CN 5 PS – A (2017)

Đường, Sự Thật và Sự Sống

Điều khó nghĩ, đó là bản văn vừa khẳng định sự đồng nhất của Đức Giêsu với Thiên Chúa, vừa nói đến một sự xa cách. Đồng nhất : « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha... Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy » (Ga 14,9-10). Xa cách : « Đức Giêsu phải ra đi để về với Chúa Cha. Phần các môn đệ, các ông cũng sẽ sống trong tình trạng « nước đôi » : Đức Giêsu, là sự hiện diện của Thiên Chúa, sẽ biến mất khỏi mắt các ông ; nhưng nếu Người ra đi, chính là để « dọn chỗ » cho họ tại nơi Người đến. Câu 20 xa hơn, nói : « Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em ». Như thế, vừa xa cách nhau vừa ở trong nhau. Đây lại chính là hoàn cảnh chúng ta đang sống. Thiên Chúa đang ở đây, Người chọn cư ngụ trong chúng ta, nhưng chúng ta phải « chuẩn nhận » sự hiện diện này bằng một di chuyển, đó là tự do ưng thuận. Sự ưng thuận này tùy thuộc đức tin chúng ta, mà đức tin là tương quan ý thức và yêu thương với Thiên Chúa. Mt 18,20 cho hiểu rằng Thiên Chúa thật sự ở trong chúng ta khi chúng ta cùng nhau sống đức tin qua sự hợp nhất với nhau. Vậy đây không phải là một sự « sốt mến » cá nhân nhờ đó chúng ta được liên kết riêng tư với Thiên Chúa, nhưng là một sự mở rộng ra với những người khác, qua họ Thiên Chúa đến với chúng ta, và chờ được chúng ta tiếp đón. Trong Thư 1, Gioan bảo chúng ta rằng chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa chúng ta không thấy, nếu chúng ta không yêu thương anh em chúng ta thấy (4,20). Đức Kitô biến mất trước mắt chúng ta : kể từ nay chúng ta thấy được Người nơi anh em. Chính vì thế, mà có một Giáo Hội, nghĩa là một cuộc quy tụ, với nghi thức trung tâm là một việc chia sẻ lương thực.

 

Một đức tin khó khăn

Vậy mọi sự đã được trao tặng, và đón nhận, nhưng mọi sự vẫn còn phải được nhắc lại. Toàn thể thời gian có Đấng Tạo Hóa hiện diện trong đó : quá khứ (« Ai đã thấy Thầy là đã thấy Chúa Cha »), hiện tại (« Ngay từ bây giờ, anh em biết Chúa Cha và đã thấy Người... Thầy [đang] ở trong Chúa Cha và Chúa Cha [đang] ở trong Thầy », Ga 14,7.10), tương lai (« Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy », 14,3). Điều chúng ta đang là hiện nay đã có đó từ muôn thuở và hiện hữu mãi mãi. Lại thêm một nghịch lý nữa : Đức Kitô sẽ đến đưa chúng ta về với Người, về nơi Người đi đến bây giờ. Thế nhưng các môn đệ lại phải tự mình đi đến đó : đây là « đến với Chúa Cha » (c. 6) và họ biết đường rồi (c. 4). Chúng ta hiểu là việc chúng ta tiến về với Chúa Cha tùy thuộc vào sự chọn lựa của chúng ta, nhưng tất cả mọi chuyện này chỉ thực hiện được trong và nhờ ĐK là « đường, sự thật và sự sống ». Ai kết hợp với ĐK thì đã gặp Chúa Cha. Thế mà kể từ khi Người ra đi, chúng ta chỉ có thể kết hợp với ĐK bằng cách mở ra với anh em. Như thế, chúng ta được đưa trở lại với đời sống thường ngày, gồm có những tương quan với thiên nhiên (lương thực) và với những người khác. Chính là trong tình trạng thường tình nhất mà có được mọi chuyện. Chúng ta hãy ý thức về phương diện ẩn giấu của cuộc sống chúng ta, thậm chí những thói quen hoặc những thay đổi đột xuất của chúng ta. Không được quên rằng các ý hướng sâu xa của chúng ta thường vuột khỏi chúng ta, được che giấu bởi các cớ rút từ chỗ ta không thích đánh liều. Vậy việc còn phải làm là ký thác chúng ta cho Đấng đang ở trong chúng ta và đưa chúng ta về sự thật của chúng ta, nghĩa là về mức viên mãn của việc tạo dựng chúng ta. Chỉ mình Người là đường, sự thật và sự sống. Nếu không nghe tiếng Người, điều đó có nghĩa là chúng ta chọn chết, cái chết của Người và của chúng ta. Nhưng hãy giữ vững niềm hy vọng : ngay ở đó nữa, Người sẽ đến tìm chúng ta và sẽ lại làm bật dậy sự sống. Thật thế, từ ngữ cuối cùng là « Sống lại ».

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A