50 NĂM SIMON HÒA –

HÀNH TRÌNH TÌM VỀ QÚA KHỨ

Trần Văn Đoàn

Cựu học sinh Lớp Giuse 1 (1961-1969)

 

 

À la recherche du temps perdu là bộ tiểu thuyết 7 tập dài lê thê của Marcel Proust, viết vào những năm 1908,1909,1922; xuất bản năm 1913 và 1927. Dựa theo những tựa đề trong sách, nhưng hoàn tòan khác với Proust, những dòng chữ sau phản ảnh phần nào tâm tình của người con xa nhà đương tìm lại cái qúa khứ sống động - mà nhầm tưởng là đã mất. Trí nhớ kéo ta trở lại thời xa xưa một cách vô thức. Óc tưởng tượng làm quá khứ “phục sinh” và thay đổi hiện tại. Hồi tưởng an ủi cái tương lai gần với lằn ranh cuối cùng của đời người. Kinh nghiệm sống luôn thay đổi, đáp ứng với thực tại, nhưng cũng diễn giải thực tại theo trí nhớ vô thức này. Một vô thức không thể cưỡng lại, và tự biến thành tiềm thức, và tiềm thức tự tác động thành ký ức – điều nghịch lý khi vô thức được ý thức... Trong ký ức, những chi tiết xem ra khách quan được diễn giải một cách rất chủ quan. Người thuật truyện phần nào dựa theo tiêu đề của nhiều tập trong bộ tiểu thuyết này, để nói lên tâm tình của chính mình. Nào, xin mời anh em trong gia đình Simon Hòa cùng khơi lên ngọn lửa qúa khứ bị thực tại nhấn vùi trong đống tro tiềm thức.

 

1. À la rechercheĐi tìm

Càng gần sinh nhật thứ 50 của người mẹ hiền Simon Hòa (Minh Hòa) thì ước nguyện tìm lại nôi ấm lại âm ỉ khiến mỗi con tim nóng ran. Bộc phát một cách vô thức, thôi thúc một cách bản năng. Sigmund Freud chắc hẳn có lý về tiềm thức. Hơn một năm nay, điện thư, gặp gỡ, hay điện đàm giữa anh em hâm nóng lên niềm mong đợi. Chúng ta chờ đợi. Một dịp cả cuộc đời cho những ai đã từng sống một thời gian với mẹ. Mình chỉ có một người mẹ hiền (alma mater). Đó chính là Simon Hòa, chứ không phải những trường đại học mà mình đã đi qua.

Háo hức xếp đặt chương trình. Về được hay không lại là chuyện khác. Công việc, khả năng tài chánh, và vấn đề “phép tắc”, đặc biệt cho những đứa con lang bạt giang hồ tại hải ngoại. Chiếu khán từ cái đất nuớc mẹ tự xưng “độc lập, tự do, hạnh phúc” dành cho chính người con của mình vốn là chuyện lạ đời. Nó “thách đố” làm nản chí cả những người con hiếu thảo nhất. Rồi bộ máy hành chính “nô bộc” “vì dân, của dân, do dân” làm người chủ nhân sợ cửa quan hơn cả thần chết.… Về được là cả một qúa trình gian chuân, nhẫn nại và nhịn nhục. Riêng với mình thì có phần dễ chịu hơn, vì “thành tích của giáo sư còn tốt lắm” – theo lời của một vị trung tướng công an, một tổng cục trưởng một cục mà an toàn nhất là đừng nhắc tới.

Cả một năm trước, để có thể “danh chính ngôn thuận”, mình đã phải sắp xếp thời gian. Trong niên khóa học, không phải nói đi là đi được. Kỷ luật học đường chẳng kém kỷ luật của Simon Hòa thủa xưa. Chỉ khác, đó là tính tự chủ, mình tự kỷ luật mà thôi.  Thế nên, khi Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo và Truyền Giáo (Institute der Missionswissenschaft und Religionswissenschaft) của Hội Đồng Giám Mục Công giáo Đức tại Aachen cùng với Đại Học Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội muốn tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về tôn giáo, mình đã “lạm dụng uy thế” đề nghị Ban Tổ Chức chọn đầu tháng 12. Nhất cử lưỡng tiện.

Thực ra, quyết định chọn ngày về mái trường xưa cũng chẳng dễ tí nào. Ngoài việc phải hoãn lớp dậy, còn phải từ chối cuộc hội nghị quốc tế tại ĐH Christ University (Bangalore, Ấn Độ) và đại Hội Nghị Việt Học tại Hà Nội, và cả bài thuyết trình vào Ngày Triết Gia (Philosopher Day) do UNESCO tổ chức tại Paris. Tất cả qúa gần với thời điểm về lại Đà Lạt. Đặc biệt phải khước từ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Kiểm Định, dự định sẽ tới kiểm định chất lượng Viện Hàn Lâm Công Giáo (Academia Catholica) của ĐH Phụ Nhân vào ngày 14 tháng 12.

 

3. Du côté de chez SwanBên mái nhà Simon Hòa.

Nhưng quyết định về nhà mẹ vẫn đúng. Không có hối tiếc. Tình vẫn trọng hơn lý. Mà tình nhà lại càng nặng hơn. Mình đã từng bái viếng cha bề trên Nhượng, cha giáo Khẩn, cha bề trên Trần, cha bề trên Thạch, cha giáo Đệ (Tân Thanh), những người thầy đã về nhà Cha; rồi cha Duyên, cha Liễm, cha Tính và Đức cha Nhơn… nhưng vẫn chưa có cơ may gặp cha giáo Huân. Được biết, ngài vẫn phốp pháp như xưa, thảng có gầy đi đôi chút tuy đã trên cả “thất thập cổ lai hi”.  Gặp lại thầy là thấy lại cả một “vùng kỷ niệm” “hỉ nộ ái ố”.

