Những đồng xu vô giá

(câu chuyện bên lề đại hội Simon Hoả hải ngoại 2006)

 

(Chú thích chữ xanh đậm và nghiêng là của Lại Toàn)

 

Tôi đáp xuống phi trường LAX (Los Angeles Airport), California vào lúc 12 giờ 30 trưa thứ sáu ngày 30 tháng 6 năm 2006.  Trời nắng đẹp nhưng lòng tôi bồi hồi lo lắng không biết làm sao báo tin cho bạn bè và người thân đến đón.  Tôi hỏi thăm và mua 20 đô Mỹ thẻ điện thoại trả tiền trước (AT&T) nhưng chỉ gọi được hai lần thì máy nói là thẻ còn 12 phút và không còn đủ tiền để nối đường dây (connection).  Xứ Mỹ này xài tiền sang có khác. Tôi nghĩ bụng không bỉết phải tốn chừng bao nhiêu tiền nữa mới có thể liên lạc với người tới đón mình.  Tôi trở lại hỏi người bán thẻ cho tôi sao mà có chuyện kỳ như vậy, mới nói được chừng 5 hay 6 phút mà thẻ đã hết xài rồi.  Người bán hang là người Phi nói bà cũng không biết tại sao và đề nghị tôi có thể gọi cho công ty điện thoại để khiếu nại.  Tôi đành ngậm đắng nuốt cay kiểu chơi ép của xứ Mỹ này.  Tôi trở lại ghế băng ngồi xuống, lòng ấm ức và buồn cho cái kiếp tha hương của mình. Ngó quanh quẩn xem có ai thuộc giống con cháu Lạc Hồng như mình chăng, nhưng nghĩ bụng làm gì mà gặp được người Việt trong cái phi trường rộng lớn này. Ngay lúc đó tôi chợt  thấy bong một cô gái dáng dấp á đông với đôi mắt đen, tóc để ngang vai mầu đen bong, đang tiến về băng ghế tôi đang ngồi. Tôi mừng thầm nghĩ bụng chắc là dân Việt ta đây và định gợi chuyện, nhưng thầy cô gọi điện thoại nên thôi.  Chao ôi đúng là Chúa gửi thiên thần đến cứu bồ rồi, vì cô nói điện thoại bằng tiếng Việt.  Đợi cho cô nói chuyện bằng điện thoại xong, lòng mừng khấp khởi tôi bạo dạn hỏi chuyện. Cô gái nói chuyện bằng tiếng Việt rất sành sỏi.   Cô là ngưòi Việt nhưng sinh tại Mỹ và cho biết là cô cũng đi đón bạn trai du lịch từ Trung Hoa về, nhưng chuyến bay dời lại trễ hơn. Bắt được người đồng hương, tôi mừng lắm kể chuyện của tôi cho cô nghe.  Sau khi nghe chuyện cô nói: “Sao chú không lại chỗ đổi tiền cắc để gọi cho rẻ?”.  Thế là tôi tức tốc đi đổì tiến cắc.  Nhưng oái oăm thay, tôi chỉ đổi được 4 đồng 25 xu thôi. Có còn hơn không và tôi lại tiếp tục gọi điện thoại cho người đến đón mình.  Điểm oái oăm là tôi và người đón tôi là anh Toàn chưa từng gặp mặt nhau.  Chúng tôi liên hệ với nhau qua điện thư “Email” và tôi cũng cẩn thận mang theo tờ Email này trong đó có ghi điện thoại và địa chỉ nhà anh.  Tôi phải có mặt tại Santa Ana vào ngày hôm sau 1/7/2006 để tham dự đại hội Simon Hoà Hải Ngoại được tổ chức tại nhà anh. 

 

