Người thợ mộc thành Na-da-rét

Kỳ 3

 

Lần thứ hai Xi-mong đến đứng trước cổng nhà của Giu-se. Nhưng cũng như lần trước, tiếng gọi của anh vang lên một cách vô vọng. Anh định leo cổng vào nhưng rồi nghĩ sao lại thôi. Vì công việc làm ăn của bố mẹ, nhiều lần anh phải đi xa Na-da-rét, khi năm ba ngày, khi nửa tháng hoặc lâu hơn.

... Chiều hôm trước anh trở về sau một chuyến đi gần mười ngày, anh tới nhà Giu-se và ngạc nhiên vì thấy mọi cửa nẻo đều đóng kín, xưởng mộc trông như không hoạt động lâu ngày, xơ các, lạnh lẽo. Sau năm lần bảy lượt réo gọi tên Giu-se, anh bỏ về lòng đầy thắc mắc, không hiểu Giu-se có thể đã đi đâu trong lúc anh vắng mặt. Anh đến gặp ông bà Gioa-kim vì nghĩ rằng Giu-se đang ở đó hoặc có thể họ sẽ cho anh biết Giu-se đi đâu. Nhưng sự ngạc nhiên của ông bà Gioa-kim khi nghe anh kể về Giu-se khiến anh càng lo sợ hơn. Thấy Ma-ri-a đã về và đang đứng sau lưng bố mẹ, anh liền hỏi:

– Ma-ri-a về bao giờ thế? Chẳng lẽ em cũng không biết Giu-se đi đâu sao?

Ma-ri-a buồn bã trả lời:

– Dạ không ạ. Em cũng hơi lấy làm lạ vì khi hay tin em về lại Na-da-rét, anh ấy chỉ đến đây có một lần rồi thôi...

– Bao lâu rồi?

– Dạ hôm nay nữa là đúng một tuần.

– Thế em không thắc mắc tại sao anh ấy biến mất như vậy à?

Ma-ri-a cúi mặt không trả lời. Xi-mong định hỏi thêm một câu nhưng mắt anh như thoáng thấy một cái gì khang khác nơi Ma-ri-a nên anh thôi không hỏi nữa. Anh cúi chào ông bà Gioa-kim và Ma-ri-a rồi ra về. Cả đêm, nhiều lần anh thức giấc, nằm trằn trọc nghĩ về sự vắng mặt bất thường của Giu-se. Anh nhớ lại nỗi lo lắng của Giu-se khi Ma-ri-a thình lình rời Na-da-rét đi Ain-Karim. Giu-se đã sống những ngày khắc khoải chờ đợi, và chỉ tích cực làm việc trở lại khi được Ma-ri-a nhắn tin về thăm và báo sẽ trở về Na-da- rét sau khi người chị họ Ê-li-da-bét sinh con, nghĩa là trong khoảng ba tháng nữa. Vậy mà bây giờ khi Ma-ri-a đã về nhà, chấm dứt những ngày chờ đợi của anh, thì, theo lời Ma-ri-a, anh chẳng lui tới nhà nàng mà lại biến mất một cách khó hiểu.

... Xi-mong do dự một hồi rồi định bỏ đi thì tai anh hình như bắt được một tiếng động rất nhỏ từ trong nhà phát ra. Tuy nghĩ rằng có thể mình tưởng tượng ra tiếng động đó, nhưng Xi-mong cũng dừng lại nghe ngóng. Rồi không hiểu do động lực nào thúc đẩy, anh cất tiếng nói lớn:

– Tớ biết cậu đang ở trong đó, Giu-se ạ. Mau mở cửa cho mình vào. Rồi có chuyện gì thì anh em cùng bàn với nhau để tìm cách giải quyết.

Xi-mong giật mình, không hiểu do đâu anh lại nói những lời như thế. Và thật lạ lùng! Ngay lúc đó, anh thấy một cánh cửa sổ được mở ra, sau đó là cửa ra vào rồi trước mắt anh một người lạ mặt xuất hiện. Xi- mong mở to mắt nhìn người lạ, mà hình như không phải lạ hoàn toàn. Mái tóc, dáng người... thì chính là của Giu-se bạn anh, nhưng khuôn mặt thì hoàn toàn khác: đôi mắt lõm sâu vào, hai má và cằm thì đầy râu. Người lạ bước tới mở cổng cho Xi-mong. Ngay lúc ấy anh la lên vì anh nhận ra Giu-se qua bộ điệu của chàng.

– Trời ơi! Cậu đó sao Giu-se?

Giu-se cười đáp lại:

– Thì tôi đây chứ còn ai nữa! À, chắc là bộ râu của tôi làm cho anh ngỡ là ai khác chứ gì?

Xi-mong chưa hết ngạc nhiên nên nói:

– Không phải do bộ râu mà thôi, đôi mắt của cậu cũng lạ lắm. Chẳng lẽ cậu đã phải thức nhiều đêm lắm sao?

