CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN C

TỘI LỖI VÀ ƠN THA THỨ.

+++

A. DẪN NHẬP

 

          Sách Sáng thế cho chúng ta biết những con người đầu tiên đã sa ngã phạm tội, đã phản bội lại tình thương yêu của Thiên Chúa, nhưng dù thế nào đi nữa, Ngài vẫn thương yêu và tha thứ. Bài đọc 1 hôm nay nói lên lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi biết ăn năn thống hối. Vua Đavít đã phạm tội ngoại tình, lại còn âm mưu giết chồng để cướp vợ người ta nữa. Tưởng rằng mọi việc đã được ém nhẹm, nhưng khi được tiên tri Nathan nhắc nhở, vua đã sớm nhận ra tội mình, tỏ lòng thống hối ăn năn nên được Thiên Chúa tha thứ :”Thiên Chúa đã bỏ qua tội của ngài, ngài sẽ không phải chết”(Sm 12,13).

 

          Khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài càng làm sáng tỏ tình yêu tha thứ của Thiên Chúa qua các dụ ngôn : con chiên lạc, đồng tiền bị mất và đứa con hoang đàng. Đặc biệt trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu có một thái độ rất hiền từ và khoan dung  đối với một phụ nữ được mệnh danh là người tội lỗi nổi tiếng trong thành.  Chị ta biết lỗi của mình, ăn năn sám hối, muốn cải tà qui chính, đã có thái độ phục vụ Chúa cách đặc biệt, nên được Ngài chấp nhận và ban ơn tha thứ :”Tội của chị đã được tha”.

 

          Qua cách cư xử của Đức Giêsu, chúng ta đừng đánh giá người khác theo cái vỏ bề ngoài vì cái vỏ bề ngoài không nói lên cái thực chất bên trong. Ông Simon và những thực khách khác chỉ nhìn chị phụ nữ này theo cái vỏ bên ngoài : nàng là một người tội lỗi, một đống bùn nhơ  phải bị loại bỏ. Còn Đức Giêsu có cái nhìn ngược lại, Ngài nhìn ra tấm lòng của chị, một tấm lòng thành thật, khiêm cung, yêu mến, muốn đổi mới cuộc đời của mình.

 

          Nhìn vào cuộc đời của Đavít và người đàn bà tội lỗi, chắc chúng ta an tâm vì chúng ta đâu có phạm những tội tầy đình như vậy ! Nhưng sự an tâm ấy có thể đem lại cho chúng ta một nguy cơ, đó là chúng ta bị ru ngủ trong đời sống đạo đức mà khinh thường những tội nhỏ mọn, không biết đề phòng, có thể sa ngã vào những tội nặng nề mà không ngờ. Chính thánh Phaolô đã nói :”Ai đang đứng, hãy ý tứ kẻo ngã”.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          +  Bài đọc 1 : 2Sm 12,7.11-13.

 

          Sách Samuel kể lại cho chúng ta câu chuyện vua Đavít đã phạm một tội rất nặng nề, nhưng đã được Thiên Chúa tha thứ. Trước tiên vua đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabê vợ ông Uria, một tướng quân của nhà vua, tiếp theo vua còn tìm cách dùng tay quân giặc mà giết ông để chiếm lấy vợ của ông ấy.

 

          Công việc tưởng đã được ém nhẹm nhưng Thiên Chúa sai tiên tri Nathan đến nhắc nhở cho vua về tội tầy đình ấy. Ý thức về tội lỗi của mình, nhà vua hết lòng ăn năn và được Thiên Chúa tha thứ vô điều kiện :”Thiên Chúa đã bỏ qua tội của ngài, ngài sẽ không phải chết”.

          +  Bài đọc 2 : Gl 2,16.19-21.

 

          Về việc công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô đã được thư gửi tín hữu Rôma nói đến nhiều (x. Rm 3,21-25a.28). Ở đây, trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô muốn làm sáng tỏ  tầm mức công chính hóa do cái chết của Đức Kitô trên thập giá đem lại.

 

          Ta có thể nói  đoạn thư này chứa đựng ý tưởng chính  của toàn thể bức thư gửi tín hữu Galát : con người được nên chông chính (được cứu độ) nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề luật.

 

          +  Bài Tin mừng : Lc 7,36-8,3.

 

          Bài Tin mừng hôm nay được chia thành hai phần :

 

          a) Chuyện người đàn bà tội lỗi đến lau chân Chúa nhân bữa tiện tại nhà ông Simon.

