MỒNG BA TẾT NHÂM THÌN

LẠY TRỜI MƯA XUỐNG

+++

 

          Hôm nay ngày mồng Ba Tết Nhâm Thìn, ngày thánh hóa công việc làm ăn, chúng ta hãy dâng lên Chúa mọi công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này để nó trở nên công cụ làm ra cơm bánh nuôi sống thân xác chúng ta và cho mọi người.

 

          Đồng thời công việc làm này nói lên cội nguồi của mọi thứ trên trần gian này là từ nơi Chúa mà ra và Chúa đã trao cho chúng ta quản lý. Xin cho chúng ta biết luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng, biết hăng say làm việc để góp phần làm vinh danh Chúa và biết phục vụ mọi người.

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Mt 25,14-30.

 

          Qua dụ ngôn những nén bạc, chúng ta rút ra được những bài học Chúa muốn dạy  chúng ta trong bài Tin Mừng này :

 

          - Chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa như những đầy tớ phải chịu trách nhiệm trước mặt Người.

          - Mọi sự chúng ta có đều là của cải Thiên Chúa ký thác cho chúng ta.

          - Chúng ta không được tùy tiện sử dụng những thứ chúng ta có theo ý riêng mình,  song là phải theo đường hướng mà Thiên Chúa muốn.

          - Thiên Chúa sẽ đòi chúng ta tính toán sổ sách với Người  về những điều thiện hảo đã được trao phó cho chúng ta

          - Và sự thành công hay thất bại cùa cuộc đời chúng ta tùy thuộc vào cách hành xử của chúng ta trong những gì Thiên Chúa đã trao cho chúng ta.

 

          Qua cách hành xử và số phận của người đầy tớ tốt lành và trung tín,  Đức Giêsu cho thấy đâu là cách hành xử đúng đắn của chúng ta trong đời sống hiện tại.  Còn qua cách hành xử và số phận của người đầy tớ xấu và biếng nhác, Ngài cho thấy một kẻ xấu xa sẽ đi đến chỗ bị hủy diệt thế nào.

 

          Những người đầy tớ không được tự tại nơi mình, nhưng là ở trong một mối tương quan tùy thuộc  và phục vụ đối với ông chủ. Chính bản thân họ thuộc về ông chủ, những điều thiện hảo được ký thác cho họ  là của ông chủ và những gì họ có thể làm ra  cũng xuất phát từ tài sản của ông chủ chứ không phải hoàn toàn  xuất phát từ bản thân họ. Như thế  là trong những phương diện khác nhau, họ đều được nối kết chặt chẽ với ông chủ. Mà nếu vậy, cách hành xử của họ sẽ vừa tùy thuộc vừa biểu lộ cái quan niệm mà họ có về ông chủ của mình.

 

II. BỔN PHẬN PHẢI LAO ĐỘNG

 

          Xưa nay chúng ta tưởng rằng hai ông bà nguyên tổ trong Vườn Địa đàng chỉ ở không mà hưởng thụ, không làm gì cả.  Nhưng sách Sáng thế nói :””Thiên Chúa cho ông bà ở trong Vườn Địa đàng để “canh tác và giữ vườn” (St 2,15).

 

          Địa đàng là hình ảnh hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy con người phải “canh tác” nghĩa là phải làm việc để tạo ra. Và con người cũng cần phải “giữ vườn” nữa, nghĩa là hạnh phúc ấy con người phải giũ gìn nó mới tồn tại và con người mới tiếp tục được hưởng nó.

 

          Trong Tin mừng Chúa Giêsu cũng nói :”Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).  Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự lao động : Suốt ba mươi năm ở Nazareth, Chúa Giêsu đã cùng thánh Giuse làm việc không ngừng bởi vì lao động là nhiệm vụ con người ở trần gian này và đó là phù hợp với thánh ý Chúa.

 

III. QUAN NIỆM VỀ LAO ĐỘNG

 

          Mỗi người có một quan niệm về lao động.  Có người cho lao động là hình phạt, tránh được thì càng tốt. Có người lại cho lao động là vinh quang, vì được tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tùy theo thái độ của mỗi người về vấn đề lao động.

 

          1. Lao động là khổ sai.

 

          Có người cho rằng trước khi phạm tội nguyên tổ Adong Evà sống trong hạnh phúc, nhưng sau khi phạm tội thì phải làm việc khổ cực bởi vì :”Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,17-19).

 

          Kể từ sau giây phút nghiệt ngã ấy, con người phải tự lực cánh sinh,  đưa đẩy con người vào bóng tối của đau khổ, của đói nghèo, bệnh tật và sự chết. Hệ quả của tội lỗi là con người phải vất vả, lam lũ để mưu sinh.

 

                                      Truyện : Thần thoại về con trâu.

 

          Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống trần gian mang theo một bao hạt giống lúa  và một bao cỏ để gieo xuống trần gian. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc  bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật.

 

          Nhưng khi vị thần này đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mải mê xem  mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt lúa sau.

 

          Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được.  Còn lúa phải gieo trông rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn át làm lúa phát triển chậm.

 

          Bởi lỗi ấy của vị thần, làm cho người trần gian  trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đầy vị thần này xuống trần gian hóa thành con trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp trở về thiên đường…

 

          2. Lao động là vinh quang.

 

          Lao động được quan niệm như hình phạt của tội tổ tông, nhưng đó chỉ là cách cắt nghĩa mà thôi, vì chính Thiên Chúa cũng đã làm việc mà Thiên Chúa có tội tình gì mà phải chịu phạt !  Ngày nay người ta bảo lao động là vinh quang.  Đối với người Công giáo thì câu này rất đúng. Nhờ lao động mà con người được vinh dự cộng tác vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa.  Khi tạo dựng trời đất, Thiên Chúa cho con người làm chủ muôn vật; và Thiên Chúa chỉ tạo nên hạt giống để con người cộng tác  bằng cách tạo điều kiện để mọc lên.

 

          Theo giáo lý Công giáo thì lao động mang một ý nghĩa rất cao cả : Lao động là cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và cứu độ.  Công trình tạo dựng và cứu độ như còn dang dở và cần có bàn tay và trí óc con người để công trình ấy hoàn thành. Thật ra, Thiên Chúa có thể làm mọi chuyện một mình, nhưng Người đã không làm thế mà Người đã mời gọi sự cộng tác, tiếp tay tiếp sức của các thế hệ loài người. 

 

Lao động cũng là cách con người trui rèn và thanh luyện chính mình để trở nên tốt hơn, tinh tế hơn, giống Thiên Chúa hơn, làm hình ảnh Thiên Chúa lộ rõ hơn.

 

Lao động còn là làm cho nén bạc sinh lợi, tức phát huy các khả năng, cơ hội, hoàn cảnh, địa vị xã hội, ơn đoàn sủng mà Thiên Chúa ban cho mỗi người để phục vụ cộng đồng xã hội và tôn giáo.

 

IV. LAO ĐỘNG VÀ CẬY TRÔNG

 

          1. Thái độ của người có đức tin.

 

          Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta xin Chúa ban cho một năm “mưa thuận gió hòa”.  Tại sao lại phải cầu nguyện cho công việc làm ăn ?  Bởi vì chúng ta ý thức sự nhỏ bé, giới hạn của con người  trước biết bao công việc mưu sinh hằng ngày.  Chúng ta cần ân ban của Trời cao.  Chúng ta xác tín như người xưa đã xác tín vào trời : “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

 

          Tổ tiên chúng ta cũng đã ý thức  về sự nhỏ bé của mình nên đã cậy dựa vào Ông Trời, xin Ông Trời phù hộ.  Vì thế mới có bài đồng dao :

 

                                      Lạy trời mưa xuống

                                      Lấy nước tôi uống

                                      Lấy ruộng tôi cầy

                                      Lấy đầy bát cơm

                                      Lấy rơm đun bếp.

 

          Ông Trời gia ân cho con người.  Ông Trời điều khiển thời tiết cho mưa cho nắng, con người hoàn toàn bó tay, chỉ biết xin ơn trên :

 

                                      Ơn trời mưa nắng phải thì

                                  Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu.

 

          Hơn nữa, niềm tin tổ tiên còn xác tín về lòng nhân ái của Trời.  Trời không phụ lòng người. Trời không bao giờ bỏ quên con người :

 

                                      Trời nào có phụ ai đâu

                                Hay làm thì giầu, có chí thì nên.

 

          2. Thái độ của người không có niềm tin.

 

          Với khoa học kỹ thuật tân tiến và đang trên đà phát triển mạnh, ngày nay nhiều người tưởng rằng mình đã chiếm được chỗ đứng của Thiên Chúa.  Con người có thể làm chủ được thiên nhiên. Thậm chí có người dám bạo gan tuyên bố :

 

                                      Thằng Trời xếp lại một bên

                                 Để cho nông hội tiến lên làm Trời.

 

          Nietszche, một triết gia vô thần Đức, một con người điên khùng, coi con người là toàn năng, có thể làm chủ được thiên nhiên, đã ngang nhiên tuyên bố :”Thiên Chúa đã chết”.

 

          Voltaire, một kẻ ghét đạo, thì bảo :”Đã đến lúc Thiên Chúa phải về hưu”.

 

          Cuộc cách mạng Pháp đã tưởng đem lý trí thay thế Thiên Chúa. Nhưng sau đó ít lâu thôi, hậu quả của cuộc tôn thờ lý trí đã làm cho Robespierre, người đứng đầu nhà nước Pháp lúc đó, đã phải ra lệnh cho dân chúng Paris giăng khắp phố phường những băng với hàng chữ lớn :”Nhân dân Pháp tin có Thiên Chúa”.

 

          Những người chối bỏ Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài đã thất bại.. . Nếu bỏ bàn tay hướng dẫn của Thiên Chúa ra thì vũ trụ này sẽ tan hoang.

 

          Thánh Phaolô đã quả quyết :”Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).

 

          Người dân quê Việt nam đã nói lên kinh nghiệm của mình trong nghề nông :”Nhất thủy, nhì nông, tam cần, tứ giống”.  Làm nghề nông trước nhất là cần nước, nhưng nếu trời không mưa thì nước đâu mà tưới ?

 

          Vì thế, ngày Mồng Ba Tết, chúng ta cầu cho công việc làm ăn và cầy cấy là phải lẽ, vì không có Chúa thì :”Người lính canh đêm cũng hoài công”(Tv 126,1).

 

          Để kết thúc, hôm nay chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ để dâng lên Chúa  công việc và dự định của chúng ta trong năm nay.  Chúng ta trao gởi công việc của chúng ta cho Thiên Chúa.  Xin Chúa chúc phúc và thánh hóa công việc của chúng ta  được mọi sự như ý.  Chúng ta xác tín rằng :”Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”.  Xin Chúa thương đón nhận  những ước nguyện chân thành của chúng ta trong năm mới này.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục