CÂY TÙNG MÙA XUÂN

Bài chia sẻ

cho giới trẻ giáo xứ Kim Phát

+++

 

          Khi nói đến “cây tùng” là nói đến khí phách của con người trượng phu, con người quân tử.  Sống giữa rừng sâu, núi cao chỉ có tùng mới đủ sức vươn lên khỏi các bụi cây lúp xúp để đón nắng và gió trời, và cũng chỉ có tùng mới chịu được mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên.  Nhựa cây Tùng già (hổ phách) ngoài việc để làm hương liệu, làm đồ trang sức, còn là một linh dược quý để trị bệnh cứu người. Do đó, người ta mới ca tụng :

 

                             Tùng xanh cốt cách thật thanh cao

                             Nắng hạ, tuyết đông chẳng quản nào

                             Hổ phách nghìn năm giành thuốc quý

                             Bạn cùng hạc trắng với non cao.

 

I. BỨC TRANH TỨ QUÝ

 

          Trong những nhà giầu, người ta hay treo bức tranh tứ quý, gồm có tùng, trúc, cúc, mai.  Bức tranh tứ quý thể hiện sự luân chuyển của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.  Sự luân chuyển này đem lại sự may mắn cho con người, vừa là sự hy vọng, ước mong về sử suôn sẻ và thịnh vượng trong cuộc sống.

 

          Trong bộ tứ quý ấy chúng ta có :

 

          1. CÂY  TÙNG .  Tùng (hay thông) đại diện cho mùa xuân.  Cây tùng mọc trên núi cao, khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng. Cây tùng mang sức sống bền bỉ, mọc trên những mỏm núi chênh vênh, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà không chết, không đổ.

 

          Trong tuyết sương lạnh lẽo, ác liệt, cây tùng vẫn xanh tươi, đứng vững trước những thử thách của thời gian.  Đó chính là phẩm chất của người quân tử,  của đấng trượng phu giữ vững khí tiết, bất chấp mọi gian khổ trước những biến cố dữ dội của đời mình.

 

          2.  CÂY TRÚC.  Trúc (hay tre) đại diện cho mùa hạ.  Trúc là loại cây có thể sống nơi khô cằn, quanh năm xanh tốt, đốt  ngay thẳng từ bé. Đốt cháy thân cây tre đi nhưng đốt than của nó vẫn thẳng chứ không cong gẫy.

 

          Trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử, bởi cây này tuy cứng mà vẫn mềm mại, đổ mà không gẫy, rỗng ruột như tinh thần an nhiên tự tại.  Cũng như một người quân tử, hoa trúc chết đứng chứ khỗng rũ xuống như loài hoa khác.

 

          3. CÂY CÚC.  Cúc đại diện cho mùa thu. Hoa cúc tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào. Trong phong thuỷ, nguồn năng lượng mà hoa cúc đem lại khiến cho gia chủ có một cuộc sống bình dị và cân bằng trong mọi việc. Đồng thời, nó cũng đem đến may mắn cho căn nhà.

 

          Cúc cũng có chí khí quân tử của nó.  Ai chơi tranh phong thuỷ hoa cúc đều biết : hoa cúc tàn nhưng không rụng, nó chỉ gục rũ trên thân của nó. Nó gợi cho ta một hình ảnh chết đứng chứ không chết nằm.

          4. CÂY MAI.  Hoa mai tượng trưng cho sự thanh khiết. Hoa mai mang sức sống mãnh liệt, nó chịu qua gió tuyết mùa đông.  Mỗi dịp xuân về, hoa mai nở bung năm cánh, báo hiệu một mùa mới, một năm mới đã đến.  Trong phong thuỷ, hoa mai biểu tượng cho sự cao thượng, hiển vinh. Hoa mai đơm bông, nở lộc đón xuân về đem lại giầu sang, tấn lộc tấn tài.

 

          Tuy có thân và cành gầy guộc, có hoa mỏng manh, và mang hương thơm dịu dàng, thanh khiết, nhưng ở bên trong mai là cả một sự kiêu dũng. Chính sự kiêu dũng này đã giúp hoa mai vượt qua được mùa gió sương hàn của mùa đông để đơm hoa kết nụ khi xuân về.  Các nhà Nho xem mai  là tấm gương cho loài người về sự hoà hợp giữa chữ NHÂN và DŨNG.

 

II. TẢN MẠN VỀ CÂY TÙNG

 

          Tùng (hay thông) là cây mọc thẳng, có loại cao 15-20 m.  Tùng có quãng 50 loại, song ở nước ta có 6 loại sau đây hay được dùng để trồng làm cây cảnh :

 

          1. Tùng La hán lá nhỏ, xanh và dầy, thân thẳng, cao từ 15-20 m.

          2. Tùng Cối lá hình kim, thân thẳng, cào từ 15-20 m.

          3. Tùng Liễu (còn gọi là  tùng tí liễu) lá kim, cành mềm rủ xuống gần như liễu. Loại này trồng gần hồ nước thì rất đẹp.

          4. Tùng bách tán :  thân mọc thẳng, cao từ 15-20 m, cành mọc quanh thân thành tán và có nhiều tầng tàn xếp từ gốc lên ngọn nên có tên gọi là tùng bách tán.

          5. Bạch đầu tùng hay còn gọi là cây thông nàng. Loại này thân nhỏ, không cao, lá kim, có nhược điểm hay để lại lá khô trên cành, làm giảm vẻ đẹp của cây.

          6. Tùng đuôi ngựa hay còn gọi là cây thông nhựa, thứ này có 3 loại : thông 2 lá, thông 3 lá và thông 5 lá,  trong đó thông 5 lá là quý hơn cả.

 

          Trong 6 loại tùng kể trên, có hai loại thường được chọn làm cây cảnh nghệ thuật ở Việt nam, đó là tùng la hán và tùng cối.

 

          Nói đến vẻ đẹp và tuổi thọ của tùng thì phải nhắc đến một câu đối rất hay :

 

                             Vạn cổ thanh tùng xuất bất lão

                             Thiên thu bạch hạc thọ vô cương.

 

          Quả là tài tình khi chỉ có hai vế đối mà làm bật lên được vẻ đẹp muôn đời giữa tùng và hạc là hai loài thực vật và động vật khác hẳn nhau nhưng lại cùng có một vẻ đẹp thanh cao và trường thọ như nhau : đây cũng là một bộ cảnh kinh điển thường thể hiện trong thơ ca, nhạc, hoạ và điêu khắc, được người đời ưa chuộng.

 

          Trong cuốn “Sống đẹp”, tác giả Lâm Ngữ Đường đã ca tụng cây tùng :”Tùng có lẽ đẹp nhất và thi vị nhật. Hơn tất cả các loại khác, nó có vẻ thanh cao, vì ta nên nhớ, trong loài cây cũng có thứ thanh cao, có thứ tầm thường, có thứ  nhã, có thứ tục. Cho nên nghệ sĩ Trung Hoa khen một cây tùng là hùng vĩ cũng như Matthew Arnold khen Homère là hùng vĩ” (Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp,Tr 229).

 

          Bình thường những cây tùng hoà trong mầu xanh của muôn vàn cây lá, chỉ nhận cho riêng mình cái dáng Kim Tự Tháp vút cao và tiếng reo vui với mây trời.

 

          Qua thu, các loài cây đều vàng rực và nhẹ nhàng trút lá, khi những cơn gió mùa đông bắc tràn về, vạn vật đều như thu mình lại tránh cái giá buốt, cây bàng đầu ngõ ngưng lại vài chiếc lá đỏ rực như cánh thiếp báo tin đông, thì những cây thông vẫn long lanh xanh biếc  ngạo nghễ vươn mình trong giá rét.

 

          Cổ nhân đã có câu thơ :

 

                             Tuế bất hàn, vô dĩ tri tùng bách

                             Sự bất nan, vô dĩ tri quân tử.

                                          (Tuân Tử)

 

          Nghĩa là  trong năm nếu không có mùa đông lạnh lẽo thì lấy gì để biết được cây tùng cây bách.  Nếu sự việc không khó khăn thì lầy gì để biết được người quân tử.

 

          Thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ca tụng  như thế :

 

                             Tùng dài mười trượng cao lồng lộng

                             Trăm loài cỏ cây thua hùng dũng.

 

          Tùng vượt lên trăm loài cỏ cây không chỉ bằng dáng trực oai phong, bốn mùa xanh lá mà hơn tất cả, càng giá rét tùng càng cứng cáp uy nghi :

 

                             Qua mấy trăm thu thuở bão bùng

                             Tuyết cũng chẳng kinh sương tuyết bén.

 

          Nhờ có những phẩm chất tốt đẹp, tùng đã trở thành hình tượng nghệ thuật  nhằm khẳng định những phẩm chất cao đẹp của con người.  Đó là ý chí rèn luyện  qua những thử thách gay go khốc liệt  để có được phẩm chất kiên cường cứng cát trong cuộc sống, trong sự nghiệp cao cả giúp đời. Tùng trượng trưng cho cốt cách của đại trượng phu.

 

          Chẳng thế mà hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng đã từng phong cho tùng chức “Ngũ Đại Phu” và thi nhân của mọi thời đại nói về tùng, mượn hình ảnh tùng  để nói lên cái chí, cái cốt cách của bậc Nhân – Trí – Dũng.

 

          Tác giả Lâm Ngữ Đường còn cho biết : người Trung Hoa chơi tùng, lựa những cây già, càng già càng đẹp vì càng hùng vĩ. Cây bách cũng hùng kỳ, được quí gần như cây tùng, cành nó cong queo mà lại rủ xuống. Những cây mà cành lá đưa lên, tượng trưng cho thiếu nhi, còn những cây rủ xuống tượng trưng cho người già ngó xuống đàn trẻ.

 

          Tôi đã nói rằng tùng khả ái ở chỗ nó có ý nghĩa về nghệ thuật, nó đại biểu cho thái độ ẩn dật, u tĩnh,  hũng vĩ.

 

          Vì vậy, mà người ta thường vẽ tùng với đá và một ông già.  Lão Tử bảo đại khối trầm tĩnh vô ngôn, mà cây tùng cũng vô ngôn, yên lặng nhìn xuống thế giới, tựa như đã từng trải cảnh tang thương ở cõi đời rồi. Nó như một ông già minh trí, cái gì cũng biết, nhưng không muốn nói ra, thành ra nó có vẻ vĩ đại mà thần bí” (Lâm Ngữ Đương, Sống đep, tr 230).

 

          Đặc biệt tùng có những phẩm chất quí giá không loài nào có được, đó là sự hoá thân thành “hổ phách” và “phục linh”.

 

          Hổ phách là một loại khoáng vật do nhựa thông nằm trong lòng đất hàng ngàn năm hoá thành, được dùng làm đồ trang sức rất đẹp và vô cùng quí hiếm.

          Phục linh là một loài nấm ký sinh  trên rễ thông, trải hàng trăm năm mà thành. Loại có rễ thông xuyên qua gọi là phục thần vô cùng quí giá, phải hàng trăm năm mới có.

 

          Hổ phách, phục linh là thuốc quí cứu giúp sinh linh, người tài đức đã được tôi rèn qua thử thách sẽ có ích cho nhân quần.

 

          Thi sĩ Nguyễn Công Trứ ao ước, nếu có kiếp sau sẽ trở thành :

 

                             Kiếp sau xin chớ làm người

                             Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

 

          Người xưa vẽ và treo tranh tùng  trong cảnh sơn thuỷ hữu tình, hạc mây bảng lảng như muốn thể hiện khát vọng không ngừng của con người vươn tới cái đích của CHÂN - THIỆN – MỸ

 

          Có lẽ không có một loại cây nào trên thế giới lại được coi trọng, tôn vinh đến nhường vậy và là nguồn đề tài vô tận cho thi ca, nhạc, hoạ. Gạt sang một bên những cái có mầu sắc tôn giáo, tâm linh, tùng là biểu tượng cao đẹp, hoàn chỉnh của người quân tử.

 

III. NĂM MỚI VÀ CÂY TÙNG

 

          Khi nói tới cây tùng là nói đến khí phách của nột đại trượng phu hay một quân tử, có một cốt cách cao qúi, hơn người tầm thường.  Đứng về phương diện xã hội, ai cũng muốn cho mình trở thành một đại trượng phu , sống xứng đáng với con người là linh ư vạn vật.  Còn đứng về phương diện thiêng liêng, chúng ta cũng phải trở nên một đại trượng phu trong việc đứng vững trước các chước cám dỗ và chiến đấu không ngừng với bản thân mình để trở thành một thánh nhân.

 

          1. Theo nghĩa xã hội

 

          Cây tùng biểu hiệu con người trượng phu.  Người ta thường ví trượng phu như cây tùng, cây bách.

 

          Vậy trượng phu là gì ?  Trượng phu là người đàn ông có khí phách theo quan niệm của xã hội phong kiến ngày xưa.  Người ta thường coi  những trượng phu là người có khí phách kiên cường làm được những việc lớn trong xã hội, nhất là trong việc xây dựng đất nước :

 

                             Ghé vai gánh vác sơn hà

                             Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu

 

          Thế nào là trượng phu hay đại trượng phu ?  Từ ngữ “Trượng phu” hay “đại trượng phu” bao hàm một ý nghĩa rất rộng, có liên quan tới đời sống vật chất, tinh thần và xã hội.

 

          Ngày xưa, thầy Mạnh Tử đã dạy cho các môn sinh của mình về đại trượng phu , ai theo được những phẩm chất này thì được gọi là đại trượng phu :      

 

                             Phú quí bất năng dâm,

                             Bần tiện bất năng di,

                             Uy vũ bất năng khuất.

          “Phú quí bất năng dâm” nghĩa là giầu sang mà không dâm…  Người giầu có, lắm tiền bạc, thế lực lớn, thường chẳng biết giữ phép tắc, không chịu kiểm soát hành vi của mình, hoá thành dâm loạn. Tuy nhiên, nếu ai ở trong hoàn cảnh giầu sang, mà không có hành vi dâm loạn, biết giữ qui củ, chất phác thật thà, thì người ấy không vi phạm luật pháp của thế gian, chẳng phạm tới luật pháp cõi trời… Đó là phú quí bất năng dâm.

 

          “Bần tiện bất năng di” nghĩa là nghèo hèn mà không đổi.  Người ta khi nghèo khó thì mất cả chí khí, chẳng từ một thủ đoạn nào, cốt sao mánh lới cho tinh khôn; đối với người giầu thì nịnh hót, kẻ nghèo thì khinh khi, làm những hành vi hà tiện. Tuy nhiên,  những nếu ai nghèo  nhưng chí nguyện của người ấy không đổi, người ấy xử sự với đời như một chính nhân quân tử, quang minh lỗi lạc, giữ đúng nhân cách tuyệt vời, đầy đủ chí khí, không chịu đi vào chốn bùn nhơ. Đó là bần tiện bất năng di.

 

          Uy vũ bất năng khuất” nghĩa là uy vũ không khuất phục được. Uy vũ tức là dùng thế lực. Không chịu cúi đầu tùng phục trước bất cứ một thế lực nào, một quyền lực nào, người đó là đại trượng phu.

 

          2. Theo nghĩa thiêng liêng

 

          Chúa Giêsu phán :”Regnum coelorum vim patitur” : Nước Trời chỉ có thể chiếm được băng sức mạnh (Mt 11,12).  Chiếm hữu được Nước Trời ở đây không phải chiếm được bằng sức mạnh thể xác nhưng bằng sức mạnh tinh thần,  nghĩa là phải có can đảm đi qua cửa hẹp.  Vậy can đảm đi qua cửa hẹp phải chăng là một đại trượng phu trong đời sống thiêng liêng ?  Đúng vậy ! Do đó, người đại trượng phu phải chống chọi với chước cám dỗ, phải chiến đấu kiên cường với bản thân mình và phải đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

 

          a) Đứng vững trước cám dỗ

 

          Khi bàn về thân phận con người, triết gia Platon nhận định rằng :”Con người là một cỗ xe có hai ngựa kéo về hai hướng trái nghịch nhau”.  Thử hình dung một con ngựa trắng kéo ta về hướng tốt, một con ngựa đen kéo về hướng xấu; và như thế, bản thân ta bị giằng co xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau !

 

          Sự đối kháng này nhiều khi trở nên hết sức gay gắt đến độ thánh Phaolô đau lòng than lên :”Điều lành tôi muốn, tôi lại không làm, trong khi điều dữ tôi gớm ghét, tôi lại làm… Vô phúc thay con người tôi” (Rm 7,19.24).

 

          Như thế, các chước cám dỗ không tha bất cứ ai và sẽ bám riết con người cho đến chết.  Ngay cả Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ.  Mặc dầu Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta”(Dt 4,15).

 

          Trong thực tế, có những người đứng vững được trước những cơn cám dỗ, nhưng cũng có nhiều người đã thua cuộc.  Cũng có những người đã thắng được các chước cám  dỗ nhưng rồi lại mềm lòng sa ngã vì không có đủ ý chí,

 

Truyện vui : Ăn mừng chiến thắng

 

          Có anh chàng kia lần nào đi xưng tội cũng nồng nặc mùi rượu. Vị linh mục ngồi toà rất lấy làm khó chịu.  Ngài khuyên anh ta cố gắng trước khi đi xưng tội thì đừng uống rượu, nhưng không làm sao anh ta thực hiện được. Anh lấy lý do là trên đoạn đường đến nhà thờ có một quán rượu, nên hễ đi ngang qua đó, anh không thể cưỡng lại được, phải vào làm một xị đã rồi mới đi.

          Vị linh mục chỉ cách cho anh : mỗi lần sắp sửa tới quán rượu, thì nhắm mắt lại, nín thở và chạy một hơi thật nhanh qua khỏi quán rượu đó.

          Nghe xong, anh ta gật gù tỏ ý tâm đắc, rồi ra về.  Thế nhưng, tháng sau anh đến xưng tội, lại nặc mùi rượu.  Vị linh mục ngồi toà trước đây nhất quyết không giải tội cho anh . Ngài vặn hỏi :

          - Sao con không áp dụng cách cha đã chỉ cho con ?

          Thưa cha, con đã áp dụng rồi mà, và đã rất thành công nũa là khác.

          - Thế tại sao con vẫn đầy mùi rượu ?

          Anh đáp :   

          - Cha biết đấy !  Theo cách cha chỉ, con nhắm mắt lại, nín thở và chạy một hơi.  Khi qua được quán rượu rồi, con mừng quá vì đã thành công tuyệt vời, nên con quay lại thưởng cho mình một xị !!!

 

          Phải can đảm và kiên tâm chống lại các chước cám đỗ, đó là điều tốt, nhưng con người khôn ngoan, còn cần phải tránh xa các cước cám dỗ, tránh xa những dịp tội vì Kinh Thánh nói :”Người thích nguy hiểm sẽ phải chết vì hiểm nguy” (Hc 3,26).

 

          Kinh nghiệm người đời đã khuyên bảo chúng ta : “Cẩn tắc vô ưu” nghĩa là nếu biết cẩn thận đề phòng thì sẽ khỏi phải lo  hậu quả.   Đề phòng là diệu sách, là khôn ngoan biết áp dụng chiến thuật :”Đào vi thượng sách” của người xưa.

 

Truyện : Đề phòng sụt lún.

 

          Trên một số bãi biển xứ Bretagne bên Pháp, đặc biệt quanh vùng Mont Saint-Michel, đôi khi xẩy ra những biến cố mà du khách không có kinh nghiệm gặp phải một cái chết rất đáng sợ : đó là sự sa lầy.

 

          Nhà đại văn hào Victor Hugo đã từng chứng kiến và đã mô tả lại cảnh tượng ghê rợn đó như sau : “Thuỷ triều xuống anh ta đi dạo  trên cát không xa bờ biển bao nhiêu.  Ban đầu chưa cảm thấy gì nên anh ta không để ý lắm, nhưng dần dần đôi chân anh ta  dường như càng lúc càng nặng hơn.  Bất thình lình anh ta lún xuống, đôi chân ngập sâu trong cát. Anh ta định rút chân quay lại thì càng lún sâu hơn. Cát ngập đến mắt cá, rồi đến nửa chân. Mỗi lần cử động là mỗi lần lún xuống.  Bấy giờ anh mới nhận ra anh đang bị sa lầy trong bể cát di động.  Anh cầu cứu nhưng vô ích. Anh la hét. Anh khóc than. Anh cầu khẩn. Anh khua đôi tay. Càng lúc cát đến ngực, đến vai. Giờ đây chỉ còn lại cái mặt. Anh định mở miệng kêu cứu lần cuối thì cát đã lấp đầy miệng.  Chỉ còn im lặng và đôi mắt trợn tròn thao láo, nhưng rồi cát cũng đóng chúng lại : thế là đêm tối và cái chết.

 

          b) Chiến đấu đối với bản thân

 

          Đời là một cuộc chiến đấu, nhất là cuộc chiến đấu nội tâm, một cuộc chiến không có giới hạn cả về không gian lẫn thời gian. Cuộc chiến này là cuộc chiến đấu với bản thân, với xác thịt cùng các đam mê của nó.

 

          Cuộc chiến này xẩy ra trong tâm hồn, không còn là một trận địa chiến mà là một cuộc chiến tranh du kích tương đương với chiến tranh khủng bố ngày nay. Cuộc chiến không có chiến tuyến, không có ranh giới rõ ràng, không có thời gian, mà có tính cách đột xuất và bất ngờ vì kẻ địch lại ở trong chính mình.

 

          Trong cuộc chiến này, sự đề cao cảnh giác là một yếu tố quang trọng, bởi vì kẻ địch luôn rình rập, nếu sơ hở là bị tấn công, làm chúng ta không kịp trở tay. Chớ bao giờ khinh địch :

                                      Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu

                               Hùm mà thức dậy đầu lâu không còn.

 

          Thánh Phaolô thường dùng từ “xác thịt” để nói về những thói quen, bản năng và khuynh hướng của tâm trí cũng như của thân xác mà chúng ta có,  khi chưa biết Chúa. Sau khi tin Chúa, bản tính xác thịt vẫn còn hiện diện trong đời sống chúng ta

 

          Đó là lý do thánh Phaolô nói :”Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7,23). Vì thế, chúng ta “chớ để cho dục vọng xác thịt lôi cuốn vì nó chống nghịch với linh hồn anh em” (1Cr 2,11).

 

          Người ta thường nói :”Dục tốc bất đạt” : vội vàng sẽ không đi đên nơi.  Sửa trị nết xấu là một cuộc chiến trường kỳ, không bao giờ chấm dứt. Cuộc chiến này là một cuộc chiến nội tâm chống lại các tình tư dục của con người nên rất gay go, không có giới hạn, có khi phải kéo dài suốt cả cuộc đời.  Cho nên phải đề cao cảnh giác vì kẻ thù ở ngay trong ta, lúc nào cũng rình rập như Chúa Giêsu đã bảo thánh Phêrô :”Ma quỉ nó sàng con như sàng gạo ấy” (Lc 22,31).

 

          Sửa trị được một nết xấu không phải là chuyện dễ, có khi suốt đời cũng chưa sửa trị được một nết xấu. Nhưng đừng lo, Đức Giám mục Freppel đã đem lại cho chúng ta một tia hy vọng :”Thiên Chúa không đòi hỏi ta chiến thắng, nhưng muốn ta chiến đấu”.

 

          Trong cuộc chiến đấu  này, Chúa luôn nâng đỡ chúng ta, chỉ cần chúng ta cộng tác với ơn Chúa.  Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về cuộc chiến này. Ngài thấy vất vả quá nên đã xin Chúa cất cái “dằm” ra khỏi thân xác ngài (x. 2Cr 12,7), nhưng Chúa đã trả lời :”Ơn Ta đã đủ cho con” (2Cr 2,6; 12,6).

 

          c) Quyết tâm trong năm mới

 

          Thánh Phaolô đã khuyên bảo các tín hữu Côrintô :”Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng” (1Cr 9,24).

 

          Có biết bao vận động viên cùng chạy trên thao trường nhưng chỉ có một người được lãnh huy chương vàng, còn những người khác đều chịu thua. Chiếm được một chiếc huy chương vàng trong cuộc thi thật là khó, thật là một cuộc trả giá rất cao, nhưng không phải ai cũng làm được.  Còn trong cuộc chạy đua về Nước Trời mọi người nỗ lực chạy thì đều được thưởng.

 

          Thánh Phaolô còn dạy thêm :”Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng qua; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (2Cr 9,25).

 

          Muốn chiếm được huy chương vàng, vận động viên ngoài việc phải nỗ lực luyện tập, còn phải kiêng khem đủ thứ theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên.  Chương trình huấn luyện đòi vận động viên phải chấp nhận một cuộc sống kỷ luật, khắc khổ và hy sinh, nhưng sẽ đi đến kết quả tốt.

          Trong cuộc chạy đua về Trời, Chúa cũng đòi chúng ta phải chấp nhận những điều kiện xem ra đối với nhiều người thì không dễ ăn đâu. Chẳng vậy mà Ngài đã phán :”Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).

 

          Năm mới chúng ta hãy có đời sống như cây tùng, hãy cố trở thành những đại trượng phu trong cuộc sống trong việc đứng vững trước cám dỗ và chiến thắng được bản thân mình. Phải nỗ lực chiến đấu và hy sinh thật nhiều, không bao giờ ngơi nghỉ !

 

          Năm mới cũng xin chúc bạn trở thành những đại trượng phu, những hiền nhân quân tử, những vị anh hùng trong cuộc sống thực tế hằng ngày. Các bạn có thể trở nên những anh hùng được vì theo định nghĩa của Vương Thông thì  anh” là tự biết mình và “hùng” là tự thắng mình.  Vậy anh hùng là người luôn tìm được sức mạnh để vượt qua tất cả những khó khăn chướng ngại trong đời thường. Các bạn có thể làm được điều đó ! Năm mới mừng chúc các bạn một câu đối :

 

                             Xuân về thêm tuổi thêm nhân đức

                             Tết đến thêm phúc thêm khôn ngoan.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

         

           


Gợi Ý Giảng Lễ Tĩnh Tâm