh hết sức lạ lùng. Vị Giám Mục và đức tin Công Giáo đã chiến thắng.

 

Ambroise đã dự vào một cuộc tranh cãi khác giữa các Kitô hữu, tuy gián tiếp hơn. Sự kiện xảy ra là, Priscilien, Giám Mục Avila, Tây Ban Nha nổi danh vì chủ trương khổ chế cực đoan, mang màu sắc ngộ đạo của ông và được rất nhiều người hâm mộ. Bị kết án tại Saragosse, ông trốn sáng xứ Gaule. Một lần nữa ông bị kết án tại Bordeaux năm 384, mặc dầu đã có thời gian được Gratien che chở, ông nại lên hoàng đế Maxime nhưng vẫn bị hành hình cùng với sáu môn đệ. Bản án này bị Martin de Tours và Giáo Hoàng Sirice, nhưng nhất là thánh Ambroise phản đối ; ngài tuyên bố tại Trèves, năm 386, là từ nay ngài từ chối mọi quan hệ với các Giám Mục "đã yêu cầu giết những người lạc giáo".

 

GOG, CHÍNH LÀ GOTH : LẠC GIÁO, CHÍNH LÀ BỌN MAN DI.

 

Tôi không nên giữ đến ngài lâu hơn nữa, thưa hoàng thượng, vì ngài đang lo chuyện chiến binh và đang chuẩn bị những vòng nguyệt quế chiến thắng bọn man di. Hãy tiến lên, ngài hoàn toàn được che chở bởi "miệng đức tin", và mang lấy ngọn giáo của Thần Khí. Hãy tiến đến chiến thắng đã được hứa ban từ ngàn xưa và đã được các sấm ngôn của Chúa tiên báo vì Ézéchiel, ngay trong thời của mình, đã tiên báo về cảnh bị tàn phá của chúng ta và về các cuộc dấy binh của quân Goth. Ngài hẳn biết rõ lời này : "Hỡi Con Người, vì điều đó, hãy nói tiên tri, và hãy nói với Gog : (...) Ngươi sẽ tiến lên chống lại Israel Dân Ta ..." (Ez 38, 14 - 16). Gog chính là Goth mà chúng ta đã thấy rút lui, kẻ mà trên hắn chúng ta đã được hứa ban chiến thắng khi Thiên Chúa phán : "(...) Ngày đó, Ta sẽ ban cho Gog" nghĩa là cho quân Goth một nơi danh tiếng trong Israel làm phần mộ (Ez 39, 10 - 12). Tâu hoàng đế thánh thiện, điều đó chẳng có gì phải ngờ vực ; chúng ta là những người đã phải chịu trừng phạt vì một lạc giáo ngoại lai, thì chúng ta cũng sẽ nhận được sự đáp cứu của đức tin Công Giáo, một đức tin đang sống động nơi ngài. Vì chưng nguyên do hiển nhiên khiến Thiên Chúa thịnh nộ thì đã được báo trước cho chúng ta ; ở đâu lòng tin vào Thiên Chúa bị tan vỡ, ở đó lòng trung thành với đế quốc Rôma cũng tan tành.

Sur la foi, à Gratien II, 16. 136 - 139

PL 16, 587B - 588B CSEL 18.8.104 1, 106, 27.

GIÁO DÂN XÉT XỬ GIÁM MỤC TỪ BAO GIỜ.

 

Thánh Ambroise vừa trưng dẫn một sắc chỉ của hoàng đế Valentinien I mà ngài tóm tắt : "Linh Mục là người xét xử Linh Mục".

 

4. Tâu hoàng đế rất mực khoan dung, có bao giờ ngài nghe nói : trong vấn đề đức tin, một Giám Mục lại bị giáo dân xét xử ? Phải chăng chúng tôi đã bị hư hỏng vì lời xiểm nịnh đến độ quên đi quyền hạn của chức Linh Mục và chính tôi lại muốn uỷ thác cho người khác điều mà chính Chúa đã ban cho tôi ? Nếu vị Giám Mục phải đón nhận những bài học của giáo dân thì hậu quả sẽ ra sao ? Người giáo dân sẽ lèo lái cuộc tranh luận và vị Giám Mục chỉ còn việc lắng nghe : Giám Mục sẽ là học trò của giáo dân. Nhưng chắc chắn rằng, nếu chúng ta tra cứu toàn bộ Sách Thánh hay những thời đã qua, thì ai dám chối cãi điều này là, trong vấn đề đức tin, thông thường chính các Giám Mục mới là người xét xử các hoàng đế có đạo chứ không phải hoàng đế xét xử các Giám Mục.

 

5. Nhờ ơn Chúa, ngài sẽ đạt tới sự chín chắn của tuổi già, ngài sẽ hiểu ra được việc một Giám Mục mà lại đi hiến các quyền hạn của mình cho giáo dân thì còn ra gì. Thân phụ của ngài khi đã cao niên, và với ơn Chúa, đã nói rằng "Xét xử việc giữa các Giám Mục, điều đó chẳng thuộc quyền ta". Thế mà, thưa đức vua, bây giờ ngài lại nói : "Chính ta phải xét xử". Thân phụ ngài, một người đã chịu Phép Rửa trong Ðức Kitô, tự thấy mình không có khả năng mang lấy gánh nặng của một quyết định như thế, còn đức vua, một người còn phải lãnh nhận Phép Rửa, thế mà ngài lại giành lấy cho mình quyền xét xử về đức tin trong khi chưa biết đến bí Tích của đức tin hay sao ?

 

13. Ambroise đâu có cao giá đến nỗi vì mình mà lại đi hạ giá chức tư tế. Mạng sống của một con người phỏng có là gì so với phẩm giá của tất cả các Giám Mục, là những vị đã khuyên tôi soạn bức thư này. Các vị đó không muốn trong số những kẻ Auxence chọn lựa, lại có thể có một kẻ ngoại đạo hay một tên Dothái, mà nếu như chúng tôi giao cho chúng quyền xét xử Ðức Kitô thì hóa ra chúng tôi để chúng chiến thắng Ðức Kitô hay sao.

(Ambroise Ep. 21, PL 16, 1003B - 1005C = Ep 75 CSEL 82/10, 75 - 76

và 78 - 79. Trad. J.R.Palanque, dans M. Meslin et J.R.Palanque,

le Christianisme antique, Paris 1967, p. 242 - 243).

MỘT BÀI GIẢNG BI HÙNG.

 

2. Hỡi anh em, sao anh em lại băn khoăn xao xuyến ? Tự ý tôi, tôi sẽ không bao giờ rời bỏ anh em nhưng vì ép buộc, tôi không thể cưỡng lại được. Tôi có thể chịu đau khổ, khóc ư, tôi có thể. Tôi có thể kêu than chống lại quân đội, chống lại lính Goth. Nước mắt là vũ khí của tôi, đó chính là sự chống cự của một người Linh Mục. Tôi phải hoặc có thể chống cự như thế, không bằng cách nào khác. Nhưng chạy trốn và bỏ rơi Giáo Hội của tôi thì không phải là điều tôi quen làm : Ðừng có ai nghĩ rằng nỗi sợ hãi một sự trừng phạt nặng nề hơn đã khiến tôi hành động. Anh em đã quá rõ thói quen của tôi, khi đứng trước các hoàng đế, tôi kính trọng chứ không nhượng bộ, sẵn sàng đương đầu với hình khổ và chẳng sợ hãi gì những nhục hình họ dọn sẵn cho tôi (...)

 

4. Quân lính tỏa ra, tiếng binh khí bao vây nhà thờ không làm lòng tin của tôi rúng động nhưng lại khiến tâm trí tôi day dứt : Khi giữ tôi lại, anh em lại chẳng chuốc lấy nguy hiểm cho tính mạng mình sao ? Phần tôi, từ bây giờ tôi đã không còn biết đến sợ hãi, nhưng tôi lại bắt đầu sợ nhiều hơn cho anh em. Tôi xin anh em, hãy để người Linh Mục của anh em ra đi chiến đấu (...)

 

6. Hỡi anh em, tôi biết những thương tích này, những thương tích mà chúng ta lãnh nhận vì Ðức Kitô, đấy không phải là những vết thương : chúng không làm mất đi sự sống, nhưng là làm cho sự sống được trường tồn.

 

23. Auxence bị đánh đuổi. Mercurius bị trục xuất. Chỉ một quái vật với hai cái tên ...

 

24. Con người ấy, một kẻ đã đẫm máu đổ, thấm máu loang sao còn dám nói với tôi về chuyện điều đình thương lượng ? (...)

 

33. Thử hỏi câu trả lời của chúng ta còn thiếu khiêm hạ ở chỗ nào ? Nếu (hoàng đế) đòi thuế, chúng ta không từ chối. Tài sản của Giáo Hội sẽ được dùng để trả thuế. Nếu hoàng đế đòi tàn sản, ông ấy có quyền đòi ; chẳng ai trong chúng ta chống đối lại. Quyên góp nơi dân chúng có thể đủ cho người nghèo (...) Tôi có nhiều ông chủ nhà băng : các ông chủ nhà băng của tôi là những người nghèo của Chúa Kitô (...)

 

34. Người ta cũng thuật lại rằng tôi đánh lừa dân chúng bằng việc hát các khúc Thánh Thi của tôi. Ðó là nỗi khổ mà tôi không hề từ chối. Bài ca đó thật kỳ diệu và hiệu lực vô song. Thật vậy, có gì hữu hiệu hơn lời tuyên xưng Ba Ngôi mà miệng lưỡi toàn dân xưng tụng mỗi ngày ? Mọi người đua nhau chuyên cần tuyên xưng lòng tin : họ biết tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần bằng những câu thơ. Và thế là họ, những người chỉ có thể chỉ mới là môn đệ, đã trở nên những bậc thầy (...)