          Nàng là một người tội lỗi nổi tiếng trong thành, ai cũng biết. Nàng mạnh bạo tỏ lòng thống hối, đến quì dưới chân Đức Giêsu, khóc nức nở, lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mà lau và hôn chân Ngài., và không tiếc bình dầu thơm quí giá (khoảng 300 đồng,  tương đương với 10 tháng lương) xức chân Ngài.

 

          Thấy tâm tình thống hối chân thật và can đảm muốn thay đổi cuộc sống tội lỗi, Đức Giêsu đã tha tội cho chị. Câu nói của Đức Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng :”Tội nàng nhiều, nhưng được tha hết vì nàng yêu mến nhiều”.

 

          b) Phần sau là bản tóm lược những người đi theo Đức Giêsu trên bước đường đi rao giảng Tin mừng : Nhóm 12, và các phụ nữ, người bình dân lẫn người quyền quí. Càc bà đã theo giúp Ngài bằng công sức và của cải vất chất.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

                                                Tội của con đã được tha.

I. THIÊN CHÚA GIẦU LÒNG THƯƠNG XÓT.

 

          Trong bài đọc 1 và bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Ngài sẵn sàng tha thứ vô điều kiện cho những ai có lòng thống hối.

 

          1. Thiên Chúa tha thứ cho Đavít.

 

          Bài đọc Cựu ước trích trong sách tiên tri Samuel hôm nay nhắc nhở lại trường hợp phạm tội của vua Đavít. Vua đã phạm tội một cách rất khéo léo, phạm tội mà hầu như không ai biết, cho nên mọi người vẫn coi vua  như một người thánh thiện gương mẫu. Vua đã phạm tội ngoại tình. Vua đã ngoại tình với vợ của Uria, một tướng quân của triều đình, sau đó lại dùng âm mưu thâm độc để giết chết Uria hòng che giấu tội của mình. Tưởng thế là xong, không ngờ Thiên Chúa sai nhà tiên tri Nathan đến, kể cho vua nghe một câu chuyện  về một người giầu có cướp con chiên của một người nghèo khó để tiếp đãi khách. Đavít nổi giận đòi trừng phạt kẻ bất lương ấy. Nhưng nhà tiên tri liền nói :”Người bất lương ấy chính là vua” ! Đavít đã cúi đầu nhận tội lỗi, nhận lãnh việc đền tội. Thánh vịnh 50, MISERERE,  ngàn đời vẫn còn vang lên tiếng nức nở của một tâm hồn thống hối ăn năn. Nhưng câu nói của tiên tri Nathan “Thiên Chúa tha tội cho vua” là một lời an ủi vô tận cho những người thống hối .

 

          2. Đức Giêsu tha tội cho người đàn bà tội lỗi.

 

          Thường người biệt phái không ưa Đức Giêsu mà chỉ tìm cách gài bẫy để ám hại Ngài. Tuy thế, thánh Luca cho chúng ta biết cũng có một thứ biệt phái lễ độ hơn, vẫn có cảm tình với Ngài, họ dám mời Ngài đến nhà dùng bữa.

 

          Hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta việc ông Simon, một người biệt phái,  mời Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông. Có thể ông mời nhà rabbi trẻ tuổi đến để có dịp  quan sát hơn là vì hiếu khách, nhưng ông cũng tỏ ra có chút lễ độ. Theo phong tục của Phương Đông, khi nhà có tiệc tùng thì cửa thường bỏ ngỏ, kẻ ra người vào tấp nập. Một người đàn bà, ai cũng biết thuộc phường tội lỗi lẻn vào đứng đàng sau đám thực khách. Bà mang theo một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Rồi quì xuống dưới chân Chúa, bà khóc nức nở, xức dầu thơm, hôn bàn chân ướt đẵõm nước mắt và lấy tóc mà lau. Mọi người trố mắt nhìn cho là một việc quái gở, nhất là ông chủ nhà Simon… Nhưng Đức Giêsu coi như không để ý đến  những người chung quanh mà chỉ nói với cô ta :”Tội chị rất nhiều, nhưng đã được tha rồi, vì chị đã yêu mến nhiều”.

 

II. TẠI BỮA TIỆC NHÀ ÔNG SIMON BIỆT PHÁI.

 

          1. Cách tiếp đón và ăn tiệc của người Do thái.

 

          Theo tục lệ Do thái, khi khách đến nhà thì chủ nhà lấy nước rửa chân tay cho khách, hôn chào, xức dầu thơm trên đầu. Trong trường hợp này, ông Simon đón tiếp Đức Giêsu một cách sơ sài, không theo nghi thức đón khách đàng hoàng theo tục lệ.

 

          Phòng tiệc của người Do thái không được xếp đặt từng bàn tiệc như chúng ta ngày nay, các thực khách nằm trên những di văng, chân thò ra ngoài. Từ ngữ Hy lạp được dùng ở đây (Katéklithé) thực ra có ý nghĩa là :”Ngài nằm ở bàn ăn”. Vậy đây là một bữa tiệc mừng mà người ta nằm dài trên các di văng để dùng bữa, trong một khung cảnh tiện nghi. Các cửa phòng tiệc luôn rộng mở, người ta có thể ra vào tự do. Vì thế, người đàn bàn có thể xuất hiện và đứng ngay dưới chân Chúa đang thò ra ngoài.

 

          2. Sự xuất hiện của người đàn bà tội lỗi.

 

          Ở Phương Đông có thói quen cho người ta ra vào tự do khi nhà có tiệc, vì thế mới có một người đàn bà xuất hiện đứng ngay dưới chân Đức Giêsu. Người ta đã biết người phụ nữ ấy. Trong thành phố, xem ra mọi người đã biết trường hợp của chị đó là một người đàn bà tội lỗi”.

 

          a) Người đàn bà này là ai ?

 

          Đoạn Tin mừng không nói người đàn bà này là ai. Bà chỉ được gọi là “người tội lỗi” (Lc 7,39) vậy thôi. Tại sao người biệt phái, những người khách khác, và cả chúng ta  cũng mau xét đoán người đàn bà này dựa trên từ ngữ “người tội lỗi” ?

 

          Một học giả Thánh Kinh, J. Jeremias, đã nói rằng chữ “người tội lỗi” ở đây không có nghĩa là “điếm”. Ông nói “người tội lỗi” cũng có thể gán cho những người  hành nghề không mấy vinh quang chẳng hạn như thu thuế, chăn chiên, cưỡi lừa, người bán hàng rong, thợ da thuộc hay một người nào không thành thật, một người nói dối trong bất cứ loại buôn bán nào (Nguyễn văn Thái).

 

          Câu chuyện kể ở đây là đặc biệt của thánh Luca. Không được lẫn câu truyện của thánh Luca kể đây với một việc xức dầu ở nhà ông Simon tật phong kể trong Matthêu 26,6-13 ; Marcô 14,3-9 và Gioan 12,1-8. Cũng không nên lẫn người tội lỗi này với bà Maria quê ở Bêtania, ông Simon mời Đức Giêsu đến dự tiệc.

 

          b) Bà đã hành động như thế nào ?

 

          Nghe biết Đức Giêsu, biết lòng nhân hậu của Ngài, bà nuối tiếc về đời sống quá khứ, cương quyết đến với Ngài để được tha thứ. Bà vào phòng tiệc, đến chỗ Chúa nằm, không thấy Chúa đuổi, bà phần vui mừng, phần đau đớn vì tội lỗi, nước mắt tuôn rơi trên chân Chúa, rồi lấy mái tóc dài của mình mà lau, hôn chân Chúa lìa lịa. Sau cùng bà đã đập bể một bình thuốc thơm quí giá đổ lên chân Chúa. Bà nghĩ không xứng đáng đổ trên đầu. Bà không cần nói câu nào, nhưng cử chỉ đã nói tất cả.

 

          3. Cách đánh giá người khác.

 

          a) Cách đánh giá của ông Simon.

 

          Việc Đức Giêsu để cho người đàn bà tội lỗi hành động như thế làm cho ông Simon rất bất bình vì là điều chướng tai gai mắt. Ông khinh bỉ người đàn bà.  Quả thật, theo luật pháp của Israel, người ta trở thành “ô uế” khi chạm vào người đàn bà tội lỗi, cũng như vào một xác chết hay một con heo. Thấy thái độ của Đức Giêsu đối với người đàn bà tội lỗi như thế, nên mới có dư luận giữa người biệt phái : Đức Giêsu không phải là một người của Thiên Chúa, không phải là một tiên tri,

 

Truyện : Bé cái lầm.

 

          Có một câu chuyện được đăng trong tạp chí Reader’s Digest như sau : Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Aâu châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của Luân  đôn. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh qui, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh  tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi máy bay.

