Vài suy niệm từ Bài Thương Khó Mt

         

          1. Bài tường thuật cuộc Thương khó của Đức Giêsu đã được mỗi tác giả Tin Mừng viết lại theo bút pháp riêng. Độc giả bắt gặp được ở đấy các đau khổ, thể lý và luân lý, của Đấng Cứu thế, nhưng đấy không phải là ý nhắm của các ngài. Ngược lại, các ngài gỡ Đức Giêsu khỏi mọi nỗi lo lắng, sợ hãi, quay quắt, ngờ vực, khi cho ta thấy Người làm chủ tình hình với một uy quyền tối cao. Mt cũng cho thấy Đức Giêsu chiến đấu không phải là với sự yếu đuối của một con người, nhưng với sự sáng suốt và sức mạnh của một Thiên Chúa. Trong những đau đớn cùng cực của cuộc đóng đinh, không một tiếng rên rỉ, tiếng thét gào thốt ra trên môi miệng Người. Quả thật, tác giả có nhắc lại các giờ phút cuối cùng của một cuộc tử đạo, nhưng đầy tính cách thần linh; ngài không nhắm gợi lên sự thương cảm, nhưng là sự thán phục và tin tưởng nơi Người. Cho dù bị kết án tử hình, Đức Giêsu vẫn là Đấng Cứu Thế, Con Người, Đức Chúa (26,22.64; 27,43). Thay vì gặp mặt đối mặt với Đức Kitô lịch sử, khiêm nhường và đau khổ, độc giả lại tiếp cận với Chúa Kitô Phục Sinh.

          Cuộc Thương Khó cho thấy sự hạ mình thẳm sâu của Đức Kitô, nhưng cũng là bằng chứng về lòng vâng phục tối cao của Người với Chúa Cha. Đây không phải là một thất bại, mà là một chiến thắng. Tại đây, chúng ta gặp vấn đề của các cộng đoàn tiên khởi: không phải là làm cho người ta chấp nhận cuộc Thương Khó của Đấng Cứu thế, mà là chấp nhận tình trạng hiện tại của Người là Đức Chúa vinh quang, mặc dù có kết cục nhục nhã.

 

          2. Đức Giêsu không thiếu kín đáo mà tố giác Giuđa; Người nhắc nhở, để ông có thể xét lại và quay lại, nhưng ông không nói gì cả: ông lưỡng lự hoặc ông không muốn quay lại. Để soi sáng và trấn an các môn đệ và có lẽ cũng để cố gắng kéo Giuđa trở về thêm một lần nữa, Đức Giêsu nhận định và tình hình: đây không phải là chuyện không may do người môn đệ phản bội, nhưng là điều nằm trong chương trình của Chúa Cha. Số phận của Đức Giêsu do Chúa Cha quyết định, nhưng điều này không xóa đi hay giảm thiểu trách nhiệm của kẻ phản bội: “Thà người đó đừng sinh ra thì hơn” (26,24).

3. Với sự giúp đỡ của Philatô, các đối thủ của Đức Giêsu đã khử trừ được Người. Cái chết của Đức Giêsu đã kết thúc ảnh hưởng của Người trên dân chúng. Đối với dân chúng, Người là một tên lừa bịp (27,63); đối với Thiên Chúa, Người là một kẻ nói phạm thượng (26,65). Kiểu nói “tên bịp bợm ấy” tổng hợp cách giới lãnh đạo Do Thái đánh giá công trình của Đức Giêsu. Tuy nhiên, điều vẫn còn đó và sẽ có thể tiếp tục gây ảnh hưởng trên dân chúng, đó là các lời Người đã nói và các môn đệ của Người.

4. Trong tiệc Thánh Thể, như trong tiệc Vượt Qua xưa kia, tín hữu không được chỉ ở tư thế khán giả, nhưng phải cảm thấy mình được lôi kéo can dự vào trực tiếp. Thánh Lễ cũng tái diễn lễ Vượt Qua, nên người tham dự không chỉ tưởng niệm cuộc giải phóng của một đoàn dân xa lạ, nhưng sống biến cố giải phóng chính mình.

          5. Các môn đệ đã hoàn toàn thất bại khi ở trong Vườn Ôliu với Đức Giêsu. Họ không canh thức nổi với Người (c. 38); họ ngủ. Trong Kinh Thánh, giấc ngủ đồng nghĩa với cái chết, sự bất động, sự tê cứng. Ít ra các trinh nữ quên mang dầu cũng cần thú nhận thiếu sót của mình; ở đây các môn đệ nói được một lời cáo lỗi. “Mắt họ nặng trĩu” (c.43), nhưng như thế có nghĩa là họ hoàn toàn quên, hoàn toàn ở ngoài tấn bi kịch lớn nhất mà họ đang chứng kiến: Đức Giêsu đi vào cuộc Thương Khó của Người, nhưng cộng đoàn đã không đi theo Người.

Lm. Fx Vũ Phan Long, OFM


GỢI Ý GIẢNG LỄ A