 

35. (...) "Chúng tôi đã trả cho César điều thuộc về César và cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa". Thuế là của César. Không ai chối điều đó. Nhà thờ là của Chúa. Nó không thể bị đem bán cho César dưới bất cứ cách nào, vì đền thờ Thiên Chúa không thể lại thuộc thẩm quyền César (...)

(Bài giảng chống Auxence, PL 16, 1008 - 1018 (Ep 21) = Ep 75a.

CSEL 82/10, 83 - 106. Thánh Ambroise cũng thuật lại những biến cố

của tuần lễ đó trong bức thư gởi em gái ngài là Marcelline Ep. 20 ;

PL 16, 994 - 1002 = Ep. 76, CSEL 82/10, 108 - 125).

ÐỐI DIỆN VỚI NGOẠI GIÁO.

 

Không chỉ những Kitô hữu phi chính thống mới gây ra vấn đề. Dưới áp lực của các Giáo Hội, nhà nước dần dà xa lánh tôn giáo dân ngoại. Gratien đã cắt bỏ những khoản trợ cấp dành cho việc tế lễ và những đặc quyền của các tư tế Rôma. Ông đã từ khước tước hiệu Thượng Tế Tối Cao (Pontifex Maximus). Năm 382, với lòng nhiệt thành của một người Polyeucte, ông cho cất khỏi nghị viện Rôma bức tượng Thần Chiến Thắng, các nghị viên lập tức phản kháng : đoàn đại biểu do Symmaque, một nhân vật đáng trọng và tiếng tăm dẫn đầu đã không được tiếp ở Milan. Sau khi Gratien qua đời, vào năm 384 Symmaque cho rằng tại nghị viện số nghị viên ngoại giáo vẫn chiếm đa số, nên ông đã thảo một bức thỉnh nguyện thư đặc biệt nhân danh lòng khoan dung và tự do, yêu cầu đưa bức tượng trở về. Thấy chính quyền sắp nhượng bộ, thánh Ambroise đã viết thư trực tiếp cho hoàng đế Valentinien II : ngài không hiểu tại sao nhà vua lại ủng hộ việc phượng tự của ngoại giáo, là một "Hoàng đế Kitô hữu rất mực chính danh" thì nhà vua phải bảo vệ đức tin nếu không muốn bị tuyệt thông. Dù xét thấy Kitô hữu đông hơn, vị Giám Mục không đòi hỏi có biểu hiệu Ðức Kitô (emblème), cũng không xin trợ cấp ... mà chỉ tìm cách làm cho ngoại giáo trên thực tế trở thành bất hợp pháp. Ngài đã thắng cuộc và một vài năm sau Prudence đã phổ thơ của tranh luận này trong hai tập "Chống Symmaque" (Contre Symmanque).

 

HAI QUYỀN LỰC.

 

Trong tất cả các sự việc trên, Ambroise luôn ở trong tư thế đối diện với hoàng đế, lúc thì chống lại, lúc thì phục vụ nhà vua. Dù hoàn toàn dấn thân phục vụ Giáo Hội, ngài không mất đi những khả năng của ơn gọi đầu tiên, cũng như ý thức quốc gia. Ngài coi chức Giám Mục của mình như "công cụ", một sứ mạng nhằm phục vụ đế quốc : Lời cầu nguyện và việc bảo vệ đức tin sẽ kéo lòng từ tâm của Chúa xuống trên hoàng đế và trên dân tộc. Ngai Giám Mục làm sống động ý thức chính trị của ngài. Với Gratien, Milan trở thành kinh đô và ông đã coi Giám Mục Ambroise như một cố vấn về các vấn đề tôn giáo. Tới lượt Valentinien II cũng đóng đô tại đó và mặc dầu các mối tương quan với giáo quyền sớm trở nên sóng gió, hoàng đế vẫn cho vời vị Giám Mục đến, nhờ ngài xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng trước việc nhà vua ban những ân huệ có lợi cho phe Arius, và hai lần nhờ ngài thương thuyết với Maxime, kẻ tiếm quyền.

 

Và rồi, vào năm 388, Théodose đến Milan sau khi chiến thắng Maxime, ông đã dần dần vãn hồi sự thống nhất của đế quốc và ước mơ sẽ làm cho đạo lý chính thống ngự trị trên toàn bờ cõi. Phải chăng người ta sắp chứng kiến Giáo Hội và nhà nước bắt tay nhau làm việc ? Ambroise năm 386, trước mặt Valentinien II đã từng mạnh mẽ phân định quyền hạn đôi bên nhân cuộc tranh chấp với phái Ariô mà triều đình muốn đứng ra làm trọng tài : "Trong vấn đề đức tin, tôi nhấn mạnh trong vấn đề đức tin, thông thường chính các Giám Mục xét xử các hoàng đế có đạo, chứ không phải các hoàng đế xét xử các Giám Mục". Cuối thư, ngài lặp lại nguyên tắc : "Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa" và nói với "Hoàng đế, đứa con của Giáo Hội : khi gọi như thế không phải gây thiệt hại mà làm ơn cho hoàng đế. Thực vậy, hoàng đế ở trong Giáo Hội, chứ không ở trên Giáo Hội. Một hoàng đế tốt sẽ tìm cách giúp đỡ chứ không làm xáo trộn Giáo Hội".

 

TÔI YÊU MẾN CON NGƯỜI NÀY.

 

Théodose có thể là người trợ tá đó. Trên thực tế, ông đã đưa Giáo Hội Ðông phương trở về với giáo lý chính thống. Nhưng có điều là phải nằm dưới quyền ông và tiến trình César-Giáo Hoàng đã khai mào. Ngược lại, Ambroise đã có một ý tưởng rất cao về Giáo Hội, vì ngài là người theo Nicée chặt chẽ và là chứng nhân về thần tính trọn hảo của Ðức Kitô, một khía cạnh mà phái Arius thiếu nhạy bén. Ðàng khác, ngài thừa ý thức về phẩm giá của một người Rôma, làm sao lại có thể quỵ luỵ nhà nước được, cho dù là nhà nước nắm trong tay một người Kitô hữu. Bên ngoài những quan hệ bình thường, cơ hội đã sớm xảy đến cho nhà vua thấy điều đó. Vào khoảng cuối năm 388, xảy ra việc Giám Mục miền Callinicon bên bờ sống Euphrate cho phá hủy một hội đường của người Dothái, Théodose đã ra lệnh cho vị này phải tái thiết hội đường đó bằng kinh phí của Giáo Hội. Ðáp lại Ambroise từ chối cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của hoàng đế. Một năm sau, tại Thessalonica, một quan chức thành phố bị hạ sát, Théodose đã trả đũa bằng một cuộc tàn sát đẫm máu, sau đó ông rút lại lệnh nhưng đã quá muộn. Ambroise tố cáo tội ác công khai đó của vị hoàng đế Kitô giáo, nhưng chỉ qua một bức thư với lời lẽ hết sức kiên quyết và rất tha thiết. Kẻ phạm tội đã chấp nhận tám tháng đền tội và xưng thú tội mình trước mặt dân chúng để được trở về với Giáo Hội vào dịp lễ Noel năm 390. Những mối quan hệ với Théodose ngày càng đặt những người ngoại giáo và cả lạc giáo ra ngoài vòng pháp luật. Hoàng đế băng hà năm 395. Vị Giám Mục đã có lời tán dương long trọng và đầy tình thương mến : "Tôi yêu mến con người này". Ngài ca tụng hoàng đế đặc biệt về các biện pháp bất khoan dung. Sau đó, dưới triều của Honorius còn non trẻ, có tướng Stilicon làm người giám hộ, thánh Ambroise dường như xa triều đình để lo cho dân của ngài cũng như lo cắt đặt các Giám Mục. Ngài ngã bệnh khi đang dự một cuộc bầu cử và mất năm 397.

 

Lược qua tiểu sử như thế có thể gây cảm tưởng rằng Ambroise chủ yếu là con người chính trị. Quá khứ của ngài, sự gần gũi thường ngày và uy tín lớn lao cũa ngài quả có khiến các hoàng đế phải kiêng nể. Nhưng nếu cho rằng vai trò của ngài chỉ như thế thì thật sai lầm. Chính ngài từng nói lên niềm mong ước được tự giới hạn vào trong "các bổn phận thuộc về trách vụ của mình". Trên thực tế, các công vụ của ngài không hề cản trở ngài gần gũi với giáo dân, ngài vẫn lo lắng dạy dỗ, bảo vệ họ khỏi những sai lạc, không những bên trong mà còn vượt ra ngoài xa ranh giới Giáo Phận mình. Các công việc ngài thực hiện cũng như các trước tác của ngài đều minh chứng điều đó.

 

"TÔI KHÔNG DÁM DÂNG HY LỄ (...) TÔI YÊU NGÀI, TÔI QUÍ MẾN NGÀI".

 

Sau khi nhắc lại "tình bạn êm dịu ngày xưa" và khi đã nói nhiều về lòng đạo đức và sự hăng say quảng đại của hoàng đế Théodose, thánh Ambroise đi vào vấn đề :

 

6. Trong thành Thesslonica đã xảy ra một sự kiện có lẽ xưa nay chưa từng có, một sự kiện mà tôi đã không thể ngăn cản xảy ra, hơn nữa đó cũng là điều mà biết bao lần tôi đã van xin ngài, nói trước cho ngài biết tấtcả sự tàn bạo của nó, và chính ngài, khi thu hồi lệnh lúc đã muộn, ngài cũng nhận ra mức trầm trọng của nó. Một sự kiện như thế tôi không thể giảm nhẹ được (...) Không có chuyện tha tội cho hành động của ngài trong cộng đoàn Ambroise.

 

7. Tâu hoàng đế, ngài lại hổ thẹn làm điều mà Ðavít, vị Vua Tiên Tri và là tổ tiên theo xác thịt của dòng dõi Ðức Kitô đã làm hay sao ? (...)

 

12. Tôi muốn thuyết phục ngài, muốn cầu khẩn, khuyên lơn, báo trước. Thật là đau khổ cho tôi, khi mà ngài, người đã từng là mẫu gương về lòng đạo đức chưa từng nghe nói, người đã đạt tới đỉnh cao của lòng độ lượng, người đã không để những kẻ phạm tội phải chịu thử thách, lại không hối tiếc về cái chết của ngần ấy người vô tội ...

 

13. Tôi không dám dâng lễ nếu có ngài tham dự. Ðó là điều không được phép khi chúng ta làm đổ máu dù chỉ một người vô tội, huống hồ là một số đông như thế bị đổ máu chẳng lẽ lại được phép sao ? Tôi không dám nghĩ như thế.

 

14. Cuối cùng, tự tay tôi viết điều mà sẽ chỉ mình ngài được đọc (...)

 

17. (...) Tôi yêu ngài, tôi quí mến ngài, tôi hằng cầu nguyện cho ngài (...) Nguyện chúc ngài, cùng với các vương tử thánh thiện của ngài, được vui hưởng bình an trường cửu, với tràn đầy hạnh phúc và thành công, thưa hoàng đế oai nghiêm.

(Ep. 51, PL 16, 1159 - 1164B = Ep. 11, Extra coll., CSEL 82/10, 212 - 218.

Bức thư cảm động này hợp với sự bình dị trong trình thuật của Paulin, Vie d'Ambroise, 24,

Những hoàn toàn khác với sự dàn dựng bi thảm của Théodoret, Hist. Eccl. V, 17 - 18).

 

TÁC PHẨM CỦA THÁNH AMBROISE.

 

I. CHÚ GIẢI.

 

Về Cựu Ước :

 

 

 

Chú giải về 12 Thánh Vịnh của Ðavít :

 

 

Về Tân Ước.

 

 

 

II. LUÂN LÝ VÀ TU ÐỨC.

 

 

III. TÍN LÝ.

 

 

IV. GIẢNG THUYẾT.

 

 

V. THƯ TỪ.

 

VI. THƠ.

 

 

II. SỰ NGHIỆP TRƯỚC TÁC.

 

TỔNG QUAN : THẦN HỌC - THÁNH THI - THƯ TÍN.

 

Trong khi thánh Augustine để lại hàng trăm bài giảng, thì thật đáng ngạc nhiên khi ta thấy trong danh mục các bút tích của thánh Ambroise chỉ có một bài giảng duy nhất, hơn nữa, đó lại gần như là một hành động : bài giảng chống lại Auxence về việc nhượng lại các Vương Cung thánh đường. ngoài ra, có thể kể thêm bốn bài điếu văn. Ðó là tất cả, xét theo bề ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, công trình trước tác của ngài hầu như hoàn toàn xuất phát hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp từ tác vụ Lời Chúa của ngài. Sáu bài giảng lễ, thường rất được để ý, ẩn dưới cái tên "Về các Bí Tích" được chuyển qua khá rõ trong khảo luận "Về các Mầu Nhiệm". Cũng thế, các bài chú giải Kinh Thánh, ít là một phần, luôn luôn là kết quả của các bài giảng thuyết. Các khảo luận, thường là ngắn, cũng chỉ là một hoặc nhiều bài giáo huấn được soạn lại hoặc giữ nguyên. Ngay cả những tác phẩm lớn về tín lý, được soạn do lời yêu cầu, người ta cũng thấy trong đó có những bài giảng được ghép vào với ít nhiều vụng về. Thư từ của ngài cũng thế, có nhiều lá thư chỉ là thuật lại các bài giảng của ngài. Sự kiện các bài giảng có mặt khắp nơi như thế, ngoài việc chứng tỏ hoạt động mục vụ rộng lớn của vị Giám Mục, nó còn có thể giải thích mức độ khiêm tốn của tư tưởng của ngài. Tất nhiên Ambroise không có thiên tài như Augustine, nhưng có lẽ ngài cũng không hề có tham vọng thong thả soạn thảo dù chỉ một tác phẩm thần học thực sự mang tính chất lý thuyết.

 

Tác phẩm tín lý của ngài chủ yếu qui về ba điểm chính : Ðức tin, Chúa Thánh Thần và Mầu Nhiệm Nhập thể. Thần học của ngài theo sát Kinh Thánh và đức tin Nicée. Ngài viết cho Valentinien về sự "ghê tởm" của ngài đối với Thượng hội đồng Rimini "Tôi theo dịnh thức của Công Ðồng Nicée, dù là gươm đao hay sự chết cũng không thể tách lìa tôi khỏi định thức đó". Ngài khẳng định mạnh mẽ Ba Ngôi Vị là một về bản thể (substance), ý chí (volonté) và hoạt động (opération), và đồng thời nhấn mạnh về sự ngang bằng hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng thánh Ambroise hết sức tránh thứ "chất độc" của "khoa lý luận". Lập trường bài-Arius trong các tác phẩm của ngài phần nào giải thích cho phản ứng này. Tuy nhiên không phải chỉ vì chống Arius, và mặc dầu ngài vay mượn rất nhiều, mà thường chỉ là trích lại nguyên văn hoặc đổi mới nội dung, nhưng ngài chỉ xem triết học Cổ Nhân như là một thứ học thuyết đã quá thời, xa lạ và đối nghịch. Người Kitô hữu kín múc ở một nguồn suối khác và theo một con đường khác. "Sự đơn sơ của đức tin" đâu cần gì đến những thứ "ngụy biện" của các "triết gia".

 

Niềm tin Kitô giáo của Ambroise trong các bài thánh thi lại càng dung dị hơn. Ngài không phải là người sáng tạo ra thể loại này ở Tây phương. Thánh Hilaire đã từng cố gắng phổ thần học của mình vào các bài ca phụng vụ và hiện chúng ta còn giữ được ba bài. Nhưng chính vị Giám Mục thành Milan mới là người làm cho hình thức này trở thành bất hủ, đặc biệt là trong cái đêm nổi tiếng mà ngài trải qua nơi ngôi "Nhà thờ Cửa" (l'Église porcienne) bị bao vây. Thánh Augustine kể ra bốn trong số các bài thánh thi này, và là những bài mà các giáo sĩ Latinh vẫn còn lưu ký cho tới ngày nay : Aeterne rerum conditor, Deus creator omnium, I Ambroise surgit hora tertia et Veni redemptor gentium. Các nhà nghiên cứu thông thạo thì nhìn nhận từ 4 đến 14 bài thánh thi là của ngài, nhưng truyền thống thì nhìn nhận con số lớn hơn nhiều. Các bài thơ này được soạn theo khổ bốn câu và giữ đúng âm luật cổ điển. Một số bài gắn liền với các "giờ" thần vụ, một số khác soạn cho các cử hành phụng vụ theo mùa, và có những bài dành cho các ngày lễ thánh Tử Ðạo. Ðây là những bài thánh thi hết sức được ưa chuộng đến nỗi nói chung người ta xem thánh Ambroise như người sáng tạo ra khoa Thánh Thi ở Tây phương. Có lẽ ngài cũng là người du nhập vào Milan lối hát Thánh Vịnh luân phiên đối đáp đã được khởi xướng tại Antioche. Cuối cùng, người được xem như là người bảo vệ nền phụng vụ mang chính tên của ngài ; Nghi lễ Ambroise, một nền phụng vụ phổ biến rộng rãi vượt ra ngoài biên giới Milan.

 

Thư của thánh Ambroise là một tài liệu lịch sử có giá trị hàng đầu. Trước hết, nó cho chúng ta biết về chính cuộc đời ngài và bổ túc cho tiểu sử mà Paulin de Milan đã biên soạn vào năm 422 theo yêu cầu của thánh Augustin. Tập thư của ngài, bao gồm các thư gửi cho những vị đồng sự, gửi em gái Marcelline, cả cho Ðức Thánh Cha và các hoàng đế nối tiếp nhau, thuật lại các biến cố của Giáo Hội và đế quốc, các lạc giáo, những điều kiện của việc bầu chọn Giám Mục ... Ngài cũng thường dùng thư để phê phán các tập tục của Giáo Hội vùng Cisalpine [bên này dãy Alpes]. Qua các bức thư của ngài, chúng ta nhận ra được tất cả đời sống tôn giáo trong tỉnh và nhất là thấy được uy tín của một Giám Mục thời đó trước quyền đạo cũng như quyền đời.

 

Ngoài ra, các bức thư của ngài còn có một nội dung luân llý hoặc tu đức, vì thế chúng rất giống với những khảo luận luân lý chính danh. Các bài chú giải của ngài cũng thường mang nội dung như thế. Vả lại có những là thư, những bài chú giải mở ra với đời sống thần bí. Chú giải, luân lý, linh đạo đó là ba lãnh vực còn phải được minh định trong tác phẩm của ngài.

 

CHÚ GIẢI.

 

Công trình chú giải của Ambroise tập trung vào Cựu Ước. Augustin khi còn là một thính giả trẻ tuổi, đã công nhận là mình thường tìm thấy ở đó giải đáp cho những vấn đề khúc mắc. Về Tân Ước, người ta chỉ được biết có một tác phẩm chú giải, và lại là tác phẩm duy nhất. Trong tác phẩm này, bản văn Luca được nghiên cứu một cách có hệ thống, tương tự như nghiên cứu về trình thuật sáng tạo, về 12 Thánh Vịnh và 22 đoạn của Thánh Vịnh 118. Thường thường, bản văn mà Ambroise đưa ra chỉ là cái cớ, có lúc ngài chủ ý góp nhặt những đoạn trích Kinh Thánh có chú giải thành một thứ văn tuyển xoay quanh một chủ đề : sự chết, thế gian mau qua, hạnh phúc ... có lúc ngài lại gắn liền bản văn ban đầu với một bản văn khác và dừng lại ở đó lâu hơn. Cuộc hạnh ngộ giữa Isaac và Rebecca cuối cùng lại dẫn tới sách Diệu Ca. Rất thường khi nhân vật chính của bản văn trở thành hiện thân của một nhân đức, bài chú giải trở thành bài bàn về đức nhẫn nại, đức khiết tịnh hay việc ăn chay ... Việc mở rộng ý nghĩa như thế tất nhiên đòi hỏi giải thích theo lối ẩn dụ. Thực vậy, Ambroise thường vượt qua các sự kiện lịch sử, mặc dù không phủ nhận các sự kiện đó. Nơi bốn cái giếng mà các đầy tớ của Isaac khơi lại (Kn 26, 15 - 24), ngài khám phá ra ở đó, không phải là những chân lý trần gian, nhưng là những gì thuộc về linh giới (spirituel), "chiều sâu của một khoa học sâu thẳm", một khôn ngoan ba chiều kích dựa theo ba phần của triết học cổ điển, nhưng vượt lên trên lý trí thuần túy : luân lý, vật lý (hay siêu hình) và thần bí ; đây là lối phân chia mà ta gặp thấy tới mười lăm lần trong tác phẩm của ngài. Chỗ khác, ngài nhận ra nơi các nhân vật, biến cố của Cựu Ước những thực tại của cuộc đời Ðức Kitô. Nói về sóng đại hồng thủy là những tiên trưng (types) của "chân lý" : Ðức Giêsu, Máu của Ngài và dòng nước phép Rửa. Nghĩa ẩn dụ và nghĩa tiên trưng quyện vào nhau trên con đường từng bước tìm kiếm Thiên Chúa. Ðấng có những hố thẳm và đỉnh cao của ngài, trong khi chờ đợi được hưởng kiến. Người ta thường nhấn mạnh đến những vay mượn trong công trình chú giải của thánh Ambroise, Philon, Origène, Hippolyte, Eusèbe de Césarée, hilaire de Poitires và cả Plotin. Thánh Jérome coi ngài là kẻ đạo văn. Nhưng dù thế nào đi nữa, công trình chú giải của ngài không hề là một công trình mang tính chất khoa học chuyên môn. Mà là một "Lectro Divina", một lối đọc suy niệm dưới cái nhìn của Chúa : "Và này đây Thiên Chúa đi dạo trong vườn Ðịa Ðàng khi tôi đọc Sách Thánh".

 

Nếu tác phẩm chú giải dễ dàng chuyển sang luân lý thì ngược lại, nơi tác phẩm luân lý, đôi lúc người ta gặp thấy một lối chú giải hết sức chặt chẽ, thay vì một lý thuyết về luân lý hay linh đạo. Chẳng hạn để khuyến khích các trinh nữ sống đức tin, thánh Ambroise chú giải theo sát bản văn của thánh Gioan về cuộc gặp gỡ giữa Maria Magdala và Ðức Giêsu Phục Sinh. Trang chú giải thiêng liêng đáng chú ý này với những chú thích tinh vi, tế nhị, gây cho ta ấn tượng về một hiện diện hết sức sống động của Thiên Chúa và dường như Ngài không dựa vào bất cứ bậc thầy nào,.

 

Công trình chú giải của thánh Ambroise danh tiếng đến nỗi một số tác phẩm hiện đại được đặt dưới sự bảo trợ của ngài, đặc biệt là các sách chú giải thư Phaolô và một sưu tập 127 vấn đề được đặt dưới tên gọi "Ambroisiaster".

 

AUGUSTIN VÀ CÁC THÁNH THI CỦA AMBROISE (Augustin vừa mới đến Milan).

 

Gần đây, Giáo Hội tại Milan đã tiếp nhận một cách thực hành đem lại niềm an ủi và xây dựng tâm hồn, trong cách thực hành này, mọi người hòa chung tiếng hát, hòa chung tâm hồn vào một bài ca với tất cả niềm say sưa, sốt sắng. Một năm trước đây, hay hơn nữa, Justine, mẹ của vị hoàng đế còn trẻ tuổi là Vanlentinien, bị phe Arius dụ dỗ và vì lạc giáo đó, đã ra tay bách hại Giám Mục Ambroise của ngài. Ðám đông tín hữu đạo đức đã qua đêm trong nhà thờ, sắn sàng cùng chết với Giám Mục của họ, tôi tớ của Chúa, còn mẹ của con, nữ tỳ của Chúa cũng đã tham dự những đêm canh thức đó liên lỷ cầu nguyện nhất là vì cảm kích tước lòng nhiệt thành của vị Giám Mục. Phần chúng con, dù chưa cảm nhận được sức nóng của Thánh Thần Chúa, chúng con cũng cảm thấy nỗi xúc động và sự kinh hoàng của Thành đô.

 

Lúc bấy giờ, để ngăn dân chúng khỏi mất tinh thần vì quá lo âu xao xuyến, người ta quyết định cho họ hát lên các thánh thi, thánh vịnh như đã được thực hiện bên Ðông phương. Sự canh tân này đã được bảo tồn từ đó đến nay và đã được một số lớn các cộng đoàn tín hữu của Chúa ở các nơi khác trên thế giới bắt chước thực hành.

Augustin, Confessions IX, 7, 15 C.U.F. 1926,

p. 220 - 221. Trad. P. de Labriolle.

 

LUÂN LÝ, SIÊU HÌNH (VẬT LÝ) VÀ THẦN BÍ.

 

Cũng chính trong sách Diệu Ca, Salomon diễn tả rõ ràng sự khôn ngoan ba chiều kích này, mặc dù trong sách Cách Ngôn, ngài đã nói đến việc ai muốn nghe khôn ngoan của ngài thì phải chép lại ba lần cho chính mình (cf. Cn 22, 20).

 

Trong sách Diệu Ca, hôn thê nói với hôn phu : "Anh đẹp dường bao, người yêu của em ! Ðẹp trai biết mấy !" Xanh um biết mấy giường của chúng mình. Xà nhà chúng mình là những hương nam, trần là trắc diệp (1, 16 - 17). Chúng ta có thể hiểu đoạn văn này về luân lý như sau : Chúa Kitô nằm nghỉ với Giáo Hội ở đâu nếu không phải là nơi các việc làm của Dân Ngài ? Bởi chưng ở đâu có sự dâm dật, kiêu căng, bất công thì Ðức Giêsu nói : "Con Người không có nơi tựa đầu" (Mt 8, 20).

 

Về siêu hình (vật lý), thì chúng ta học được điều gì ? Nàng nói : "Dưới bóng cây, tôi những ước mong ngồi núp và trái cây ngọt lịm nơi miệng tôi" (Dc 2, 3). Vì chưng kẻ đã siêu thoát những điều phàm tục và đã chết đối với những sự thế gian - thế gian đã bị đóng đinh cho kẻ ấy và kẻ ấy cho thế gian (Gal 6, 14) - người ấy khinh chê và xa lánh mọi sự dưới ánh mặt trời.

 

Về thần bí, nàng nói : "Chàng hãy đưa em vào hầm rượu, và hãy tỉnh thức tình yêu trong em" (Dc 2, 4). Vì cũng như cây nho quấn lấy giàn nho, Chúa Giêsu như cây nho vĩnh cửu cũng ôm lấy Dân của Người bằng cánh tay yêu thương.

(Sur Isaac et l'âme IV, 27 - 29 PL. 14, 512C - 513A =

CSEL 32/1, pp. 659, 21 - 660, 16, Trad. G. Nauroy.

 

NGƯỜI ÐÀN BÀ TRỞ THÀNH MARIA.

 

17. Chúa lấy lại lời các thiên thần, Ngài nói :"Bà kia, tại sao bà khóc ? Bà tìm ai ?" (Yn 20, 15). Kẻ không tin là người đàn bà. Vì chưng kẻ tin thì chỗi dậy để trở nên hoàn hảo, đạt tới tầm vóc xứng với sự viên mãn của Ðức Kitô (Ep 4, 13). Ngài nói : "Bà kia" lời khiển trách đó không nhằm vào phái tính nhưng nhằm đến thái độ do dự. Người phụ nữ đang nghi ngờ đó quả đã là đàn bà, vì nếu còn là trinh nữ thì người đó hẳn đã tin. "Tại sao bà khóc". Phải, chính bản thân bà mới là điều đáng than khóc, chính bà mới là người chịu trách nhiệm về những giọt nước mắt con mình, vì bà đã cứng lòng tin đối với Ðức Kitô. Bà khóc vì không nhìn thấy Ðức Kitô : Hãy tin rồi bà sẽ nhìn thấy Ngài. Ðức Kitô hiện diện ở đó, Ngài không bao giờ vắng bóng đối với những ai tìm kiếm Ngài. "Tại sao bà khóc". Nếu như bà sống xứng đáng với Thiên Chúa, với dức tin nồng cháy, thì có gì mà phải khóc ! Ðừng nghĩ đến những điều họ nói, bà sẽ không phải khóc. Ðừng nghĩ đến những điều đã qua, bà sẽ không thể có lý do để khóc. Nơi mà những người khác vui mừng hân hoan thì có gì để bà phải khóc đâu.

 

18. "Bà tìm ai", bà không thấy Ðức Kitô đang ở đó sao ? Bà lại không thấy rằng Ðức Kitô là sức mạnh của Thiên Chúa, Ðức Kitô là khôn ngoan của Thiên Chúa. Ðức Kitô là sự nguyên tuyền, Ðức Kitô sinh bởi Ðức Trinh Nữ, Ðức Kitô xuất từ Chúa Cha, ở bên Chúa Cha và mãi mãi ở trong Cha, được sinh ra chứ không phải được tạo thành, không bất xứng những luôn được yêu thương, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật hay sao ?

 

19. Bà nói : Họ đã đem Chúa tôi khỏi mộ và tôi không biết họ để Ngài ở đâu (Yn 20, 13). Này bà, bà lầm rồi, bà nghĩ người khác đã đem Ðức Kitô đi, mà không nghĩ rằng Ngài đã Phục Sinh bằng chính sức mạnh của Ngài. Nhưng nào có ai lấy mất sức mạnh của Thiên Chúa, nào ai có lấy mất khôn ngoan của Thiên Chúa, nào ai có lấy mất sự thánh khiết của Người. Người ta không đem Ðức Kitô khỏi ngôi nhà của người công chính, cũng không đem Ngài ra khỏi nơi ẩn thân của người trinh nữ, khỏi niềm sâu kín của một trái tim đang yêu. Nếu ngẫu nhiên người ta muốn đem Ngài đi thì họ cũng không thể lấy mất Ngài.

 

20. Bấy giờ Chúa nói với bà : "Maria" (Yn 20, 16). Hãy nhìn Ta ! Khi chưa tin thì đó là một người đàn bà, nhưng khi bắt đầu quay lại, bà được gọi là Maria, nghĩa là bà nhận lấy tên người sinh ra Ðức Kitô. Thật vậy, bà là tâm hồn hạ sinh Ðức Kitô cách thiêng liêng. Ngài nói : Hãy nhìn Ta. Ai nhìn Ðức Kitô thì tự sửa mình còn kẻ không nhìn thấy Ðức Kitô thì ở trong lầm lạc.

 

21. Vậy, khi quay lại, bà đã nhìn và đã nói : "Rabbi, nghĩa là lạy Thầy" (Yn 20, 16). Ai nhìn thì quay lại ; ai quay lại thì thấy trọn vẹn hơn ; ai nhìn thấy thì tiến tới. Và như vậy, bà gọi là Thầy, Ðấng bà tưởng đã chết : "Bà gọi tên Ðấng bà đã nghĩ là mất rồi".

Sur la virginité IV, 17, 21 PL 16, 2700 - 2710.

 

LUÂN LÝ.

 

Nếu các tác phẩm được xếp vào loại chú giải của thánh Ambroise chiếm phần lớn công trình của ngài, thì vị Giám Mục thành Milan chủ yếu vẫn là một nhà luân lý. Trước hết ngài là tác giả của một khảo luận tổng quát về luân lý thực hành nổi tiếng : "Bổn phận các giáo sĩ", tác phẩm này mô phỏng theo tác phẩm "Về các bổn phận" của Cicéron. Theo G. Madec "Ngài đã lấy lại hoặc đã cải biên tựa đề, bố cục của ba cuốn sách, những cách khai triển, các đề tài, khái niệm, và đôi khi những đề tài, khái niệm này được lấy y nguyên như trong bản văn của Cicéron" và Ambroise đã chịu một ảnh hưởng "có thể (...) lớn lao hơn là ngài tưởng", tuy nhiên Madec đồng thời cũng nhấn mạnh đến ý hướng độc lập của Ambroise và coi những vay mượn của ngài thuộc về bình diện văn chương hơn là bình diện triết học. Qua ba phần, sự trung thực (phần I), lợi ích (phần II), sự xung đột của chúng (phần III), nhất là trong phần I, tác giả đề cập đặc biệt đến các nhân đức quan trọng mà ngài gọi là các bản đức (vertus cardinalis) : đức khôn ngoan, đức công bình kèm theo việc thiện và đức ôn hòa. Tuy nhiên Thánh Kinh đã thổi một luồng sinh khí mới vào tác phẩm và tất cả đời sống luân lý đều được quy hướng về sự sống vĩnh cửu. Bố cục của tác phẩm không được chặt chẽ, từ ngữ sử dụng mơ hồ, nghi nghĩa, chưa thoát khỏi ảnh hưởng của Cicéron, tác giả vừa khai thác, vừa bác bỏ tư tưởng cổ thời, tác phẩm này không phải là một tổng hợp giữa Kitô giáo và thuyết Khắc Kỷ đang thịnh hành, cũng không phải là "khảo luận đầu tiên về luân lý Kitô giáo", mà chỉ là một chuỗi những định nghĩa, những lời khuyên, và thường là những lời khuyên có tính chất truyền thống, trước hết dành cho các giáo sĩ và đồng thời cũng dành cho mọi tín hữu.

 

Ngoài ra, Ambroise càng thể hiện rõ con người mình qua rất nhiều bài nghiên cứu, huấn dụ đặc biệt. Một phần thư từ của ngài nằm trong trường hợp này. Trong các lá thư đó, ngài bàn với Simplicien về "tự do đích thực", bàn với bá tước Studion về lòng nhân hậu Kitô giáo trong việc thực thi công bình, với Phó Tế Irénée về sự thiện tối cao ... Cũng thế, trong rất nhiều bài chú giải, người ta thấy ngài bàn đến đức nhẫn nại qua Jacob, đức khiết tịnh qua Juse, việc chay tịnh qua Élie, lòng thống hối và sự tha thứ nơi những nhân vật vĩ đại qua Ðavít ...

 

Nếu muốn tìm chủ điểm mà Ambroise nhắm tới, thì có thể nói, ngài nhấn mạnh đến lòng từ bi thương xót, xét về điều lành, và sự lạm dụng của cải giàu sang, xét về điều xấu. Ngay trong những tập sách nhỏ và những bài chú giải vừa kể, ngài cũng đã đề cập tới một số hình thức thể hiện lòng thương xót. Trong khảo luận "Về Bí Tích Cáo Giải" (Về sự tha tội), tác giả nhấn mạnh đến lòng xót thương của Ðức Kitô đối nghịch lại với thái độ không khoan nhượng của bè Novatô. Ngài cầu xin cho chính mình được "ơn biết xót thương" mà ngài gọi là "nhân đức tối hậu". Ngài mời gọi "gánh lấy một cách nào đó sự hèn yếu của con người trên chính đôi vai mình thay vì vứt bỏ nó". Ở đây, ngài ám chỉ đến "Con chiên mệt mỏi", một đề tài mà ở phần cuối bài "Trình bày về Thánh Vịnh 118" ngài đã bàn đến một cách thật tuyệt vời : "Xin hãy đến, lạy Chúa Giêsu, xin đến tìm kiếm tôi tớ Ngài, tìm kiếm con chiên đã mệt mõi của Ngài (...) Xin hãy đến mang ơn cứu độ cho trái đất và niềm vui cho trời cao". Nơi khác, ngài nói : "Cánh tay Ðức Kitô là cánh tay Thập Giá".

 

Naboth là hiện thân của con người gánh chịu sự đối xử tàn nhẫn và ích kỷ. Ông là cơ hội cho ngòi bút ngài viết lên những trang khốc liệt chống lại sự tham tàn của những kẻ chiếm hữu của cải : "Có phải những dinh thự nguy nga của các người khiến các người vênh mặt kiêu hãnh ? (...) Các người bao vách dát tường nhưng lại lột trần con người (...) Viên đá quí lấp lánh trên ngón tay ngươi có thể cứu sống cả một đoàn dân". Ambroise cũng tìm thấy nơi câu chuyện Tobia cơ hội tố giác thói cho vay nặng lãi, tính hà tiện, biển lận, qua những lời châm biếm của mình, ngài đề ra bài học luân lý về việc sử dụng của cải trần thế, trong đó người ta dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của các giáo phụ Cappadoce. Nhưng có lẽ điểm mà ngài nhấn mạnh hơn các vị trong toàn bộ tác phẩm của mình đó là : sự cộng hữu của cải lúc ban đầu (communauté des richesses). Chủ đề này có thể phát xuất từ các bậc thầy Hylạp của ngài, xuất hiện trong "Chú giải về Sáu ngày Tạo Dựng" (Commentaire sur l'Hexaéméron) và "Về Naboth", nhưng những kiểu nói mạnh mẽ nhất lại nằm trong "Trình bày về Thánh Vịnh 118" và trong "Bổn phận các giáo sĩ", một khảo luận có hệ thống, gợi hứng từ Cicéron và đôi khi mượn lại nguyên văn.

 

"HÃY ÐẾN TÌM KIẾM CHIÊN CỦA NGÀI"

 

28. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến tìm kiếm tôi tớ Ngài, tìm con chiên đã mệt mỏi. Lạy Mục Tử, hãy đến tìm kiếm con như Giuse tìm chiên của mình. Con chiên của Ngài đã lạc đường, trong lúc đó Ngài lưu ngụ và sống trên các núi non. Xin hãy để lại đó chín mươi chín con chiên khác và đến kiếm tìm con chiên duy nhất đi lạc bầy ... Xin đừng đến với roi vọt, nhưng với tình yêu thương và lòng khoan thứ.

 

29. Xin đừng ngại để lại trên núi chín mươi chín con chiên của Ngài, chúng chẳng lo gì lũ sói tham mồi đột nhập (...) Xin hãy đến tìm con, vì con cũng đang tìm kiếm Ngài. Xin tìm con, gặp con, bắt lấy con và mang con đi. Kẻ Ngài tìm, Ngài có thể gặp thấy. Xin dủ tình đón nhận kẻ Ngài đã tìm thấy và mang nó trên vai. Gánh nặng đó là đức nghĩa và việc mang con đi là do lòng Ngài chính trực, nào có gì là buồn chán vô vị đối với Ngài (...) Những kẻ Ngài để lại phía sau chẳng vì đó mà buồn ; đúng hơn, họ sẽ tạ ơn Ngài vì sự trở về của người tội lỗi. Xin hãy đến mang ơn cứu độ cho trái đất và niềm vui cho trời cao.

 

30. Xin hãy đến tìm kiếm con chiên của Ngài, không phải qua trung gian của người đầy tớ hay kẻ làm thuê, nhưng là đích thân Ngài. Xin hãy nhận lấy con trong xác thịt vốn đã sa ngã nơi Ađam ; xin hãy nhận lấy con, kẻ không thuộc dòng dõi Sara, nhưng thuộc dòng dõi Maria, Ðức Trinh Nữ bất hoại, không hề nhiễm vương vết nhơ tội lỗi, nhờ ân sủng. Xin hãy mang con trên Thánh Giá Ngài, là ơn cứu độc ho kẻ lầm lạc, chốn nghỉ ngơi cho người mệt mỏi và là nguyên lý sự sống duy nhất cho người đã chết.

Exposé du Phục Sinh 118, semon 22, Trad. D. GORCE.

 

TRÁI ÐẤT DÀNH CHO MỌI NGƯỜI.

 

Thiên nhiên sinh sôi mọi sự cho mọi người chung hưởng. Quả vậy, Thiên Chúa đã sắp đặt để mọi sự được sinh sản sao cho tất cả mọi người cùng được hưởng dùng và vì thế có thể coi trái đất như tài sản chung của mọi người. Như vậy, thiên nhiên đã sinh ra quyền lợi chung còn việc sử dụng (usurpatio) làm nên quyền lợi riêng. Mà, về điểm này các triết gia có nói "các nhà khắc kỷ nghĩ rằng, tất cả sản vật của trái đất đều được tạo nên vì nhu cầu của con người, còn con người được sinh ra là vì con người, ngõ hầu chính họ có thể phục vụ lẫn nhau" (Cicéron, Des devoirs, I, 7, 22).

Ambroise, Sur le devoirs des clers 1, 28, 132,

C.U.F., 1984, p. 158, Trad. M. Testard.

 

Thiên Chúa, Chúa chúng ta đã muốn trái đất này là sở hữu chung của mọi người và hoa trái của nó là dành cho họ tất cả. Thế nhưng, lòng tham đã phân chia ra các quyền sở hữu, hay đúng hơn, dành cho mọi sinh vật, đó là đòi hỏi chính đáng nếu như ngươi biết chia sẻ ít ra là một điều gì đó cho những người nghèo và đối với những người mà ngươi có bổn phận chia sẻ quyền lợi của ngươi, ngươi không từ chối cho họ của ăn.

Exposé du Ps 118, VIII 22, PL 15, 1303C - 1304A

= CSEL 62/5, p. 163, 23 - 164, 3.

 

Thiên nhiên không hề khiếm khuyết ; nó ban cho của ăn chứ không đưa ra các thói hư tật xấu. Thiên nhiên trao quà tặng chung cho tất cả, để ngươi không đòi một số điều nào đó như của riêng mình.

 

Mọi sự được ban cho mọi người làm của chung.

Sur l'Hexaéméron V 1, 2 et VI 8, 52 PL 14, 206C et

263B = CSEL 32/1, p. 141, 16 - 18 et 244, 2 - 3.

 

Trái đất được tạo lập là chung cho mọi người, giàu cũng như nghèo : tại sao các ngươi, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi lại chiếm quyền sở hữu riêng cho các ngươi ? Thiên nhiên không biết đến kẻ giàu, người mẹ thiên nhiên sinh chúng ta ra tất cả đều là kẻ nghèo.

(Sur Naboth I, 2, PL 14, 731C trong A.G. Hamman, Riches

et pauvres ..., p. 220, bản dịch Fr. Quéré-Jaulmes).

 

Thế giới được dựng nên cho tất cả mọi người, thế mà các ngươi, một thiểu số các kẻ giàu có, các ngươi lại cố giành lấy cho riêng các ngươi.

(Sur Naboth III, 11, PL 14, 734B, ibid., p. 224).

 

Chẳng phải ngươi phân phát của cải ngươi cho người nghèo đâu, ngươi chỉ trả lại cho họ của cải của họ thôi. Vì chỉ có ngươi chiếm đoạt điều được ban cho mọi người, cùng hưởng dùng. Trái đất thuộc về mọi người, chứ không phải thuộc về kẻ giàu.

(Sur Naboth XII, 53, PL 14, 747, ibid., p. 252 - Bnả văn này

được thông điệp "Sự phát triển các dân tộc" số 23 trích dẫn).

 

CHÚA KITÔ LÀ TẤT CẢ CHO CHÚNG TA.

 

Chúng ta có tất cả trong Chúa Kitô. Mọi tâm hồn hãy đến với Ngài, dù đó là tâm hồn yếu đau vì tội lỗi xác thịt, dù bị đâm thâu vì đinh sắt của dục vọng trần tục, dù còn bất toàn, miễn là tâm hồn đó đang tiến tới trong suy niệm bền bỉ, hay dù là tâm hồn đã hoàn thiện với bao nhiêu nhân đức : Bất cứ mọi tâm hồn nào cũng đều nằm trong quyền năng của Ðức Kitô, và Ðức Kitô là tất cả cho chúng ta. Nếu bạn muốn được chữa lành thương tích thì Ngài là thầy thuốc, nếu bạn bị cơn sốt nấu nung thì Ngài là dòng suối, nếu bạn phải gánh chịu bất công thì Ngài là công lý, nếu bạn cầu cứu giúp thì Ngài là sức mạnh, nếu bạn sợ hãi sự chết thì Ngài là sự sống, nếu bạn khao khát trời cao thì Ngài là con đường, nếu bạn chạy trốn bóng tối thì Ngài là ánh sáng, nếu bạn tìm kiếm của ăn thì Ngài là lương thực. "Hãy nếm thử và hãy nhìn coi, Chúa thiện hảo dường bao ; hạnh phúc người hy vọng ở nơi Ngài" (Tv 34, 9).

(Sur la Virginité, XVI, 99, PL 16, 2910. Bản dịch của L. Bouyer, La

spiritualité du Nouveau Testament et des pères, Paris 1960, pp. 545 - 546).

 

NGƯỜI TRINH NỮ PHONG NHIÊU NƠI GIÁO HỘI.

 

Giáo Hội vẫn nguyên tuyền trong sự kết hợp, phong nhiêu trong sinh hạ, là trinh nữ trong sự khiết trinh, là người mẹ nơi con cái mình. Giáo Hội hạ sinh chúng ta mà vẫn trinh nguyên, vì đã thụ thai không do nam nhân, nhưng bởi Thánh Thần. Giáo Hội trinh khiết hạ sinh chúng ta không phải trong đau đớn của chi thể mình nhưng là trong niềm vui của các thiên thần. Giáo Hội trinh khiết nuôi dưỡng chúng ta không bằng sữa xác thịt nhưng bằng sữa (giáo huấn), thứ sữa đã dưỡng nuôi tuổi thơ bé bỏng của Dân (Thiên Chúa) mà thánh Tông Ðồ đã nói đến (1C 3, 2). Có người vợ nào đông đúc đàn con hơn Mẹ Hội Thánh, người mẹ trinh khiết nơi các Bí Tích, là mẹ nơi dân con của mình, và Thánh Kinh cũng đã chứng thực sự phong nhiêu khi nói : "Ðông đảo thay con của người cô quạnh, gấp mấy đàn con của người đã kết hôn" (Is 54, 1). Người nữ không có chồng (trần gian) nhưng có vị hôn phu (Thiên Quốc) đó, thuộc về chúng ta, và đó chính là Giáo Hội cho mọi dân tộc và là linh hồn cho mỗi người, nàng kết hợp với vị Hôn Phu vĩnh cửu, thật phong nhiêu trên bình diện tâm linh, mà vẫn trinh khiết vẹn tuyền, vô phương trách cứ.

Sur les vierges 1, 6, 31, PL 16, 197CD.

Trad. L. Bouyer, ibid., p. 544 - 545.

 

LINH ÐẠO.

 

Có rất ít bản văn trong đó Ambroise đi vào thứ triết lý lạnh lùng. Dù sử dụng thể văn nào, tâm hồn say mến Ngôi Lời của ngài cũng hiện rõ trên từng trang sách. Con người hoạt động của ngài là một con người tâm linh, tự thấy mình có bổn phận phải chia sẻ niềm say mê nhiệt thành : Ðức Kitô phải "sống trong tôi và nói lên trong tôi" - đó là lời của Ambroise khi chú giải thánh Luca. Bảy bức thư của ngài gửi Horontianus thực sự là một giáo trình về linh đạo. Ngài yêu cầu các môn đệ hãy biết sống hiện diện liên lỉ trước nhan Chúa : "Kẻ tìm kiếm ơn cứu độ của Thiên Chúa thì suy gẫm ngày đêm", "Hãy suy gẫm luôn luôn, hãy luôn tụng niệm những điều thuộc về Chúa (...) Hãy thầm nhủ với mình (...) Hãy tụng niệm lúc đi đường (...) Hãy tụng niệm trong giấc ngủ của ngươi". Ngài đặt Ðức Kitô, Ðấng "là tất cả cho chúng ta" vào tâm điểm của đời sống. Sự trọn lành được thể hiện nơi các trinh nữ, và ngài đã viết tới bốn khảo luận dành cho bậc sống này. Ngài nêu ra cho họ một khuôn mẫu là Ðức Trinh Nữ Maria "hình ảnh của đức trinh khiết và lý tưởng của nhân đức". Ngài cho họ tham dự vào sự phong nhiêu phổ quát của Giáo Hội, Hiền Thê Ðức Kitô, "trinh nữ trong các Bí Tích và là mẹ nơi dân con của mình". Nhưng, cũng như các trinh nữ, mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống kinh nghiệm thần bí trong Ðức Kitô. Tác phẩm "Về Isaac và linh hồn" là bước đường tự thanh luyện khỏi mọi khoái lạc xác thịt của linh hồn con người để kết hợp với Rebecca, tức là sự khôn ngoan. Ngược lại, Rebecca cũng là hiện thân của linh hồn hay Giáo Hội. Nàng là hình ảnh của Cựu Ước nhìn thấy Isaac, tức là Ðức Kitô, đến với mình. Trong tác phẩm "Trình bày Thánh Vịnh 118", ngài mô tả rất thi vị các biến cố xảy ra trong cuộc sống Ngôi Lời như những bước nhảy của vị Hôn phu đến với Giáo Hội. Như linh dương trong sách Diệu Ca, "Người nhảy qua núi băng qua đồi" và đồi núi ở đây là Isaia, Giêrêmia, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Nhưng, ngài thêm "nếu ngươi không là một đồi ... thì ít ra ngươi hãy là một thung lũng để Ðức Kitô bước lên trên ngươi". Sau khi "nói về Ðức Kitô và Giáo Hội" ngài chuyển qua "linh hồn và Ngôi Lời", ngài nói đến niềm chăm chú đợi trông, trong đó "Ngôi Lời không còn vắng bóng, nhưng trở nên hiện diện trong tâm hồn chúng ta". Như ta thấy, thánh Ambroise luôn luôn nối kết sự kết hiệp của Giáo Hội với Ðức Kitô. Sự kết hiệp này được thực hiện trong sự kết hiệp kia. Ngài nhấn mạnh đến việc cầu nguyện trong Giáo Hội, mời gọi lãnh nhận mỗi ngày "lương thực hằng ngày", tức là Mình Thánh Chúa Kitô : "Hãy lãnh nhận mỗi ngày điều sinh ích cho ngươi mỗi ngày ... ai không xứng đáng lãnh nhận Mình Thánh Chúa mỗi ngày thì cũng không xứng đáng lãnh nhận lúc cuối năm". Cần phải làm cho biến cố Phục Sinh trở thành biến cố hiện tại của mỗi ngày sống, chính nhờ đó mà Giáo Hội được tiếp tục xây dựng, Giáo Hội và Evà thần bí xuất từ Ađam Mới, và một ngày kia sẽ "được đưa lên trời".

 

Suốt cuộc đời, Ambroise vẫn là một quan chức Rôma. Là người yêu nước nhiệt thành, ngài trình bày cho đế quốc, vốn đang từ bỏ các thần minh truyền thống, một Kitô giáo hết sức truyền thống như là quốc giáo, đối diện với những kẻ xâm lăng lạc đạo. Là bậc vị vọng, quen thân với các hoàng đế, nhưng không hề là một Giám Mục xum xoe xu nịnh, ngài dám đương đầu với họ khi cần, với tất cả ý thức về phẩm cách của mình, và đã hơn một lần buộc họ phải chấp nhận quan điểm của Ngài, tất nhiên là trong tư thế của một nhà thần học và trong sự tôn trọng nhân vị của họ. Ðôi lúc ngài lấy làm vui mừng hoặc sử dụng quyền của họ tuy có phần thiếu khoan dung, nhằm tạo thuận lợi cho giáo lý chính thống, thế những ngài đã đoán ra và tố giác mối nguy hiễm về sự lẫn lộn giữa các quyền bính. Tuy rất cương quyết tước những sai lầm, bất công hoặc sự đe dọa, ngài lại tỏ ra mẫn cảm với các hoàng đế nhỏ tuổi, Gratien hay Valentinien II, hoặc ngay cả đối với Théodose vĩ đại : "Tôi yêu mến con người này". Thư từ trao đổi của ngài với em gái là Marcelline rất thắm tình anh em, và ngài cũng đã có lời ca tụng chứa chan trìu mến đối với Satynus, em trai của ngài, người đã từ chối việc hành chính để lo điều hành Tòa Giám Mục của ngài ; và đối với người nghèo, Ambroise, nhà quí tộc, đã chẳng thực hiện một cuộc cách mạng xã hội để trở thành người yêu thương kẻ nghèo và đứng về phía người thấp cổ bé miệng đó sao ? Với một lòng khiêm hạ thật cảm động, ngài luôn xưng mình là một tội nhân giữa các tội nhân. Thánh Augustin đã chứng thực về lòng hảo tâm của ngài, "người của Thiên Chúa", đã đón tiếp thánh nhân với "đức ái của một vị Giám Mục", thánh Augustin viết : "Tôi thật yêu mến ngài". Ai lại không yêu mến một con người như thế ?

 

Augustin, khi còn là dự tòng, cũng đã bị lôi cuốn trước tài hùng biện của nhà giảng thuyết và bởi lối chú giải Cựu Ước theo nghĩa thiêng của ngài. Sự tinh tế của tâm hồn, của đức tin và nét sắc sảo của ngòi bút đã khiến ngài viết nên những trang diễm tuyệt, xứng đáng được đưa vào những tập văn tuyển ưu hạng. Người ta hẳn có thể nhấn mạnh rằng những gì hay nhất trong học thuyết của ngài, và đôi khi ngay cả trong cách diễn tả là do ngài vay mượn nơi các vị tiền bối, nơi những người đồng thời với ngài, mà quả thực, ngài có vay mượn của họ rất nhiều, thế nhưng, nếu ngài là một độc giả ngoan ngoãn của các đồng sự, những người đã giúp ngài diễn đạt niềm tin của Giáo Hội, thì ngài vẫn luôn chứng tỏ một sự độc lập mang tính phê bình đối với các tác giả gợi hứng cho ngài. Plotin và nhất là Philon và Cicéron không phải là nguồn gợi hứng cho bằng là những đối mẫu mà dường như ngài cần đến để trình bày và khai triển tư tưởng riêng của mình. Dù thế nào đi nữa, qua sự khai mở của ngài đối với các tác giả Hylạp, ngài đã có công giúp Tây phương hiểu được Ðông phương, một cách hấp dẫn hơn nhiều với các nhà dịch thuật.

 

Trong trang sách rất hay, kết thúc bài chú giải về công trình Tạo Dựng (Sáu ngày), Ambroise giải thích lý do Thiên Chúa nghỉ ngơi : "Ngài đã sáng tạo con người trong sự hoàn hảo của nó". Chắc chắn Thiên Chúa đã nghỉ ngơi khi Ambroise mở mắt.

 

NHỮNG BÍ ẨN CỦA KINH NGHIỆM THẦN BÍ.

 

Nơi những lời này, linh hồn kín múc lấy niềm ngất ngây say về các mầu nhiệm Thiên Quốc, và như thể được ru êm bởi rượu nồng và như được đưa vào một trạng thái xuất thần, chất ngất, nàng (linh hồn) nói : "Tôi đang ngủ mà lòng vẫn thức (Diệu Ca 5, 2). Bấy giờ, trong lúc nàng đã thiếp mắt nghỉ ngơi, ánh sáng của Ngôi Lời hiện diện làm nàng sực tỉnh, Ngôi Lời làm nàng thức giấc (...). đã tới lần thứ bốn, Ngài lay tỉnh nàng khỏi giấc điệp trong khi lòng nàng vẫn thức, vẫn hằng nghe thấy tiếng người gõ cửa. Nhưng, vì phải mất một chút thời gian để chỗi dậy không thể nào bắt kịp bước chân nhanh của Ngôi Lời, khi nàng mở cửa thì Ngôi Lời đã đi qua. Và kìa, nàng bước ra theo lời Ngài, để tìm kiếm Ngài mà lòng đầy thương tích. Những thương tích của tình yêu. Cuoối cùng, vất vả lắm nàng mới tìm thấy Ngôi Lời, giữ chặt lấy Ngài, để từ nay nàng không còn để mất Ngài nữa.

Sur Isaac et l'âme VI, 50 PL 14, 519C - 520A

= CSEL 32/1, 673, 21 - 675, 1.

 

BƯỚC NHẢY CỦA VỊ HÔN PHU ÐẾN VỚI GIÁO HỘI VÀ ÐẾN VỚI LINH HỒN.

 

6. "Kìa, chàng đến như loài linh dương" ... lời của sách Diệu Ca. Ngài nhảy qua núi, băng qua đồi để đến cùng hiền thê ... Ngài nhảy trên Ađam ; Ngài băng qua trên Hội Thánh, Ngài nhảy trên các dân nước, Ngài băng qua trên các thẩm phán. Hãy nhìn xem các bước nhảy của Ngài : Ngài nhảy từ trời cao đến trong cung lòng Ðức Trinh Nữ, từ cung lòng Trinh Nữ đến trong hang đá, từ hang đá đến sông Jourdain, từ Jourdain đến cây Thập Giá, từ Thập Giá đến ngôi mộ, từ ngôi mộ đến trời cao ... Giờ đây Ngài vẫn còn nhảy, giờ đây Ngài vẫn còn chạy từ trái tim Cha đến trên các thánh, từ Ðông sang Tây, từ phương Bắc tới phương Nam.

 

7. (...) Thiên Chúa là Chúa của núi đồi, không phải của lũng sâu, Ngài nhảy tới đâu ? "Trên các núi non". Nếu ngươi là ngọn núi, Ngài sẽ nhảy trên ngươi. Ngài nhảy trên Isaia, trên Jérémia, phêrô, Gioan, Giacôbê. "Tư bề có núi bao quanh Ngài" (Tv 124, 2). Nếu ngươi không thể là ngọn núi, không có đủ bề rộng, thì ít nhất ngươi hãy là một thung lũng để Ðức Kitô bước lên trên ngươi, và nếu Ngài đến để băng qua thì ngươi cũng được ẩn dưới bóng của Ngài khi Ngài đi qua.

 

8. Chúng ta đã nói về Ðức Kitô và về Giáo Hội. Giờ đây chúng ta nói đến linh hồn và Ngôi Lời. Nếu linh hồn ao ước, khát khao, nếu linh hồn cầu nguyện và cầu nguyện cần mẫn, không ngơi, thì bất thần, linh hồn như nghe thấy tiếng của Ðấng mà mình không nhìn thấy ...

 

9. Lại không phải rằng, khi chúng ta gặp một điểm nào đó trong Thánh Kinh mà không thể tìm ra lời giải thích, khi chúng ta hoài nghi, thì đột nhiên, chúng ta như nhìn thấy Ngài bước lên trên những giáo huấn cao siêu nhất, như thể bước trên những ngọn núi, rồi chúng ta lại thấy Ngài như đang bước trên những ngọn đồi, chiếu soi tâm trí chúng ta, hầu như mang vào tận trong miền sâu thẳm của ý thức chúng ta những điều mà chúng ta cảm thấy khó có thể đạt tới. Từ đó, Ngôi lời từ chỗ vắng bóng đã trở nên hiện diện nơi tâm hồn chúng ta.

Exposé du Ps 118, Sermon 6, PL 15,

1269C - 1270C, Trad. D. Gorce.

TỪ EVÀ XÁC THỊT ÐẾN EVÀ MỚI.

 

86. (...) Mẹ của chúng sinh, đó là Giáo Hội mà Thiên Chúa đã xây dựng, với viên đá đỉnh góc chính là Ðức Kitô Giêsu, trong Ngài tất cả tòa nhà mộng khớp ăn nhau, vươn thành ngôi Thánh Ðiện (Ep 2, 20).

 

87. Xin Chúa hãy đến, xin Ngài xây dựng người phụ nữ : người phụ nữ kia như trợ tá cho Ađam, người phụ nữ này cho Ðức Kitô ; không phải Ðức Kitô đòi một người phụ tá, nhưng là vì chính chúng ta mong muốn và chúng ta đang tìm cách đạt tới ân sủng của Ðức Kitô nhờ Giáo Hội. Hiện nay bà đang còn hình thành, hiện nay bà đang còn được nắn đúc, hiện nay bà còn đang được tạo dựng.

 

(...) Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy đến, xin kiến tạo người phụ nữ ấy, kiến tạo thành đô. Xin Người Tôi Trung của Ngài cũng hãy đến, vì con tin vào lời Ngài : "Chính nó sẽ xây lại Thành của Ta" (Is 45, 13).

 

88. Này là Người Nữ, Mẹ của chúng nhân, này là Ðền Thiêng, này là Thành Ðô vĩnh hằng, bởi Bà sẽ không thể chết : chính Bà là Thành Thánh Giêrusalem mà bây giờ chúng ta nhìn thấy nơi trần thế những rồi đây sẽ được cất lên cao, trên cả Elia.

Exposé de l'Évanggile selon Luc II, 86 - 88, SC

no. 45bis, p. 113 - 114, Trad. G. Tissot.

 

LÒNG KHIÊM HẠ CỦA MỘT GIÁM MỤC.

 

67. Ôi Giêsu, xin Chúa cho con được rửa đôi chân Chúa, đôi chân đã vấy bẩn khi Chúa bước đi trong con ! Xin Chúa hãy đưa những vết nhơ trên đôi chân Chúa để con rửa sạch những vết nhơ mà con đã vấy lên bước chân Ngài do lối sống của con. Nhưng, con biết tìm đâu ra nước hằng sống để có thể rửa chân Chúa ? Nếu không có nước thì con đã có dòng lệ. Ước gì khi lấy nước mắt mà rửa chân Chúa, chính con cũng được nên tinh trong ! Làm thế nào để Chúa nói về con : "Tội lỗi của nó rất nhiều nhưng đã được tha thứ vì nó đã yêu mến nhiều". Con nhìn nhận rằng tội của con lớn lao hơn thế nhưng con đã được tha thứ gấp bội, con, một kẻ đã giựt thoát khỏi tiếng ồn ào cãi cọ nơi nghị trường, khỏi những trách nhiệm đáng sợ của việc hành chính, để rồi được gọi vào chức Linh Mục. Chính vì thế, con sợ mình bị coi như kẻ vô ơn bạc nghĩa nếu con yêu mến ít trong khi con đã được tha thứ nhiều hơn (...).

 

71. Lạy Chúa Giêsu xin đoái thương đến với ngôi mộ là con đây. Xin hãy thương rửa con bằng chính nước mắt của Ngài, vì trong đôi mắt khô cạn của con, con không tìm đủ nước mắt để có thể rửa đi lầm lỗi. Nếu Chúa khóc cho con, con sẽ được cứu. Nếu con xứng đáng với nước mắt của Ngài, con sẽ tẩy trừ được mùi uế nhơ do mọi tội lỗi con. Nếu con xứng đáng được Ngài khóc cho con dẫu là một chút, Ngài sẽ gọi con ra khỏi ngôi mộ thân xác này và Ngài sẽ nói : "Hãy bước ra !" (...)

 

73. Lạy Chúa, xin hãy trông coi món quà của Ngài, hãy canh chừng tặng phẩm Ngài đã ban cho con dù con phản kháng ! Con biết con không xứng đáng được gọi đến chức Giám Mục vì con đã trao thân cho thế gian này. Con được như hôm nay chính là nhờ ân sủng Chúa. Chắc chắn rằng, trong tất cả các Giám Mục, con là kẻ bé mọn nhất và ít công trạng nhất. Nhưng bởi vì cả con nữa, con cũng đã làm một điều gì đó cho Giáo Hội thánh thiện của Chúa, nên con xin Chúa hãy săn sóc hoa quả của công việc đó. Kẻo mà Chúa đã gọi lên chức Linh Mục khi đã hư mất thì giờ đây xin Chúa đừng để hư mất đi khi đã là Linh Mục.

 

Và trên hết mọi sự, xin hãy cho chúng con biết chia sẻ tận đáy lòng nỗi ưu sầu của những người phạm tội. Ðó là nhân đức tối cao vì có lời viết : "Ngươi sẽ không vui mừng trên con cái Juđa vào ngày chúng bị tàn phá và ngươi sẽ không diễn thuyết dài dòng trong ngày chúng bị khốn quẫn". Mỗi khi nghe đến tội lỗi của ai đó bị sa ngã, trước gì trước hết con biết chạnh thương, thay vì lên mặt kiêu căng, tuôn lời thóa mạ, chớ gì con biết than khóc, than khóc cho người khác mà cũng là than khóc cho chính mình và thốt lên : "Thamar công chính hơn tôi".

Sur laPénitence II 8, 67 - 73 SC no. 179,

p. 177 - 181, Trad. R. Gryson.

 

SỰ NGHỈ NGƠI CỦA THIÊN CHÚA NƠI CON NGƯỜI.

 

Ðến đây, phần trình bày của chúng tôi kết thúc, vì ngày thứ Sáu đã hoàn tất và toàn thể thế giới đã hoàn thành, tôi muốn nói đến con người trong sự hoàn hảo của nó. Nơi con người có nguyên lý của mọi vật sống động và một cách nào đó, có toàn thể vũ trụ và tất cả vẻ đẹp của tạo vật trong thế giới. Chúng ta hãy lặng thinh vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi khỏi mọi công việc của thế giới này.

 

Ngài đã nghỉ ngơi trong nơi ẩn náu của trái tim con người. Ngài nghỉ ngơi nơi tinh thần và tư tưởng con người. Quả vậy, Ngài đã tác tạo một con người có khả năng suy tư, một kẻ bắt chước Ngài, ganh đua với các nhân đức của Ngài, và thèm khát các Thiên Ân. Thiên Chúa nghỉ ngơi nơi con người, Ngài nói : "Ta sẽ nghỉ ngơi nơi ai, nếu chẳng phải nơi người nghèo khó hiếu hòa và kính sợ lời Ta" (Is 66, 1 - 2).

 

Tôi tạ ơn Chúa, Chúa chúng ta, vì công trình Ngài hoàn mỹ đến nỗi được Ngài chọn làm chốn nghỉ ngơi. Ngài đã dựng nên bầu trời và tôi không đọc thấy Ngài nghỉ ngơi ở đó.

 

Ngài đã dựng nên trời trăng tinh tú, và cả ở đó tôi cũng không đọc thấy Ngài chọn làm chốn nghỉ ngơi, vì Ngài đã dựng nên ai đó để Ngài có thể tha thứ tội lỗi. Hoặc, có thể là khi đó, mầu nhiệm khổ nạn tương lai của Chúa đã được thực hiện trước, hoặc đó là một mặc khải cho biết Ðức Kitô sẽ nằm nghỉ nơi con người, vì từ muôn đời Ngài đã chuẩn bị nghỉ ngơi trong một thân xác hầu cứu chuộc con người, theo như lời Ngài đã nói : "Tôi nằm xuống và thiếp ngủ, tôi tỉnh dậy vì Yavê chống đỡ tôi" (Tv 3, 6). Thật vậy, Ðấng tạo dựng con người, Ngài đã nghỉ ngơi.

(L'Hexaémenon, VI, 10, 75 - 76, PL 14, 272B - 273A

= CSEL 32/1 p. 260, 22 - 261, 18) (Kết thúc bài giảng

không có vinh tụng ca).

SÁCH ÐỌC THÊM.

 

G. MADEC, Saint Ambroise et la philosophie, Paris 1974. (Y.M.DUV AL, éd), Ambroise de Milan, XVIè centenaire de son élection épiscopale, Paris 1974 (dix études).

 

Aux Sources chrétiennes : Des sacrements des mustères. Explication du Symbole (no. 25 bis). Sur Saint Luc (no. 45 et 52). La pénitence (no. 179). Apologie de David (no. 239).

 

Sur les devoir clercs, C.U.F., 1984.

 

Naboth le Pauvre, dans A. G. Hamman, Riches et Pauvres ..., pp. 217 - 268.

 

Exposé sur le Ps. 118 (importants extraits), coll. Les écrits des Saints.


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà