ĐẠI HỘI MỪNG ĐÓN ĐỨC CHA PHÊRÔ

Gia Đình Simon Hoà Hải Ngoại

 

Thứ Bảy ngày 25 tháng 8 năm 2007

California, Hoa Kỳ

 

Ít có dịp anh em Simon Hoà Cali được đón tiếp một lúc nhiều anh em từ xa về hội ngộ như dịp Đại Hội năm nay: Cha Nguyễn quí Trung (VN-lớp Giuse I), Anh Nguyễn Văn (?) Tân (Canada), Vương Văn Chính (Florida), Cha Nguyễn Tiến Huyên (Pháp - lớp Vô Nhiễm I), Cha Tuấn (Việt Nam), Vợ Chồng Anh Tuyên (từ Luân Đôn đã di cư qua Mẽo - Lớp Kytô Vua I). Ngoài ra  những anh em phải lái xe vạn dặm như gia đình Anh Ngô Văn Hân, Anh Hoàng Tích Đức, Anh Bùi Định (San Jose), Anh Trần Văn Cẩm (Fresno). Gần gũi hơn là gia đình anh Nguyễn Công Phán, Anh Trần Công Sơn, Nhạc sĩ Hải Ánh, và những khuôn mặt thân quen như gia đình anh Trần Văn Thông, anh Chị Thơ, Thăng (Mây Production), Khương, Hoài Sơn, Nhân, Phú, Quốc, Toàn, Tiến, Quang, Oanh, Trúc, Điệp, vv… Tổng cộng 28 gia đình và trên dưới 75 người đứng chật gian phòng khách vốn bé nhỏ như người của Anh Chị Toàn Loan (!). Vượt mọi thử thách thời gian ở Hoa Kỳ là một điều đáng tuyên dương vì chẳng mấy ai làm được. Mục đích duy nhất vẫn là về để gặp là Đức Cha Phêrô, người Cha và người Thầy đáng kính. Dĩ nhiên, ôn cố là một điều không thể thiếu sót, nhưng tri tân cũng là điều cần thiết để vươn lên. Cha con một lòng, một tâm hồn và một mục tiêu phục vụ là giáo phận Đà Lạt. Những thao thức, những ưu tư, và những dự kiến không gì ngoài mục đích ấy. Do đó, bên cạnh những tiếng cười vang, cười chảy nước mắt, cười không nín được, do tay hoạt kê thiên bẩm Nguyễn Văn Phú, tự Phú Điên, Phú Lỉnh, hoặc Phú Lặn (do chính đương sự tự khai!) là những chia sẻ, tường trình, thảo luận rất nghiêm túc của Đức Cha, của anh em đảm nhận công tác, và của hội nghị về chuyến trở về mái nhà xưa năm 2010.

Hiện trạng Giáo Phận do Đức Cha Phêrô chia sẻ đã gây được một niềm vui mừng lớn trong anh em. Ai cũng phải gật gù công nhận là Giáo Phận đã làm được bước tiến đầy triển vọng. Con số giáo dân những ngày anh em rời bỏ quê hương chắc chắn không nhiều hơn con số 100 ngàn. Hàng ngũ linh mục cũng chỉ trên dưới 70 là cùng. Nhưng hôm nay, giáo dân Kinh /Thượng đã vào khoảng 300 ngàn, và anh em linh mục đã trên dưới 200. Trong một vài năm sắp tới, con số Đại Chủng sinh được truyền chức sẽ tăng đều từ 5-7 mỗi năm. Những con số đầy khích lệ ấy là một niềm vui lớn lao do bàn tay Thiên Chúa sắp đặt và quan phòng. Ngài dùng chính những khó khăn hằng ngày để thử thách và tôi luyện con cái để con cái nên trưởng thành và hữu dụng. Xin tạ ơn Thiên Chúa.

Những hướng đi trong những năm sắp tới hay còn gọi một cách chuyên nghiệp hơn là dự kiến cho tương lai là một đề tài thu hút nhiều anh em. Lý do rất dễ hiểu là nhiều anh em có thể trực tiếp đóng góp tài sức để thực hiện dự kiến này. Đó là chương trình huấn luyện để trưởng thành hoá giáo dân trong các công tác mục vụ và sống đạo. Đức Cha Phêrô nhấn mạnh điều này vì hàng ngũ linh mục và tu sĩ đã được quan tâm khá đầy đủ qua các chương trình huấn luyện và đào tạo với bài bản sẵn có. Thực thế, ngoài việc dự tuyển (sinh hoạt mục vụ tại giáo xứ), thử thách (4 năm Đại Học), chọn lựa (thi tuyển), đến huấn luyện (tại các ĐCV), tập sự (giúp xứ), tái huấn luyện (tĩnh tâm và thường huấn hằng năm). Người linh mục đủ nắm vững cơ bản để tự thăng tiến và phục vụ. Nhưng còn giáo dân? Giáo dân được gọi là trưởng thành trong xứ đạo là khi người giáo dân tự đảm nhận được những công tác mục vụ dưới sự chỉ đạo của linh mục. Họ phải nhận ra điều mình cần làm và biết tự mình khởi sự (initiation). Linh mục có quá nhiều công tác mục vụ trong một giáo xứ và sẽ không thể chu toàn được thừa tác vụ của mình nếu không có những người lãnh đạo trong hàng ngũ giáo dân chia sẻ trách nhiệm với linh mục. Để có những người giáo dân lãnh đạo ấy, chúng ta cần có một trung tâm mục vụ để tạo điều kiện và huấn luyện trường kỳ. Chắc chắn với kinh nghiệm mục vụ của nhiều anh em Simon Hoà  tại các giáo xứ, giáo khu và Tổng Giáo Phận, anh em có thể đóng góp công sức trong việc huấn luyện này. Cụ thể trước mắt là việc hình thành một trung tâm mục vụ cho giáo phận. Điều này, gia đình Simon Hoà Hải Ngoại sẽ tiến hành vào đầu năm tới.

Mục thảo luận về “ngày về năm 2010” thu hút nhiều sự bàn cãi sôi nổi hơn. Các dâu Simon Hoà nhất trí ngày hội ngộ tại chủng viện là ngày 4 tháng 7 năm 2010. Ban thông tin website sẽ trách nhiệm việc động viên và thông báo cho các cựu tu trên thế giới. Chương trình sinh hoạt ra sao sẽ do cựu tu quốc nội thực hiện. Chúng ta sẽ hiện diện và làm “thợ vịn” để anh em sai bảo.  Sẽ có những thông tin, thông báo, thông ... công đến với anh em cho thông suốt chương trình Ngày Về.

 

Thánh lễ trong Đại Hội năm nay cũng sốt sắng hơn mọi năm. Có lẽ do Đức Cha chủ tế nên anh chị em có vẻ hăng hái và nhiệt tình hơn trong lời nguyện giáo dân. Nghe nhiều anh chị em cầu nguyện, tôi chỉ nhắm mắt thông công, suy gẫm và hình dung lời nguyện được cất lên tha thiết và cảm động như những linh mục hay nữ tu dâng lời cầu nguyện. Chắc Chúa nghe lời chúng ta cầu nguyện và đánh động nên mới hay như thế. Tôi nhớ có lần hướng dẫn giáo dân trong một giờ thánh tại chủng viện năm 1979, những giáo dân này là gia đình ông Phán, mấy cô câu con cái ông gì (?) bên cạnh nhà ông Phán, và năm ba gia đình khác cư ngụ trước chủng viện. Không biết tôi phải dung tiếng “tha thiết mời gọi” đến bao nhiêu lần mà họ cứ lặng thinh chẳng đáp lời. Cuối cùng chỉ có Thầy Đạt và tôi thay nhau tự phát trước Mình Thánh Chúa. Nếu cho rằng giáo dân ngại cất lời nguyện trước các thầy, thì giáo dân gốc Simon Hoà kể cả dâu rể, cháu chắt đã mạnh dạn và trưởng thành hơn gấp bội vì đã cất cao lời nguyện trước mặt các Đấng các Bậc.

 

Đại Hội năm nay vui lắm, chưa bao giờ vui hơn. Vui vì có Đức Cha Phêrô, cha Yuan Tuấn (thư ký Đức Cha) và những linh mục anh em cùng hiện diện. Đức Cha đã có những giây phút thoải mái với anh em và các con cháu trong gia đình Simon Hoà và Minh Hoà. Cha con cởi mở, trò truyện không ngừng.  Ngài đã hiện diện cho tới giờ kết thúc, vào lúc 9 giờ tối. Và thêm vào đó là niềm vui có sự hiện diện của nhiều huynh trưởng vắng mặt 40 năm nay. Cha Huyên, tuy đau cột xương sống cũng cố gắng đến với anh em, Anh Nguyễn Văn (?) Tân, dáng người bệ vệ, râu tóc bạc trắng, chẳng mấy ai nhận ra anh. Anh đã phát biểu: Con là đứa con hoang đàng mới trở về. Chỉ mới 40 năm xa cách nhưng đã ai dám gọi anh là hoang đàng mà phải rào đón thế anh (!). Ngô Anh Quốc cũng là lần đầu hội ngộ. Quốc râu ria nhưng vẫn không đánh mất vẻ mignonne của 35 năm trước. Xin chào mừng chú. Người thâm niên công vụ nhưng dáng vẻ thư sinh và trẻ trung hơn rất nhiều anh em là Anh Phan Văn Tuyên. Khuôn mặt hồng hào, ít nếp nhăn nhờ uống sữa bò Ăng lê. Ngoài sữa bò Ăng Lê, anh còn bí kíp công phu nào nữa, xin chia sẻ để anh chị em cùng tu luyện….

 

Ghi nhận: Đào Ngọc Điệp


Trở về Trang Tin Tức Nội Bộ