 

          Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người  đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt  thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay  lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt.  Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.

 

          Cho đến lúc cả hai  đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết cỡ nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.

 

          Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận. Các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó. Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người ta.  Chàng kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng.

 

          Câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế đừng vội xét đoán, kết án. Và cũng phải sẵn sàng thay đổi cái nhìn của mình khi chúng không còn đúng với sự thật nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải thay đổi cách nhìn về người khác. Hãy đeo cặp kính khác rồi mọi sự sẽ thay đổi theo ta.

 

          Trong câu chuyện Phúc âm, người biệt phái nghĩ rằng ông là người công chính, xứng đáng ngồi cùng bàn với Đức Giêsu, còn người phụ nữ kia không xứng đáng đến trước mặt Ngài. Nhưng cuối cùng, Đức Giêsu đã vạch ra cho thấy người phụ nữ với lòng ăn năn thống hối, nhận mình là tội lỗi, lại xứng đáng ngồi bàn tiệc với Chúa hơn là người biệt phái tự coi mình là người công chính.

 

          b) Cách đánh giá của Đức Giêsu.

 

          Người biệt phái nhìn người đàn bà tội lỗi như một thứ bùn nhơ. Còn Đức Giêsu thì lại có cái nhìn ngược lại. Chị ta không có quyền xuất hiện ở bữa tiệc ấy. Chị đã đến chỉ vì Đức Giêsu có mặt. Chị xuất hiện trước mặt Ngài với con người thật của chị và phục vụ Ngài với tất cả lòng yêu mến. Và mặc dù Ngài biết rõ người phụ nữ ấy thuộc hạng người nào, Ngài cũng vui lòng chấp nhận sự phục vụ của chị ta.

 

          Thay vì xua đuổi chị, Đức Giêsu đã đón nhận chị một cách tử tế, dịu dàng và khoan dung. Ngài đã xúc động sâu xa bởi những việc chị đã làm. Ngài đã vạch trần các tội lỗi của chị. Chị đau đớn biết tội của mình, và hối hận về những tội ấy. Ngài bảo đảm chị đã được tha thứ.  Không những thế, Ngài để cho chị hiểu rằng chị được yêu thương. Như thế chị có thể thực hiện một cuộc bắt đầu mới mẻ.

 

Truyện : Cái nhìn của Michelangelo.

 

          Một ngày kia một người bạn đến thăm Michelangelo. Ông thấy nhà điêu khắc vĩ đại đang đục đẽo một tảng đá cẩm thạch lớn. Sân nhà phủ đầy những mảnh cẩm thạch vỡ và bụi bặm. Một cảnh tượng không lấy gì đẹp lắm.

          Chúa ơi, ông đang làm gì vậy “? Người bạn hỏi.

          Tôi đang thả thiên thần bị gam trong khối cẩm thạch này ra” Michelangelo đáp.

 

          Người biệt phái Simon nhìn người phụ nữ chỉ thấùy chị ta là tội nhân và mãi mãi là tội nhân. Đức Giêsu nhìn người phụ nữ và thấy chị ta  là một người phụ nữ tội lỗi có khả năng trở thành một vị thánh. Nhờ sự gặp gỡ với Đức Giêsu, người  phụ nữ bắt đầu sống một đời sống mới tốt đẹp hơn. Và chị có thể hành trình trên con đường ấy xa hơn những người đã đoán xét chị. Bằng việc tiếp xúc tử tế và tiếp nhận quà tặng của chị với lòng khoan dung, Đức Giêsu đã thổi luồng gió vào cánh buồm của chị (McCarthy).

 

          Con người yếu đuối có nhiều lầm lỗi, đó là một điều hiển nhiên vì “Lầm lỗi là của con ngườ và tha thứ là của Thiên Chúa” (A. Pope) và “Tha thứ thật sự là một hành động thần linh mà chúng ta chỉ học được nơi Thiên Chúa”(Madeleine Danielou).

 

          Có một cuộc tranh luận là phải chăng người phụ nữ ấy được tha thứ vì yêu nhiều, hoặc chị yêu nhiều vì đã được tha ?  Theo tôi, cả hai ý nghĩa ấy đều phù hợp với Luca, vì vậy ông nhấn mạnh đến sự tha thứ của Thiên Chúa trong Đức Kitô lẫn sự đáp lại bằng yêu mến mà sự tha thứ ấy gợi lên.

 

III. CON NGƯỜI CÓ THỂ CẢI THIỆN ĐƯỢC.

 

          1. Tội nhân tìm Thiên Chúa hay Thiên Chúa tìm tội nhân ?

 

          a) Thiên Chúa đi tìm tội nhân.

 

          Trước tiên chúng ta phải khẳng định rằng Thiên Chúa đi tìm tội nhân.  Một số dụ ngôn đã nói với chúng ta về điều đó. Dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con ở lại để đi tìm con chiên lạc, khi tìm thấy chiên, ông vác lên vai đưa về. Dụ ngôn người đàn bà mất một đồng bạc đã đốt đèn tìm kiếm khắp nhà, khi tìm được bà mở tiệc ăn mừng. Dụ ngôn đứa con hoang đàng được người cha đón trở về trong sự tha thứ, còn mở tiệc ăn mừng vì con mình đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

 

          b) Con người đi tìm Thiên Chúa.

 

          Trong trường hợp bài Tin mừng hôm nay, người phụ nữ tội lỗi đã đi tìm Chúa. Chị ta đã tự dẫn xác đến nộp mạng cho Đức Giêsu. Chị khóc lóc rồi tự lấy bình dầu thơm quí giá để xức và lau chân Đức Giêsu. Cử chỉ của chị làm cho Đức Giêsu được coi như là người mắc nợ năm trăm quan tiền, không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai.

 

          c) Như vậy ai  đi tìm ai ?

 

          Tội nhân đi tìm Thiên Chúa hay Thiên Chúa đi tìm tội nhân ? Dĩ nhiên Thiên Chúa đi tìm tội nhân trước, Ngài đã có sáng kiến trước, Ngài tạo mọi điều kiện thuận lợi và ban cho tội nhân đủ ơn trợ giúp để tìm đến với Chúa để lãnh được ơn tha thứ. Chúng ta phải luôn nhớ lời Đức Giêsu đã phán :”Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.

 

          2. Cải tà qui chính là điều có thể.

 

          Con người tuy yếu đuối hay sa ngã nhưng cũng có khả năng đứng vững trước sự trợ giúp của Thiên Chúa, hoặc có sa ngã thì cũng có thể chỗi dậy được. Người ta thường nói :”Nhân chi sơ tính bản thiện”, tự bản tính con người là tốt, nếu có sa ngã, nếu có hư hỏng thì cũng có thể sửa chữa được, miễn là phải cố gắng không ngừng… Cha Flor McCarthy đã đưa ra một câu chuyện để chứng minh cho điều đó.

 

Truyện : chiếc đèn cũ kỹ.

 

          Một đêm nọ trong lúc bị cúp điện, một người đàn ông  tìm được một cây đèn cũ  đốt bằng mỡ từ trên tầng gác để đồ cũ. Tình trạng của đèn thật thảm hại, bóng đèn nứt và đen thui. Dù sao, ông cũng đốt đèn và nó tỏa ra một ánh sáng yếu ớt. Đã vậy, bấc đèn bốc khói  tỏa ra một mùi khét lẹt. Thật là quá mức đối với một người thích mọi vật hoàn hảo như ông. “Cái đèn này thật vô dụng nên vứt nó đi”, ông nói với vợ ông. Nói xong ông tắt đèn dầu, lấy nến ra đốt.

          Ba tuần sau, lại cúp điện. Lần này, vợ ông đem lại ánh sáng. Bà lấy ra một cái đèn dầu đẹp, đốt lên. Một ánh sáng mầu hồng tỏa ra làm cả nhà thích thú.

          Cái đèn này thật tuyệt” ! ông chồng nói :”Bà mua nó ở đâu”?

          Đó là cái đèn mà ông muốn vứt đi đấy”, bà đáp.

          Sau khi đến thật gần để xem xét, ông nói:”Chắc tốn khá nhiều tiền để tân trang nó như thế này” ?

          Thãt ra chẳng tốn gì mấy”, bà đáp. “Tôi chỉ mua một cái bấc mới và một cái bóng. Nhưng tôi phải bỏ nhiều thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó. Tôi đã nhận thấy dưới lớp bụi bẩn là một cái đèn đẹp. Và ông không thấy rằng tôi có lý sao ?

          Tôi hoàn toàn đồng ý với bà”, ông đáp.

 

          Vứt bỏ một cái đèn dầu thì dễ hơn bỏ thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó. Với con người cũng thế, gán họ vào một loại người nào đó rồi xếp xó họ thì dễ dàng hơn việc đối xử họ như bạn bè và giúp đỡ họ vượt lên sự khốn cùng của họ. Hoán cải một người là một nhiệm vụ tế nhị và khó khăn. (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật và lễ trọng, năm C, tr 454-455).

 

          3. Phải có một cái nhìn đúng.

 

          Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải có một cái nhìn đúng về người và về mình, nghĩa là chúng ta đừng xét đoán người khác dựa trên những tiêu chuẩn của luật lệ, phong tục, và lối sống của chúng ta (Gl 6,4; Rm 2,17-24). Người ta thường nói :”Xanh vỏ đỏ lòng” (Tục ngữ). Câu tục ngữ có ý dạy chúng ta phải lưu ý trong việc đánh giá một người hay một sự việc. Nhiều khi bề ngoài là xấu nhưng tự bản chất là tốt. Nếu chỉ đánh giá theo cái vỏ bề ngoài thì sẽ sai lầm.

 

          Trong bài Tin mừng, người biệt phái, cùng những người khách khác ở bàn tiệc, đã không thể nhìn vào người phụ nữ như Đức Giêsu đã nhìn. Những phong tục, luật lệ, thiên kiến và lối sống đã giới hạn họ. Họ đã xếp loại người phụ nữ này là người tội lỗi. Họ đã tự nghĩ rằng bản thân mình tốt hơn người phụ nữ này nhiều.

 

          Nếu so sánh trường hợp tội lỗi của vua Đavít và người đàn bà tội lỗi với chúng ta, chắc chúng ta nói rằng mình an tâm. Chúng ta an tâm  vì có bao giờ chúng ta phạm những tội nặng như họ đâu ? Có bao giờ chúng ta quá tệ đến nỗi ngoại tình, rồi giết chồng để đoạt vợ người ta ? Có bao giờ chúng ta tệ đến nỗi hành nghề mãi dâm và bị tai tiếng cả thành phố ? Những tội nặng nề như thế mà còn được tha thứ dễ dàng thì huống chi là tội của chúng ta. Vì thế chúng ta cảm thấy an tâm.

 

          Nhưng hãy coi chừng ! Sự an tâm đó có thể đem lại nguy hại cho chúng ta. Tại sao ? Thưa chính vì mình an tâm mà đâm ra coi thường những tội của mình, không cho đó là tai hại bao nhiêu, cho nên khỏi ăn năn thống hối, không quyết tâm từ bỏ. Bài Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta suy nghĩ : không phải đây chỉ là chuyện của người ta mà là câu chuyện của chính mình :

 

                                      Nói người hãy nghĩ đến ta,

                                 Nếu suy cho kỹ lại ra chính mình.

 

Truyện : Biểu diễn trồng táo.

 

          Tại một xứ Hồi giáo, có một người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ vì đã ăn trộm thức ăn của người khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép  xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin nhà vua :

          - Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không được truyền lại cho hậu thế.

          Nhà vua truyền chuẩn bị mọi sự để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn trồng táo. Đến giờ hẹn, trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói :

          -  Chỉ có người nào chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn trộm nên không thể trồng được.

          Nhà vua vẫn chiều lòng tên ăn trộm, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng thưa :

          - Tâu bệ hạ, thần nhớ lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần cảm thấy không đủ điều khiện để trồng  hạt táo này.

          Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong chuyện tiền bạc.

          Không tìm được ai, nhà vua mới định cầm hạt táo đến bỏ vào lỗ. Nhưng ông cũng chợt nhớ ra  lúc còn nhỏ ông đã có lần đánh cắp báu vật của vua cha.

          Bấy giờ người tử tội mới chua xót lên tiếng :

          - Tâu bệ hạ, các ngài là những người quyền thế cao trọng, không thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn hạ thần, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác ăn cho đỡ đói, thế mà các ngài lại kết án treo cổ hạ thần.

          Nghe thế, nhà vua và cả triều thần như xốn xang trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm

 

          Câu chuyện này nhắc nhở cho chúng ta lời Chúa Giêsu :”Tại sao con thấy cọng rác trong mắt anh chị em, còn cái xà trong mắt con thì lại không thấy” (Mt 7,3) ?

 

                                                                            

          Lm Giuse Đinh lập Liễm

          Giáo xứ Kim phát

          Đà lạt

         

 

         

         


Về trang Mục Lục