CN 4 MC-A

BỊ MÙ VÀ ĐƯỢC THẤY

Nằm tại trung tâm của CN 4 MC hôm nay là đề tài sự phân định cùng với “sự sáng soi, sự giác ngộ”, việc chuyển đi từ bóng tối sang ánh sáng.

Ngôn sứ Samuen phải phân định khó khăn để chọn ra được người mà Thiên Chúa đã tuyển từ đoàn con của ông Giesê. Để phân định, phải nhìn như chính Thiên Chúa nhìn: “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7), hoặc nói như bản dịch Kinh Thánh Xyri cổ: “con người nhìn bằng cặp mắt, Đức Chúa nhìn bằng con tim”.

Thánh Phaolô trong thư Ep cho thấy, người đã được rửa tội, vì bây giờ họ là “ánh sáng trong Chúa” (Ep 5,8), họ phải phân định ra điều gì đẹp lòng Thiên Chúa (x. cc. 5,10-11).

Còn thánh Gioan cho thấy Đức Giêsu và các môn đệ và người Pharisêu có cái nhìn khác nhau về người mù bẩm sinh. Các môn đệ và người Pharisêu bị mù vì một định đề thần học: bệnh tật là do tội lỗi, tức là một hình phạt đến từ Thiên Chúa; trong khi đối với Đức Giêsu, bệnh tật của người này là một cơ hội để tỏ hiện hoạt động của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đưa anh đến chỗ nhận ra phẩm chất đích thực của Người và tuyên xưng niềm tin vào Người, trong khi các nhân vật khác thì khép lại với một việc phân định như thế và vẫn ở lại trong tình trạng mù thiêng liêng (x. Ga 9,39-41). Cùng về một con người, nhưng cái nhìn phân định hoàn toàn đối lập. Khi thấy một người bệnh, chúng ta thấy ai? Chúng ta thấy gì nơi đau khổ của người khác? Cái nhìn kết tội của các môn đệ đối nghịch với cái nhìn liên đới của Đức Giêsu. Người mù đã được sáng mắt thì cũng đạt tới chỗ hiểu biết chân tính sâu xa của Đức Giêsu. Đây là một sự hiểu biết (connaître) mà cũng là một sự sinh ra với (con-naître), một cuộc sinh ra lại, một cuộc sinh vào một cuộc sống hoàn toàn được đổi mới nhờ gặp gỡ Đức Giêsu, cuộc tái sinh này được diễn tả bằng một lời tuyên xưng đức tin chắc nịch: “Thưa Ngài, tôi tin” (Ga 9,38).

Cử chỉ Đức Giêsu trộn bùn xức vào mắt người mù (x. Ga 9,7) khiến ta nhớ lại cử chỉ Thiên Chúa đã làm để tạo nên Ađam (x. St 2,7). Cuộc tái tạo không có gì là ma thuật phù thủy, nhưng giúp người lâu nay chỉ là đối tượng cho người ta nói những lời chê bai kết án trở thành chủ thể dám đảm nhận lấy đời sống của mình, dám lên tiếng mà khẳng định chân tính của mình: “Chính tôi đây” (Ga 9,9).

Lời “Chính tôi đây” này rất cần thiết để có thể đi đến chỗ tự do và xác tín tuyên bố: “Tôi tin!”. Trở thành tín hữu không miễn chuẩn cho ta khỏi phải làm người, trái lại, còn đòi hỏi điều đó. Đứng trước anh mù được chữa lành, một phản ứng đầu tiên là phản ứng của những người quen biết anh ta, họ đặt câu hỏi, họ chất vấn, chứ họ không tự hỏi, không tự vấn chính mình, nên chỉ ở lại bề mặt của biến cố (cc. 8-12).

Thế rồi có thái độ của cha mẹ anh, vì sợ, không dám vượt quá một ghi nhận xoàng xĩnh về sự kiện (cc. 18-23). Cũng có sự hiểu biết về thần học của người Pharisêu, một hiểu biết tự mãn và vô phương thẩm thấu, đến nỗi trở thành sự ngu ngốc khiến họ kết án Đức Giêsu (cc. 13-17) và anh mù là những kẻ tội lỗi (cc. 24-34), chứ không để mình được chính biến cố phi thường kêu gọi hối thúc.

 

Ai bị mù và ai đang nhìn thấy? Đây là câu hỏi mà Lời Chúa hôm nay gợi ra. Và đây là câu trả lời: người nhìn thấy là người biết nhận ra tình trạng mù lòa của mình và mở lòng ra với hoạt động chữa lành và soi sáng của Đức Kitô: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: 'Chúng tôi thấy', nên tội các ông vẫn còn !” (v. 41).


 

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A