XÂY TỔ ẤM

+++

 

I. VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH

 

          Trong cuộc sống ở đời, mỗi người có một ơn gọi. Có người sống độc thân, có người lập gia đình. Có người sống độc thân trong đời thánh hiến, có người sống độc thân ở ngoài đời để phục vụ. Nhưng tuyệt đại đa số là sống trong đời sống hôn nhân gia đình : “Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19, 5)/.

 

          Ơn gọi ở bậc nào cũng tốt, cũng được Chúa kêu gọi, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

 

          Hôn nhân cũng là một việc cao quí và thánh thiện, hợp với ý định của Thiên Chúa. Hôn nhân càng trở nên cao trọng vì đối với người Kitô hữu hôn nhân được nâng lên hàng bí tích như Giáo hội dạy :

 

“Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sự sống và tình yêu đã được Đấng Sáng Tạo thiết lập và phú cho những luật riêng.  Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích” (GLCG, số 1660).

 

Trẻ con khi còn nhỏ dại, thì sống hoàn toàn thảnh thơi, sống vô tư, chỉ biết yêu mến và phó thác cho cha mẹ, không phải lo lắng gì. Cả ngày chỉ biết vui chơi cùng chúng bạn, ngày này qua ngày khác .

 

          Khi đến tuổi dậy thì, người thiếu niên thấy có sự thay đổi cả về sinh lý lẫn tâm lý. Thân xác triển nở đầy đặn, đầy sức lực; còn tâm lý cũng thay đổi rõ ràng : người thiếu niên tự thấy có nỗi buồn vu vơ và tình yêu bắt đầu nảy nở, một tình yêu lãng mạn, họ muốn có một người bạn để chia sẻ tâm tình, thấy mình hay cô đơn :

 

                                      Hôm nay trời lặng lên cao

                             Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.

 

          Nhưng đến tuổi trưởng thành, người thanh niên không chỉ còn tình yêu lãng mạn vu vơ nữa, họ phải tập sống thực tế, họ phải lo cho tương lai và họ phải tìm cho mình một người bạn đời để xây dựng gia đình.  Trong thời gian này họ phải tìm hiểu đối tượng để có thể quyết định cho tương lai : họ phải lựa chọn cho mình một người yêu lý tưởng để ký kết với nhau một giao ước hôn nhân, hứa yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

 

          Khi nói về hôn nhân gia đình, trong dân gian có câu :”Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm”.  Đó là một trong những hình ảnh gần gữi, dễ thương và nhiều ý nghĩa nhất.  Đây là một bức họa đẹp và sinh động về khung cảnh hòa hợp hòa điệu trong một gia đình hạnh phúc.

 

          Hình ảnh này vừa nói lên ý nghĩa sâu xa của sự hợp tác tương ứng và gắn bó giữa hai vợ chồng trong trách nhiệm xây dựng hôn nhân gia đình, lại vừa khơi gợi sự sống sinh động và linh hoạt trong cộng đồng gia đình, trong đó mỗi thành viên đều ra sức tích cực hoạt động với lợi ích chung.

 

          Khi xây dựng gia đình là người ta có ý xây dựng một tổ ấm hay mái ấm, một nơi êm ấm chan chứa tình yêu thương, mọi người cảm thấy hạnh phúc.

 

                                       Truyện : Mái ấm gia đình

 

          Mới đây một tờ báo ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, đã gửi câu hỏi :”Mái ấm gia đình là gì, theo anh chị  tới 1000 người. Có 800 người đã trả lời, tập trung vào các ý lớn sau đây :

         