Gặp lại đồng bạn, đầu tóc đã biến sang mầu muối tiêu, hay “lơ thơ tơ liễu dương mành”, mới cảm thấy cái khoảnh khắc của cuộc đời “phù du, ngắn ngủi”. “Sinh, lão, bệnh, tử“ không phải chỉ lả “tứ khổ” căn nguyên của kiếp người mà Đức Phật khám phá. Chúng là “bản chất” con người, y hệt như “tội nguyên tổ” cũng là bản chất con người. Không còn tứ khổ, thì “con người là ai, mà Chúa phải bận tậm”?

Nhìn các bạn, để cùng thấm thía tiếng thở dài não nuột của Thế Lữ qua chú hổ trong lồng: “Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu” ! (Nhớ lại lớp văn dạy về bài thơ “Hổ nhớ rừng” (Thế Lữ) của Thầy cố Louis Nhượng, cha bề trên thứ hai nổi tiếng uyên thâm và… nghiêm khắc. Nhiều chú bé thành người “nổi tiếng” vì được cha cố cho về “ad bovem”).[1]

Rồi sống lại với mái trường thân yêu, hàn huyên trao đổi, kinh hạt nguyện cầu… làm sống lại không khí cả trên 40 năm trước. Cảm giác quen thuộc vốn sẵn trong da thịt bộc phát ra như “trái phá con tim” (không mù loà) (nhại theo Trịnh Công Sơn). Cái cảm giác “như biết yêu lần đầu” (“Giọt mưa trên lá”, Phạm Duy) trong “lo âu” lẫn “vui mừng” (Hiến chế Gaudium et Spes) khi bước chân vào Simon Hòa trên 50 năm trước trở lại một cách “tự phát”. Cuộc trở về là một cuộc đi tìm lại chính mình. Mùi thông, mùi đất, tình thầy, tình bạn, tình anh em… những giờ khắc “ôi phút linh thiêng đã khởi đầu” (Hàn Mặc Tử) và “lo âu” đánh thức lại tiềm thức chung của mọi “chú” khi vừa chân ướt chân ráo bước vào cổng Simon Hòa.

     

4. À l’ombre des jeunes filles en fleurs – Trong lòng người Mẹ trẻ

Tới Hà Nội ngày 07 tháng 12. Tuy bận với hội thảo hai ngày 08-09, nhưng tâm trí thì đã nằm mãi tận đâu đây nơi có dẫy Langbiang, nơi có anh đào, rừng vàng đặc với mimosa, với “Thung lũng Tình yêu”... Từ chối hai bài thuyết trình tại Viện Tôn Giáo (Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội) và Đại Học Sư Phạm vào ngày 10, đổi lại buổi làm việc với ban lãnh đạo Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội vào buổi sáng ngày 10, mình đổi chuyến bay về thành phố sương mù vào sau trưa cùng ngày, sớm hơn dự định một ngày.  16.30 tới Liên Khương, và về lại thành phố vào lúc chạng vạng. Prenn vẫn ngoằn ngoèo, vẫn nhỏ bé giữa những rặng thông xanh thẫm. Đường thì gập gềnh với nhiều ổ gà, ổ chuột hơn. Cảnh mờ mờ huyền ảo khơi lại ký ức với bài hợp xướng “Đà Lạt Trăng Mờ" (Hải Linh) do Thầy Đinh Lập Liễm, cha giáo nhạc, điều khiển.  Ánh điện nhạt nhòa biến hồ Xuân Hương thành Định Đồng Hồ trong Liêu Trai Chí Dị, mờ ảo và huyền bí. Những con đường ngoằn ngoèo bò trên sườn dốc đưa mình trở lại thời niên thiếu, ngờ ngệch, quê mùa, nhút nhát nhưng lại tò mò…

   Thế nên vừa tới Hotel du Parc (Novotel cũ), tiềm thức liền dẫn mình xuống bờ hồ; đôi chân tự động hướng về phía Hòa Bình. Tìm lại dĩ vãng. Tìm lại tiệm sách; tìm tới quán phở Bằng năm xưa. Thất vọng và hối tiếc! Đâu còn mà kiếm, mà tìm. Hình ảnh những chú bé, những cậu thiếu niên “choai choai” háo hức vào những ngày “sorties libres”.  Hòa Bình tràn ngập quần trắng, áo len lam đậm (bleu marine), giầy ba ta trắng; những bộ mặt ngơ ngơ ngác ngác ngược xuôi mắt dán chặt vào các cửa tiệm; những âm thanh hỗn độn chí cha chí choé, í a í ới trong khu chợ. Gà mẹ (các thầy giám thị) hôm nay vắng bóng, nên những chú gà con “ngày ba bữa vỗ bụng rau kêu bình bịch” (Nguyễn Khuyến?) tung tăng chạy nhảy; ríu rít sì sụp bát phở Bằng với vài lát hành tây; vội vã ngấu nghiến vị ngọt miếng thịt bò cả năm mới có vài lần; và suýt soa nhát ớt đỏ trong cơn gió lạnh. Ôi còn gì “tuyệt” hơn nữa nhỉ! Bát phở và buổi tắm nước nóng trong cái gía lạnh mùa đông… cơn cám dỗ chết người, không thể cưỡng lại. Cha cố bề trên Trần đáng kính chẳng từng huấn đức về “nhân đức khó nghèo” như thế sao? Sự thánh thiện của cha bề trên hình như vẫn không “thánh hóa” nổi những con tim “mù lòa” của các chú bé đương lớn như thổi. Và các chú sẵn sàng lao vào phạm cái “tội lỗi ngọt ngào” (felix culpa, thánh Augustine, lời tuyên xưng hãy vui lên (Exultet) trong đêm Phục Sinh). Những thiên thần đương lột xác thành những chàng A-dong: sợ hãi, thèm thuồng những “trái cấm” được các cha giáo “sáng tạo”: Một bát phở, một cốc kem, hay một chầu xinê Ngọc Lan, ôi thiên đàng cũng chỉ đến thế mà thôi!