Tôi xin mở ngoặc một chút để nói về quá khứ của mình.  Sau ngày 30/4 năm 1975 tôi mới gia nhập giáo phận Đà Lạt và được Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm cho về đồng trà sống chung với các thầy tại xứ Thánh Tâm, Tân Phát, Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng.  Chính vì thế  tôi không biết các anh em chủng sinh Simon Hoà sống ở Đà Lạt.  Gốc cũ của tôi thuộc dòng Don Bosco Thủ Đức, Việt Nam, nhưng bị đứt gánh giữa đường nên sau khi bôn ba một số giáo phận miền nam, tôi may mắn được Đức Giám Mục giáo phận Đà Lạt tiếp nhận qua thơ giới thiệu của cha giáo Massiminô dòng Don Boscô. Chúng tôi một số thầy lý đoán (thần học) sống với nhau, làm cỏ trà,  xịt thuốc, trồng lúa đồi, nuôi heo…. Sáng sớm vác xẹc-lai ngồi trên chiếc xe máy cày cải tỉến ra vườn trà cho tới khi trời nhá nhem tối mới về nhà.  Cha Huân (mập) làm cha chính xứ, và cha Dao làm cha phó phụ trách việc đào luyện anh em.  Tôi còn nhớ các anh như: Vượng, Bích, Điện, Cường, Thứ, Cẩm, Tuyên, Thơ, Nhân, Thành, Phan, Chính và các chú Liêm, Phát.  Mạnh cũng ở với chúng tôi một thời gian ngắn và tôi cũng có dịp gặp Tường mỗi khi anh ghé thăm anh em.  Mỗi người một vẻ và ai cũng có biệt danh.  Ngày nay khi nghĩ đến thời gian này, tôi không thể quên được những kỷ niệm êm đềm, sinh hoạt chung với nhau khi lao động hay làm việc mục vụ giáo xứ.  Sống ở giáo xứ Thánh Tâm, Tân Phát được 3 năm tôi không được giải quyết hộ khẩu, nên phải trở về lại thành phố Sàigòn chung sống với gia đình tại xứ Bùi Phát, Phú Nhuận.  Chắc đọc đến đây các bạn đã đoán được tôi là ai rồi.  Tôi mang trong mình hai dòng máu Don Bosco và Simon Hoà Đà Lạt.  Đời tôi cũng nhiều cam go, may mắn và cũng có những xui xẻo, nhưng có lẽ không có cái xui bất ngờ nào giống như trường hợp ngày hôm nay khi ngồi đợi ở phi trường LAX  tại xứ Mỹ cờ hoa này.  Tôi xin kể tiếp hành trình của mình.

 

Không biết số trời xui khiến hay tại tôi mang số con rệp, tôi gọi điện thoại công cộng tới nhà anh Toàn hai lần mà không ai trả lời. Máy điện thoại công cộng tại phi trường đã nuốt mất 4 đồng 25 xu vô cùng quí giá của tôi.  Tôi thất vọng trở về nói chuyện với cô gái người Việt. Thời gian chậm chạp trôi, giờ này qua giờ khác, cũng may là có cô gái Việt Nam để nói chuyện và nhờ cô trông chừng hành lý mỗi khi phải đi vệ sinh.  Có thể vì quá lo lắng nên tôi bị tào tháo đuổi phải đi đại tiện liên lục.  Đang lúc lo lắng như vậy tôi thoáng thấy bóng một vị mặc áo nhà tu mang cổ “Collar”. Mừng quá như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao, tôi chạy băng lại để chào thăm hy vọng được giúp đỡ.  Thì ra là Đức Ông Đạo cũng vứa xuống tới phi trường và đang chờ các dì dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm ra đón.  Đang lúc hàn huyên tôi thấy Dì Lành, Tổng Quyền của dòng, đang nhao nhác tìm kiếm ai đó.  Khi nhìn thấy chúng tôi, dì chạy lại và tôi mừng rỡ mở cờ trong bụng vì đã kiếm được người thân.  Mấy năm trước tôi cũng đã gặp dì, khi thăm người chị họ của tôi thuộc dòng Mến Thánh Giá tại Santa Ana.  Tôi nghĩ bụng thế là chắc ăn rồi không còn lo lắng gì nữa.  Dì nói là các chị em đi đón Đức Ông và đang đứng đợi tại một điểm khác.  Tôi vội vàng nói cho dì biết tình trạng cấp bách của mình, dì bảo tôi đợi để dì đi báo cho các chị em khác.  Sau chừng mười phút dì trở lại và trao cho tôi máy điện thoại di động.  Dì nói là dì không thể đưa tôi về Santa Ana được, vì dì và các chị em đang trên đường đi tĩnh tâm.  Các dì ghé phi trường đón Đức Ông Đạo đề đưa ngài đến chỗ cấm phòng.  Thế là lại một phe mừng hụt!  Lòng tôi lại bồn chồn lo lắng nhưng biết nói sao. Thôi ít nhất bây giờ tôi có điện thoại di động để liên lạc với gia đình anh Toàn. Tôi bấm số và yên lặng chờ đợi.  Giây phút này thật hổi hộp.  Mấy phút trôi qua rồi tôi nghe như có người bắt máy tôi mừng quá, khi nghe được tiếng ai đó bên đầu giây bên kia.  Sau vài câu chào hỏi chị Loan, vợ anh Toàn, cho tôi số điện thoại sở làm và số điện thoại di động cùa chồng và nói tôi nên liên lạc với anh ngay.  Tôi phải gọi tới lần thứ 2 mới bắt được liên lạc với Toàn.  Anh nói là đang mắc công việc của sở nên không thể đi đón ngay dược.  Anh cho biết là khoảng 7 hay 8 giờ tối mới có thể đón tôi.  Anh còn dặn tôi gọi lại cho anh vào lúc 5 giờ chiều.  Tôi nhìn đồng hồ lúc đó cũng vào khoảng 4 giờ.  Tôi trả lại điện thoại cho dì Lành và bắt tay tạm biệt đức ông Tài.( Quái lạ ! 2 ngày trước cha có gọi điện thoại cho mình, nói sẽ xuống phi trường John waye, gần nhà mình 10 phút lái xe, vào sáng Thứ Bảy lúc 8:30 trên chuyến bay United Airline số UA 6142, túc ngày sáng Đại Hội, sao bây giờ mới chiều thứ Sáu mà đã tới rồi, làm sao bây giờ?. Hỏng bét chương trình rồi !  Thôi để gọi Điệp hoặc Khương đón cha vậy, vì cả hai đều sống gần phi trường Los Angeles (LAX).  Gọi cho Điệp, thì Điệp đang làm ở Riverside, cách LAX 2 giờ lái xe lận. Còn Khương thì cùng dài bằng con đường từ công ty mình tới LAX.  Thôi ráng vậy, chứ biết làm sao bây giờ.) Tôi thở phào nhẹ nhõm và nghĩ bụng chẳng mấy chốc nữa, mình sẽ gặp được người đón mình về nhà bù lại những giờ mỏi mong đợi chờ.  Lòng mừng vui khấp khởi, tôi trở lại ngồi chỗ cũ và hàn huyên với cô gái người Việt.  Chúng tôi kể chuyện cho nhau nghe để giết thời gian. Sau một lúc khá lâu, tôi lại mạnh dạn đi đổi tiền cắc một lần nữa, lần này tôi xin đổi thật nhiều tiền cắc bao có thể để gọi điện thoại, nhưng tôi cũng chỉ đổi được 8 đồng 25 xu thôi.  Tới 7 giờ tối cô gái Việt chào tôi để đi đón bạn trai của mình.  Sau khi cô đi rồi, tôi lại cảm thấy bơ vơ và lo lắng không biết là khi nào mới gặp được người tới đón mình. (Tôi rời công ty lúc 4:30 chiều tức sơm hơn thường lệ 30 phút, trực chỉ hướng LAX, và không quên mở cell phone để nhỡ có cha gọi thì con biết chỗ nào, cửa nào mà đón, vì phi trường LAX lớn như một thành phố thu nhỏ. Vì là chiều thứ Sáu nên xa lộ kẹt xe kinh khủng.  Ai đã sống ở new York hay Los Angeles... thì hiểu nạn kẹt xe, đến độ có một ông Mỹ gìa sống không biết được bao nhiêu năm ở Los Angeles, mà trong chúc thư để lại cho người con độc nhất với một gia tài khá khác có một lời khuyên như sau: Đừng bao giờ sống ở Los Angeles, và nếu lỡi phải sống ở đó thì đừng bao giờ đi xa lộ.  Tôi tới LAX lúc 5:50 chiều, chay thẳng tới  Tom Bradley internatioanl terminal.  Vì theo kinh nghiệm tất cả các thân nhân, bạn bè của tôi tới Mỹ từ ngoại quốc và đi các quốc gia khác đều tới terminal này cả,  mà cha Tòng là bạn bè tôi, từ ngoại quốc tới, vậy thì ngài phải xuống Tom Bradley international terminal ! 100% rồi !) Đợi thêm một lúc nữa, tám giờ rồi chín giờ, tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột vì nghĩ bụng cao lắm là khoảng 8 giờ anh Toàn phải có mặt tại phi trường rồi. Lúc chín giờ tối tôi lại bắt đầu gọi số điện thoại di động cho anh, hy vọng sẽ gặp được anh, nhưng thật là thất vọng tôi chỉ nghe tiếng máy trả lời. Tôi liền gọi về nhà anh và nghĩ bụng chắc chắn sẽ gặp được người nhà của anh.  Oái oăm thay, tôi nghe hình có nhiều tiếng nói chuyện với nhau nhưng không nghe rõ họ nói tiếng gì.  Sau một lúc có giọng người đàn ông bắt điện thoại, nhưng nói vài câu tiếng Việt mà tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ nghe thấy mấy tiếng “hello” hoài.  Đầy thất vọng tôi đành nói lời xin lỗi vì nghĩ rằng mình gọi sai số chăng.  Khi xem lại tôi thấy mình gọi đúng số mà, nên tôi càng lo không hiểu lý do tại sao.  Tôi đoán chắc có anh em Simon Hoà nào đó, đến trọ nhà anh để tham dự đại hội ngày hôm sau nên không biết tôi là ai.  Tôi cố gắng gọi lại lần nữa nhưng lần này chỉ nghe được tiếng máy trả lời và nói để lại lời nhắn.  Nhìn vào những đồng xu tôi thấy mình chỉ còn vỏn vẹn 2 đồng 25 xu thôi!  Tôi chửi thề vì máy điện thoại đã nuốt mất toi 6 đồng xu của tôi rồi. Đánh liều gặp ai tôi củng xin đổi tiền cắc để có thể gọi điện.  Sau nhiều lần van xin, tôi cũng cầm trong tay thêm được 8 đồng 25 xu nữa.  Lúc này tôi mới thấy giá trị vô cùng của những đồng 25 xu.  Chúng là những chỉếc phao cuối cùng tôi có thể bám víu.  Gọi số điện thoại nhà anh Toàn, máy điện thoại di động của anh mãi cũng không được, và mỗi lần như vậy tôi lại mất toi 2 đồng 25 xu.  Lục lọi mãi trong cuốn sổ tay, tôi tìm thấy sổ điện thoại của chú Thơ, anh Phán,  nhưng lạ thay,  khi gọi điện cho họ, tôi chỉ nghe được những tiếng trả lời lạnh lùng của những chiếc máy vô hồn.  Thực vậy ngày nay khoa học tiến bộ, nhưng đôi lúc khoa học cũng làm cho con người bực mình, vì không đáp ứng được đúng nhu cầu của con người.  Những đồng tiền cắc càng ngày càng cạn dần, trời càng tối và lòng càng cảm thấy âu lo không biết đêm nay mình sẽ ngủ tại đâu.  Bụng đói miệng khát, nhưng không dám ăn gì, thỉnh thoảng tôi chỉ dám nhấp một chút nước lạnh cho đỡ cơn khát, vì lúc đó bụng tôi không được ổn. Lâu lâu tôi lại phải mang toàn bộ hành lý gồm hai va li và hai xách tay đi vệ sinh.  Sống trong tình trạng chờ đợi như vậy tôi đâm hoang mang và trong óc tôi nảy sinh ra bao nhiêu vấn nạn.  Khi liên lạc với anh Toàn lần cuối, tôi vốn cẩn thận đã theo lời hướng dẫn của nhân viên bảo vệ nói với anh là hãy đến đón tôi tại trạm “terminal” số 2, Northwest nơi hành khách quốc tế tới.  Tôi nghĩ là anh không thể nào hiểu sai được.  ( Đợi tới 6:30 không thấy bóng dáng cụ đâu, tôi chợt nhớ cụ bảo đón cụ ở Terminal số 2, nhưng terminal số 2 là cho các chuyến bay nội địa thôi, cha Tòng ờ New Zeland tới, tức ở ngaọi quốc tới, chẳng lẽ .... tôi đâm nghi ngờ chính tôi.  Thôi cha nói vậy thì mình ráng quốc bộ xuống termianl số 2.  Nhưng nhìn lên các bảng số terminal treo trên tường lúc đó tôi đang ở terminal số 4, mà chỉ thấy con số 3 ngút ngàn chân trời....  Tôi đi được 200 thước vẫn chẳng thấy con số 2 đâu cả nên tự hỏi: có chắc là terminal số 2 không mà đi tới?  Để chắc ăn, tôi chặn một nhân viên an ninh taị LAX hỏi cho chắc ăn.  Sau khi biết tôi đang đón thân nhân từ ngoại quốc tới, ông quả quyết với tôi như bắp rằng: “ Tôi chắc là 99% bạn của ông sẽ xuống ở Tom Bradley International terminal”. Thế là tôi an tâm quay trở lại terminal 4 và thầm nghĩ ông-mỹ-mũi-lõ này đúng, cha Tòng lần đầu tới Mỹ chắc không rảnh hệ thống phi trường của Mẽo, nên hẹn mình sai,  Có thể cha lầm với gate 2 thay vì terminal 2!, và tiếp tục rảo trong rảo ngoài tìm cụ như thể tìm kim đáy biển) Tôi đợi mãi nhưng chẳng thấy tăm hơi gì.  Càng đợi tôi càng lo và nghĩ bụng chắc là có thể anh Toàn đã gặp tai nạn xe cộ gì chăng.  Tôi lo lắm một phần cho bản thân mình nhưng cũng rất lo cho anh Toàn.  Sau này gặp lại Toàn, anh cho biết là anh đợi tôi tới chín giờ tối ở một nơi khác.  Anh nghĩ rằng máy bay từ các nước khác đến, hành khách đáp xưống và đợi ở trạm số 4 và hơn nữa nhân viên bảo vệ cũng nói với anh rằng 99% hành khách nước ngoài đến ở trạm này. Anh Toàn còn nói thêm, anh cũng đi đến trạm số 3, nhưng đi được nửa chừng thấy đường dài quá nên lại quay đầu trở về.  Phải chăng đây là hậu quả tai hại của chứng bệnh yên trí hay tại tôi mang số con rệp. ( tỉnh thoảng tôi cũng gọi về nhà xem cha có gọi về nhà không, nhưng đều chỉ là....không thấy gì !. Lúc đó là 8 giờ tối, tôi bắt đầu đói, vì giờ ăn tối caủ tôi là 6 giờ chiều.  Tôi chạy vào mua một gói snack, ăn đỡ đói.  Nhìn trong đám thiên hạ có thấy “chàng” không, nhưng chỉ toàn là ông tây bà đầm, đen có, trắng có, nâu có và vả vàng nữa.... mà chẳng thấy con Kangaroo đâu cả!  Ngốm hết gói snack, thì biết mình dại dột, .... khá nước !!!!  Ta khát !!.  Tôi quyết định về nhà....nhưng chợt nghĩ rằng nếu vừa về tới nhà, mà cha lại gọi, thì làm sao đây?  Vì từ LAX tới nhà cũng hơn một giờ lái xe chứ bộ!  Tôi quyết định đợi thêm 1 giờ nữa xem sao, và liên tục gọi về nhà để xem có tin của cụ không.  Giọng bà xã ái ngại và thông cảm, thế nhưng tôi chỉ nhận được câu không-thấy-gọi- gì-cả.  Tôi lầy làm lạ, sau này gặp cụ, cụ có “trách” là không thể gọi về số của tôi được..... chẳng hiểu nó ra làm sao...  9 giờ tôi rời LAX về nhà mà lòng .... áy náy !)

 

Nhìn đồng hồ thấy 1 giờ đêm tôi liền ra ngoài đón tắc xi về Santa Ana.  Nhìn qua địa chỉ bác tài nói từ phi trường LAX đến đó chừng 60 dặm và cứ theo cây số mà tính tiền.  Tôi hỏi xem bác có biết vùng này không, bác trả lời là cứ theo bản đồ là tới.  Chiếc xe taxi không biết thuộc đời nào, nhưng trông thật cũ kỹ và khi ngồi bên trong tôi không khỏi phập phồng lo sợ, vì xe khá xóc và chòng chành như xe ngựa.  Nhưng chuyện đã lỡ rồi, đã ngồi trên lưng cọp chẳng nhẽ lại xuống.  Trời khá tối vì đèn đường không được sáng cho lắm, lâu lâu tôi thấy bác tái mở cuốn bản đồ để xem đường.  Ngồi trong xe nhưng vẫn còn hồi hộp vì sợ rằng bác tài không quen đường thì chỉ có nước mà khóc thôi.  Bác hỏi tôi là đã đến địa chỉ mà tôi đưa cho bác bao giờ chưa, tôi thành thật trả lời chưa và lòng càng thêm lo, sợ rằng bác tài sẽ lả lướt đưa đi vài vòng thì tha hồ móc túi  trả tiền đô.  Sau chừng 45 phút tôi cũng tới được địa chỉ nhà anh Toàn theo điện thư.  Thở dài nhẹ nhõm tôi bước xuống xe và tìm chuông để bấm.  Nhà không có ngọn đèn điện nào nên mò mẫm mãi tôi mới rờ được nút chuông điện.  Bấm liên hồi nhưng không thấy ai mở cửa tôi liền đấm mạnh vài cái vào cửa ra vào nhưng cũng không thấy động tịnh gì cả. Tôi liền lấy tờ Email mà anh Toàn gửi mấy bữa trước và đưa cho bác tài.  Đúng là căn nhà này rồi (căn nhà này do 2 người đồng tình luyến ái (homo sexual) sống lâu năm, nhưng xui cho cha Tòng chính ngày hôm nay họ vừa dọn nhà đi nơi khác, và cũng may cho cha Tòng, nếu họ còn ở đó mà xuống mở của đón ngài vào, thì chuyện gì sẽ xảy ra đêm nay nhỉ?).  Số 2525 Deegan Dr. Santa Ana, California.  Bác tài lật cuốn bản đồ chỉ đường và vùng cho tôi tin.  Thôi đúng rồi còn chạy đi đâu nữa. Tôi sợ bác tài nhầm đường nên đã đi bộ tới đầu đường và thấy đúng là bảng đường Deegan Dr.  Tôi đánh bạo bấm chuông căn nhà đầu đường, vì thấy có rất nhiều xe hơi đậu trước căn nhà này.  Tôi nghĩ bụng chắc đó là xe của một số anh chị em ở xa đến trước chăng. Bấm hai lần nhưng chả thấy động tĩnh gì cả.  Ngó tới đồng hồ tôi giật mình vì đã là 3 giờ sáng. Bác tài tốt bụng bảo tôi đưa cho bác số điện thoại nhà anh Toàn để bác gọi thử xem sao.  Bác dùng điện thoại di động gọi nhưng không biết lý do gì không ai trả lời cả.  Tôi định cắm dùi ngủ đêm trước căn nhà số 2525 này ( vì sơ ý nên đã cho mọi người số nhà 2525 trong thông báo số 2, nhưng thông báo số 1 lại cho đúng là 2529.  Căn 2525 nằm sát bên căn 2529), nhưng bác tài nói làm như vậy có thể cảnh sát sẽ tới và hốt đi.  Lòng đầy thất vọng, vừa mệt vừa chán và lo nữa.  Tôi nghĩ bụng vậy chắc là anh Toàn đã gặp tai nạn khi đi đón mình, và gia đình đã đi vắng không còn ai trong căn nhà tối thui này nữa.  Thôi đành vậy, tôi bảo bác tài lái xe đưa tới một khách sạn gần đây hay một nhà xứ Công Giáo vì tôi nghĩ mình là linh mục chắc sẽ tìm được chỗ trọ qua đêm trong giáo xứ.  Bác tài hỏi xem ý tôi thế nào xuống tại đây, hay tìm một chỗ ngủ qua đêm.  Tôi bảo bác chở đi tìm chỗ trọ.  Bác đưa tôi vào một siêu thị (shopping centre) gần đó và hỏi thăm đường đi tới khánh sạn gần nhất.  Theo lời chỉ dẫn xe chạy chừng vài phút tôi thấy một khánh sạn (motel) bên phía trái.  Bác tài quẹo xe vào khách sạn và chúng tôi dừng xe tìm xem văn phòng ở đâu.  Lúc đó cũng có một chiếc xe khác đậu phiá sau xe của chúng tôi và anh ta đã tới văn phòng trước chúng tôi.  Người làm việc hỏi chúng tôi có đi chung với nhau không?  Tôi trả lời không và anh ta xin lỗi vì khách sạn chỉ còn một phòng duy nhất nên người khách trước tôi đã đăng ký rồi.  Trâu chậm uống nước đục thật đúng là số xui đến tận cùng!.  Tôi đề nghị thuê chung phòng nhưng người khách không chịu.  Nhân viên khách sạn báo cho biết cách đó không xa có một khách sạn khác, chúng tôi có thể đến đó thuê phòng ngủ.  Thế là bác tài lại lái xe đi tiếp.  Nhìn thầy bảng hiệu “La Quinta” bác tài nói đó là khách sạn và lái xe vào. Khi tới nơi, tôi xuống xe ngay tìm đường đi tới văn phòng vì sợ bị leo cây một lần nữa.  Nhân viên khác sạn ngạc nhiên hỏi tôi sao đến trễ vậy, tôi nói là mình không gặp người nhà ra đón ở phi trường nên phải thuê xe về khách sạn.  Sau khi đồng ý về giá cả, tôi ra xe trả tiền tắc xi và cám ơn bác tài đã tận tình giúp đỡ.  Về tới phòng ngủ khách sạn, tôi còn lo lắng bồn chồn không biết chuyện gì đã xẩy ra cho người đi đón mình.  Tôi phải tự trấn an là mình đã làm hết sức, đã đợi ở phi trường cho tới 1 giờ đêm, đã thuê xe tới tận nhà theo địa chỉ trên email, đã gọi điện thoại liên lục.  Thôi đành chịu vậy tôi lấy hai viên thuốc cảm “Panamax” uống cho đỡ nhức đầu rồi lên giường nằm ngủ để lấy lại sức cho ngày mai.

 

Đúng 8 giờ sáng ngày thứ bảy mồng một tháng bảy khi đồng hồ báo thức reo, tôi giật mình thức dậy, rửa mặt qua loa và lập tức dùng điện thoại của khách sạn để gọi lại nhà anh Toàn.  Tim tôi đập thình thình vì lo không biết có gặp được anh Toàn hay không. Chờ một lúc tôi nghe thấy người nhấc máy điện thoại, và tôi vui mừng khi nghe được tiếng nói, như vậy chắc là gọi đúng số rồi.  Thật không thề diễn tả sao cho xỉết sự vui mừng,  anh Toàn đã bình an vô sự.  Sau khi cho anh biết địa chỉ của khách sạn, anh hỏi số phòng, tôi liền lấy thẻ chìa khóa phòng và đọc số 10541.  Anh bảo tôi cứ đi ăn sáng và chừng 9 giờ sẽ đến đón tôi.  Gần 9 giờ sáng ăn mặc chỉnh tề đang khi xuống ăn sáng, tôi thấy vài người đang ốn ào nói tiếng Việt trong văn phòng khách sạn.  Một người trong đám hỏi: “Có phải cha là cha Tòng không?”  Tôi ngạc nhiên nhưng đoán ra ngay, đây chắc là mấy anh em Simon Hoà đi đón mình. Chúng tôi tay bắt mặt mừng và cùng nhau về phòng tôi lấy hành lý.  Thật là một phen hú hồn.  Trong lúc thu dọn hành lý, anh em thắc mắc sao tôi lại cho số phòng sai, vì họ tìm mãi không thấy số phòng nào có tới 5 số cả.  Tôi nghĩ bụng mình đâu có mang họ Đỗ hay Lạc đâu mà cứ bị thất lạc hoài.  Tôi nói là bên nước Úc có thói quen là số phòng và số thẻ chìa khoá phòng giống nhau, nên đã đọc cho anh em số thẻ chìa khoá phòng.  Thật là tai hại cái tật yên trí.  Sau này anh em kể lại, khi tới khách sạn tìm mãi không thấy số phòng, anh em nghĩ là tôi đi ăn sáng ở một tiệm ăn gần đó, nên họ đến đó tỉm nhưng tiệm chưa mở cửa.  Họ gọi điện thoại về khách sạn nhưng khi hỏi họ của tôi anh Toàn nghĩ là tôi mang tên họ Võ, vì anh nghĩ tới chuyện Võ Tòng sát hổ.  Nhân viên khách sạn trả lời là không có ai mang tên họ Võ ở trọ đây cả.  Anh em nóí muốn tìm người bạn ở phòng 10541. Đâu có khách sạn nào có nhiều phòng như thế !  Anh em lại nói đang tìm người bạn Việt Nam từ Úc sang.  Với những chi tiết như vậy nhân viên cũng chịu, nhưng sau cùng họ cũng cho xem danh sách các khách trọ, họ cẩn thận bịt tất cả chi tiết liên quan tới số phòng.  Dân Mỹ sau biến cố 11/9 rất cẩn thận trong vấn đề an ninh của ngưòi dân.  Liếc qua danh sách anh em nhận ra tên của tôi và biết được số phòng.  Họ gọi điện lên phòng tôi đang lúc tôi  đi xuống ăn sáng.  Trên đường về nhà, tôi hỏi anh Toàn làm sao tôi bấm chuông nhà anh và đứng trước cửa nhà gọi điện thoại, đập cửa ầm ầm mà không ai ra mở cả.  Anh cười trừ nói: “chuyện dài lắm, về nhà mới nói được”.(Cám ơn Chúa, cụ Tòng còn nguyên vẹn cả trong lẫn ngoài, từ trên xuống dưới ! Mọi mệt nhọc hôm qua đều tan biến)

 

Khi tới nhà anh, tôi nhận ra căn nhà tôi đã gọi cửa đêm qua nhưng không ai ra mở.  Tôi không tin là mình gõ cửa sai.  Sau này trong lúc họp mặt, anh Toàn cho biết là anh gửi hai tờ thông báo về đại hội.  Trong tờ thông báo thứ hai anh ghi địa chỉ số nhà sai, thay vì 2529 anh lại viết 2525, nhưng tôi không khám phá ra chi tiết này.  Như vậy mọi sự đã rõ như ban ngày không còn mầu nhiệm nữa.  Anh Toàn còn nói, cũng là một sự trùng hợp vì hai người hàng xóm trong căn nhà số 2525 mới dọn đi ngày hôm qua.  Cũng là may cho tôi đó, nếu mà họ ra mở cửa thi chắc là tôi bị tan nát đời hoa rồi, vì đây là nhà của hai chàng bống (homosexual).  Tôi thầm cảm tạ ơn Chúa đã gìn giữ không để tôi rơi vào tay quân dữ, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao lại có vấn đề cho sai số nhà lạ lùng như vậy.  Anh Toàn nói xin anh em thông cảm, vì trí nhớ ngày nay không còn bén nhậy như xưa, có khi tên bà xã mà anh cũng quên huống chi là số nhà.  Tôi nghĩ bụng các đấng mày râu xưa kia lẫm liệt oai phong, nhưng ngày nay vì bôn ba vật lộn vói cuộc sống, tóc đồi sang mầu muối tiêu, da đồi mồi, nên trí nhớ cũng cùn đi chăng. Tuy nhiên tâm hồn anh em vẫn tươi trẻ, pha trộn với những tiếng cười dòn vang và những ánh mắt trìu mến đầy tình anh em, đã một thời cùng chung sống dưới mái trường chủng viện.

 

Thật đây là một kỷ niệm không thể nào quên.  Trong lúc ngồi đợi người ra đón mình tại phi trường LAX, tôi cảm nghiệm được phần nào hoàn cảnh của những kẻ sống cô đơn không bạn bè thân thuộc.  Cuộc đời của họ phải làm quen với màn trời, chiếu đất hay nói cách khác họ phải ngủ trong khách sạn ngàn sao (ngoài trời), chịu rét lạnh và thiếu thốn đủ bề.  Họ sống ngoài lề xã hội và không ai muốn tiếp đón hay cho họ trú qua đêm.  Tôi thầm cảm tạ Chúa vì tôi còn gia đình, bạn bè đồng nghiệp, nhất là còn có những anh em đã cùng nhau một thời chung sống trong chủng viện, nhà dòng hay xứ đạo.  Những kỷ niệm này thật khó quên. Ngày nay mỗi người một cuộc sống, một hoàn cảnh không ai giống ai.  Phần lớn anh em trong lớp của tôi nay đã lập gia đình hạnh phúc với vợ hiền con ngoan, một vài anh em đã được Chúa gọi về, một số ít còn độc thân vui tính sống giữa đời với lý tưởng phục vụ tha nhân, và cũng có những anh em giống như tôi mang danh là thành phần sống sót “endangered species” nhưng tất cả đều chung một dòng máu “CCC” nghĩa là cựu chủng sinh, hay còn gọi là các thánh thuộc dòng “Bo-na-ven-tu-ra”.  Chính dòng màu này đã nối kết chúng tôi lại như anh em một nhà, mỗi khi gặp lại nhau chúng tôi vô cùng hứng khởi, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xa xưa,  thời gian chia ngọt xẻ bùi chung sống với nhau dưới mái ấm gia đình của chủng viện hay dòng tu.

 

Vài dòng suy tư – 16/7/2006.

Lm Trần Quang Tòng, Australia.

 

Father TONG IN SAN JOSE

 

Trở về Trang Tin Tức Nội Bộ