Kỳ 12

Người thợ mộc thành Na-da-rét

 

Ma-ri-a đội vò nước từ một cái giếng công cộng trở về. Nàng ngạc nhiên khi thấy Giu-se đang đợi ở nhà thay vì đi làm việc như mọi ngày. Giu-se đỡ lấy vò nước trên đầu Ma-ri-a và mang vào nhà giúp vợ. Ma-ri-a mở miệng định hỏi thì Giu-se đã nói trước:

– Mình ngồi xuống, tôi có chuyện cần bàn với mình.

Giu-se cũng kéo ghế ngồi xuống. Thấy vẻ nghiêm trọng trong lời nói và cử chỉ của chồng, Ma-ri-a như đoán ra sắp có sự thay đổi nào đó trong nếp sống của gia đình. Trong khoảnh khắc, nàng hồi tưởng lại những biến cố đã xảy đến cho gia đình bé nhỏ của mình. Nhiều lần trong những ngày tháng qua ở nơi đất khách, nàng cũng đã nghĩ đến một biến cố mới thế nào cũng phải xảy đến vì nàng biết rằng nơi mà nàng và Giu-se phải sống để chuẩn bị cho sứ mạng tương lai của con họ không phải ở Ai-cập mà là trên đất Ít-ra-en. Cùng Giu-se, Ma-ri-a đã đôi lần nói đến ngày mà họ sẽ đưa Giê-su ra khỏi đất Ai-cập trở về quê hương. Nhưng như những người đầy tớ trung thành, họ không hề thắc mắc lo lắng về ngày giờ việc đó phải xảy đến, thậm chí họ cũng không chờ đợi mà cứ tiếp tục sống cuộc sống hằng ngày trong sự tin tưởng và phó thác.

Giu-se cất tiếng nói làm đứt dòng tư tưởng của Ma-ri-a:

– Tối hôm qua, tôi được báo mộng phải đem hài nhi trở về Ít-ra-en. Tôi đã định nói với mình từ sáng sớm nhưng chưa kịp nói thì mình đã ra khỏi nhà rồi. Mà như thế cũng hay vì không nên cho Giê-su biết sớm.

Lúc ấy, Ma-ri-a mới chợt nhận ra là Giê-su không có trong nhà. Nàng hỏi:

– Con đâu anh? Nãy giờ em tưởng con đang chơi đâu sau nhà.

Giu-se mỉm cười nhìn vợ:

– Mình thật là hay! Về nhà không thấy con mà chẳng thắc mắc gì hết. Nói cho vui thế thôi, chứ chẳng có gì đâu mà lo. Mình biết cu cậu thích nghe cụ già Na-khóp kể chuyện đời xưa lắm mà. Lúc nãy mình đi được một lát thì con đã xin phép tới quán tạp hóa của cụ ấy để vừa giúp cụ bán hàng vừa để nghe cụ kể chuyện.

Ma-ri-a dường như không chú ý lắm tới những gì Giu-se nói, nên chàng vừa ngừng thì lên tiếng hỏi:

– Anh định bao giờ thì lên đường?

– Khoảng một tuần nữa vì hai lý do: một là tôi còn công việc đã nhận của gia đình Nát-xe khoảng năm ngày nữa mới xong; đằng khác tôi nghe nói có đoàn lái buôn sắp rời Mem-phít đi Giê-ru-xa-lem, nếu ta cùng đi với họ thì an toàn hơn.

Nghe chồng nói thế, Ma-ri-a bật cười đáp lại:

– Nếu vì công việc đang dở dang mà phải chờ thì được, chứ ta đâu cần nhập bọn với đoàn người buôn bán. Anh không nhớ ngày chúng ta chạy trốn vua Hê-rô-đê sao? Hôm đó trên đường đi, chúng ta đã phải đơn độc như thế nào anh quên rồi sao? Hơn nữa họ thì cưỡi lạc đà, còn chúng ta thì cuốc bộ, làm sao cho kịp họ được?

Giu-se ngắt lời vợ:

– Mình nói có lý. Vậy thì chỉ cần vài hôm nữa, khi tôi làm xong công việc của nhà Nát- xe thì ta lên đường.

Như chợt nhớ ra điều gì, Ma-ri-a nhìn chồng và nói:

– Chúng ta sẽ làm gì với cái nhà này?

Một lần nữa Giu-se lại mỉm cười trước sự ngây thơ của vợ:

– Nhà à? Cái chòi mới đúng chứ!

– Thì có gì khác đâu? Dù là cái chòi, nhưng nó đã che chở chúng ta mấy năm qua. Anh định làm gì?

– Tôi nghĩ rằng ngoài chúng ta, không thiếu những người lang thang không nhà không cửa. Nếu gặp lúc lỡ bước, đêm tối hoặc giá buốt, mà có được một chỗ để trú ngụ thì còn gì sướng bằng! Cái chòi của chúng ta quý giá hơn cái hang đá Bê-lem nhiều, phải không mình? Ta cứ để vậy, nếu người ta không phá đi khi mình đã rời Ai-cập, thì nó sẽ là một nơi dừng chân cho những kẻ vô gia cư.

Giu-se chợt nhìn thấy hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống trên má của Ma-ri-a thì ngừng lại rồi lo lắng hỏi:

– Mình sao vậy? Tôi có nói gì sai không?

Ma-ri-a đưa tay quẹt nước mắt rồi mỉm cười với chồng:

– Em không sao đâu. Nghe anh nhắc lại hang đá Bê-lem, tự nhiên em thấy thương con quá chừng. Có lẽ trên đời này, không có em bé nào phải sinh ra trong cảnh nghèo hèn như vậy. Em không thể nào quên được cảnh con mình sinh ra ngay giữa mùa đông giá buốt mà chỉ được quấn sơ sài một tấm tã mỏng rồi còn bị đặt nằm trong cái máng ăn của súc vật, hôi hám bẩn thỉu. Thật là xót xa!

Giu-se an ủi vợ nhưng giọng của chàng cũng đục lại và mắt thì mờ vì dòng lệ đang chực trào ra:

– Nhưng chúng ta cũng đừng quên ánh hào quang sáng chói đã bao phủ lấy con trong cái đêm lạ lùng đó. Rồi các mục đồng đến thờ lạy con chúng ta, và họ đã nói những gì mình còn nhớ chứ?

Ma-ri-a im lặng nghe Giu-se nói, như nàng đã im lặng nghe các người chăn chiên đơn sơ nghèo nàn năm xưa đã nói về hài nhi Giê-su. Làm sao nàng quên được, trái lại nàng đã ghi sâu vào lòng mọi lời họ nói và hằng suy ngẫm về những lời đó cũng như về những lời của cụ già ở đền thờ, của các vị khách lạ ở Bê-lem.

Lúc ấy Giê-su từ ngoài đường chạy vào, vừa chạy vừa kêu như cậu vẫn thường làm:

– Cha ơi, mẹ ơi, con về đây!

Rồi như không để ý đến nét mặt đượm vẻ buồn của cha mẹ, cậu nói tiếp:

– Cha mẹ biết không, hôm nay cụ Na-khóp kể cho con nghe một chuyện hay lắm...

Ma-ri-a vội đứng lên, chạy đến ôm lấy Giê-su và áp người cậu sát vào mình. Ngạc nhiên, Giê-su định gỡ tay mẹ ra thì nghe một giọng nói khàn đục cất lên bên tai:

– Con ơi!

 

(còn tiếp)


Mục Lục: Người Thợ Mộc Thành Na-Da-Rét
Trở Về Trang Nhà