 Những hình ảnh này dỗ mình ngủ “giấc ngủ Đà Lạt” (co quắp trong chăn) sau gần 8 năm không trở lại (lần cuối cùng về thăm Đức Thầy Nhơn, Thầy Nhượng, Thầy Thạch, Thầy Liễm... với sự chăm sóc của chú Hóa Trùng Dương). Một giấc ngủ bình yên vốn dĩ đã hiếm của kẻ tha hương cầu thực. Giống hệt đứa bé ngủ trong lòng mẹ, tương tự như chú bé tham ngủ trong giờ nguyện ngắm, và “gà gật” trong giờ kinh tối sau một ngày mệt nhọc với học, với hành, với những lời huấn đức thánh thiện của các cha giáo.

 

5. Le Côté de Guermantes - Háo Hức

 Ngày 11, ngày háo hức. Chiếc taxi đưa mình tới Trung Tâm Mục Vụ khi trời đổi sang mầu xám. Tới con đường rẽ, đọc thấy bảng hiệu của ĐH Yersin, mình đã tưởng nhẩm. Nhưng nhìn xa thấy mái nhà thờ sừng sững. Yên tâm! À, đây là Trung Tâm Mục Vụ. Sân banh ngày xưa nay được thay bởi những toà nhà kiến trúc đặc biệt theo văn hóa người dân tộc.  Đẹp, hoành tráng… nhưng chỉ thiếu cái gì đây?  Đúng rồi! Những gốc thông, nơi mà các chú bé thích dựa vào mơ mộng hay đọc trộm tiểu thuyết cấm. À, thiếu những góc “tối” nơi các “chú lớn” nấu trộm trứng gà, hay nồi cháo “cereal”, “vẹm” từ xe chở thực phẩm của chú Giới. À, thiếu nơi mà các chú bé vừa lớn ngồi ngẩn ngơ ngắm những tà áo dài trắng phất phới xa tít mù cách cả qủa đồi… Để rồi nghi hoặc cái triết lý của đại thi hào họ Nguyễn: “tu là cỗi phúc, tình là giây oan”. Và rồi băn khoăn, có phải đi tu là “Được cả đời này lẫn đời sau” không nhỉ?

 

6.  Temps perdu - Những gương mặt gạch nối thời gian

Vừa bước xuống xe, đã nhận ra chú Chính “Phở”, người con hiếu thảo về mãi tận từ Florida xa tắp vượt cả bờ Thái Bình dương. Trẻ trung, hồ hởi, rạng rỡ nói tên tình yêu của Chính cho mẹ hiền. Cả năm trước Chính “Phở” nhà ta đã làm đủ thủ tục, và được phép của bà xếp lẫn của nhà nước “dân chủ gấp vạn lần bọn tư bản” (bà Phó chủ tích Nước tên Doan từng tuyên bố). Lo xa như chú ấy, lại đối phó được cả hai bà (“bà xã” và bà “Phó chủ tịch”, chứ không phải hai bà Trưng đâu nhé), thì ít ai sánh kịp. Không lấy làm lạ khi chú ấy có một gia đình hoàn hảo. À, chú Trường Thịnh đây rồi! Đa tài, “bô” trai như rứa nên thành “cựu” là phải. Chú thiên thần này mà không gẫy cánh chắc phải làm tới “Vít-vồ” chứ không đâu. Rồi chú Hóa Trùng Dương xuất hiện. Xem ra giống nhà nghệ sĩ hơn là “nhà buôn”. Chú Hóa nếu ở đền thánh Jerusalem chắc sẽ được chúa Giêsu hoan nghênh chứ không bị đánh đuổi như bọn con buôn khác đâu. Một “business-man” mà sáng tác cả 300 bài thánh ca có lẽ vốn là một thiên thần bị… giáng chức. Chắc từng “phạm tội” qúa mơ mộng thời niên thiếu, dưới những gốc thông, nên “Chúa phạt”. Thực ra, phải nói là nhà nước “thiên đường chủ nghĩa xã hội” phạt chú ấy phải làm nhà buôn và “ducit uxorem”  (như rất nhiều anh em khác).

Và rồi, a, những bộ mặt “lạ hoắc” nhưng không xa lạ, thân mật, vồn vã, vui tươi. Những bàn tay siết chặt không muốn rời. Những chú em mà bọn “anh cả” chưa bao giờ gặp, hay cái trí nhớ hao mòn đương đi ngược lại với con tim. Nhìn vào mặt, nhìn đầu tóc, nhìn những bàn tay… những dấu ấn của quá khứ hằn lên bộ mặt của đủ các loại cuộc đời từ nông dân cho tới nhà giáo, từ người thợ cho đến doanh nhân, từ kí gỉa cho đến tu sĩ, nhưng vẫn phảng phất “mùi vị Simon Hòa”.

Qúa khứ, hiện tại… thật rõ ràng. Chỉ có tương lai thì tuy mù mịt nhưng gần như đã an bài: người trẻ nhất thì cũng đã gần với cái tuổi “tri thiên mệnh” rồi, chưa nói đến lớp mình thì đã trên “nhĩ thuận” và đương tiến gần tới “cổ lai hi”.

 

Đăng ký. Sao thủ tục nhanh thế. Các chú em trong ban tổ chức đặc biệt ưu ái, cũng chẳng thèm nhận lệ phí hội của ông anh. Hình như các em đều nghe tiếng “chẳng mấy gương mẫu” về ông anh “gần cuối đường đứt cánh” nên dành cái đồng cảm, và đặc quyền cho chăng. Trông ai đó quen quen. Chú Võ Đức Trung làm mình nhớ lại người anh thứ ba thời học ở Roma (anh cả là Đức cha Mỹ Tho, anh hai là cha Vượng, cha Sinh và mình là nhừng người cầm cờ cuối đuôi xe), bây giờ là Giám mục Nha Trang: thân thiện, tận tình, thông minh và hoạt bát. Chú Trần Ngọc Liên, cha giáo “kỳ cựu” nhất của Minh Hòa, chỉ thua cha bề trên Quảng, xuất hiện. Chỉ thích ở nhà gỗ chứ không ở nhà gạch, đúng là nhân đức khó nghèo. Tay trong tay như anh em ruột thịt.

Cảm giác, xem ra mình rất “đặc quyền”. À thì ra mình là lớp anh cả. Đặc quyền đó xin bỏ ngay khi anh Sinh (Thụy Sỹ) xuất hiện. Cùng lớp Giuse 1, và cùng được Đức Thầy Simon Hòa Hiền gửi đi Roma, nhưng anh mới đúng là người đắc đạo theo đúng tôn chỉ đào tạo của Simon Hòa. Vẫn vui vẻ, vẫn trẻ trung, nhưng vẫn không mất đi tính đạo mạo của nhà chân tu. Hy vọng ngày (rất gần) nào đó anh sẽ là đấng “Vít vồ” đầu tiên của gia đình. Chúng ta có quyền vui mừng sớm và hy vọng. Gaudium et spes!

 Tuy tự động xin xếp hạng ba “nhất quỉ nhì ma thứ ba chàng tu… xuất”, nhưng xem ra vẫn được ưu ái. Có lẽ vì mái tóc ngã mầu lại “lơ thơ tơ liễu dương mành?” nên vẫn bị xem nhầm là loại “bề trên”. Thế nên vẫn được sánh vai với những bậc vị vọng như chú Khiết, ngài chưởng ấn Giáo phận, thầy Lăng (bây giờ là cha Nhi, phục vụ tại Mỹ), chú Hỷ (bây giờ là cha giáo Tiến sỹ hét ra… “gió” (thần khí) của dòng Thánh Thể, và trong đại chủng viện).  Nhiều ánh mắt, nhiều câu chào hỏi của nhiều chú em mà ông anh cả “lú lẫn” không nhận ra, cũng chẳng nhớ tên. Xin lỗi các em. Những câu chuyện “ôn cố tri tân” vô bổ cho tương lai nhưng lại rất qúy gía cho tình người, rôm rang sưởi ấm mọi người trong cơn gía lạnh đầu tháng 12.

 

7. La prisionière – La fugitive – Vào, Ra và Ra Vào.

 Rồi giờ kinh nguyện, buổi lần hạt, và chầu Thánh Thể lôi kéo mọi người (ít nhất là mình) trở lại dĩ vãng. Đã lâu năm không qùy gối lâu, nhưng hình như lớp da đầu gối vẫn còn độ dày để không cảm thấy đau, hay tê. “Có công mài sắt, có ngày lên kim”: cái công phu qùy hàng giờ (hay cả mấy giờ bị cha bề trên Trần phạt qùy) đã luyện tập các cựu Simon Hòa thành những cao thủ với món võ “qùy”. Công phu qùy “chiêm niệm” của chúng ta chẳng thua các vị chân tu dòng Chiêm niệm. Đáng lẽ phải được ghi vào sách Guiness kỷ lục thế giới mới đúng.

 Nhưng chính những phút qùy trước Thánh Thể này làm mình xúc động hơn cả: Chúa đã gọi, và chúng con đã “fiat voluntas tua”.  Chỉ có điều Chúa gọi chúng ta làm cái việc mà chúng ta lúc còn bé chưa biết (hay ngộ nhận) mà thôi: làm hạt muối nhỏ bé giữa đời, hay làm thày tư tế; làm một người truyền giáo vô danh hay nhà truyền đạo chính danh… Làm một cha “đời” (pater mundi) hay cố đạo.  Đối với Chúa, chắc chẳng có gì khác biệt. Và bây giờ chúng con đã hiểu và xin vâng: Nunc, credo ut intelligam.

 

8. Sodome et Gomorrhe - Giữa Tu và Tục

 Bữa tiệc tái ngộ đúng là kiểu tái ngộ của kẻ phàm phu tục tử: Thịt… “thơm”, rượu đế (có phải quốc lũi không), và âm nhạc đệm bởi những tiếng cười, những điệp khúc “dzô”, và những hò hét ầm ĩ khiến mọi người quên hẳn cơn đau “mạt kiếp” trong những bữa tiệc ly vào những năm của “thiên đường mới” sau 1975. Ồn ào vẫn không làm ta đánh mất ký ức. Chẳng ai quên được những bữa cơm trong thinh lặng, với sách nguyện và tin tức. Và chẳng ai không cười khi nhớ lại lúc nhồm nhoàm ngoác miệng ra thưa “Deo gratias!” Giờ mở miệng đã điểm! Tự do là được mở miệng (hì hì, chủ tịch Minh (Hồ Chí) chẳng từng tuyên bố như vậy hay sao).

Buổi văn nghệ cây nhà lá vườn cả là một kinh ngạc… và kinh hãi, nhưng không kinh sợ. Kinh ngạc với những nghệ sĩ đại tài, rất chuyên nghiệp không thua ban nhạc hát phòng trà, hay nghệ sĩ trên TV. Giọng ca điêu luyện, ấm cúng, hấp dẫn người nghe. Không lấy làm lạ, các em trong ca đoàn mê các thầy còn hơn điếu đổ. Thử thách có lẽ là chính “cái tài liền với chữ tai một vần” (Nguyễn Du) : “Thầy yêu chúng con, lời ai nói cho cùng”. Chữ “chúng con” thì lại đa nghĩa. Ha, ai hiểu sao thì hiểu, nhân tâm tùy thích. Chú Sơn “sòi” (về từ Virgina xa cả vạn dặm) chắc hẳn đã làm bao trái tim nghẹn ngào với giọng kèn “Saxo” mê hoặc. Trông Sơn ôm cây Saxo còn mê li hơn cả Tổng thống Clinton ôm cô nàng Lewinski nữa. Rồi lại đến chú Trường Thịnh. Thịnh chắc không chỉ làm cô Thịnh say mê hơn điếu đổ với giọng hát quyến rũ và cây đàn guitar điêu luyện của chú, mà có lẽ còn khiến mỹ nhân nổ tam bành…  Đúng là “chữ tài liền với chữ tai một vần” (Nguyễn Du). Rồi cái ông ca trưởng ca đoàn nhà thờ chính tòa, với bộ tóc rất”thời đại” dài qúa vai, “điều khiển” chính mình hát “solo”. Dọng cao ấm áp. Ca đoàn nổi danh chẳng có gì lạ.

Và ôi, các cha, các thầy cũng chẳng hề kém bọn “phá giới”. Hết guitar đến trống, đến “keyboard”. “Mỗi người một sắc, mười phân vẹn mười”. Cha giám đốc TTMV trông giống nghệ sỹ chuyên nghiệp nếu quên mặc bộ áo thầy tu. Vậy mà mấy “ông cố đạo” này vẫn đắc đạo. Phép lạ của Chúa hay nền giáo dục Simon Hòa thành công. Có lẽ cả hai. Họ là những người thuộc nhóm không ít bỏ được cả hai cái thành phố “hạnh phúc tạm thời” Sodome và Gomorrhe, vào được trong thành Jerusalem (theo thánh Augustine trong tập sách kinh điển De Civitate Dei)

Nhưng từ kinh ngạc đến ngay với kinh hãi. Kinh hãi vì cái trực giác “Bá Nha-Tử Kỳ” của anh em: Nghe cũng như không nghe! Người nghe “hét” to hơn người hát. Tiếng cụng ly chan chát hơn tiếng trồng đệm bầm bầm. Và tiếng cười “khúc khích” hấp dẫn hơn cả tiếng Saxo của chú Sơn sòi. Thôi, lần tới đề nghị ban tổ chức thay đêm văn nghệ bằng đêm “hét-hò”… vậy.

 Nhưng tuy hét nhiều hơn nghe, anh em vẫn nhiệt tâm vỗ rát tay khen nức nở người biểu diễn. Và quan trọng hơn cả, đó là bữa tiệc với món “mực tồn” làm khai vị đã đưa anh em xích lại chặt với nhau sau bao năm xa cách hay chưa bao giờ…quen.  Nhớ lại một vài lần vượt rào trốn sang Đa Thiện thưởng thức món “cẩu nhục” để tận hưởng cái thú “sống trên đời ăn miếng dồi chó / xuống âm phủ biết có hay không?” Cảm giác tuyệt vời khi phạm tội vượt rào mà không bị “tóm”. Rồi nhớ lại những ngày đợi visa, anh em gặp nhau quây quần bên bàn nhậu, chờ đĩa dồi chó, và “chém gió” về tương lai. Cái mộng “giáo sư đại học” được vun trồng bằng rựa mận và dồi… chó. Cả một dĩ vãng “vàng son”. Nhớ vào năm 2001, cũng vào mùa đông, về lại toà Giám Mục thăm Đức Thầy Phêrô, thầy Bề trên Louis và các thầy khác. Tuy Đức Thầy Phêrô bận đi mục vụ, ngài vẫn không quên điện thoại cha quản lý Tính, dặn phải đãi ông “giáo sư” món “cẩu nhục”.

 Về tới khách sạn, mà đầu óc vẫn còn vấn vương. Tiếc là cái lớp Giuse 1 của mình, trừ anh Sinh ra, chẳng được mấy ai có mặt, nên bữa tối nay mất cả dịp “hò” và “hét”, “dzô” và “vào”. Nhớ đến anh Chính “chép”. Chắc giờ này anh cũng đang nghĩ về ngày họp mặt. Anh đã cố gắng nhưng là con người trách nhiệm, nên đành phải “ngậm ngùi” trong cái “cũi dòng Tên”, và trong cái “lồng giáo sư” đầy sách vở. Rồi nhớ đến những anh Định tròn (đã về với Chúa), and Linh (cũng đã chầu Chúa), and Dung (người đầu tiên của lớp về nhà Cha), và anh Đàm (hình như cũng đã nối gót anh Linh về làm việc không công giúp thánh Phêrô). Requiescant in pace!

 Dĩ nhiên phải nghĩ tới những kẻ còn đương “đền tội” như mình: các anh Vinh và Ngôn “làm dáng” (Arizona), “thánh” Giản và “công tử” Tuấn (San Jose), Quyền “cáo” và Định “voi” (Áo), Châu (Sài Gòn), Hiếu (Bảo Lộc), Dũng “Cam-địa” và các anh khác mà mình tạm thời chưa nhớ ra. Nhớ lại những ngày tắm biển Bà Rịa, nhìn bộ mặt tiếu lâm nửa cười nửa mếu của anh Huấn “đỏ” ngụp lặn đứng lì trong biển (vì tụt mất quần… tắm). Nhớ lại lần thăm anh chị Quyền “cáo” (vì anh đứng sau nhiều kế hoạch… “chống” bề trên) ở Bregenz dịp mình trở lại dạy tại ĐH Salzburg (2005). Anh Quyền vẫn sôi nổi, và vẫn “kế hoạch” như xưa và nhất là vẫn chăm sóc mình. Cám ơn anh đã tặng chiếc áo veste mùa đông và chiếc cà-vạt Harods, bộ cánh đẹp nhất của mình cho đến nay. Nhớ lại cuộc thăm viếng anh chị Dinh (Định Voi) ở gần Linz tháng 4 năm 1996, dịp mình dạy tại ĐH Wien (Vienna). Ông bác sỹ tâm lý chín chắn, và cẩn thận, còn hơn cả khi còn ở Đa Thiện. Và nhớ lại lần gặp anh Vinh “téc” ở Orange County, khi anh chị mời mình ăn phở buổi sáng với gia đình chú Trần Đức Nhân, thông gia của anh. (Chú Nhân “heo” – tên “heo, do Dức Thầy Phêrô đặt-- này đúng là “nhân lành” thật. Mình đã từng được Tào Tháo đuổi sau khi cô chú Nhân thịnh soạn thết đãi hai ông anh Chính (chép) và mình một chầu tiết canh… “heo” vào hè năm 1998 tại nhà cũ của cô chú). Anh Vinh vẫn đẹp trai, năng khiếu, tài hoa… 60 hơn rồi mà vẫn làm chị ấy lo lắng.  Ờ, sao mà Simon Hòa rặt toàn “bọn” đẹp trai, thông minh nhỉ?  Có được 145 ông cố đạo là quá sự mong đợi rồi. Rồi bỗng nhớ đến anh “thánh” Giản. Bây giờ ở mô?  Đi qua phố Phan Đình Phùng, ai chẳng nhớ đến ông bà cố Đông Hoa, anh luật sư Phổ và hai bà chị. Mình từng ngủ đợ ở nhà anh Phổ khi xuống Sài Gòn trước khi du học. Rồi anh Tuấn (công tử, con ông quận trưởng). Dịp thuyết trình ở ĐH Stanford (2006), mình đến trú tại San Jose hai đêm, đến thăm cô chú Hoàng Tích Đức (lớp Phanxicô 1, đúng là có đức thật) đã may mắn gặp lại được Tuấn. Bây giờ thì ông kỹ sư thay vì “toa” và “moa” thích chữ tớ và “you” hơn. Con người vẫn toát ra phong cách thông minh, nhã nhặn của công tử thứ thiệt.

 

 Phải đợi đến ngày 12 mới gặp lại được các đấng làm thầy: các anh Định “méo”, Trung “vẹm”. Cám ơn anh Trung, nhờ theo anh mà tụi mình mới thỉnh thoảng có được trái chuối, qủa trứng gà, hay bát cereal để bổ dưỡng… Anh Trung là linh mục giáo phận duy nhất có kinh nghiệm “Bắc-Nam”, từ Bắc vào Nam, rồi lại từ Nam ra Bắc với đức Vítvồ Bartholomeus, và rồi lại về cố quận. Rồi anh Huấn “đỏ” (nhờ đỏ, mà bây giờ trông trẻ nhất). Anh Huấn có một giai thoại khó quên: anh đánh mất quần tắ m khi biểu diễn “không quần” trong bãi biển Bà Rịa dịp lớp Giuse 1 du lịch tốt nghiệp (cuối tháng 5.1969) như đã kể trên. Và anh Lợi (người cuối cùng nhập lớp). Anh gần giáo phận hơn là Dòng Chúa Cứu Thế của anh, và được biết nhiều với những bài chia sẻ tâm linh trên nhiều mạng Công giáo. Rồi Định “méo”. Anh chẳng méo tí nào. Sao lại có tên là “méo” nhỉ. Có lẽ Chúa mới biết. Anh ngồi gần mình, cả trong lớp lẫn khi thi Trung Học, Tú Tài 1, Tú Tài 2.  Hai đứa rất thân, nên đôi khi gây lộn với nhau. Năm “đệ bát”, một lần nghịch ngợm kéo chăn của anh giờ ngủ trưa, và bị bắt…qủa tang. Cha (giám thị) Vi “tặng” cho mình 6 roi, cùng với lời “khen”: “chú là người có thành tích”. Không ngờ mình là người có “thành tích” sớm nhất.

Trí nhớ cùn chưa nghĩ ra hết thì đã đi vào giấc Nam Kha.

 

9. Le temps retrouvé – Khi con tim vui trở lại

Ngày 12, cái ngày trọng đại. 9 giờ sáng lấy xe taxi vào lại mái nhà xưa. Người người tấp nập. Hóa ra mình thuộc loại muộn nhất. Ai cũng tay bắt mặt mừng, tíu tít với đồng bạn. Chú Trung và chú Lâm (triết gia hiếm hoi của Simon Hòa) đưa mình xuống nhà nguyện. Ghé qua nhà mặc áo bắt tay với các đấng làm thầy.  Gặp lại các cha Liễm (vẫn uy nghi như xưa), cha Duyên (tóc, râu đã bạc, nhưng vẫn còn tráng kiện, và trông rất nhân từ - khác với hình ảnh giám thị 45 năm trước), cha Lê Minh Tính, vẫn trẻ trung. Với mái tóc kim cương, ngài trông giống triết gia hơn là cha quản lý giáo phận. Và cha bề trên Quảng (nhớ lại tiếng đàn của Thầy), vẫn chả khác gì lần đầu tiên mình gặp khi ngài còn là thầy giáo giúp xứ Thanh Bình. Và đây là thầy Huân “mập”. Đã trên bát thập, nhưng Thầy vẫn hồng hào, phốp pháp như xưa. Nhưng có lẽ mắt Thầy đã mờ, nên thấy ai cũng cười và hỏi han giống nhau. Bình đẳng hình như không phải là đức tính cao qúy nhất của Thầy khi làm cha giáo La-tinh, nhưng bây giờ thì Thầy lại rất công bình. Không ai khác biệt. Trong đầu Thầy chắc cái tên Đoàn cũng giống như bao tên của các chú học trò khác. Mình rất vui thấy Thầy vẫn khoẻ mạnh, và bộ mặt toát ra sự hạnh phúc của kẻ tu hành. Phải nói là nhờ môn Latinh mà mình rất “tự tin” khi đến học tại Roma. “Meum nomen Joannes Doan est. Ego sum ex Dalat dioecese… nunc in primo anno philosophiae”:  Đó là câu tự giới thiệu vào ngày đầu tiên trong lớp Logica của Giáo sư Maximilian Jesernik tại ĐH Urbano tháng 10 năm 1969.

 

Thánh lễ trang nghiêm với những bài thánh ca du dương và hùng tráng (toàn giọng nam). Quý thầy em tổ chức thánh lễ xem ra linh động hơn chúng mình thuở xưa. Tự chủ có khác. Nhớ lại ngày xưa, cái gì cũng phải xin phép thầy giám thị, cha bề trên, cha giáo nhạc… Nhớ một lần làm liên đoàn trưởng (1967), với cả liên đoàn đến chúc mừng lễ quan thầy cha bề trên Trần, vì không hát bài hát do cha Huân “gầy” tập, nên về tới nhà, được cha bề trên Louis cho một trận quở mắng “chống đối quyền bính” nên thân. Súy nữa đã bị đuổi “ad bovem”, mất cơ hội trở thành chàng cao-bồi chính hiệu. Bây giờ nằm mơ vẫn còn toát mồ hôi.

Cả trăm thầy tư tế bước vào đền thánh. Màu đỏ rực rỡ. Màu của hy sinh. Mầu của phục vụ. Mầu của máu và nước mắt. Nhưng cũng là mầu của niềm hạnh phúc (theo quan niện của người Tầu). Thánh Minh và Thánh Hòa, một thầy thuốc một thầy tu từng hy sinh vì Chúa, bây giờ làm đại diện cho hai giới “thầy tu” và “bố đời”. Cả hai lên một. Đức Anh Võ Đức Minh gợi lại ký ức ban đầu thời Chi Lăng, rồi thời sau 75 khiến biết bao người hiểu và hãnh diện với cái lịch sử ngắn gọn, khiêm tốn nhưng không kém vinh quang của gia đình. Sứ mệnh mà Đức cha Simon-Hòa đặt ra đã được tiếp nối và phát huy: truyền giáo, sống với giới khó nghèo, nhận người dân tộc làm anh em… Phấn đấu trong gian nan đã được người kế tiếp phát huy, và công lao của Đức cha Simon Hòa đã được các đấng kế vị, Đức cha Bartholomeo, Đức Thầy Phêrô tiếp nối và đơm hoa kết trái. Từ con số trên dưới 60 ngàn giáo dân, Giáo phận hiện đã có tới cả 300.000, mà trogn đó có trên 100.000 anh em dân tộc. Gia đình Minh Hòa bây giờ đã có nhiều anh em dân tộc trong hàng tư tế. (Nhớ đã có lần kéo cha K’Brel đi ăn… kem). Và truyền thống này sẽ tiếp tục với sự dẫn dắt của người mục tử từng học tập tại Đà Lại, Đức cha Vũ Hoàng Chương. Chúng ta có quyền hy vọng, và chúng ta có quyền vui mừng.

 

10. Gaudium et Spes – Vui Mừng và Hy Vọng

 Cuộc vui cũng sẽ tàn, hợp rồi cũng sẽ tan. Bữa cơm trưa cũng là bữa tiệc “tạm ly” trong nhà cơm cũ. Dĩ nhiên là chật cứng cho hàng trăm “quan khách”. Các “chú” tuy đã gìa, nhưng vẫn linh động như xưa: “xóm nhà lá” chúng ta biến hành lang thành phòng ăn, biến vườn cỏ làm bàn nhậu. Mình kéo các anh Định, Huấn, Trung ra ngồi quây quần bên hành lang. Không lâu, vì anh nào cũng bận, nhưng ít nhất có vài ba phút hàn huyên. Tiếc không gặp anh Lợi. Xem ra mình gần dòng Tên hơn là dòng Chúa Cứu Thế.

Từng lớp, từng nhóm hàn huyên, chụp hình lưu niệm. Và rồi bịn rịn chia tay. Kẻ lên xe buýt, kẻ vời taxi, kẻ thì vi vu trên những chiếc xe gắn máy, hưởng khí trời ấm áp buổi trưa. Lớp Giuse ít qúa. Anh Sinh định mời Giuse 1 một “chầu thánh thể” vào buổi tối, nhưng không thành. Các mục tử phải bảo vệ con chiên của mình, nên từng người từng vị tháp tùng đoàn chiên mình về lại cố quận. Rốt cục chỉ còn mình theo anh Sinh “ăn theo” Đức cha Giáo phận, và “nói leo” với cha Tính, cha Nhi, anh Sinh, chú Khiết, chú Tuấn và chú Tiến sỹ Hỷ dòng Thánh Thể.

Năm giờ rưỡi chiều, anh Sinh lái xe tới Hotel du Parc, đưa mình tớ trang trại của chú Chính (không phải Chính phở), đồng lớp với chú Hỷ “Thánh Thể”. Chú Chính tổ chức bữa ăn “thanh đạm” (thịt rượu ê hề) mừng sinh nhật cha Hỷ. Khác với bữa tiệc tối ngày 11, bữa ăn tối nay thân mật nhưng không kém “trang trọng”. Có mặt đức Vít Vồ, thì ai mà chẳng “đạo mạo”, tuy rằng cái tật “nói leo” của nhóm nhà giáo, lại được cổ võ bởi những chai rượu vang đỏ (do chú Hỷ mang theo), vẫn đủ để làm bữa cơm nóng hổi. Chú Khiết, chú Hỷ vốn giảng dạy trong đại chủng viện, còn mình dân tứ chiếng giang hồ, ăn nói văng mạng, chưa bao giờ biết uốn lưỡi tới 3 lần, đừng nói là 7 lần, nên rất hợp “gu” (gout). Nghề giáo mà không biết “nói leo” thì chắc đã thất nghiệp từ ba đời cố đế. Xem ra Đức cha Chương rất kiên nhẫn và khoan dung với bọn nhà giáo này. Thỉnh thoảng ngài lại cười theo. Trên đường trở lại khách sạn, anh Sinh thì thầm về đức Vítvồ giáo phận “Ông cụ xem vậy mà hiền và tốt lắm cậu ạ.”

 

Thay Lời Kết

Cuộc vui chóng tàn, ai mà chẳng biết. Nhưng như hạt giống, rơi xuống đất “mầu mỡ”, mọc mầm, lớn lên, trổ bông và đơm trái, buổi gặp gỡ cũng sẽ mọc rễ, trội lên… Và hoa trái thì ai mà chẳng hy vọng, tuy chưa biết có hay không. Đã đến lúc phải trả lại hy vọng cho mỗi anh em, và kết thúc bài tâm tình này. Lực bất tận tâm, ý bất tận ngôn, nhưng thời gian có hạn. Lời nói sau cùng toát ra lòng mong đợi. Một hy vọng mông lung nhưng vẫn tạo ra dược niềm vui.

Mình trở lại Sài Gòn trên chuyến xe buýt từ 8 giờ sang tới 16 giờ chiều. 8 giờ dài bằng 2/3 chuyến bay Sài Gòn – Paris, và gần gấp 3 chuyến bay Sài Gòn-Đài Bắc. Xin ghi lại bức tranh “vân cẩu” thành hình từ qúa khứ, thôi thúc bởi tương lai, và đương biến đổi với thực tại.

Chú bé 12 tuổi một mình với chiếc valise mới tinh trên chuyến xe đi Bảo Lộc. Ngơ ngác, lạ lẫm, sợ sệt, lo âu nhưng đầy chờ đợi.

Cậu thiếu niên 16 tuổi trên chuyến xe về Đà Lạt, nét mặt lo âu. Không biết sẽ ra sao nếu người của bên kia chặn bắt. Nhưng Chúa quan phòng. Cậu thiếu niên xác quyết như thế.

Chàng thanh niên về lại Đà Lạt chào từ biệt qúy Thầy trước khi đi du học. Anh toát mồ hôi, tim đập liên hồi, mắt nhắm lại cầu nguyện mỗi khi chiếc xe đò bị kiểm soát. Nhưng chàng ta biết được là tai sẽ qua nạn sẽ khỏi. Tương lai mình không phải ở nơi đây.

Người đàn ông tóc lơ thơ ngã mầu nửa trắng nửa xám, chứng nhân của tuổi đời đã cao, trên chuyén xe từ Đà Lạt xuống Sài Gòn sau 43 năm. Không lo âu, chẳng sợ hãi, nhưng mong đợi còm cõi và đầy tiếc nuối. Ray rứt, bất lực, hối tiếc. “Lực bất tòng tâm”hay “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” chỉ là những câu nói tự bào chữa thiếu hiệu qủa. Chỉ còn lại hy vọng. Hy vọng là món qùa tuyệt vời nhất mà Chúa ban cho nhân loại.

Có lẽ mỗi người Simon Hòa chúng ta đi theo một qúa trình tương tự: ngơ ngác, lo âu, sợ hãi, trưởng thành, và hy vọng trong sự quan phòng của Chúa. Simon Hòa đã sống, đương phấn đấu, và không đánh mất niềm tin vào tương lai – Câu nói của Caesar (47 BC)”Veni, vidi, vinci” xin đổi thành “Venimus, vidimus, in spe vivimus”! Nào chúng ta cùng đến, chúng ta cùng thấy, và chúng ta sống mãi trong niềm hy vọng.

Ad multos annos – Simon Hòa mater mea! Chúc mừng Sinh Nhật thứ 50 của Mẹ.

 

Đài Bắc, 12.01.2013; Hoàn tất, Budapest 06.2013



[1] ‘Ad bovem” là “về chăn bò”. “Thuật ngữ chỉ những học sinh nào bị “loại” khỏi Simon Hòa. Câu chuyện của một kỹ sư nguyên tử làm việc ở Bỉ. Cựu Simon Hòa chính cống. Cuối thập niên 1990, anh trở lại Đà Lạt, vào Tòa Giám Mục thăm viếng qúy thầy giáo cũ. Gặp thầy Nhượng đương chăm sóc hoa trong khuôn vườn trước toà Giám Mục. Qùy, tên chàng kỹ sư tóc đương đổi mầu, lớp Phanxicô 1, hỏi thầy Louis: “Cha Bề trên có nhận ra con không?” – “Õ, anh làai vậy nhỉ? Tôi không nhận ra”.  Chàng kỹ sư lễ phép: “Dạ, thưa cha, con là Qùy đây”. “Qùy nào nhỉ?”, Thầy ngước mắt nhìn anh. “Dạ, con là người bị cha cho về “ad bovem” khi mới lên Đa Thiện đó cha”. Thầy Louis, vẫn như xưa: “Ồ, tôi đuổi nhiều chú qúa, làm sao nhớ được”.  Đây chỉ là câu chuyện truyền tai giữa các cựu Simon Hòa. Mình chưa gặp chú Qùy nên không biết thực hư. Cũng quên hỏi lại thầy Nhượng.  Bây giờ thì qúa muộn. Chú Qùy thì đã bỏ ngành nguyên tử về nghiên cứu “hạt nhân” cho Chúa; còn thầy Louis thì chắc là đương bận việc giúp thánh Phêrô kiểm tra, phân loại “ơn kêu gọi” của các Thánh trên thiên đường. Không biết có thánh nào bị Thầy cho “ad bovem” không nhỉ.