CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN B

SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA

+++

 

A. DẪN NHẬP

 

          Chúa nhật 15 hôm nay cho chúng ta biết : trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã  quyết định chọn con người chúng ta làm nghĩa tử nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 2).  Đồng thời cũng hé mở cho chúng ta  biết chúng ta có ơn gọi và sứ mạng làm con, làm tiên tri và làm người rao giảng Tin mừng Cứu độ của Thiên Chúa. Đây thực là một hồng ân cao cả,  nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề phải chu toàn.

 

          Sau một thời gian huấn luyện các Tông đồ, Đức Giêsu cho các ông đi thực tập truyền giáo. Ngài căn dặn các ông đủ điều để làm hành trang trên buớc đường truyền giáo : sống siêu thoát, nhịn nhục chịu đựng, phó thác...(Bài Tin mừng).  Nhưng trên bước đường truyền giáo, những người thi hành sứ vụ ấy không phải lúc nào cũng được người ta tiếp nhận vui vẻ, nhiều khi còn bị người ta chống đối, bị xua đuổi như trường hợp tiên tri Amos (Bài đọc 1).

 

          Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri tức là phải làm chứng cho  Đức Giêsu như lời Ngài dạy :”Chúng con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng , vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là chứng nhân của Chúa, ngược lại chỉ là “phản chứng”.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          +  Bài đọc 1 : Am 7,12-15.

 

          Amos là một người chân chất sống ở tiểu vương quốc Giuđa (phía nam), làm nghề chăn nuôi súc vật, nhưng Chúa truyền cho ông phải đến vương quốc Israel (phía bắc) khiển trách lối sống phản tôn giáo và các tư  tế ở đền thờ Bethel chỉ biết sống theo hình thức trong đời sống tôn giáo mà không có đời sống thực.

 

          Vì trung thành nói lời Chúa nên Amos bị dân chúng ghét bỏ. Một trong các vị tư tế đền thờ là Amasias, được nhận bổng lộc của nhà vua, đã ra lệnh trục xuất ông khỏi xứ sở. Ông đã phản ứng lại một cách mãnh liệt, không chịu rời khỏi xứ ấy vì ông đã nhận được sứ mạng nói tiên tri, mặc dầu ông không thuộc dõng dõi tiên tri, cũng không quen làm nghề tiên tri.

 

          +  Bài đọc 2 : Ep 1,3-14.

 

          Thánh Phaolô gửi thư mục vụ cho tín hữu Êphêsô tiết lộ cho họ một mầu nhiệm : trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã quyết định chọn con người chúng ta  làm nghĩa tử, nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngài còn cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của chính Con Ngài và nuôi dưỡng chúng ta  bằng sự sống của Ngài dưới tác động của Thánh Thần.

 

          Đây là mầu nhiệm tình yêu. Tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm phải đáp trả lại tình yêu ấy bằng cách phải tỏ ra xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu và tích cực cộng tác vào việc thi hành thánh ý Chúa.

 

          +  Bài Tin mừng : Mc 6,7-13.

 

          Sau khi rời bỏ Nazareth đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn Capharnaum làm trung tâm hoạt động. Công việc huấn luyện các Tông đồ tạm đủ, Ngài sai các ông đi từng hai người một đến những vùng xa hơn để rao giảng.

 

          Ngài sai các ông đến với mọi người, dù họ là ai, và đặc biệt đến với những người nghèo khó nhất. Sứ mạng đặc biệt của các ông là rao giảng sự thống hối. Ngài cũng ban cho các ông quyền trừ qủi và chữa được nhiều bệnh tật.

 

          Để bảo đảm cho sứ mạng của các ông thành công, Ngài ban cho các ông chỉ thị rõ ràng : phải có tinh thần vô vị lợi, không quá lo lắng về đời sống vật chất, không cần phải trang bị gì, cứ tin vào sự quan phòng của Chúa. Chúa sẽ nâng đỡ và làm cho những cố gắng của các ông thêm phong phú.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                 Ra đi làm chứng cho Chúa.

I. NHỮNG SỨ GIẢ ĐƯỢC SAI ĐI.

 

          1. Các tiên tri.

 

          Ngày xưa, khi Thiên Chúa muốn truyền cho dân điều gì thì Ngài dùng các tổ phụ hoặc các tiên tri. Bài đọc 1 chứng minh cho chúng ta qua việc  Thiên Chúa gọi Amos là người xứ Giuđa đi nói tiên tri cho người xứ Israel. Ông phản đối mạnh mẽ việc lạm dụng tôn giáo và tính cách thiếu tôn giáo đang lan tràn tại Israel, đặc biệt ông nhấn mạnh việc thờ phượng mà thiếu luân lý lành mạnh là không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Khi ông tiên báo là vua Joroboam sẽ bị ám sát và Israel sẽ bị đi lưu đầy, thì vị tư tế Amasias ở đền Bethel phản đối  và đuổi ông đi khỏi Israel. 

 

          Thời đó, ở Israel có trường dạy nghề tiên tri, một nghề để kiếm ăn. Do đó xuất hiện những tiên tri giả. Amos  hiểu nghĩa của từ “thầy chiêm” mà Amasias dùng nên khẳng định : ông chỉ là người chăn chiên và đi hái sung vả, ông phải làm nghề này chỉ vì Chúa đã gọi ông :”Hãy đi nói tiên tri cho Israel dân của Ta”(Am 7,15).

 

          2. Các Tông đồ.

 

          Khi Đức Giêsu xuất hiện thì thời đại tiên tri chấm dứt với ông Gioan Tẩy giả, ông là tiên tri bản lề giữa Cựu ước và Tân ước. Lúc này Chúa không dùng các tiên tri nữa mà lại dùng các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa.  Sau khi đã huấn luyện các Tông đồ một thời gian, Đức Giêsu muốn cho các ông được thử lông thử cánh, cho các ông truyền đạt cho người ta những điều Ngài dạy, biết va chạm vào thực tế với những thành công và thất bại để sau này các ông có kinh nghiệm truyền giáo, sau khi Đức Giêsu đã về trời (Bài Tin mừng).

 

          3. Các nhà truyền giáo.

 

          Khi Đức Giêsu đã về trời, các Tông đồ đã chia nhau đi rao giảng Tin mừng, có các người phụ tá và những người cộng tác với các ngài.  Khi các ngài đã qua đi thì Giáo hội lãnh nhận công tác  tiếp nối công việc của các Tông đồ mà rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng thế giới, không kể mầu da sắc tộc, ngôn ngữ. Lời Chúa phải được rao giảng cho mọi người. Và đến lượt các tín hữu, mọi người có trách nhiệm phải rao giảng cho người khác. Mọi người phải rao giảng Tin mừng, không trừ ai, nhưng  Giáo hội trạch cử một số người chuyên đi rao giảng mà ta gọi là “các nhà truyền giáo”. Đức Giêsu không còn trực tiếp rao giảng như ngày xưa nữa mà cần loài người chúng ta phải cộng tác để đi đến các hang cùng ngõ hẻm đem Lời Chúa đến cho mọi người.

 

Truyện : Chúa cần bàn tay bạn.

 

          Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.

          Một hôm lính Mỹ đã giúp vị Linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị Linh mục đã từ chối. Ông nói :

          - Tôi có một ý tưởng hay hơn : Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này : BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BAN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 494).

 

II. CÁC MÔN ĐỆ ĐƯỢC SAI ĐI LÀM CHỨNG.

 

          1. Chúa sai các Tông đồ đi.

 

          Trở lại bài Tin mừng hôm nay, chúng ta biết Đức Giêsu đã chọn cho mình 12 Tông đồ đểû trở thành những cán bộ nồng cốt cho việc rao giảng Tin mừng. Sau khi đã huấn luyện một thời gian, Ngài muốn sai các ông đi thực tập truyền giáo. Đây là bước sang giai đoạn thứ hai chương trình của Ngài : từ lý thuyết sang thực hành.

 

          Các ông đã sống vối Ngài một thời gian, đã chứng kiến cuộc đời Chúa, đã nghe Ngài giảng thuyết, đã chứng kiến phép lạ Ngài làm, đã nhìn thấy những thất bại của Ngài ở Gherasa và ở Nazareth, đã nhận thức thái độ thù ghét của người biệt phái. Nay đã đến lúc thử để biết vàng hay thau. Ngài cần cho các ông biết phải hoạt đột theo tinh thần nào và những nguyên tắc nào.

          Chúng ta hãy xem cách thức Đức Giêsu sai các Tông đồ như thế nào :

 

          a) Từng hai người một :  Ngài sai các ông đi từng hai người một để giúp đỡ nhau, biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ, đồng thời để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Nguời ta cứ dấu đó mà biết họ là những môn đệ của Chúa Kitô.

 

          b) : Ban quyền lực : Quyền lực đây phải hiểu là “quyền trừ các thần ô uế”. Câu nói đó phải hiểu theo quan điểm đã ghi chép trong Mt 10,8 và Lc 9,1 nghĩa là khu trừ qủi ám vàø chữa lành các bệnh tật : vì theo quan niệm thời đó, tất cả các bệnh tật đều coi như là hậu quả của tội lỗi và không ít thì nhiều do ma qủi làm.

 

          c) Môi trường hoạt động : Trước tiên hãy đến với dân Chúa tức là những người Do thái :”Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc nhà Israel”(Mc 10,5). Còn đối với dân ngoại, các ông sẽ đến với họ sau khi Chúa đã về trời.

 

          d) Đề tài rao giảng : Các ông sẽ rao giảng sự thống hối. Vì công cuộc cứu chuộc chưa hoàn tất nên Đức Giêsu không dạy các ông giảng về Ngài. Điều đó Ngài sẽ dạy các ông rao giảng sau này khi Ngài đã chịu chết và sống lại để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế (Rm 1,3-4 ; 1Cr 1,23).

 

          2. Tư cách của vị Tông đồ.

 

          Khi sai các Tông đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu căn dặn các ông kỹ càng nhiều điều để làm hành trang lên đường. Chúng ta có thể tóm tắt các lời căn dặn đó trong 3 điểm sau :

 

          a) Sống tinh thần khó nghèo.

 

          Đức Giêsu đã từng nói về Ngài :”Con chồn có hang, con chim có tổ, Con người không có nơi tựa đầu”. Ngài di chuyển nay đây mai đó, không vướng mắc gì về phần vật chất nghĩa là sống siêu thoát. Vì thế, Ngài khuyên các ông đừng mang gì ngoài cây gậy. Thậm chí không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi. Người Tông đồ không chuẩn bị gì để lên đường, mọi sự đã có Chúa lo :”Tiên vàn các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho”.

 

          b) Chấp  nhận bị khinh dể.

 

          Đức Giêsu đã bị hất hủi nơi quê hương mình :”Không có tiên tri nào mà không bị khinh dể nơi quê hương mình”. Các Tông đồ cũng sẽ rơi vào trường hợp đó. Các ông sẽ không được một số người tiếp nhận và còn bị ngược đãi nữa. Trong trường hợp đó, Ngài cho phép ra đi đến một nơi khác, và giũ bụi chân lại cho họ biết lỗi lầm của họ. Người Do thái có thói quen làm như thế khi họ đi từ vùng dân ngoại vào vùng đất của họ để minh chứng họ dứt bỏ mọi liên hệ xấu xa với dân ngoại.  Vậy người môn đệ làm như thế để đánh thức những ai từ chối họ, và cho những người ấy biết rằng cách cư xử của họ như vậy là đã trở thành dân ngoại.

          c) Phó thác nơi Chúa.

 

          Phó thác được coi như một nhân đức, nhưng phải hiểu cho đúng nghĩa. Phó thác không có nghĩa giao khoán cho Chúa hoàn toàn, còn mình thị thụ động, không cộng tác, không làm gì cả. Ngược lại, phải cộng tác với Chúa theo khả năng của mình, phải có hành động theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa vì, theo thánh Giacôbê :”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

 

          Vậy phó thác là gì ? Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa dạy các Tông đồ phó thác theo nghĩa là khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ : một cây gậy để chống lại thú dữ  dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Đừng quá lo lắng về vật chất : không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác.  Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, không cần tìm đến nhà giầu sang, chỗ nào không tiếp nhận thì đi chỗ khác... Điều chính yếu quan trọng mà các ông cần cậy dựa vào , đó là quyền năng của Chúa.

 

III. CHÚA SAI CHÚNG TA ĐI LÀM CHỨNG.

         

          Mỗi khi tham dự Thánh lễ, trước khi ra về, Linh mục nói lên lời cầu chúc và căn dặn mọi người :”Ite, Misa est” : Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Linh mục không cầu chúc mọi người trở về nhà bình an mà cầu chúc mọi người ra đi rao giảng Tin mừng, vì Thánh lễ chưa kết thúc ở đây mà còn kéo dài trong cả ngày, trong cả cuộc sống. Chúng ta đã tiếp nhận được Lời Chúa trong Thánh lễ thì hãy đem lời Chúa gieo rắc khắp nơi nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa. Hãy đi làm chứng cho Chúa giữa lòng đời.

 

          1. Làm chứng cho Chúa là gì ?

 

          Làm chứng cho Chúa là lấy lời nói, nhất là cách ăn ở, việc làm mà tỏ cho người khác biết Chúa Kitô, vì người ấy giống Chúa Kitô trong tư tưởng, nói năng, xử sự, việc làm. Vì giống như vậy nên khi người ta gặp người ấy, thì người ta nhớ đến Chúa Kitô. Người ấy đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như thánh Phaolô nói:”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

 

          Chúng ta chỉ là công cụ của Chúa để nhờ đó người ta biết Chúa. Tuy công cụ nhỏ bé chẳng đáng kể nhưng lại cần thiết. Chúa không trực tiếp tỏ mình ra cho người ta mà dùng con người nhỏ bé của chúng ta để tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa cao cả. Chúng ta chỉ là phương tiện để Chúa đến với người ta và người ta đến với Chúa. Ví dụ : một người muốn biết ngôi sao mai trên trời nhưng không biết ngôi nào trong hàng ngàn ngôi sao, nhưng nếu chúng ta dùng bàn tay chỉ cho họ thì họ sẽ nhận ra ngôi sao mai trên trời. Bàn tay chỉ là phương tiện để người ta nhìn ra sao mai, nếu không có bàn tay ấy thì người ta không nhìn ra sao mai được.

 

Truyện : Công cụ của Chúa.

 

          Một ngày mùa đông một người đàn ông đi đến một cậu bé đang ngồi ăn xin trên một cây cầu của thành phố, gió thổi lồng lộng. Cậu bé run lập cập vì lạnh và rõ ràng đang cần một bữa ăn ngon. Nhìn thấy cậu bé, người đàn ông rất tức giận bèn nói với Thiên Chúa :

          - Lạy Chúa, tại sao Chúa không làm điều gì đó cho cậu bé này ?

          Thiên Chúa đáp lại :

          - Ta đã làm một điều gì đó cho nó rồi.

          Điều này làm người đàn ông ngạc nhiên, vì thế ông nói :

          - Con hy vọng Chúa không nói rằng : Bất cứ điều gì Chúa làm đều có vẻ như không làm.

          Chúa đáp :

          - Ta cũng đồng ý với con điều đó.

          Người đàn ông hỏi :

          - Nhưng bằng cách nào mà Chúa đã làm điều đó ?

          Chúa đáp :

          - Ta đã làm ra con (Flor McCarthy, Sđd, tr 492)

 

          2. Cách thức làm chứng cho Chúa.

 

          a) Mọi người có thể làm chứng.

 

          Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ những lời sau cùng:”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật”(Mc 16,15 ; Mt 28,19). Nếu Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân thì lệnh truyền ấy phải có thể thực hiện được : thực tế đã chứng minh, các ông đã đem Tin mừng đến mọi nơi, và từ 2000 năm nay vẫn còn tiếp tục. Dĩ nhiên với thời gian vắn vỏi các ông chưa có thể đi khắp thế giới rao giảng được, nhưng Giáo hội đã tiếp nối sứ mạng ấy và nhờ chúng ta là những phần tử trong Giáo hội tiếp tục sứ mạng ấy. Ai không rao giảng Tin mừng là một điều thiếu sót. Thánh Phaolô đã nói:”Khốn thân tôi, nếu không rao giảng Tin mừng”(1Cr 9,16).

 

          Chúa về trời, ngài đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến những người cùng khổ. Tuy  về trời, Ngài vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi Kitô hữu.

 

          b) Mỗi người một cách làm chứng.

 

          Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta. Chính vì vậy mà Chúa đã bảo các Tông đồ và chúng ta rằng:”Các con là chứng nhân của Thầy”(Lc 24,48).

 

          Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ một phương tiện nào , nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa.  Trong việc phong thánh cho Linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ Ngài về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ:”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

 

Truyện : Thánh Phanxicô Assisi truyền giáo.

 

          Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assise, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa... Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh :

          - Giảng ở đâu ?

          Cha thánh trả lời :

          - Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.

 

          Trong cuộc sống văn minh đầy tiện nghi hôm nay, nhiều Kitô hữu đã lao mình vào cuộc sống vật chất, họ chỉ biết hưởng thụ, thu tích cho nhiều của cải mà quên đi vai trò làm chứng của mình. Họ là những Kitô hữu vô thần. Tại sao đã là Kitô hữu mà lại vô thần được ? Thưa, trên danh nghĩa thì họ là Kitô hữu thật, nhưng trong thực tế, cách sống của họ hoàn toàn là vô thần. Chúng ta có thể nói : họ còn vô thần hơn cả người vô thần nữa.  Cách sống thiếu gương mẫu của họ vô tình  biến đổi từ nhân chứng đến “phản chứng”, thay vì lôi kéo người ta đến với Chúa lại đẩy người ta ra xa Chúa hơn.

 

Truyện : Indira tầm đạo.

 

          Inđira đến gặp một đạo sĩ Makia và ngỏ lời:

          - Xin ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôi tôn thờ và một tôn giáo để sống theo.

          Đạo sĩ Makia liền đem Indira đến toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi một vị thần được dành cho một căn phòng riêng.

          Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batđa đạo sĩ giới thiệu :

          - Đây là vị thần sẽ cất hết sự đau khổ khỏi thế giới.

          Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. Trước vị thần thứ hai đạo sĩ Makia giới thiệu :

          - Đây là nữ thần Sôpha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.

          Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác. Cuối cùng hai người dẫn đến trước một vị thần bị treo trên thập giá. Indira tò mò hỏi :

          - Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế ?

          Đạo sĩ chậm rải trả lời :

          - Đây là thần của những người đạo Kitô.

          Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để trở thành đồ độ của Đấng chịu treo trên thập giá. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi :

          - Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một đề nghị cất hết mọi đau khổ, một đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của Vị chết nhục nhãø trên thập tự như thế ?

          Indira giải thích :

          - Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa suông. Người ta không thể nào cất đi được những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn, và người ta cũng không thể nào tránh được đau khổ.  Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô chấp nhận sự đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm tin và an hòa sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập giá kia, và muốn làm đồ đệ của Ngài. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi người Kitô sống để được trở thành người Kitô.

          Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh bí tích rửa tội.

          Khi vừa bước vào làng thì hai người đã nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây một nhóm người đang cãi lộn. Nơi khác có những kẻ như đang sắp đánh giết lẫn nhau. Nơi khác nữa thì nghe vẳng lại những lời nói tục tĩu vô lễ. Bảng ghi “Coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng.

          Indira hỏi đạo sĩ :

          - Đây là đâu ?

          Đạo sĩ trả lời :

          - Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin vào Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không muốn trở thành người Kitô hữu nữa.

 

          Đức Giêsu đã dạy chúng ta :”Các con sẽ làm chứng về Thầy”. Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói đó ? Đời sống đạo của chúng ta hôm nay là một chứng từ hay một phản chứng ?

 

          Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Chúa”, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh chị em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng giầu lòng tha thứ.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

         


Về trang Mục Lục