LỄ CHÚA BA NGÔI, C

TIN NHẬN MẦU NHIỆM CAO CẢ

+++

A. DẪN NHẬP

 

          Trong các nghi lễ Phụng vụ chúng ta mừng một mầu nhiệm, nhưng trong Thánh lễ hôm nay chúng ta mừng kính một mầu nhiệm cao cả và thâm sâu nhất trong đạo, đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm không là điều nghịch lý nhưng chỉ nghịch thường hay siêu lý. Với lý trí con người, không ai có thể hiểu thấu được, nhưng vì là mầu nhiệm do Đức Giêsu đã mạc khải cho loài người, nên chúng ta chỉ biết cúi đầu tin nhận với lòng tôn kính và mến yêu.

 

          Trong Thánh kinh Cựu ước, loài người chỉ được mạc khải về Một Thiên Chúa duy nhất. Còn trong Thánh kinh Tân ước, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực ra, Đức Giêsu không nói rõ về Chúa Ba Ngôi, Ngài chỉ nói lên tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng nhờ Chúa Thánh Thần Đấng mà Đức Giêsu  sai đến cho chúng tqa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta  hiểu thêm về ý nghĩa những lời Đức Giêsu dạy và những việc Ngài làm.  Cho đến muôn đời không ai hiểu thấu được mầu nhiệm này dù là những bậc thông minh thượng trí. Tuy nhiên, Chúa sẽ mở trí mở lòng cho những kẻ bé mọn, tức là cho những ai khiêm tốn cầu xin và đón nhận, để có thể cảm nghiệm được mầu nhiệm này trong cuộc sống.

 

          Nhân ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy tăng cường lòng tôn sùng và yêu mến Chúa Ba Ngôi trong đời sống cá nhân, trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Dấu Thánh giá cũng là dấu hiệu nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày. Hãy  thành kính tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi khi làm dấu Thánh giá.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA  

 

          + Bài đọc 1 : Cv 8,22-31.

 

          Bài đọc này ca ngợi Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa, có thể được xem là một sự mò mẫm hướng về sự mạc khải của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

 

          Chúng ta có thể coi Đức Khôn ngoan trong trích đoạn này ám chỉ Ngôi Hai Thiên Chúa.

-          Ngài hiện hữu từ muôn đời.

-          Ngài đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo dựng. 

-          Ngài vừa ở bên cạnh Thiên Chúa, vừa gần gũi với loài người.  

 

+ Bài đọc 2 : Rm 5,1-5.

 

          Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma về vai trò của Ba Ngôi trong cuộc sống người tín hữu.

          Đức Kitô làm cho mối quan hệ yêu thương giữa chúng ta  với Thiên Chúa trở nên hiện thực.

          Quan hệ này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và nâng đỡ chúng ta trong lúc gian khổ. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta  nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

          Từ nay, nhờ đức tin, chúng ta có thể “được bình an với Thiên Chúa” và nhờ đức ái, sống bởi tình yêu của Ngài.

 

          + Bài Tin mừøng : Ga 16,12-15.  

 

          Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu có ý tỏ bày cho các môn đệ mối liên hệ của Ngài đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng đặc biệt về vai trò của Chúa Thánh Thần :

           - Những gì Chúa Con mạc khải đều nhận lãnh từ nơi Chúa Cha.

           - Sẽ không còn mạc khải nào mới nữa.  

           - Chính Chúa Thánh Thần giúp các ông tiếp thu trọn vẹn ý nghĩa mọi điều Đức Giêsu nói, đặc biệt về Chúa Cha.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA  

                                                Chúa Ba Ngôi trong đời sống ta

I. MẠC KHẢI VỀ CHÚA BA NGÔI    

 

1.    Về bài Tin mừng hôm nay.   

 

Bài Tin mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài tường thuật  về cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và các môn đệ trước khi Thầy trò sắp biệt ly (x. Ga 13,17).  Trong đoạn này, Đức Giêsu không hề nói về Chúa Ba Ngôi vì chưa bao giờ Ngài nói tới từ ngữ đó. Ngài chỉ có ý tỏ bầy cho các môn đệ thấy rõ mối tương quan của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

 

2.    Mạc khải của Cựu ước.   

 

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không được mạc khải trong Kinh thánh Cựu ước, bởi vì dân riêng của Chúa trong Cựu ước chưa sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm này. Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất. Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất trong Cựu ước (Đnl 6, 4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần ở Trung đông thời bấy giờ.

 

Thế nên, Thánh kinh Cựu ước không nói gì về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đôi khi Thánh kinh Cựu ước ám chỉ – ám chỉ chứ không nói rõ – về Ba Ngôi Thiên Chúa mà thôi.  Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên Chúa dùng số nhiều để nói về mình :”Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta”(St 1,26). Đại danh từ Ngôi Thứ Nhất số nhiều ở đây là “chúng ta” ám chỉ rằng có hơn một Ngôi vị trong Thiên Chúa.

 

3. Mạc khải của Tân ước.  

 

          Chỉ khi Đức Giêsu xuống thế làm người chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa và hứa sai Thánh Thần xuống để hướng dẫn thì tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện.

 

          Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan : Chim bồ câu  ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán :”Con là Con Ta yêu dấu”(Mt 1,11). Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu còn bầy tỏ cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần :”Thầy ra đi thì có lợi cho các con hơn. Nếu Thầy không đi, Đấng Phù trợ  sẽ không đến với các con”(Ga 16,7) Tiếng nói, chim câu, Đức Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.

 

          Trong Tin mừng thánh Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi :”Các con  hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ  nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,19).

 

          Thánh Phaolô luôn cầu chúc cho các tín hữu : “Aân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.

 

II. TÌM HIỂU VỀ CHÚA BA NGÔI

 

1.    Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả. 

 

Nếu ai đọc kinh cầu chữ của Giáo phận Bùi chu do ông cử Thiện dịch thì khi nói tới Chúa Ba Ngôi chúng ta có câu :”Tam vị nhất thể Thiên Chúa gia” nghĩa là Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Theo giáo lý Công giáo, chúng ta biết chỉ có một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi là : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi Ngôi Vị đều bằng nhau về thần tính và uy quyền, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi Ngôi Vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất. Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi yêu thương nhau hướng về nhau.

 

2.    Sinh họat của Ba Ngôi.

 

Vì Ba Ngôi là một Thiên Chúa, nên mọi hành động trong Ba Ngôi đều chung với nhau. Nhưng theo thần học thì những hành động trong Ba Ngôi chia ra thành hai loại :

- Opus ad intra : hành động hướng nội.

- Opus ad extra : hành động xuất ngoại.

 

Hành động hướng nội của Ba Ngôi như sự sống và tình yêu… thì Ba Ngôi như nhau, nghĩa là Ngôi nào cũng sống động và cũng yêu thương, không những thương yêu mình mà còn thương yêu nhau để phát sinh mọi tạo vật, để mọi tạo vật yêu lại mình. Vì thế, thánh Gioan Tông đồ đã gọi :”Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,16).

Hành động xuất ngoại cũng là hành động chung cho cả Ba Ngôi Vị, nhưng thần học thường chỉ riêng cho Ngôi Vị này ngôi khác hành động này hành động nọ, với mục tiêu làm sáng tỏ của từng Ngôi Vị. Ví dụ : việc tác thành vũ trụ thì chỉ cho Chúa Cha – việc cứu chuộc thì chỉ cho Chúa Con – và việc thánh hóa thì chỉ cho Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần, mặc dầu tác thành cũng là Thiên Chúa tác thanh – cứu chuộc cũng là Thiên Chúa cứu chuộc – và thánh hóa cũng là Thiên Chúa thánh hóa, tại vì Ba Ngôi cũng là một Thiên Chúa mà thôi.

