Bài Giảng Của Ðức Cha Phêrô Trong

Thánh Lễ Bổn Mạng Chủng Viện Ðalạt 12.12.2001

 

Tam Linh ghi.

 

Thánh lễ hôm nay được cử hành thật đặc biệt tại một nơi rất im vắng , trong ngôi nhà nguyện đơn sơ nghèo nàn, nhưng không vì thế mà chúng ta thấy mất đi sự long trọng mà Giáo phận muốn dành để cho nơi đây trong ngày mừng kính Hai Thánh Tử Ðạo Philipphê Minh và Simon Hòa, vì đây chính là chiếc nôi của Giáo Phận.

 

Trong thời gian qua, chúng tôi nghĩ nhiều đến ngày khai sinh của chủng viện Ðalạt chúng ta, nghĩ đến nhiều anh em xuất thân từ chủng viện Simon Hòa : dù làLinh Mục, đại chủng sinh . hay những anh em Chúa gọi sống ngoài đời, sống trong bậc độc thân và trong đời sống hôn nhân gia đình.

 

Nhiều hay ít, chúng ta đã sống và chia sẻ đời sống của chủng viện. Gần 40 năm,  cũng ngôi nhà này và cũng nếp sống này (tôi nghĩ  những điều đó làm chúng ta rất vui), thời gian và các biến cố không làm chúng ta mất đi điều gì, vì chúng ta vẫn còn có ơn gọi và càng thêm gắn bó với Hội Thánh, càng thêm tin tưởng vào Chúa.

 

Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời tạ ơn, đặc biệt với sự hiện diện của năm anh em Tân Linh Mục vàbốn anh em chuẩn bị mừng Ngân Khánh Linh Mục đã xuất thân từ đây, xin Chúa gìn giữ chủng viện, gìn giữ chiếc nôi của Giáo Phận, gìn giữ lò đào tạo của Hội Thánh . Chúng ta hãy luôn gắn bó, yêu mến, biết ơn chủng viện và tùy mỗi người, hãy góp phần vào để xây dựng, làm cho nơi này trở thành một vườn ươm như  ý Chúa muốn.

 

Anh em thân mến,

 

Trong tông huấn "Giáo Hội tại Á Châu", Ðức Thánh Cha có viết : "Dù các chương trình huấn luyện đào tạo và các kế hoạch loan báo Tin Mừng có quan trọng như thế nào đi nữa, thì chỉ có sự tử đạo mới làm chứng cho sứ điệp của Ðức Giêsu Kitô".

 

Anh em chúng ta hãy lắng nghe lời nhắn nhủ đó và hãy suy nghĩ : Chúng ta luôn ưu tư về vấn đề đào tạo, huấn luyện, kế hoạch . (vì đào tạo và huấn luyện nhân sự là vấn đề then chốt, đồng thời, nếu làm việc không có kế hoạch sẽ không mang lại hiệu quả), nhưng Ðức Thánh Cha đã khẳng định : cũng chẳng đi đến đâu nếu không có chứng tá tử đạo để làm chứng cho sự thật của sứ điệp Tin Mừng. Nói cách khác, Giáo Hội có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Ðức Kitô, không phải chỉ bằng những phương thế hay những tổ chức để người khác có thể tin và được cứu độ, nhưng trên hết, phải có chứng tá của máu tử đạo, tức là chứng tá của niềm tin và lòng yêu mến. Niềm tin và lòng yêu mến chính là trung tâm điểm của chứng tá tử đạo, vì phải tin và phải có tình yêu thì mới chấp nhận chết để tôn vinh Chúa và để phục vụ tha nhân.

 

Ðiều đó không có gì lạ, bài Phúc Âm của thánh Gioan hôm nay khẳng định rất rõ   ràng : Chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta không thuộc về thế gian, thế gian đã ghét Chúa thì chúng ta làm sao thoát khỏi định mệnh đó được ! Thánh Phêrô cũng nói trong thư của ngài : khi gặp thử thách đừng ngạc nhiên, vì đó là chuyện phải có và phải đến với chúng ta. Thầy không được thế gian chấp nhận và thế gian đối xử với Thầy thế nào thì cũng không chấp nhận và đối xử với môn đệ như thế đó. Chúng ta không trọng hơn Thầy mình . cho nên nếu được chia sẻ thân phận của Thầy thì quả thật rất vinh dự cho chúng ta.

 

Vậy anh em chúng ta hãy có một lập trường vững chắc. Trong cuộc sống, dù trong chủng viện hay sống mục vụ, chúng ta không nên chờ đợi những sự dễ dãi, tâng bốc, thuận lợi mà thế gian mang lại. Nếu khi được những điều đó, phải xét xem liệu chúng ta có còn là môn đệ của Ðức Kitô ??? Chúng ta phải tin rằng chính khi đi trong con đường từ bỏ là lúc diễn tả ơn gọi của mình cách chân thực nhất. Tin Mừng của Ðức Kitô chỉ được rao giảng qua những chứng tá của thập giá và qua những chứng tá của tử đạo thì mới sáng tỏ. Nhìn lại Giáo Hội Việt Nam từ lúc sơ khởi, cha ông chúng ta đã sống đức tin thế nào ? Ðối chiếu với thế gian của thời bây giờ, trong tương quan với Tin Mừng, ắt chúng ta phải thấy Tin Mừng lúc nào cũng là Tin Mừng của Ðức Kitô, một Tin Mừng rất sáng tỏ, một Tin Mừng rất trong sáng và nếu tin theo sẽ được cứu độ.

 

(Ngược dòng lịch sử, cũng có nhiều lúc không có những chứng tá tử đạo để làm chứng, để rao giảng Tin Mừng . thì Hội Thánh như tối tăm lại, như thỏa hiệp với thế gian . Cho nên tạ ơn Chúa vẫn luôn gìn giữ Hội Thánh của Ngài, cách riêng là Hội Thánh Việt Nam. Dường như  có những giây phút chúng ta quên đi sứ mạng và ơn gọi của mình thì Chúa lại nhắc nhở. Chớ gì chúng ta cám ơn Chúa về những lúc được Ngài nhắc nhở đó).

 

Cũng trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, Ðức Giáo Hoàng còn nói : Á châu rất hãnh diện, vì từng đoàn từng lớp con cái của mình sống cách rất chân thực để làm chứng cho Chúa (Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy mỗi Giáo Hội tại Á Châu đều có những chứng nhân, và những chứng nhân đó thường lôi cuốn bao nhiêu người khác cùng đi theo mình . Ở Việt Nam nếu mừng thánh Anrê Dũng Lạc, ở Nhật mừng thánh Phaolô Miki, ở Ðại Hàn mừng thánh Kim-Tê-Don, ở Philippin mừng thánh Fernande Cruis . thì đều có : và các bạn tử đạo .) Tất cả để nói lên với chúng ta việc làm chứng cho Chúa không phải là việc cá nhân. Thường chứng tá của Tin Mừng,  của Hội Thánh xuất phát từ những con người nghèo khó, thấp hèn, không có địa vị . nhưng trong những người đó, Thiên Chúa vẫn tuyển chọn nhưng con người ưu tú để lãnh đạo, chăn dắt. Vậy những Mục Tử  (hay chuẩn bị là Mục Tử) nếu không là chứng tá, thì làm sao chúng ta có thể lôi cuốn ai được, làm sao người khác có thể tin vào Tin Mừng của Ðức Kitô, nếu chúng ta không chấp nhận sống mầu nhiệm thập giá của chúng ta.

 

Diễm phúc thật lớn lao khi Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là cha ông chúng ta, những người cùng chung máu mủ, cùng chia sẻ một nếp sống, cùng trên một quê hương, đã đi trước và để lại muôn vàn mẫu gương sống động, chúng ta có thể tìm gặp Các Thánh Tử Ðạo ở trong bất cứ địa vị nào, vì trong địa vị nào cũng được Chúa mời gọi sống Mầu Nhiệm Thập Giá để trở nên chứng tá của Ngài. Tại sao chúng ta đang đi trên con đường chân lý đó mà còn ngại ngùng điều gì ? Khi được trao trách nhiệm để lôi cuốn những anh em chúng ta vào trong con đường chân lý, để đưa chúng ta đến với sự sống thật thì chúng ta không thể ngần ngại được.

 

Chúng ta cầu nguyện, cách riêng là với hai thánh bổn mạng rất gần gũi với chúng ta là thánh Simon Hòa và Philipphê Minh, xin các ngài cầu bầu, nâng đỡ để chúng ta trung thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó và cho Giáo Hội Việt Nam của chúng ta.