C H I Ế C    K É O

____________________________________________

Sự cộng tác của vợ chồng

 

I. LỜI  CHÚA.

                        Tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-11)

        Thánh Gioan kể lại : Đức Giêsu vừa đi truyền giáo được ba ngày thì có tiệc cưới tại Cana. Đức Giêsu và các môn đệ được mời, có cả sự hiện diện của Đức Maria nữa. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con thân thuộc với Ngài.

 

        Tiệc cưới mới được nửa chùng thì sự cố xẩy ra : thiếu rượu. Đức Maria lên nhà nói nhỏ với Đức Giêsu :” Họ hết rượu rồi”.  Một lời van xin vắn gọn nhưng rất hiệu nghiệm, nên Đức Maria tin tưởng nói với gia nhân :”Thầy bảo gì thì nhớ làm theo”. Họ đã đổ đầy sáu chum nước và tất cả số nước đó đã trở thành rượu ngon.

 

        Qua phép lạ này, chúng ta có thể rút ra được 3 bài học thực hành.

 

          1. Vai trò của Đức Maria.

 

        Trong cuộc đời chúng ta và cách riêng cho cuộc sống hôn nhân vai trò của Đức Maria rất cần thiết.  Ngài phải có một chỗ đứng vững chắc trong gia đình bởi vì chúng ta thấy có rất nhiều khó khăn phải vượt qua để tiến tới hạnh phúc gia đình.  ta phải chạy đến cùng Mẹ để được giúp đỡ

 

        2. Sự cộng tác của gia nhân.

 

        Chúng ta thử đưa ra một giả thiết : hôm đó các gia nhân toàn là những người bướng bỉnh và biếng nhác, không làm theo lời Chúa dạy, không chịu đổ nước vào chum...  Vậy thử hỏi : Chúa Giêsu có làm phép lạ cho sáu chum nước lã biến thành rượu không ? Bởi vì họ không chịu cộng tác với Chúa !

 

        3. Việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân.

 

        Cuộc sống hôn nhân là nhằm đi tới hạnh phúc.  Nhưng ai phải xây dựng hạnh phúc gia đình ?  Chính là vợ chồng và con cái mà chủ yếu là vợ chồng.  Thiên Chúa không sản xuất ra hạnh phúc như một thứ tiền chế rồi cho người này hay người nọ, mà Chúa đòi mỗi người phải nỗ lực tạo ra hạnh phúc ; còn Chúa thì Ngài ban đủ ơn cần thiết để vợ chồng có thể đạt tới hạnh phúc ước mong.

 

II. VỢ CHỒNG CỘNG TÁC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH.

 

        Sự cộng tác rất cần thiết cho cuộc sống cá nhân, gia đình cũng như cho xã hội.

       

        Ông Thomas Merton nói :”No man is an island” (không ai là một hòn đảo), không ai có thể sống một mình mà không nhờ đến người khác. Cũng như mọi chi thể trong một thân thể không thể tách rời nhau, chi thể này cần đến chi thể kia. Nếu một chi thể bị đau thì cả thân thể đều bị liên lụy :

                        Một con ngựa đau, cả tầu chê cỏ (tục ngữ)

 

        Thánh Phaolô tông đồ đã triển khai tư tưởng này khi gửi cho tín hữu Corintô , ngài nói rằng có nhiều chi thể, mỗi chi thể có một chức năng, nhưng tất cả đều cần đến nhau (x. 1Cr 12,14-26).

 

        Có người ví cuộc đời như một tấm áo. Tấm áo càng đẹp, càng qúi báu thì càng đáng cho mọi người ao ước.  Có người cho rằng ở trong xã hội người ta chỉ hơn nhau nhờ tấm áo manh quần, qua dáng vẻ bề ngoài chứ thả ra chưa chắc  ai đã hơn ai. Vi thế người ta nói :

 

                        Hơn nhau tấm áo manh quần,

                        Cởi ra bóc trần, ai cũng như ai.

