TÔI HÓA THA NHÂN

+++

            Anh em thân mến,

         Anh em hãy sống trong tình yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và nộp mình vì chúng ta.

 

         Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội thánh, và nộp mình vì Hội thánh, để thánh hóa Hội thánh, khi Người dùng nước và lời mà thanh tẩy Hội thánh, để bầy tỏ cho mình một Hội thánh vinh quang, không tỳ ố, không vết nhăn, hay mắc điều gì khác tương tự, nhưng để Hội thánh nên thánh thiện và tinh tuyền.

 

         Cũng thế, người chồng phải thương yêu vợ mình như chính thân mình.  Ai yêu thương vợ mình là yêu thương chính mình, vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và chăm sóc nó, như Đức Kitô đã nuôi dưỡng và chăm sóc Hội thánh, vì chúng ta là chi thể của thân thể Người.

 

         Bởi thế, người nam sẽ rời cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ nên một thân xác.  Mầu nhiệm này thật lớn lao; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh (Ep 5,2a.25-32).

 

I. TÔI HÓA THA NHÂN

 

         1. “Tôi hóa tha nhân” là gì ?

 

         Tôi hóa tha nhân là bắt tha nhân phải giống như chính mình, lấy mình làm kiểu mẫu, coi mình là hoàn thiện, bắt mọi người nhất cử nhất động phải theo ý mình..

 

         Trong chế độ nô lệ, người chủ có quyền tuyệt đối trên người nô lệ, mọi người nô lệ không có tự do, phải răm rắp theo lệnh ông chủ.

 

         Trong chế độ độc tài cũng thế, chế độ độc tài (dictatorship) là thể chế nhà nước chuyên quyền mà ở đó nhà nước được cai trị bởi  một cá nhân : kẻ độc tài.

 

         Theo nghĩa hiện dùng, chế độ độc tài đề cập đến hình thức cai trị độc đoán do các kẻ cầm quyền không bị pháp luật, hiến pháp hay các nhân tố chính trị mà quốc gia đó ràng buộc.

 

         Trong lãnh vực tình yêu, người tôi hóa tha nhân là người có tình yêu ích kỷ, là kẻ tàn tật hóa người yêu.  Người yêu là của mình, nên khi tàn tật hóa người yêu thì cũng là tàn tật hóa chính hạnh phúc của mình.

 

         2. Tôi hóa trong hôn nhân

 

         Kẻ muốn đồng hóa tha nhân trong tình yêu là những đôi tình nhân yêu nhau như hơi gặp hơi, thở gặp thở mà vẫn như mênh mông xa cách, vẫn như khắc khoải kiếm tim.

 

         Họ khắc khoải kiếm tìm vì chẳng bao giờ con người có thể “tôi hóa” nhau được. Bắt người khác giống mình là hủy diệt tự do và bản tính của người đó, càng bắt họ giống mình bao nhiêu thì sự hiện hữu của họ càng mất đi bấy nhiêu. Tôi muốn đời vẫn là tôi, tha nhân nghìn đời vẫn là tha nhân.

         Nếu tha nhân là tha nhân và tôi là tôi thì sao có thể trở nên “mật” được.  Kẻ nên mật trong tình yêu  là những đôi hôn nhân đem sự khác nhau làm nên sự phong phú của sự kết hợp.

 

         Trong ý nghĩa đó, khác biệt phải có một giá trị tự nó.  Kết hợp không biến hóa nguyên thể của các khác biệt mà là một luân vũ nhẹ nhàng. Đó là sự hòa âm của các đơn thể khác nhau chứ không phải là đơn điệu.  Đó là kết hợp của âm nhạc, của vũ trụ, của tình yêu (Hạnh Hương, Nẻo về Thượng Trí, tr 156).

 

         a) Quan niệm “phu xướng phụ tùy”.

 

         Trong chế độ phong kiến ngày xưa, bên Đông phương cũng như Tây phương, nhất là những nước bị ảnh hưởng Nho giáo với quan niệm “nam trọng nữ khinh” rất phổ biến, vì thế vai trò của người phụ nữ rất là đen tối, thấp hèn.  Người phụ nữ không có quyên hành gì trong gia đình đến nỗi người ta nói :”Nhất nam viết hữu, thập nữ việt vô”.

 

         Quan niệm trọng nam khinh nữ được gói ghém trong câu thành ngữ nổi tiếng :Phu xướng phụ tùy”.

 

         “Xướng” ở đây là xướng ca, tức là lên giọng bắt nhịp hát; “tùy” là tùy hòa, là phụ họa. Nghĩa là chồng mà có ý kiến về cái gì đó, thì vợ sẽ đồng tình, tán dương.  Kiểu như người tung người hứng vậy. Nói khác đi,  chồng muốn gì thì vợ phải theo, không được có ý kiến. Người chồng có quyền tuyệt đối trong mọi công việc.

 

         Ở nước Trung hoa xưa, người đàn bà phải tùng phục con cái trong nhà, khi chồng con ngồi ăn, bà phải đứng im hơi lặng tiếng để hầu cơm.