 

Ở đây nghe có vẻ lủng củng, nhưng học thần học thì phải nói như thế. Nói như thế nhưng cũng chẳng hiểu gì !!! Tuy thế, chúng ta vẫn phải tìm hiểu theo khả năng của chúng ta, còn bao nhiêu Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn và bổ túc cho như lời Đức Hồng y Henri de Lubac đã nói :

 

“Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương. Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là bên bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ. Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta  với sức mạnh Chúa Thánh Thần”.

 

3.    Mấy hình ảnh diễn tả Chúa Ba Ngôi.

 

Trong cuộc đời trần thế này, nơi chúng ta còn bước đi trong đức tin, chúng ta không thể hiểu được hết được nhiều về một mầu nhiệm nào cả và thâm sâu như vậy. Chúng ta chỉ hiểu phần nào trong giới hạn chật hẹp của trí tuệ con người và qua những hình ảnh tương đối, bất toàn, mượn nơi thế giớùi loài người  Ví dụ : hình tam giác đều có ba cạnh ba góc bằng nhau;  thời gian có ba giai đoạn  : quá khứ, hiện tại, tương lai;  nước  ở thể hơi, thể lỏng, thể đặc;  điện có sức làm chuyển động, đốt nóng và soi sáng… Chúng ta dùng kiểu nói nào hay hình ảnh nào để diễn tả cũng chỉ là tương đối, chứ không thể nào diễn tả hết được.

 

III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI CHÚA BA NGÔI  

 

1.    Sự hiểu biết còn rất hạn hẹp. 

 

Đức Giêsu sắp sửa về trời, nơi mà từ đó Ngài được sai đến trần gian, Ngài đến trần gian để bầy tỏ cho loài người biết Thiên Chúa. Sứ mạng của Ngài đã hoàn thành, nhưng sự hiểu biết về Thiên Chúa của loài người mới chỉ bắt đầu :”Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không có sức chịu nổi”(Ga 16,12).

 

Cũng như các Tông đồ, chúng ta mới chỉ ở bước đầu của một cuộc khám phá, một cuộc mạo hiểm. Có nhiều điều chúng ta chưa chịu nổi, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cho chúng ta sau này. Chớ gì đừng bao giờ chúng ta tự mãn, coi mình là hiểu biết tất cả, vênh vang trước những mảnh vụn đức tin tầm thường mà chúng ta đang sống.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người  không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói lòa rực rỡ, ánh sáng ban sự sống  cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dầy đặc mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

 

Truyện : Augustinô và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

 

          Thánh Augustinô một hôm đi bách bộ trên bãi biển và tâm trí thì luôn suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi  :  Làm sao chỉ có một Thiên Chúa và Ngài lại có Ba Ngôi khác nhau : Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con và Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.  Như vậy lẽ ra phải có Ba thay vì chỉ có Một Thiên Chúa mới hợp lý ?  Augustinô không sao lý giải được mầu nhiệm này : Một mà lại là Ba, và Ba chỉ ở trong Một ?

 

          Bấy giờ Augustinô trông thấy em bé trai đang ngồi trên bãi biển, tay cầm một cái vỏ sò múc nước biển rồi đổ vào một cái lỗ nhỏ hang còng ở trên bãi cát. Vị Giám mục hỏi cậu bé :

- Này em, em đang làm gì vậy ?

Cậu bé trả lời :

- Cháu đang cố gắng múc tất cả nước của đại dương này để đổ vào lỗ hang của con còng này

Vị Giám mục nói :

- Sao em lại làm một điều vô lý như thế ? Em hãy nhìn xem : nước biển bao la như vậy thì làm sao cái lỗ hang còng nhỏ bé kia có thể chứa hết nước của nó được ?

Nhưng Augustinô thật bất ngờ, khi nghe cậu bé đáp  :

- Việc cháu làm đây cũng không vô lý bằng việc Ngài đang làm : làm sao ngài có thể dùng trí khôn nhỏ bé của ngài mà hiểu thấu được mầu nhiệm lớn lao vô cùng của Thiên Chúa ?

Nói xong cậu bé biến mất.

Bấy giờ Giám mục Augustinô hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để giúp mình ý thức về sự giới hạn và bất lực khi phải đối diện với  những mầu nhiệm cao cả vô cùng của Thiên Chúa.

 

          2. Phải khiêm nhường tin nhận.

 

          Chúa Ba Ngôi không phải là một thứ ẩn ngữ, một thứ siêu phương trình toán học dành cho những nhà trí thứ ưu hạng… Đó chỉ là một thực tại hoàn toàn đơn giản “bị che giấu đối với các bậc khôn ngoan thông thái”, nhưng lại được  mạc khải cho những người bé mọn”(Mt 11,25).

 

          Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài sẽ giãi bầy những điều thuộc về Đức Giêsu, về ý nghĩa lời giáo huấn cũng như những việc Ngài làm cho chúng ta. Không ai lãnh hội được tất cả những gì Đức Giêsu đã phán, không ai nắm được hết mọi giá trị những lời giáo huấn của Ngài cho cuộc sống, cho đức tin từng cá nhân, cho xã hội, cho thế giới. Chúa Thánh Thần soi sáng liên tục để khai mở ý nghĩa về Đức Giêsu.

 

          Theo lời Đức Giêsu dạy, chúng ta hãy khiêm tốn xin Chúa Thánh Thần đến soi dẫn chúng ta  để tiếp tục hiểu thêm lời Chúa. Về vấn đề này, Linh muc X. Léon-Dufour giải thích thêm :

Nếu Đức Giêsu ngừng nói bên tai, thì việc Ngài nói trong tim (đồng nghĩa với “mạc khải”) vẫn còn tiếp tục nhờ trung gian của Chúa Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần không nói nhân danh quyền năng của mình, cũng giống như Đức Giêsu đã không nói tự ý mình; Thánh Thần sẽ nhận từ Đức Giêsu cũng giống như Đức Giêsu nhận từ Chúa Cha (8, 26). Tiếng nói của Thánh Thần chắc chắn không đập vào lỗ tai, nhưng thấm sâu tự tâm hồn. Như vậy, Chúa Con tiếp tục mạc khải của mình bằng cách thế khác trước, cách thế “thần linh”… Chúa Thánh Thần sẽ là người biểu lộ Đức Giêsu vậy”.

 

          3. Hãy yêu mến và tôn sùng Chúa Ba Ngôi

 

* Trong đời sống cá nhân.

 

Mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng nhau nhắc lại lời thánh Phaolô :”Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống như chính lời Chúa phán :”Ta sẽ cư ngụ và đi lại giữa họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta”(2Cr 6,15).  Dựa vào lời Chúa hứa như thế, nên thánh Tông đồ khuyên nhủ mọi người chúng ta :”Anh chị em yêu dấu, hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự thánh hóa trong niềm kính sợ Thiên Chúa”(2Cr 7,1).

 

          Sống thánh thiện để lòng mỗi người chúng ta xứng đáng là đền thờ của Chúa. Đàng khác, vì biết Thiên Chúa đang ngự nơi lòng mình, hãy tập thưa chuyện với Ngài. Chân phước Eùlizabeth Chúa Ba Ngôi là một nữ tu dòng kín ở Dijon, được tôn phong ngày 24/02/1984, đã sống mầu nhiệm tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn. Chị viết :”Chớ gì tôi được sống mãi trong căn phòng nhỏ bé mà Chúa đã xây dựng từ lâu trong đáy hồn tôi. Ở đó tôi được nhìn thấy Chúa, được cảm nghiệm có Chúa ở bên”. Chị đã cầu nguyện :

 

                             Lạy Chúa Ba Ngôi lòng con thờ phượng

                             Xin cho con quên mãi chính mình đi

                             Để chìm trong Chúa, rồi không biệt ly

                             Bất động và êm như  đi vào vĩnh viễn…

                             Cho hồn con an bình, nơi lưu luyến

                             Thành thiên đàng chỗ an nghỉ tình yêu…”

 

          Cũng hơi lạ, nhưng cũng tâm tình tương tự của sĩ quan trẻ tên Charles de Foucauld, chàng đã từng sống một cuộc đời bê bối, sau này được cải hóa, chàng trở thành một nhà khổ tu tại sa mạc Sahara, Phi châu, và trong một lá thư  gửi về cho bà chị, chàng viết :”Thiên Chúa ở trong chúng ta, tận cung lòng chúng ta. Ngài luôn luôn ở đó, nghe  chúng ta và yêu cầu chúng ta  nói chuyện với vị Thượng khách tối cao của tâm hồn của chị. Yếu hèn như em, đời em như chị đã biết, em còn có thể làm được, thì chị cũng thế. Việc này không làm chị bận rộn đến quên lãng việc khác của chị đâu. Chỉ một phút thôi, thay vì chỉ nhìn mình, thì nay chị thành hai người chu toàn các bổn phận của chị. Dần dà, chị tập được thói quen và sau này chị không ngớt cảm thấy Đấng ngự nơi tâm hồn thật ngọt ngào biết bao”.

          * Trong đời sống gia đình

         

          Mẫu gương đầu tiên, các gia đình chúng ta học được nơi mầu nhiệm Ba Ngôi là mẫu gương về hiệp nhất. Đây là sự hiệp nhất trong tình yêu, khiếân cho Ba Ngôi nên một.  Nếu mỗi thành viên trong gia đình chúng ta cũng biết yêu thương nhau theo mẫu gương của Ba Ngôi, nghĩa là người này luôn nghĩ đến ý muốn, hạnh phúc của người kia, và luôn làm vui lòng người kia, thì gia đình chúng ta  cho dù có nhiều người cũng sẽ trở nên một.

 

          Mẫu gương thứ hai là tuy chỉ có một Chúa nhưng lại là Ba Ngôi riêng biệt. Sự riêng biệt này nhắc nhở chúng ta : trong gia đình, mỗi người có một chỗ đứng và một bổn phận riêng. Do đó, mỗi người cần chu toàn bổn phận của mình trong gia đình cách chu đáo. Mỗi người phải sống theo câu châm ngôn “Chính danh”, nghĩa là  sống đúng với địa vị và vai trò của mình. Vợ chồng biết tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ sống đúng với vai trò của cha mẹ, luôn làm gương sáng cho con cái bằng chính đời sống tiết độ, công chính của mình. Con cái phải biết vâng phục cha mẹ trong tâm tình yêu mến và thảo hiếu, như Đức Giêsu luôn vâng phục Chúa Cha (x. Ga 4,34; Dt 5,8-9).

 

          Nếu mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết sống “Chinh danh”, nghĩa là, từng người trong gia đình luôn sống đúng vai trò của mình và chu toàn nhiệm vụ của mình trong tình yêu, gia đình chúng ta dù đông cũng trở nên một. Chúng ta trở nên một, nhưng mỗi người vẫn còn là chính mình. Nhờ đó, gia đình của chúng ta sẽ không tẻ nhạt, nhưng ngày càng trở nên sung mãn, phong phú và thật sự hạnh phúc (Internet).

 

* Trong đời sống hằng ngày.

 

          Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc nhở cho chúng ta về Chúa Ba Ngôi là dấu Thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta về lòng tin  vào hai mầu nhiệm quan trọng trong đức tin Công giáo là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Cứu chuộc..

 

          Ta thấy Linh mục rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi như lời Chúa dạy :”Các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,20). Các bí tích khác cũng được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Linh mục kêu cầu Chúa Ba Ngôi khi cử hành bí tích Giải tội. Linh mục xức dầu bệnh nhân, nhân danh Ba Ngôi. Đức Giám mục cử hành bí tích Thêm sức trong dấu Chúa Ba Ngôi. Ta bắt đầu và kết thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Trước khi ăn ta cũng làm dấu thánh giá tạ ơn Chúa Ba Ngôi cho ta của ăn hằng ngày. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời và trong cuộc sống hằng ngày.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục