CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C

CHỜ ĐỢI NGÀY CHÚA ĐẾN

+++

 

 

 

A. DẪN NHẬP  

 

          Hôm nay là tuần lễ áp chót của năm Phụng vụ nên tư tưởng các bài đọc Thánh lễ hôm nay hướng về thời thế mạt và việc Đức Kitô đến lần thứ hai. Qua bài đọc 1, tiên tri Malachia cho biết đối với những kẻ ác thì “Ngày của Chúa” sẽ là ngày phán xét, nhưng đối với người chính trực, đó là ngày cứu chuộc. Còn qua bài đọc 2, thánh Phaolô cho biết có một số tín hữu Thessalonica tin rằng ngày quang lâm của Chúa đã gần kề, nên không chịu làm việc gì cả. Ngài khuyên họ hãy tiếp tục sống và làm việc bình thường, làm ra của mà ăn chứ đừng ăn bám vào người khác. Chính ngài đã làm gương cho họ về điều này.

 

          Trọng tâm của bài đọc hôm nay là Đức Giêsu loan báo việc đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá và liên kết với việc tàn phá đền thờ, Đức Giêsu nói về ngày tận thế.  Trong khi chờ  đợi “Ngày của Chúa” tức là ngày Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời đại bị bách hại. Nhưng đừng sợ, hãy kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ làm cho các tín hữu chiến thắng trong thời kỳ sau cùng với điều kiện họ phải luôn bền đỗ.

 

          Trong khi chờ đợi Ngày của Chúa chúng ta phải  có thái độ nào ? Chúng ta phải đặt hết niềm tin tưởng phó thác vào chương trình quan phòng của Chúa rồi sống an nhiên tự tại. Hãy cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình hằng ngày, làm một cách chu đáo.  Đồng thời phải dọn mình chết lành, vì mọi sự sẽ phải qua đi, kể cả mạng sống mình, để khỏi phải bồn chồn lo lắng về ngày tận cùng của thế giới và nhất là của đời mình. Ước gì ngày quang lâm của Chúa sẽ là niềm hy vọng và niềm vui cho chúng ta khi chúng ta đang nóng lòng chờ đợi Chúa đến.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA 

 

          + Bài đọc 1  :  Ml 3,19-20a  

 

          Khi trở về Giêrusalem, những người lưu đầy gặp một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, và họ ngạc nhiên  vì không thấy Thiên Chúa thưởng công cho lòng trung tín của họ. Tiên tri Malachia nói với họ về “Ngày của Chúa “: đối với kẻ xấu, ngày của Chúa sẽ là ngày phán xét, nhưng đối với người chính trực, đó là ngày cứu chuộc.  Giống như mặt trời, ngày của Chúa sẽ là ánh sáng cho người công chính, nhưng là lửa thiêu hủy những ai quay lưng lại với Người.

 

          + Bài đọc 2 : 2Tx 3,7-12

 

          Nhiều tín hữu trong giáo đoàn Thessalonica nghĩ rằng sắp đến ngày tận thế rồi , nên họ lười biếng không muốn làm gì cả.

 

          Thánh Phaolô khiển trách họ về lối sống đó, và ngài khuyên họ phải tích cực làm việc, không được ăn bám vào người khác. Chính ngài đã làm gương cho họ về việc lao động để làm ra lương thực nuôi sống mình.

 

          + Bài Tin mừng : Mt 25,14-30

 

          Chúng ta nghe lời tiên báo về sự tàn phá Đền thờ Giêrusalem  và cho biết hoàn cảnh của Giáo hội trong một thời đại thử thách. Tuy Đức Giêsu đưa ra lời tiên tri về Đền thờ bị phá hủy (đã xẩy ra vào năm 70) nhưng chủ yếu giao huấn của Ngài là  nói về ngày sau hết của thế giới và của con người. Đồng thời Ngài cũng trấn an và hứa phù trợ những ai  đặt trọn niềm trông cậy nơi Ngài.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

 

          Chờ đợi ngày Chúa đến

I. NHỮNG LỜI TIÊN BÁO

 

          1. Đền thờ Giêrusalem tráng lệ

         

          Ngày nay đền thờ Giêrusalem không còn vết tích nào, như lời Đức Giêsu đã tiên báo, tuy nhiên, tìm về nguồn gốc chúng ta được biết Đền thờ thứ nhất được vua Salomon xây dựng rất nguy nga đồ sộ (1V 6,11t), nhưng rồi bị vua Nabuchodonosor chiếm và phá hủy vào năm 587.  Sau thời lưu đầy, Esdras và Nêhêmia xây đền thờ thứ hai và khánh thành năm 515, nhỏ và kém nguy nga so với đền thờ thứ nhất. Sau đó, đền thờ Giêrusalem còn được tái thiết nhiều lần.

 

          Lời Đức Giêsu nói về đền thờ Giêrusalem do vua Hêrôđê Cả cho xây  cất lại, tân kỳ và khá đồ sộ nguy nga. Hoàn tất trước Chúa giáng sinh 19 năm, nên đến thời Đức Kitô còn rất mới.

 

          Vẻ đẹp nguy nga của Đền thờ còn được sử gia Joseph Flavius (37-95) diễn tả trong cuốn “The Wars of Jews”, cuốn 5, phần 5 như sau :”Từ phía trước, vẻ mặt bên ngoài của đền thờ đã làm kinh ngạc con mắt và trí óc của con người, vì nó được bao phủ toàn bộ bằng những miếng vàng rất nặng, vào lúc mặt trời mọc, nó phản chiếu lại sự huy hoàng cực kỳ chói lọi, làm cho những ai cố gắng bắt buộc mình nhìn thẳng vào nó đều phải quay đi nơi khác,  giống như thể họ vừa nhìn vào ngay ánh mặt trời.  Nhưng từ ở đàng xa, đền thờ xuất hiện đối với những người lạ, giống như một ngọn núi được bao phủ bằng tuyết, vì đối với những phần không được mạ vàng, chúng lại cực kỳ trắng xóa”.

 

          2. Đền thờ sẽ bị phá hủy. 

 

          Lúc đó, tại khuôn viên đền thờ Giêrusalem, có một số người nhìn ngắm và trầm trồ khen ngợi lối kiến trúc và vật liệu xây cất đền thờ, và người ta có cảm tưởng  rằng đền thờ này thật kiên cố và sẽ không bao giờ bị phá hủy.

 

          Nhưng ngược lại, đứng trước sự tráng lệ huy hoàng của đền thờ, Đức Giêsu quá xúc động vì Ngài đã nhìn thấy trước sự tàn phá của nó, nên Ngài nói :”Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”(Lc 21,6).

 

          Thật thế, bốn mươi năm sau khi Đức Giêsu chịu chết vào năm 70 sau dương lịch, vì sự nổi loạn của người Do thái, quân đội Rôma đã bao vây thành Giêrusalem và đền thờ bị phá hủy.  Theo nhà chú giải Thánh Kinh William Barclay, sử gia Joseph Flavius đã cho biết một con số tổn thất không thể tưởng tượng nổi : một triệu một trăm ngàn người bị chết trong vòng vây, và chín mươi bảy ngàn người bị bắt mang đi đầy.

 

          3. Ý nghĩa lời tiên báo của Chúa

 

          Nghe Đức Giêsu loan báo như vậy, mọi người kinh hoàng. Họ muốn Chúa cho biết thời gian và dấu chỉ báo trước về ngày tàn phá đền thờ.

 

          Đức Giêsu không trả lời về thời gian và dấu chỉ báo trước đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, nhưng Ngài dựa vào lời tiên báo trên đây để nói về ngày tận thế, ngày mà Ngài sẽ trở lại trong vinh quang. Ngài cho biết ngày tận thế chắc chắn sẽ xẩy ra như đền thờ Giêrusalem bị phá hủy vậy.

 

          Như vậy, ngày tận thế có thể được hiểu là ngày sau hết của đời sống mỗi người ở trên trần thế hoặc là ngày tận cùng của thế giới.  Nếu hiểu ngày tận thế  là ngày cuối cùng của cuộc sống mỗi người ở trần thế, thì ngày tận thế chính là cái chết của mỗi người, ngày Chúa gọi mỗi người ra khỏi thế gian đến trước tòa thẩm phán.

 

          Khi nào ngày cuối hết của mỗi người hay khi nào ngày cuối hết của thế giới xẩy ra, và xẩy ra thế nào, đối với chúng ta không hẳn là quan trọng. Cái điều quan trọng là  ta sửa soạn cho đến ngày đó. Điều ám chỉ trong Tin Mừng hôm nay là ta phải trả lẽ trước mặt Chúa, và nếu ta khôn ngoan, ta sẽ liệu làm hòa với Chúa khi còn đủ thời giờ trước khi Chúa đến.

 

II. CHUẨN BỊ CHO “NGÀY CỦA CHÚA”.

 

          “Ngày của Chúa” theo cái nhìn của các tiên tri chính là ngày mà Thiên Chúa ra tay hùng mạnh để giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang. Dần dà qua dòng lịch sử cái nhìn về “Ngày của Chúa”đã được biến đổi. “Ngày của Chúa”  chính là ngày chung cuộc của tất cả thế giới. Vì thế, Ngày của Chúa là ngày xét xử kẻ dữ và ngày ban thưởng cho kẻ lành.

 

          1. Phải chịu đau khổ 

 

          Đức Giêsu cho biết ngày tận thế chắc chắn sẽ xẩy ra, nhưng trước ngày đó, mọi người sẽ phải đương đầu với bao đau khổ, bao gian nan thử thách.

 

          Người tín hữu cùng với mọi người là anh em và cũng như họ sẽ phải đối mặt với những thăng trầm và biến động của lịch sử : chiến tranh, nổi loạn, động đất, dịch hạch, đói kém… Và vì họ là môn đệ của Đấng mà chính bản thân cũng bị ngược đãi vì lẽ công chính, thì đến lượt họ cũng phải chịu bắt bớ và ngược đãi thôi :”Người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi các con, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua chúa, quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21,12).

 

          2. Nhưng phải bền đỗ : đừng sợ 

 

          Số phận của các người theo Chúa là phải trải qua những gian nan thử thách, phải bị ngược đãi, nhưng Đức Giêsu đã khuyên nhủ :”Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21,19).

 

          Bền đỗ hay kiên trì là gì ? Thưa là dù gặp phải gian truân thử thách, ta không lùi bước, không thối chí nản lòng, không bỏ cuộc nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin và lý tưởng sống của mình.

 

          Câu này có ý nghĩa tổng quát, và có giá trị trong mọi thời, chứ không có ý chỉ về ngày tận thế. Điều này muốn nói : trong bất cứ mọi cơn thử thách nào, một khi người Kitô hữu biết bền đỗ đến cùng sẽ được bảo đảm về phần rỗi của mình, sự bền đỗ này là sự kiên tâm bền chí giúp người Kitô hữu can đảm tin tưởng đương đầu với mọi thử thách của cuộc sống thường nhật, cũng như các hoàn cảnh đặc biệt của thời bách hại. Sự bền đỗ này chắc chắn giúp ta được sống và được vào Nước Trời (x. Cv 14,22).

         

Truyện : Phải kiên trì

 

          Một người đưa tin đến một lâu đài cũ kỹ và anh lấy búa gõ cửa. Không ai trả lời. Anh lại gõ và chỉ có tiếng vang dội lại. Nhưng anh biết có người trong nhà, anh nhìn thấy họ qua cửa sổ. Giận sôi lên, anh cầm búa  và lấy hết sức giáng mạnh vào cửa hai ba chục lần.

          Một khuôn mặt cau có ngó qua lỗ then cửa và lịch sự hỏi xem người khách có muốn vào không.

          Vị khách nói như mê sảng :”Này ông, tôi vào được không ? Chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi” ?

          Người trong nhà trả lời :”Ồ, ông biết đấy : có nhiều trẻ ở chung quanh đến đây, chúng gõ cửa một vài lần rồi bỏ chạy, nên chúng tôi biết là  không cần để ý đến chúng. Nhưng khi nghe ông gõ cửa, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa.

 

          3. Đề phòng tiên tri giả. 

 

          Đức Giêsu còn cho biết trong thời gian chờ đợi ngày chung cuộc của thế giới sẽ có nhiều tiên tri giả, mạo danh Chúa để mê hoặc tín hữu, hay loan báo thời gian đã đến gần để làm mất niềm hy vọng nơi những kẻ tin.

 

          Thời trước Đức Giêsu đã xuất hiện nhiều tiên tri giả. Đây là trường hợp cụ thể : tiên tri Giêrêmia nói thật với vua Sedecias chớ liên minh với Ai cập :”Nhưng các tiên tri giả vô đạo, ngoại tình, dối trá, chúng củng cố lũ ác ôn của nhà vua  bằng những lời lừa gạt rằng :”Thành Giêrusalem sẽ được bình anh vô sự, không có tai họa nào cả”. Chẳng bao lâu, quân của vua Nabuchodonosor kéo đến phá tan tành vì liên minh với Ai cập chống lại Babylon. Và tất cả dân chúng bị bắt đi đầy sang Babylon.

 

          Người ta thường nói :”Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn tán bang : một lời nói làm cho đất nước hưng thịnh, một lời nói có sức tàn phá đất nước.

 

          Trước sức tàn phá của lời nói lừa gạt, Đức Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta  phải hết sức đề phòng những tiên tri giả, những lời dụ dỗ đường mật, những lời mỵ dân, những lời nịnh bợ, lôi cuốn chúng ta vào mê hồn trận, khiến chúng ta kiêu ngạo, lầm lạc nâng mình lên, sẽ bị ngã nhào :”Các con hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng :”Chính Ta đây và thời gian đã gần đến”(Lc 21,8).

 

          Ngày nay, trong lãnh vực tôi giáo, người ta không còn ngây thơ nghĩ rằng niềm tin tôn giáo luôn luôn là một động lực thúc đẩy con người sống cho tình yêu và hòa bình nữa. Chúng ta thấy ngày nay đã có nhiều giáo phải đi ngược lại những điều răn của Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy tôn giáo phát sinh ra  những con người quá khích, những tên khủng bố. Họ đã nhân danh Thiên Chúa để giết người, càng giết nhiều người càng làm vui lòng Ngài ! Ngay cả Kitô giáo cũng có những người quá khích như thế. Những tiên tri giả đã xuất hiện rất nhaiều.

 

Truyện : Tự sát tập thể

 

          Ngày 26/03/1997 báo Chicago tribune số ra ngày 28/03/1997 đưa ra một bản tóm lược các vụ tự sát tập thể do các giáo phải ra giảng về ngày tận thế, và những người xưng minh là Đấng Thiên Sai - Messiah gây ra.  Chúng ta đưa ra mấy trường hợp.

 

          Ngày 18/01/1978, tại Jonestowm, Guyana, do sự thúc đẩy của Jim Jones, tự xưng là Đấng Thiên Sai, 913 người đã tự sát hay bị cưỡng ép uống độc dược chết trong rừng. Đây là một giáo phái Kitô hữu có tên People’s Temple, rao giảng về ngày tận thế.  Sau đó là hàng loạt các vụ tự sát tập thể của các giáo phái cực  đoan khác nhau xuất hiện.

 

          Ngày 05/10/1994, chính quyền Thụy sĩ đã tìm thấy xác chết của 48 người có liên hệ với Order of the Solar Temple – Tu hột đền thờ mặt trời – trong một ngôi nhà ở nông trại và trong 3 ngôi nhà gỗ, tất cả đều bị đốt cháy.  Ngày 23/12/1995, 16 thành viên khác của Order of the Solar bị đốt cháy trong một ngôi nhà ở Grenoble, trong vùng núi French Alps.  Tất cả các xác chết được xếp theo hình ngôi sao nằm dưới nền nhà. Ngày 22/03/1997, thêm 5 thành viên nữa của Order tự vẫn chết ở St. Casimir, Québec, Canada. Các tín đồ của giáo phái này tin rằng  việc tự tử sẽ đưa họ đến một thế giới mới trên một hành tinh khác gọi là Sirius.

 

          4. Hãy củng cố đức tin.  

 

          Trước những bách hại, trước những gian nan thử thách, thậm chí cả chia rẽ trong gia đình, Đức Giêsu khuyên họ :”Đừng sợ”. Hãy tin tưởng trong phó thác và bền đỗ trong đức tin, vì Thiên Chúa luôn quan phòng che chở cho những ai trông cậy nơi Ngài.

 

          Đối với Đức Giêsu, bách hại và thử thách không phải là điều đáng sợ mà là một cơ may, để người tín hữu có dịp “làm chứng”, để cho kẻ bách hại hiểu biết đức tin của người tín hữu chứng tỏ lòng tin vào Thiên Chúa trong cơn thử thách.

 

          Quả thật, Thiên Chúa muốn niềm tin phải là một hành động tín nhiệm sâu xa nơi Ngài, một biểu lộ tín thác tuyệt đối vào Ngài, cho dù phải thử thách lớn lao nhất, kể cả sự chết. Đức hồng y Fulton Sheen có viết :”Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc thuận buồm xuôi gió”.

 

          Hugues Cousin có thể kết luận :”Người ta đã hiểu được rằng Luca viết chương 21 này không nhằm mục đích mô tả trước cho độc giả biết diễn biến của lịch sử, cho bằng muốn thổi cho họ một luồng sinh khí, để họ sống hiên ngang giữa những gian truân, thử thác, nhắc nhở cho họ biết rằng thời gian hiện tại có một giá trị tích cực. Chính ở  đây và lúc này mà Thiên Chúa đang vẫy tay mời gọi ta… Một niềm hy vọng như thế không làm giảm thiểu tầm quan trọng của những trách vụ trần thế, nhưng đúng hơn còn giúp chu toàn những trách vụ ấy nhờ vào những động cơ mới”(Fiches dominicales C, tr 360).

 

III. CÔNG VIỆC CỦA CHÚNG TA.

 

          Những biến cố Đức Giêsu đã cảnh giác trong bài Tin Mừng hôm nay đang dồn dập xẩy ra.  Những biến cố ấy đã giúp chúng ta chuẩn bị cho ngày sau hết của đời mình cũng như của thế giới chưa ?  Chúng ta đã chuẩn bị trong tin tưởng và bình an chưa ? Chúng ta có thể làm hai việc sau đây

 

          1. Chu toàn bổn phận hằng ngày  

 

          Trong bài đọc 2 hôm nay, chúng ta được biết khi ấy tại giáo đoàn Thessalonica có nhiều tín hữu tưởng rằng sắp đến ngày thế mạt, ngày Đức Giêsu Kitô trở lại.  Họ còn bị nhiều người tự xưng là tiên tri đến để tuyên bố nhiều điều làm xáo trộn đời sống thường nhật của các tín hữu, khiến cho đời sống cộng đoàn bị xáo trộn,  nhiều người bỏ bê việc bổn phận của mình với lý do “bận lo việc phần hồn”.

 

          Trước tình hình đó, thánh Phaolô đã phải lên tiếng cảnh cáo họ :”Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Thánh nhân nói thẳng với họ rằng :”Chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây vào mọi việc. Đối với những hạng người ấy, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên tâm làm việc và dùng lương  thực mình tìm ra”.

 

          Chúng ta hãy kiên trì thực hiện các việc bổn phận hằng ngày từ việc nhỏ đến việc lớn cách chu đáo. Chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách, trở ngại theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Thậm chí, có khi vì sống theo Tin Mừng, chúng ta có bị bách hại, bị cô lập, bị khinh dể đi chăng nữa, thì ngay cả những lúc đó, Đức Giêsu vẫn mời gọi chúng ta :”Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”  Chúng ta cứ bền đỗ và tin  tưởng, vì Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương không bao giờ bỏ mặc chúng ta  là con cái của Ngài. Nếu chúng ta dám đặt cuộc đời chúng ta trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, Ngài sẽ chăm sóc cho chúng ta.

 

          2. Dọn mình chết lành 

 

          Chúng ta đang ở vào những ngày cuối năm Phụng vụ để chuẩn bị năm phụng vụ mới sẽ diễn ra vào ngày Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng sắp tới. Nói tới giờ kết thúc cuộc đời, có lẽ là điều thích hợp trong lúc này, bởi vì mọi sự sẽ qua đi như lời Đức Kitô đã nói và cuộc đời của con người cũng sẽ có ngày kết thúc.

 

          Nói đến ngày tận thế, xem ra là vấn đề mơ hồ và xa xôi, đưa đến bi quan, nhưng lại là điều có thật.  Tuy nhiên, khi nói tới ngày kết thúc cuộc đời mình thì đó là điều chắc chắn và thiết thân. Mỗi người phải lo cho số phận mình, không ai có thể thay thế được.

 

          Nhưng có nhiều người cứ sống như không bao giơ chết, họ sống không mục đích, họ sống cho qua ngày như trên mộ bia của anh chàng Bopp có viết câu :”Đây là nơi yên nghỉ của một người không biết tại sao mình sống”.

 

          Sống mà không biết tại sao mình sống , sống để làm gì và sau này sẽ ra sao, cho nên người ta chỉ biết sống để hưởng thụ, càng nhiều càng tốt, không cần biết tương lai sẽ ra sao.

 

Truyện : Sắm sẵn hành trang chưa ?

 

          Một quan lớn kia có nuôi một tên hề để hầu ha.. Quan trao cho nó một cây gậy, bảo nó cứ giữ  cho đến khi có ai điên rồ hơn nó thì hãy cho.

          Cách vài hôm sau, quan thọ bệnh nguy kịch. Hề ta vào thăm, hỏi rằng :

          - Khi qua đời rồi, quan sẽ đi đâu ?

          - Ta đi xa lắm.

          - Vậy bao giờ quan về ?  Một tháng nữa chăng ?

          - Không.

          - Một năm à ?

          - Cũng không .

          - Vậy thì bao giờ quan mới về ?

          - Chẳng bao giờ về được.

          - Thế thì trong cuộc man du đó quan đã sắm sẵn hành trang gì chưa ?

          - Chứa sắm gì hết.

          - Đi xa mà chẳng có hành trang gì, quan thật điên hơn tôi. Vậy xin nhận lấy cây gậy này.

                   (Ms Lê văn Thái, Những tia sáng 2, tr 159)

 

          Giờ đây, trong tâm tình chờ đợi ngày trở lại của Đức Kitô, chớ gì từng người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết mau mắn thực hiện ngay những gì mà mình có thể làm được.  Chúng ta hãy mau chóng đến với bí tích Hòa giải, để giao hào với Chúa và anh chị em.  Chúng ta hãy mở cửa lòng mình để chia sẻ cho anh chị em mình một chút tình thương. Chúng ta hãy dành thời giờ để lắng nghe và chia sẻ  với những người thân yêu trong gia đình : cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau.

 

          Trong thời gian chờ đợi “Ngày của Chúa”, chúng ta hãy cố gắng chu toàn bổn phận hằng  ngày cách tốt đẹp hơn.  Khi Chúa đến, chúng ta sẽ  không phải bồn chồn lo lắng, trái lại sẽ vui vẻ đón Chúa trong niềm tin tưởng và chờ đợi Chúa đưa chúng ta vào cõi vĩnh hằng hưởng hạnh phúc đời đời.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

         

       

 

 


Về trang Mục Lục