Giu-se không trả lời câu hỏi của Xi-mong nhưng chỉ tay mời anh vào nhà. Chàng nói:

– Câu chuyện dài lắm. Mời anh vào nhà đã rồi ta sẽ nói chuyện. À, mà anh đến tìm tôi sớm thế này chắc là chưa ăn sáng.

***

Sau khi đã điểm tâm qua loa vì cả hai người đều có vẻ chẳng muốn làm gì khác ngoài việc chia xẻ cho nhau những gì họ đang suy nghĩ. Giu-se lên tiếng trước:

– Ngày hôm qua, tôi nghe tiếng anh gọi và rất muốn mở cửa mời anh vào. Nhưng...

Xi-mong sốt ruột:

– Nhưng tại sao cậu không trả lời tớ? Cậu có biết tớ đã phải...

Giu-se ngắt lời:

– Vâng, tôi biết. Nhưng mà xin anh tha lỗi, vì tôi có lời nguyền với Gia-vê Thiên Chúa là sẽ không ăn uống, không ngủ nghỉ, không tiếp xúc với ai trước khi được biết ý định của Người.

– Vậy là bây giờ cậu đã biết rồi?

– Vâng.

Tiếng “vâng” chắc nịch của Giu-se làm Xi-mong chưng hửng. Anh mở to mắt nhìn Giu-se và thấy như có những tia sáng chiếu ra từ đôi mắt chàng mặc dầu đôi mắt đó vẫn còn sâu hoắm vì những đêm không ngủ và những ngày chay tịnh. Thấy vậy, Giu-se biết rằng Xi-mong không thể hiểu được câu chuyện của chàng nếu không được chàng thuật lại chi tiết. Chàng nói:

– Như tôi đã nói với anh lúc còn ở ngoài cổng là câu chuyện dài lắm. Vậy bây giờ xin anh chú ý nghe tôi kể.

Và Giu-se bắt đầu kể cho Xi-mong câu chuyện kỳ lạ của đời mình. Nhưng trước đó, Giu-se yêu cầu Xi-mong phải thề với chàng là tuyệt đối giữ bí mật và chỉ tiết lộ cho người thứ ba nào đó sau khi chàng chết. Tuy không biết Giu-se có bí mật gì cần phải giữ kín, nhưng nhìn vẻ nghiêm trang của chàng và sau những gì chàng đã trải qua, Xi-mong hiểu rằng Giu-se không đùa – thật ra Giu-se không phải là người thích đùa – nên anh nắm chặt tay Giu-se và thề sẽ không bao giờ tiết lộ cho bất kỳ ai những gì anh sắp được Giu-se tiết lộ, ít nhất cho đến sau khi Giu-se qua đời. Xi-mong nói như một cái máy chứ thật tình anh không ý thức lắm điều mình nói. Trong khi Giu-se cũng nắm tay anh nhưng không nhìn anh, mà lại nhìn về một cõi xa xăm nào đó. Và trong tư thế đó, Giu-se bắt đầu kể. Xi-mong cảm thấy có một cái gì đó vừa linh thiêng vừa kinh dị khiến anh lo sợ, nhưng như một người bị thôi miên, anh cứ để mặc cho Giu- se nắm tay mình và chăm chú nghe. Anh bắt đầu nghĩ đến một điều gì rất quan trọng sắp xảy đến...

Và Giu-se nói, giọng anh trầm hẳn xuống và gần như khác với giọng anh thường nói trước đây:

– Anh Xi-mong, chắc anh nhớ có một câu trong sách tiên tri I-sai-a, một câu sấm mà đến nay các kinh sư của chúng ta thường né tránh, không chịu giải thích mỗi khi gặp đến. Câu ấy như sau: “Này đây người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en” (1). Có bao giờ anh thắc mắc về câu sấm ngôn đó không? Việc một phụ nữ mang thai và sinh hạ một con trai thì đâu có gì khác thường. Nhưng đây là một trinh nữ và người con nàng sinh ra sẽ được gọi là Em-ma-nu-en, tiếng này thì ta biết có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Xi-mong chăm chú nhìn kỹ Giu-se và tự hỏi không biết chàng có mất trí không bởi vì những gì Giu-se vừa mới nói có gì ăn nhập với tình huống họ đang sống đâu! Nhưng anh cố gắng bình tĩnh lắng nghe Giu-se để xem câu chuyện sẽ tiếp tục như thế nào.

– Và, anh biết không? Tôi đã gặp người trinh nữa ấy. Nàng không là ai khác mà chính là Ma-ri-a, vợ tôi. Vâng chính nàng!

Đến đây, Giu-se buông tay Xi-mong ra rồi bước tới đứng ngay giữa nhà, hai tay đưa lên cao và nói lớn:

– Ôi, lạy Gia-vê Thiên Chúa, nếu Ngài không can thiệp kịp thì con đã hại nàng rồi. Nhưng con biết Ngài luôn bênh vực những kẻ tin cậy cầu khẩn Ngài.

Xi-mong cảm thấy như Giu-se quên sự hiện diện của mình. Anh muốn lên tiếng nhưng lại không dám làm gián đoạn phút xuất thần của Giu-se. Anh ngồi xuống ghế và lắng tai nghe tiếp. Bây giờ Giu-se lại nói với Xi-mong nhưng mắt anh vẫn không rời trần nhà:

– Chắc anh đã gặp Ma-ri-a và hỏi tin tức về tôi. Tôi đoán thế vì hôm qua sau khi nghe anh gọi ở cổng rồi bỏ đi, tôi nghi thế nào anh cũng đến nhà nàng. Anh có thấy điều gì khác thường nơi nàng không?

Xi-mong như tỉnh ra vì thấy rõ ràng Giu-se chẳng những không mất trí mà còn rất minh mẫn nữa. Anh vui vẻ đáp:

– Đúng, tớ đã đến nhà nàng và gặp các cụ. Và tớ ân hận vì đã làm thế, vì nếu không, tớ đã không phải trải qua một đêm mất ngủ như vừa rồi. Còn Ma-ri-a thì tớ cũng đã gặp và hỏi nàng về cậu. Tuy lúc ấy nàng đứng hơi khuất sau lưng bà An-na, nhưng tớ có cảm tưởng như nàng đã có mang... Tớ thật sự không hiểu gì cả và suốt đêm qua tớ đã thao thức không ngủ được vì mãi tìm cách ráp nối các sự kiện: việc cậu chỉ đến thăm nàng có một lần từ khi nàng trở lại Na-da-rét, việc cậu mất tích một cách kỳ lạ suốt cả tuần nay, rồi cái thai nàng đang mang và xa hơn nữa là sự ra đi đột ngột của nàng sau lễ đính hôn của các cậu...

Xi-mong nói một mạch như sợ bị Giu-se ngắt lời.

– Bây giờ cậu có chịu ngồi xuống và giải thích cho mình rõ đầu đuôi câu chuyện không nào?

– Xin anh đừng nóng – Giu-se chậm rãi nói trong khi ngồi xuống ghế đối diện với Xi-mong. Vì anh đã biết là Ma-ri-a đang mang thai nên tôi chẳng có gì phải giấu anh về chuyện này. Chắc anh đang thắc mắc lắm mà không dám hỏi là tại sao nàng lại có mang nhanh như thế. Có đúng vậy không?

– Vâng, thật sự là nếu cậu không nói ra thì tớ không bao giờ dám đặt câu hỏi đó. Tớ biết là hai cậu chưa về chung sống với nhau, còn Ma-ri-a thì lại đi Ain-Karim và ở mãi đó tới hơn ba tháng trong khi cái thai nàng đang mang, theo sự đoán mò của tớ thì cũng phải được chừng ấy thời gian.

– Đúng là nặng đã có mang được hơn ba tháng. Nhưng chắc anh không thể nào tưởng tượng nổi nỗi khổ đau của tôi, nỗi khổ đau làm tan biến ngay lập tức niềm vui được gặp lại nàng sau những ngày xa cách. Tôi đến thăm nàng ngay sau khi được tin là nàng đã trở về. Tôi gặp ông bà Gioa-kim trước và hai cụ vui vẻ kể về câu chuyện ra đời của Gioan, con trai của bà chị họ Ê-li-da-bét ở Ain-Karim. Bà chị họ nay đã suýt soát tám mươi còn ông chồng tên là Da-ca-ri-a thì ngoại bát tuần. Ai nấy cứ tưởng là hai ông bà sẽ ra đi về chầu tổ tiên mà chẳng để lại con cái gì. Nhưng sự đau buồn và tủi nhục của hai ông bà đã được Gia-vê Thiên Chúa cất đi một cách lạ lùng. Nhưng thôi để dịp khác tôi sẽ kể nốt chuyện này. Còn bây giờ tôi xin trở lại với việc Ma-ri-a mang thai vì hình như anh đang chờ có mỗi điều đó.

Xi-mong không tin vào tai, vào mắt của mình nữa khi nghe Giu-se nói với một giọng vui vẻ và khi thấy khuôn mặt anh, ngoại trừ bộ râu, đã trở lại với sắc diện lúc trước. Anh nói:

– Tớ có thể ngồi đây suốt ngày để nghe cậu kể. Cho nên cậu muốn nói cái gì trước cái gì sau cũng được vì tất cả những gì cậu kể đều mới lạ và hấp dẫn đối với tớ. Vậy cậu cứ nói tiếp đi...

(Còn tiếp)


(1) (Is. 7, 14) Được Thánh sử Mát-thêu trích dẫn (Mt. 1, 23)

 


Mục Lục: Người Thợ Mộc Thành Na-Da-Rét
Trở Về Trang Nhà