 

         Ở nước cổ Hy Lạp, người đàn ông thường ra chọ “mua” đàn bà về làm vợ như ta mua trâu về cầy. “Làm vợ” chỉ có nghĩa là  để cho chồng tha hồ bê tha về nhục dục. Đến khi vợ già sức yếu, người chồng có quyền tẩy chay hoặc thủ tiêu cho khỏi tốn cơm trời.  Người vợ thật là nô lệ chồng không hơn không kém.

 

         Ngày xưa trong xã hội phong kiến, người phụ nữ trong gia đình luôn mang mặc cảm phụ thuộc. Có khi không phải là người lao động phụ (đôi khi lại là lao động chính) vẫn phải phụ thuộc vào chồng con và gia đình bên nhà chồng.

 

         Rõ ràng lễ giáo phong kiến có những ràng buộc  khiến người phụ nữ mất quyền bình đẳng trong gia đình và cả ngoài xã hội.  Họ không được tham gia nhiều hoạt động trong gia đình, dòng tộc hoặc làng xã, hoặc nếu có thì  ở một vị thế khác, thấp hơn cánh nam nhi.  Không khi nào phụ nữ được ngồi chung chiếu với nam giới trong những lúc có việc làng hay hội hè, đình đám.  Vai trò của họ là phục vụ, là chuyện bếp núc, bưng bê, nấu nướng…

 

         Chuyện “phu xướng phụ tùy” ngày nay không còn, nhưng chuyện về những người đàn ông “gia trưởng” vẫn còn…  Đó là những người chuyên áp đặt quan điểm, công việc và cả chuyện ứng xử đối với người phụ nữ.  Nếu người vợ nào đó bất tuân, cãi lời thì xung đột và bạo lực ở những gia đình này là chuyện tất yếu khi người phụ nữ trong gia đình muốn khẳng đình quyền tự do bình đẳng giữa vợ chồng.  Nhiều gia đình, người vợ vẫn chịu cảnh của những cái bóng bên chồng.  Họ phần đông nhẫn nhịn, cam chịu để tránh lối hành xử tho bạo của chồng cũng là tránh điều tiếng “xấu chàng hổ ai” với thiên hạ.

 

         b) Quan niệm “tự do tuyệt đối”

 

         Mặt khác, vì hiểu cái quyền không đúng mà nhiều chị em ngược lại đã lấn lướt chồng, thậm chí “cai trị” đức lang quân mà thực ra  là một cách bình đảng quá trớn, khiến nhiều người đàn ông  lâm vào bi kịch chung với “sư tử liên tính”.

 

         Đừng phụ thuộc đến mức “phu xướng phụ tùy” mà cũng đừng lất lướt chức năng và phẩm hạnh trời phú cho người phụ nữ là lấy tình cảm và sự yêu thương để đắp xây hạnh phúc gia đình. Karl Marx từng khẳng định rằng :”Đức tính tôi thích ở đàn bà là… hiền dịu”. Hiền dịu và không hèn kém.  Chính điều đó làm tôn thêm vẻ cao quí ở người phụ nữ hơn là giành lấy quyền “phụ xướng” bắt chồng phải theo.

 

         Hãy bình đẳng vợ chồng trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lần nhau.

 

3. Giải pháp dung hòa

 

         Chúng ta phải hiểu rằng nên một trong tình yêu là nên một trong “hòa đồng” (hòa hợp) chứ không phải nên một trong “đồng hóa” (đồng nhất).

 

         Chúng ta hãy nhìn vào ly nước chanh đường.  Trong ly nước chanh thì có chanh và đường hòa tan trong ly nước. Trong đó chanh vẫn là chanh và đường vẫn là đường để làm thành ly nước chanh đường ngon miệng.  Nếu trong ly nước tất cả biến thành chanh hoặc tất cả biến thành đường thì làm sao gọi là ly nước chanh đường được mà phải gọi là ly nước đường hoặc ly nước chanh vì đã bị đồng hóa.

 

         Đối với nhiều người, việc sống hòa đồng trong quan hệ vợ chồng là điều không thể thực hiện được.  Người chồng thì cảm thấy “vợ phải kém mình một bậc” vì cha ông ta vẫn nói “Phu xướng phụ tùy”.  Chồng là người lãnh đạo trong khi vợ là kẻ thừa hành.  Nhiều người chồng quen thói gia trưởng còn coi vợ như “đầy tớ, kẻ hầu hạ” !  Ngược lại, cũng có bà vợ, dựa vào một ưu thế nào đó, tỏ ra “uy quyền bà chúa” đối với chồng, như đã có câu “Lệnh ông không bằng cồng bà”…

 

         Trong bối cảnh gia đình như thế, không thể có sự hòa đồng trong tương quan vợ chồng. Bởi vì, hòa đồng hiểu một cách đơn giản, là sự sống chung hài hòa, bình đảng, đồng đều giữa hai con người. Trong xã hội văn minh ngày nay, người ta luôn đề cao sự hòa đồng giữa chủ và tớ, giữa lãnh đạo và người cộng tác, giữa thầy và trò, giữa người giầu và kẻ nghèo,  giữa người địa vị cao và người dđịa vị thấp kém…

 

         Đặc biệt, trong quan hệ vợ chồng, thái độ cư xử hòa đồng sẽ là điều kiện cần thiết để đem lại niềm vui, sự thăng tiến và tình yêu hòa hợp.  Hình ảnh để minh họa cho sự hòa đồng giữa hai nhân tố nam nữ (vợ chồng), đó là “Ta với mình tuy hai mà một”, đó là vợ/chồng như “một nửa của nhau”, như “đối tác” (partnet) của nhau vv…

 

         Một khi hai vợ chồng sống tích cực lý tưởng hòa đồng thì không còn kẻ trên người dưới, kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp. Họ đối xử với nhau một cách bình đẳng, kính trọng và yêu thương. Trong tình yêu chắc chắn không có “giai cấp”. Còn gì đẹp cho bằng hai hình ảnh minh họa sau đây :

                 

                                   Cho dù vật đổi sao dời

                           Chúng ta đã sống cả đời yêu nhau.

                                   Cùng nhau chia sẻ ngọt bủi

                           Cùng lau giọt lệ ngậm ngùi sầu thương.

                                      (Charles Jeffreys)

         Hay  câu khác cũng có ý nghĩa tương tự : “Hai tâm hồn nhưng một ý nghĩ, hai quả tim nhưng chung một nhịp đập” (Maria Lowel).

 

II. SONG HÀNH TRONG HÔN NHÂN

 

         Chúng ta có thể đưa ra một hình ảnh khác nói lên sự quan hệ cần thiết giũa vợ chồng, đó là cây dâu và con tằm.  Muốn nuôi tằm thỉ cần phải có lá dâu vì tằm chỉ có thể ăn dâu, nuôi sống bằng lá dâu. Không có dâu thì tằm không thể sống được. Còn trồng dâu mà không nuôi tằm thì cũng trở nên vô nghĩa vì người ta chủ ý trồng dâu để nuôi tằm. Thiếu một trong hai thứ ấy, người ta sẽ không bao giờ có tơ lụa để may quần áo.  Như vậy cả hai vợ chồng đều phải có nhau, đều cần thiết như nhau và đều bình đẳng.

 

         Chúng ta có thể đưa ra một hình ảnh khác nói lên sự hài hòa của đời sống vợ chồng, đó chiếc tầu hỏa.  Chúng ta có thể coi như vợ chồng đang đi trên một con tầu hôn nhân.

 

         Ai cũng đã biết chiếc tầu hỏa thế nào, cũng có khi đi nhiều lần chiếc tầu đó.  Chúng ta nên nhận xét : con tầu chỉ tới bến trên tuyến đường sắt song hành.  Sự nên một của tuyến đường là cùng sóng đôi chứ không phải là cùng chạm nhau.  Mất sự sóng đôi, con đường đánh mất bản tính của nó. Mất sự song hành thì tuyến đường không con là tuyến đường nữa, bởi sự hợp nhất căn tính của nó  hệ tại “cùng sóng đôi đi về một hướng”.

 

         Vì thế, hôn nhân là phải nên một trong tình yêu. Nên một trong tình yêu là nên một trong hòa đồng chứ không phải nên một bằng đồng hóa.

 

         Người Việt nam chúng ta có câu tục ngữ :”Kim chỉ có đầu”, nghĩa là cái kim sợi chỉ cũng có đầu, huống chi người ta; câu ấy có ý nói : có trên có dưới, theo trật tự phong kiến. Cho nên trong gia đình cũng phải có người đứng đầu.

 

         Trong thư mục vụ gửi cho giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô viết :”Người chồng là đầu người vợ” (Ep 5,23). Nói như vậy không có nghĩa là người chồng phải là “gia trưởng” như trong xã hội phong kiến theo nguyên tắc “phu xướng phụ tùy”, mà chỉ có ý nói lên vai trò quan trọng của người chồng trong đời sống gia đình, nghĩa là phải biết điều khiển, biết lèo lái hướng dẫn gia đình như người thuyền trưởng lèo lái con tầu đi tới bến.

 

         Thánh nhân cũng biết  cái “đầu” thì rất hay và cũng rất dở theo kiểu nói của ngạn ngữ Tây phương :”Cá sống tự đầu và cá thối cũng tự đầu” (Piscỉs a capite vivit et a capite faetet).  Ngài còn thêm mấy chữ khác nữa vào câu nói trên :”Người chồng là đầu người vợ như Chúa Giêsu là đầu Hội thánh” (Ep 5,23), nghĩa là  :”Chồng phải yêu thương vợ như Chúa Giêsu yêu Hội thánh” (Ep 5,25).

 

          Do đó, chúng ta có thể kết luận : người chồng là đầu sống của người vợ, nghĩa là làm cho người vợ sống, chứ không làm cho nó hư đi, như cá thối tự đầu vậy... Người chồng là người điều khiển gia đình, nếu đầu đã thối thì điều khiển làm sao được và số phận gia đình sẽ ra sao ?

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

        


Gợi Ý Giảng Lễ Hôn Phối