                                (ca dao)

 

        Ngày xưa, lụa là gấm vóc là thứ vải qúi giá nhất, thường dành cho những người thượng lưu, dân quê nghèo khó ai mà có ?  Nếu ai mặc những lụa là gấm vóc thì được người ta cho là giầu sang phú qúi, được người ta kính nể. Chính lụa là gấm vóc làm cho người ta có giá trị trước mặt xã hội :

                        Người đẹp về lụa, lúa tốt về phân (tục ngữ)

 

        Lụa là gấm vóc là thứ vải qúi dùng để trang sức cho con người.  Muốn may vá bằng những thứ vải này, cần phải có cái kéo thật bén.  Công dụng cái kéo để làm gì ?  Để cắt ! Muốn cắt thì chiếc kéo phải có hai lưỡi ép sát vào nhau, thiếu một lưỡi thì chiếc kéo trở nên hoàn toàn vô dụng

 

                        Truyện : ngỏ lời cầu hôn

        Chamfleury, tiểu thuyết gia trứ danh người Pháp, thế kỷ 18, yêu cô gái đỡ đầu của Eugène Delacroix, họa sĩ nổi tiếng,  và muốn cưới cô này làm vợ. Trong thư “ngỏ sự lòng của nhà tiểu thuyết” gửi cho ý trung nhân, ta nhận thấy có chỗ khác người :

        - Thưa cô, tôi thấy thiên hạ thường nói rằng một người không vợ không chồng giống như cái kéo một lưỡi. Cô thừa biết cái kéo một lưỡi thì không dùng vào việc gì được,  nhưng khi ghép vào cho nó lưỡi thứ hai thì nó trở nên hữu dụng ngay.  Nếu cô tin như vậy, tôi sẽ đem hết mọi tình cảm chân thành, mọi hy vọng tận tụy để cùng cô cắt tấm vải đời, cố gắng làm sao cho thật khéo.

 

        Tiếp được bức thư, thiếu nữ trả lời một cách vừa đầy đủ vừa tài tình.  Cô gửi cho Chanfleury một chiếc kéo, dĩ nhiên đủ hai lưỡi mới tinh.  Ba tuần lễ sau, hôn lễ được cử hành.  Và nghe nói trọn đời vợ chồng ấy không hề lớn tiếng với nhau bao giờ.

 

        Theo Chamfleury, cuộc đời là một tấm vải, cần phải cắt thật khéo để may nên một tấm áo hạnh phúc. Kéo càng sắc, việc cắt may càng dễ dàng. Kéo sắc bén chính là tình yêu vợ chồng dành cho nhau để dệt nên hạnh phúc gia đình. Như vậy, chỉ có thể có hạnh phúc gia đình khi hai vợ chồng cùng nhau xây dựng. Hạnh phúc chỉ đến trong sự cộng tác của vợ chồng chứ không có một thứ hạnh phúc tiền chế.

 

        Trong ý tưởng này, người Tây phương thường nói ;”Một tay, không vỗ nên cái bộp”.

 

        Trong lãnh vực thiêng liêng, sự cộng tác của ta với Chúa cũng rất cần thiết. Thánh Augustinô sau khi trở lại với Chúa đã than thở :”Khi dựng nên con, Chúa chẳng cần đến con, nhưng Chúa không thể cứu chuộc con nếu con không cộng tác”.

 

        Trong văn chương bình dân, chúng ta có thể gặp được những gia đình thôn quê rất mộc mạc, đơn sơ, bình lặng, trong đó mọi người nỗ lực làm việc theo khả năng của mình :

 

                        Trên đồng cạn dưới đồng sâu,

                        Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa.

                                (ca dao)

 

        Khi gia đình đông người thêm thì công việc cũng thêm.  Gia đình người Việt nam thích sống chung hài hòa có khi đến tứ đại đồng đường mà cuộc sống vẫn dễ chịu, công việc được phân chia cho hợp khả năng, không ai ngồi chơi xơi nước, công việc vẫn trôi chảy :

 

                        Cha chài, mẹ lưới, con câu,

                        Thằng rể đi xúc, con dâu đi mò.

                                (ca dao)

 

          KẾT LUẬN

 

        Thánh Phaolô khuyên tín hữu Roma :”Ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận trong một thân thể” (Rm 12, 5).  Hoặc xem sự duy nhất trong một thân thể mặc dầu có nhiều chi thể  (x. 1Cr 12,12-27).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Tháng 01 / 2003

 


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà