CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN B

HÃY SỐNG MỘT CUỘC SỐNG MỚI

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Đức Giêsu đã khẳng định : Ngài đến không phải để bãi bỏ những cái cũ mà là để kiện toàn (Mt 5,17). Tất cả những luật lệ lỗi thời đã trở nên gánh nặng không giúp ích gì cho con người thì phải bãi bỏ ; nhưng có những luật nếu được canh tân thì vẫn có giá trị. Điều chính yếu là phải thay đổi ngay từ bên trong.

 

          Đức Giêsu đã đến rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tin Mừng Ngài đem đến cho nhân loại thực sự phải là tin vui tươi phấn khởi. Đã là Tin mừng thì phải vui, nếu không vui thì lại làTin buồn. Nước Thiên Chúa được ví như tiệc cưới mà Thiên Chúa tổ chức mời gọi mọi người đến dự. Đối với người Do thái, tiệc cưới là một dịp vui tươi nhất dành cho mọi người. Chúng ta đã được mời đến tham dự tiệc cưới một cách nhưng không, tại sao không vui tươi mà lại mang nét mặt buồn rầu ?

 

          Chúng ta đã được hân hạnh làm con Thiên Chúa, Đấng là nguồn vui tươi, nên chúng ta phải sống vui tươi phấn khởi dưới con mắt yêu thương của Chúa, hãy vui lên trong chính những đau khổ, trong gian nan thử thách vì chúng ta có Chúa ủi an.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          + Bài đọc 1 : Hs 2,14b.115b.19-20.

 

          Hôsê là vị tiên tri sống tại vương quốc miền Bắc vào thế kỷ thứ 7, thời vương quốc sắp mất. Samaria sẽ bị chiếm năm 721. Ông có một cuộc hôn nhân trắc trở. Theo lời Chúa, ông đi cưới một cô gái điếm về làm vợ, ông yêu thương vợ hết mình, nhưng người vợ lại bất trung như ngựa theo đường cũ. Cũng theo lời Chúa, ông đi chuộc người vợ về, vẫn yêu thương và kiên trì dùng tình yêu mà sửa đổi vợ. Cuối cùng nàng đã hoán cải.

 

          Cuộc đời của ông là biểu trưng của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người : dân Israel là người vợ bất trung, dù vậy Thiên Chúa vẫn kiên trì yêu thương và giúp họ hoán cải. Dân Chúa đã trở về. Từ nay hai bên sẽ tặng quà cho nhau : về phía Thiên Chúa, đó là công chính, ngay thẳng, trung tín và khoan dung ; về phía Israel là sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.

 

          + Bài đọc 2 : 2 Cr 3,1b-6.

 

          Người Do thái dù đã tin theo Đức Giêsu nhưng vẫn trung thành với luật Maisen và các phép tắc của Do thái giáo. Do đó, một số tín hữu Côrintô không đồng ý với thánh Phaolô nên đã chỉ trích việc Ngài đến Côrintô mà không có thư giới thiệu của các tông đồ lãnh đạo như thói quen  giống như những nhà giảng thuyết khác.

 

          Nhưng thánh Phaolô cho biết tuy Ngài không có bức thư bằng chữ viết nhưng Ngài có những”bức thư bằng thịt” được giới thiệu với các tín hữu, đó là tấm lòng các tín hữu, nơi Thần Khí ghi khắc lề luật mới.  Dù sao thì sự tự tin của vị Tông đồ cũng phát xuất từ bản chất sứ vụ của Ngài : là người phục vụ cho Giao ước mới, là sứ giả của Thần Khí chứ không phải của chữ viết.

 

          + Bài Tin mừng : Mc 2,18-22.

 

          Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu tỏ bầy quyền năng của Ngài trên luật giữ chay. Luật Do thái buộc giữ chay những ngày quốc tang (2Sm 1,12 ; 3,25) và những ngày sám hối (2V 25,2-4), nhưng những người biệt phái và những người đạo đức như các môn đệ của Gioan, còn giữ chay thêm mỗi tuần hai ngày nữa : thứ hai và thứ năm. Hôm đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến dùng tiệc của ông Lêvi, các môn đệ bị trách cứ về việc không giữ chay.

 

          Để giải thích về ý nghĩa các môn đệ Đức Giêsu không ăn chay, Ngài đã lấy ví dụ về ý nghĩa của vị tân lang. Bữa tiệc Thiên Sai là bữa tiệc cưới (Đức Giêsu đến cứu rỗi nhân loại (Lc 25,23-24) vì thế Đức Giêsu không ngại tự xưng mình là tân lang, môn đệ của Ngài là bè bạn của tân lang tại hôn lễ này. Nay đang tiệc cưới, có nghĩa là Đấng Thiên Sai đã đến rồi, nên các phù rể  không ăn chay để chờ đợi nữa.

 

          Đức Giêsu đưa ra câu trả lời này là có ý tỏ bầy chính Ngài là Đấng Thiên Sai mà mọi người đang mong đợi. Việc ăn chay để mong đợi Đấng Thiên Sai không còn ý nghĩa nữa và vì vậy các môn đệ của Ngài đã không ăn chay nữa.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                Niềm vui của con Chúa.

I. ĐỨC GIÊSU ĐEM LẠI NIỀM VUI.

 

          1. Việc giữ chay của người Do thái.

 

          Như trên đã nói, luật Do thái buộc giữ chay những ngày quốc tang và những ngày sám hối, tuy vậy, những người Do thái đạo đức như các biệt phái và môn đệ của Gioan, muốn noi gương đời sống khắc khổ của thầy mình, còn giữ chay một số ngày khác. Nhóm biệt phái còn ăn chay ngày thứ 2 và thứ 5 mùa thu, nếu trời không mưa.  Những người sốt sắng cũng lại ăn chay vào các ngày đó quanh năm (Lc 18,22).

 

          2. Một câu hỏi.

 

          Bữa tiệc của Lêvi (Matthêu) (Lc 2,16-17) đãi Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài có lẽ vào ngày ăn chay của các người biệt phái và những người đạo đức, nên họ tỏ vẻ khó chịu và kêu trách Đức Giêsu về việc đó.  Họ đặt câu hỏi :”Tại sao các môn đệ của Gioan và môn đệ của người biệt phái phải ăn chay, còn các môn đệ của Ngài lại không ăn chay” ?

 

          Đặt câu hỏi này, những người biệt phái bắt lỗi các môn đệ, nhưng thực sự họ nhằm vào Đức Giêsu. Thực vậy, có nhiều lần họ tỏ vẻ khó chịu, bực tức khi thấy Đức Giêsu đã chẳng ra vẻ một nhà đạo đức khổ hạnh như khi Ngài nhận lời mời đi dự tiệc cưới ở Cana (Lc 15,2), ăn tại nhà Lêvi (Mc 2,1-16), ăn tại nhà ông Giakêu (Mt 11,19).

 

          3. Một câu đáp.

 

          Để hiểu câu trả lời của Đức Giêsu cho nhóm biệt phái đặt ra, chúng ta cần phải hiểu tục lệ cưới hỏi của người Do thái : Đám cưới Do thái là một dịp yến tiệc linh đình. Đôi tân hôn không đi xa  hưởng tuần trăng mật nhưng ở nhà tiếp đón họ hàng, bạn hữu. Trong suốt cả tuần sau lễ cưới, nhà mở cửa tiếp khách. Chàng rể và cô dâu được coi là vua và hoàng hậu, được đối đãi như thế, và các bạn hữu thân cận nhất được gọi là “con cái của phòng hoa chúc”.  Trong dịp đó, nhiều người nghèo, thanh bạch được dự yến tiệc vui mừng, với thức ăn, rượu nồng đầy tràn mà có thể cả đời họ chỉ có một lần.

 

          Đức Giêsu ví sánh mình là chàng rể, các các môn đệ là bạn thân nhất của chàng rể. Như vậy, làm sao đoàn người như thế lại có thể buồn rầu và nghiêm nghị được. Không có chuyện ăn chay mà chỉ có vui mừng hoan lạc.

 

          Mục đích của ăn chay theo Do thái giáo thời đó là để mong đợi Đấng Thiên Sai, nhưng những người biệt phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Đức Giêsu đã khiển trách họ (Mt 6,16; Lc 1118,12). Đức Giêsu là niềm vui của chúng ta.

 

          Sau khi đã lên tiếng về việc ăn chay, Đức Giêsu khẳng định lập trường của Ngài về vô số nghi thức và truyền thống đa dạng mà mọi người Do thái đạo đức phải tuân giữ.  Cả trong chuyện này nữa, Ngài cũng nhìn cách khác với những kẻ đồng hương của Ngài. Không phải việc tỉ mỉ tuân giữ quá khứ đáng cho Ngài bận tâm, nhưng là sự năng động và hăng say tạo nên cái mới mẻ. Không phải Ngài chống quá khư ùhoặc chống việc giữ luật cách sốt sắng và đầy lòng yêu mến ; nhưng, cùng với Ngài, thời đại mới đã khởi sự, một bước quyết định trong lịch sử thế giới đã được thực hiện. Đây là thời đổi mới.

 

          Đức Giêsu đến với mỗi người chúng ta để thực hiện tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Ngài đến như tân lang trong tiệc cưới. Chỉ có Ngài mới ban cho nhân loại bữa tiệc tình yêu hợp  nhất. Chỉ có Ngài mới thực hiện được sự vui mừng đời đời cho ta ; cũng như chỉ có chàng rể mới đem lại cho tiệc cưới niềm vui chan chứa, vắng chàng rể, tiệc cưới hoá thành buồn tẻ vô nghĩa.

 

          Để đáp lễ việc Thiên Chúa đến với chúng ta trong tình yêu thắm tươi, vui mừng đó, chúng ta không thể mang bộ mặt buồn sầu, ủ dột như ngày đói, như ngày tang chế ma chay.

 

II. NIỀM VUI CỦA NGƯỜI CON CHÚA.

 

          Nếu đặt câu hỏi : cuộc đời này vui hay buồn ? Câu trả lời sẽ tùy tâm trạng của từng người. Có người cho là vui, có người cho là buồn, có người cho là chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Vậy vui hay buồn do đâu mà ra ?

 

Truyện : Lời khuyên của mẹ.

 

          Khi thấy con có nét mặt buồn sầu, một hôm mẹ bảo đứa nhỏ :

          - Con hãy vào rừng khóc thảm thiết xem rừng bảo con sao.

          Đứa bé vào rừng khóc hu hu, khóc lóc thảm thiết lắm. Vừa khóc đứa bé vừa nghe thì thấy cả khu rừng đều khóc lóc thảm thiết như đứa bé. Đứa bé đã về học với mẹ như vậy.

          Hôm sau mẹ lại bảo nó :

          - Con hãy vào rừng và cười thật to, thật lớn, xem khu rừng sẽ đối với con như thế nào.

          Đứa bé cũng làm như vậy và hôm nay thấy cả khu rừng cùng cười vang.

          Do vậy, mẹ bảo bé :

          - Vui buồn không phải do ngoại cảnh mà do lòng mình con ạ.

 

          1. Cuộc đời là vui tươi.

 

          Những người lạc quan thì cho đời là vui tươi vì Đức Giêsu đã đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa đến trần gian. Nếu đã là Tin mừng thì phải vui, nếu không vui thì phải gọi là Tin buồn, chứ không bao giờ gọi là Tin mừng được. Khi thiên thần hiện ra báo tin cho các mục  đồng:”Đừng sợ chi, đây, ta báo tin cho các ngươi một tin rất mừng, cũng là tin mừng cho toàn dân : vì hôm nay, Đấng Cứu thế, là Chúa Kitô, đã sinh ra cho các ngươi trong thành Đavít”(Lc 2,10-11).

          . Thiên Chúa đã đem đến cho chúng ta Tin mừng cứu độ, cứu ta thoát khỏi gông cùm tội lỗi, sống tự do làm con Thiên Chúa.

 

          . Thánh Phaolô cũng khuyên chúng ta hãy vui lên vì Chúa đã đến:”Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại : Hãy vui lên”(Pl 4,4).

 

          . Đức Giêsu cũng khuyên các Tông đồ hãy vui lên:”Thầy nói cùng các con như vậy để các con được vui mừng, hầu sự vui mừng của các con được đầy đủ”(Ga 15,11).

 

          . Thánh vịnh 42,4 được hát lên khi đi tham dự Thánh lễ:

                             Con sẽ bước lên bàn thờ

                             Vì chính Chúa làm tuổi xuân ca khúc hân hoan

 

          . Người vui vẻ tự nhiên trong người khoan khoái – lương tâm trong sạch – tâm hồn bằng an sáng sủa, và lẽ dĩ nhiên là người lành thánh. Vì lẽ người tội lỗi không bao giờ được bằng an cả, theo biện chứng Thánh kinh:”Non est pax impiis”(Is 48,22 ; 57,21).

 

          Phải nói rằng Thiên Chúa là nguồn vui tươi. Thiên Chúa là sự thánh thiện, sáng láng, đẹp đẽ vô cùng, nơi Ngài không có chi đen tối, buồn thảm. Nơi Ngài chỉ thấy có sự vui tươi và yên ủi. Chúa như  thế, chẳng lẽ lại dựng nên toàn tiếng khóc, toàn đau khổ mà không dựng nên được những tiếng cười, những niềm vui tươi phấn khởi sao ? Chẳng thế mà thánh vịnh 42 đã quả quyết :In troibo ad altare Dei, ad Deum qui laetificat juventutem meam :Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa , Đấng làm cho tuổi xuân con được vui tươi.

 

          Nhìn vào cảnh vật, có người cho là vui, có người cho là buồn. Nhưng thực sự, mọi cảnh vật đều là vui tươi phấn khởi vì nó là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng là chính nguồn vui của muôn vật, và Ngài thông ban nguồn vui ấy ra cho vạn vật.  Ai chỉ coi khía cạnh tiêu cực của vạn vật, công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thì kẻ ấy chỉ làm nhục cho Chúa, chỉ là những kẻ vô ơn.

 

          2. Tại sao lại buồn ?

 

          Lẽ ra con người phải vui, nhưng thực ra họ lại buồn. Cái buồn của họ được phát sinh do không đi đúng đường lối của Thiên Chúa. Tại sao Adong và Evà đã phải buồn sầu khóc lóc ? Tại vì không vâng lời Chúa, không đi đúng đường lối của Ngài đã vạch ra cho. Như vậy người ta trở nên buồn do :

 

          * Vì do tội lỗi mà ra.

 

          Những người đã phạm tội sẽ không bao giờ vui vẻ :

          - Cain sau khi giết em thì bị lương tâm cắt rứt, không tìm được một giây phút bình yên vì con mắt lương tâm tức con mắt của Thiên Chúa luôn theo dõi anh khắp nơi, khiến tinh thần anh bị rối loạn.

          - Philatô sau khi đã tuyên án bất công cho Chúa cũng cảm thấy lương tâm cắt rứt, muốn đi tự tử cho xong đời (theo truyện dân gian “Núi Philatô”â).

 

          * Vì còn thiếu, xa cách một cái gì.

 

          Con người buồn khi phạm tội vì lúc đó họ rời xa Chúa, mất sự tương giao thân mật với Ngài như thánh Augustinô viết trong cuốn Tự thuật :”Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con chỉ được bình yên khi an nghỉ trong Chúa”.  Vì thế người ta nhớ đến nỗi :

 

                                      Nhớ ai cơm chẳng buồn ăn,

                                Hồ bưng lấy bát, lại dằn xuống mâm.

 

          Buồn vì con người còn bị tù túng trong xác thịt, bị tình dục lăng loàn, linh hồn còn hướng về quê thật đầy hạnh phúc, như thánh Phaolô đã nói:”Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng : ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”(2Cr 5, 6.8).

 

          Sống trong cảnh tù túng ở lầu Ngưng bích, nàng Kiều trông thấy cảnh bể chiều hôm chỉ thấy buồn là buồn, mà thi sĩ Nguyễn Du đã mô ta tâm trạng ấy trong mấy vần thơ rất hay :

 

                                      Buồn trông cửa bể chiều hôm,

                             Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

                                      Buồn trông ngọn nước mới sa,

                             Hoa trôi man mác biết là về đâu.

                                      Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu,

                             Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh.

                                      Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh,

                             Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

* Vì còn thiếu nhiệm vụ.

 

          Những khi thiếu sót nhiệm vụ đối với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình, chúng ta cũng thấy lạc lõng, lẻ loi, như một nốt nhạc ngang cung  không ăn khớp với hoà điệu của toàn thể bài nhạc  mà Thiên Chúa đã sáng tác. Trong âm giai trưởng ta thấy cách xếp đặt cung và nửa cung đều đặn và đầy đủ; còn trong âm giai thứ thì số thứ tự cung và nửa cung khác nhau, không đầy đủ vì thế trở nên buồn. Chúa muốn ta cùng hoà điệu theo âm giai trưởng cho vui tươi sáng sủa nhưng ta đã tự dùng âm giai thứ hoà vào với âm giai trưởng của toàn thể tạo vật, làm cho cung nhạc trở nên lạc lõng, bài nhạc trở nên khó nghe...

 

          * Nguy hiểm của sự buồn sầu.

 

          Đứng về phương diện sinh lý, buồn rầu gắt gỏng đã thất bại đau đớn rồi, còn đối với bản thân, buồn rầu cũng giống như cái cây bị sâu, nó đã không nảy nở được, lại còn chóng già, chóng cỗi nữa, vì sâu ở trong đó dần dần làm cho thân cây ruỗng nát ra mới thôi.

 

                                      Nào khi lòng dười dượi buồn,

                                Quên ăn, biếng ngủ, kém dòn, kém xinh.

 

          Muốn biết buồn rầu gieo tai rắc hoạ cho con người ra sao thì ta chỉ cần liếc mắt qua một đoạn ngắn do nhà chuyên khảo về trường sinh, ông Hufeland viết dưới đây:

Buồn rầu rất nguy hiểm cho cả thể chất lẫn tinh thần. Ta thử ngắm một người buồn xem thấy có gì ? Kìa họ bắt đầu ngáp, ấy là triệu chứng làm ngăn máu không vận lên phổi được, vì thế quả tim cùng các mạch máu bị hại lây, huyết ứ từ chỗ. Bộ máy tiêu hoá yếu đi, rồi dần dần suy nhược. Trong người mỏi mệt nặng nề, bụng anh ách, tức tối nên lúc nào cũng thấy ưu uất”.

 

          3. Con Chúa hãy vui tươi luôn.

 

          a) Hãy tạo cho mình một niềm vui.

 

          Đời có lắm cái buồn. Không ai được mọi cái vừa ý, nhưng để sống lâu, sống yêu đời, ta hãy tạo cho mình một con mắt lạc quan, nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp thấy vui tươi phấn khởi. Thực sự niềm vui không phải ở nơi cảnh vật nhưng ở tại ngay lòng ta.

 

Truyện : Trang Tử và Huệ Tử

 

          Trang Tử và Huệ Tử đang chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói:

          - Đàn cá xanh bơi lội thung dung, cá vui đó.

          Huệ Tử nói:

          - Ông không phải cá sao biết cá vui ?

          Trang Tử nói :

          - Tôi không phải ông, sao biết tôi không biết ?

          Huệ Tử nói :

          - Tôi không phải ông, nên không thể biết được ông. Còn ông không phải cá, ông cũng hẳn không sao biết được cái vui của cá.

          Trang Tử đáp :

          - Xin hãy xét lại câu đầu. Ông đã hỏi tôi làm sao biết được cá vui ? Đã biết là tôi biết, ông mới có hỏi”Làm sao tôi biết”. Thì đây làm thế này : Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết được.

 

          Những lời nói của Trang Tử trên đây chứng tỏ rằng cảnh vật vui buồn bên ngoài là một trạng thái của tâm hồn, tức là vật ngã đồng nhất, cũng như một nhà thi nào đó nói rằng:”Le paysage est un état d’âme”: cảnh vật chỉ là trạng thái của tâm hồn.

 

          b) Tạo niềm vui trong hy sinh và chấp nhận.

 

          Bao lâu người ta chưa biết hy sinh, chưa biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, bấy lâu chưa có niềm vui trong lòng. Trái lại, chính sự hy sinh xả kỷ đã đem lại cho con nguời một niềm vui tươi man mác mà không một ai hay của cải vật chất có thể đem lại được.

 

 Ông Phạm đình Tân đã nhận thấy như vậy và ông đã diễn tả tư tưởng ấy trong cuốn Thời bút như sau :

 

          Xuân chỉ đến với những tâm hồn chu toàn bổn phận, với tâm hồn biết chia vui sẻ buồn với tất cả mọi người.

 

          Ai biết được cái vui xuân của người lính gác trong đêm giao thừa ở nơi biên giới vắng vẻ ? Chỉ họ mới biết.  Vì họ biết họ thức cho bao nhiêu người ngủ, họ canh gác cho bao nhiêu đồng bào bình yên, họ lẻ loi để bao người xum họp

 

          Ai biết được cái vui xuân của một Bà Phước trong ngày mồng một Tết vẫn cắm cúi lau chùi những vết thương đau của người khốn khổ ? Ít ai biết được. Chỉ có bà ta biết được lòng mình, vì bà biết sự hy sinh của bà đã yên ủi đôi ba tâm hồn chơ vơ trong cảnh vui chung.

 

          Ai biết được cái vui xuân của một tu sĩ một mình lặng lẽ cầu nguyện trong bóng tối của tu viện. Ít người biết được. Chỉ có người đó biết lòng mình thôi, vì họ biết họ cầu nguyện  cho  người giầu sang thiếu an ủi, cho người cao qúi thiếu sự bình an, cho người nghèo khó no đầy ơn phúc (Phạm đình Tân, Thời bút, 1967, tr 157).

 

          Ta mỉm cười trong ĐAU KHỔ vì đau khổ không phải luôn là hình phạt, nhưng có khi là nguyên do của một vui mừng. Theo lời Chúa Giêsu  :Hạt giống rơi xuống đất có mục nát ra mới sinh hoa kết quả. Người mẹ lúc sinh con phải buồn phiền, lo lắng, nhưng sẽ khoan khoái khi biết mình đã thêm cho đời một mụn con.

 

          Ta mỉm cười khi THẤT BẠI hay phải thất nghiệp, vì có khi ta thất bại vì ta chán nản. Ta sẽ tìm giải quyết mọi sự trong vui tươi như thi sĩ Alfred de Musset đã diễn tả :

 

                             Tôi đi qua cánh đồng vắng,

                             Một con chim hát trên tổ

                             Dưới chân nó, bầy chim con chết lăn lóc,

                             Thế mà chim mẹ vẫn hát trước cảnh bình minh.

                             Hỡi hồn ta, mày đừng khóc nữa,

                             Vì cho đi mày mất hết mọi sự

                             Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời thanh thẳm

                             Vẫn là nguồn hy vọng ở trần gian cho mày.

 

          Nhiều người nghĩ rằng sống đạo là phải khắc khổ, buồn rầu. Tệ hơn nữa, họ còn muốn bắt kẻ khác cũng khắc khổ buồn rầu như họ. Thực ra, đặc điểm của cuộc sống người Kitô hữu phải là vui mừng. Cũng có đau khổ, nhưng đối với Kitô hữu, đau khổ và vui mừng liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đời, có những niềm vui cay đắng và cũng có những nỗi khổ ngọt ngào. Cũng như phải vừa có mưa vừa có nắng thì mới có chiếc cầu vồng rực rỡ ; bầu trời phải vừa có mây vừa có sáng thì cảnh bình minh mới huy hoàng. Ai đã từng đau buồn thì mới thấm thía được niềm vui. Vì tội lỗi, chúng ta ăn chay để xin Chúa tha thứ. Nhưng chúng ta cũng biết rằng ơn Chúa lớn hơn tội lỗi nên chúng ta vui mừng. Hơn nữa, niềm vui to lớn nhất của chúng ta là được làm con Chúa (Theo Flor Carthy).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

         

 

 


Về trang Mục Lục