          1. Mái ấm : một thế giới xung đột khép lại, một thế giới tình thương mở ra.

          2. Mái âm : nơi chuyện nhỏ là quan trọng, chuyện quan trọng là chuyện nhỏ.

          3. Mái ấm : vương quốc của cha, thế giới của mẹ và thiên đàng của con cái.

          4. Mái ấm : nơi chúng ta cằn nhằn nhiều nhất nhưng được đối đãi tốt nhất.

5. Mái ấm : trung tâm của tình thương  mà mọi lời ước nguyện của con tim quyện vào đấy.

6. Mái ấm :  nơi dạ dầy chúng ta ăn 3 lần mỗi ngày và tâm hồn ăn ngàn lần mỗi ngày.

7. Mái ấm : nơi duy nhất ở trần gian mà mọi lỗi lầm và thất bại của con người được che đậy dưới lớp áo bác ái êm dịu. (Gm Arthur Tonn, Góp nhặt, tr 125-126).

 

II. HỢP TÁC TRONG VIỆC XÂY DỰNG

 

          1. Những người thợ chính

 

          Xây dựng được một ngôi nhà là công việc của nhiều người chứ một người không thể làm nổi. Xây dựng mái ấm gia đình cũng cần có nhiều người cộng tác chứ chỉ  hai vợ chồng cũng không xây nổi. Tuy nhiên, trong việc xây dựng này thì vợ chồng và con cái phải là những người thợ chính.

 

          Chúng ta đã từng nghe ba ca sĩ hát và biết nhạc sĩ Ngọc Lễ đã viết một bài hát rất dễ thương về gia đình : “Cha là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nên lung linh, thắp sáng một gia đình”…  Hình ảnh thật đẹp, thật tuyệt diệu !  Cái đẹp huyền diệu và quyến rũ từ ánh sáng lung linh của ba ngọn nến xanh – vàng – hồng : cha – mẹ - con cái. Một bức tranh hấp dẫn tuyệt vời !

 

          Những người nông dân chân lấm tay bùn, tuy nghèo khó, không thể xây được nhà cao cửa rộng nhưng cũng cố gắng cộng tác với nhau để làm nên một mái nhà tranh ấm cúng.  Hình ảnh hợp tác rất đẹp đã được diễn tả trong câu ca dao :

 

                                       Em về cắt rạ đánh tranh

                             Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà.

                                       Sớm khuya hòa thuận đôi ta

                             Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình.

 

          Sống trong cảnh nghèo khó, không cần nhà cao cửa rộng với giường ấm chăn êm, nếu vợ chồng thương yêu nhau thì chỉ cần cái ổ rạ cũng ấm êm, cũng thắm tình  và làm nên hạnh phúc . Người con trai gạ hỏi và người con gái trả lời :

 

                                       Nhà anh chẳng chiếu chẳng giường,

                             Chỉ ấm ổ ra , nàng thương chăng là ?

                                       -  Yêu nhau chẳng quản cửa nhà

                             Chuồng chim cũng lấy, chuồng gà cũng theo.

 

          2. Nền tảng cho việc xây dựng

 

          Phải chăng nền tảng của tổ ấm là Tình thương ? Đúng thế, vì thành quả của tình yêu là hôn nhân và thành quả của hôn nhân là mái ấm gia đình và con cái được sinh ra và lớn lên trong đó. Qui luật ngàn đời của xã hội con người là vậy.

 

          Engels đã nói :”Tình yêu chân chính là tình yêu dẫn đến hôn nhân”.

 

          Còn Polly Adler thì khẳng định :”Một mái nhà cộng với tình yêu thành mái ấm

 

          Và thi hào người Anh, ông Lord Byron thì quả quyết :”Nếu không có trái tim yêu thương, thì không có mái ấm gia đình”.

 

          Thế nhưng ngày nay, nhiều người, nhất là giới trẻ, không đặt hôn nhân trên tình yêu mà họ lại tôn vinh và chấp nhận những thứ hôn nhân “đặc biệt” như :  hôn-nhân-không-cam-kết, hôn-nhân-không-mục-đích, hôn-nhân-thử-nghiệm, hôn-nhân-liền-tay, hôn-nhân-tiền-hôn-hậu-thú… Tất cả những “mác” hôn nhân ấy đang hấp dẫn nhiều bạn trẻ và đã gây không ít đau đớn, thất vọng cho họ.

 

          Những kiểu hôn nhân như thế không có nền tảng nên sau một thời gian thì đổ vỡ và lúc đó họ mới tỉnh ngộ.  Đúng như lời ông Alexander Pope nói :”Họ nằm mơ với những ngày chưa cưới, nhưng sau khi cưới rồi thì họ tỉnh giấc”.  Nói như vậy có nghĩa là “Họ mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi đã lấy nhau”.

 

          Người ta chỉ đạt tới hạnh phúc khi thực sự đã có một mái ấm gia đình.  Đúng như lời một danh nhân nói :”Mái ấm gia đình là nơi bạn tìm được hạnh phúc. Nếu bạn không tìm được hạnh phúc nơi đây, bạn không thể tìm được nó ở nơi khác”.

 

          3. Thời gian xây dựng

 

          Văn hào André Maurois đã nói :”Hôn nhân là một công trình mà ta phải kiến tạo suốt đời”.  Công trình hôn nhân, vừa khó khăn vừa lâu dài ấy, được thực hiện không do một người mà là nhiều thành viên trong gia đình như là xây dựng một công trình thế kỷ vậy.

 

          Đại văn hào Pháp, ông Victor Hugo, đã thi vị hóa như sau :”Ngôi nhà được xây bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột, bằng kèo. Còn gia đình thì được xây bằng những việc làm yêu thương. Nó sẽ trụ vững một ngàn năm”.

 

          Rõ ràng là, để hôn nhân bền vững, để gia đình hạnh phúc bền lâu, người ta phải xây dựng bằng  những vật liệu không mối không mọt, đó là chất liệu tinh thần : lòng nhân ái yêu thương đùm bọc và sự chung thủy kiên vững.  Gia đình là một kiến trúc xây dựng thuộc về trách nhiệm của mọi thành viên.

 

          Có người nói :”Lập gia đinh chưa phải là đã xây dựng được  một ngôi nhà hoàn hảo, mà chỉ là đặt nền móng cho một ngôi nhà hạnh phúc.  Như vậy ngôi nhà hôn nhân phải được xây dựng suốt đời”.

 

          Tư tưởng này đã được cố vấn hôn nhân Allan Perterson nhắc nhở  bằng một hình ảnh khác :”Đa số người kết hôn vì tin vào một huyền thoại : cuộc hôn nhân là một cái hộp đẹp chứa mọi vật mà người ta khao khát : đời sống lứa đôi, sự thỏa mãn về tình dục, sự thân mật, tình ban.

 

          “Sự thật là cuộc hôn nhân ấy lúc bắt đầu là một cái hộp rỗng. Bạn phải bỏ vào một cái gì đó  trước khi bạn có thể lấy ra một cái khác.  Trong hôn nhân không có tình yêu, tình yêu ở trong hai người và hai người đặt tình yêu vào hôn nhân. Không có chuyện tình lãng mạn trong hôn nhân; người ta phải pha trộn sự thơ mộng vào hôn nhân của họ.

 

          “Một đôi tân hôn phải học nghệ thuật ấy và hình thành thói quen cho nhau, yêu nhau, phục vụ nhau, ngợi khen nhau để giữ cho cái hộp được đầy. Nếu bạn lấy ra nhiều hơn cái bạn bỏ vào, cái hộp sẽ rỗng không” (Bel San Louis, Vui sống với nụ cười, tr 88).

 

          Trong báo Tuổi trẻ Chủ nhật ngày 01/09/2002 tác giả  Chung Sa, sau khi đưa ra một câu chuyện thời sự về đời sống gia đình, đã đi đến một kết luận :”Thật vậy, gia đình là nơi đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha.  Nơi đó có hơi ấm của những con tim biết yêu, là ánh sáng của đôi mắt tràn đầy hạnh phúc, là sự ân cần, là lòng chung thủy. Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho trẻ thơ  học những điều hay lẽ phải, học niềm tin và lý tưởng sống. Đó là : nơi chúng ta tìm về để được ủi an nâng đỡ - nơi những món ăn đơn sơ cũng thành mỹ vị - nơi tiền bạc không quí bằng tình yêu – nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui hạnh phúc”.

 

III. ĐỀ PHÒNG NHỮNG BẤT TRẮC

 

          Có người nói :”Mái ấm là vương quốc của cha, thế giới của mẹ và thiên đàng của con cái”.   Không nơi nào trên trần gian này có thể đem lại cho con người hạnh phúc  bằng mái ấm gia đình. Có gia đình là có tất cả. Sống trong gia đình êm ấm người ta sẽ cảm nhận như sống trên thiên đàng.

 

          Có lẽ vì vậy mà nhà văn hào Pháp, ông Honoré de Balzac, đã nói :”Hôn nhân là con đường dẫn ta tới thiên đàng hay dẫn vào  địa ngục”

 

          Vì sao vậy ? Vì sao có hôn-nhân-hỏa-ngục ?

 

          Đó là vì , nói như ông Trần Cao Khải, nơi đó thiếu vắng tình yêu.  Người ta không  “xây dựng” mà lại “xây cất” !  Vì người ta xây dựng xong rồi đem “cất đi” tất cả, không khác  gì những di tích, kỷ vật cũ kỹ, mốc meo, lạnh tanh giấu kín trong nhà bảo tàng vậy thôi !  Tình yêu trở nên nhạt thếch. Niềm tin biến thành khô cứng. Hy vọng thui chột. Nụ cười tắt lịm. Hạnh phúc chỉ còn là chút gì xa vắng… để ngàn năm đợi ngàn năm chờ.

 

          Tuy thế, người ta cũng có thể vượt qua hỏa ngục để lên thiên đàng, thay vì hôn-nhân-địa-ngục thì người ta sẽ biến nó thành hôn-nhân-thiên-đàng nếu biết cố gắng vượt qua bằng tình yêu, nghị lực và sự hợp tác chân thành.

 

          James Thurber đã nêu ý kiến sau đây :”Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm”.

 

          Nếu có mồ hôi nước mắt trong hôn nhân thì đó là thường tình. Đó là mồ hôi của lao động và hy sinh. Đó là nước mắt của cảm thông và thiện chí.  Hôn nhân đích thực không bao giờ làm ta rơi vào ảo tưởng của mộng mơ.  Nhưng có một điều chắc chắn là như ông David Sarnoff nói : Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên khúc nhạc cuộc đời” .

 

          Vì thế có người nói : Nỗ lực của chúng ta là phải :

                   Rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng ,

                   Và hãy cưới lại nhau mỗi ngày.

 

          Mỗi người phải nỗ lực xây dựng hạnh phúc gia đình, biến gia đình thành tổ ấm thân thương. Việc xây dựng này đòi hỏi sự hợp tác chân thành và tinh thần trách nhiệm cao. Bởi vậy, hôn nhân là con đường dẫn ta tới thiên đàng hay địa ngục là tùy ở nơi mỗi người chúng ta.

 

          Kinh nghiệm dân gian vẫn có ý nghĩa và giá trị thực tiễn :”Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”.  Sự hòa thuận nơi vợ chồng không làm cho đôi bạn mất đi cái “tôi” riêng của mình, trái lại, nó bổ túc, hoàn thiện mỗi con người và làm cho mỗi người cảm thấy hạnh phúc.

 

          Để kết thúc, chúng ta hãy đọc lại lời khẳng định của công đồng Vatican II :

 

“Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô.  Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như  thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian dám nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý” (Hiến chế Tín lý về Giáo hội, số 35).

 

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

 

         

         


Gợi Ý Giảng Lễ Hôn Phối