BA NGỌN NẾN LUNG LINH

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

         Khi ấy Chúa Giêsu cầu nguyện :”Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

 

         Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,20-26).  Đó là Lời Chúa.

 

         Qua lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết chứng tá mạnh nhất và có tính thuyết phục nhất là sự hiệp nhất trong Hội thánh.  Thánh Gioan đã ghi lại lời Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Hội thánh.

 

         Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ tin vào Ngài nhờ lời rao giảng và giáo huấn của các môn đệ,  nghĩa là Chúa vẫn cầu nguyện cho hết mọi thành phần trong Hội thánh.  Mục đích Chúa Giêsu cầu nguyện là để mọi người tin vào Chúa Giêsu được hiệp nhất với nhau. Chính sự hiệp nhất này  là sức mạnh và có sức thuyết phục thế gian tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

 

         Chúa Giêsu cầu nguyện cho mọi người được hiệp nhất trong tình yêu, trong chức làm nghĩa tử và trong vinh quang của Chúa . Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng :

         - Yêu thương nhau là dấu chỉ của sự hiệp nhất và cũng là chứng tá có tính thuyết phục nhất, có giá trị tông đồ.

         - Được làm con Chúa qua bí tích Rửa tội, chúng ta được hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ.

         - Chúng ta càng nỗ lực thánh hoá bản thân, chúng ta càng có giá giá trị để thánh hoá tha nhân, và đó là cách chúng ta  sống hiệp nhất huynh đệ.

 

II. HÌNH ẢNH CỦA SỰ HIỆP NHẤT

 

         1. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

 

         Trong khi học giáo lý cộng đồng, chúng ta còn nhớ lại câu hỏi của Chúa nhật thứ tám thường niên vừa qua :

 

         HỎI : Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết  mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi để làm gì ?

         THƯA : Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi để chúng ta được thông phần sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, hai là để cho gia đình và xã hội chúng ta sống theo khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

         Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi khi Ngài nói với các môn đệ trước khi về trời :”Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

 

         Chúa  Giêsu không cắt nghĩa, Ngài chỉ tiết lộ cho biết có một Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Sau đó, Ngài để cho Hội thánh giải nghĩa mầu nhiệm ấy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

         Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là khởi điểm và là nguồn mạch của đời sống thiêng liêng của  chúng ta.

 

         Vì vậy, khi tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là đã tham dự vào đời sống vĩnh cửu ngay trên trần gian này, và được thông phần  với cuộc sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi (x. M.E. Boismard và A. Lamouille, Tin mừng theo thánh Gioan, Cerf, tr 360).

 

         Hơn nữa, Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu duy nhất, là nền tảng và gương mẫu cho gia đình và xã hội chúng ta.  Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Con yêu Chúa Cha, và tình yêu của Chúa Cha và Con là Chúa Thánh Thần. Vì thế, sự hiệp nhất trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là khuôn mẫu cho sự hiệp nhất của gia đình và xã hội, nghĩa là chúng ta cũng được sống yêu thương và hiệp nhất để xây dựng gia đình và xã hội hiệp nhất, yêu thương và hạnh phúc.

 

         2. Gia đình Kitô hữu

 

         Gia đình Kitô hữu cũng được xây dựng theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Nhìn vào gia đình Kitô hữu chúng ta thấy có cha, có mẹ, có con cái. Ba thành phần riêng biệt ấy làm thành một gia đình duy nhất. Trong đó, cha không phải là mẹ, mẹ không phải là con, và con cái cũng không phải là cha hay mẹ, nhưng tất cả đều yêu thương nhau, đùm bọc nhau, cùng hiệp lực xây dựng gia đình, biến gia đình thành một tổ ấm để mọi người được sống trong yêu thương và hạnh phúc.

 

         Tuy nhiên, có những gia đình không được hạnh phúc vì họ thiếu tình yêu và hiệp nhất, trong đó mỗi người chỉ biết sống cho riêng mình, không quan tâm đến người khác : chồng thì “nghểnh”, vợ thì “ngảng”,  hoặc tệ hơn nữa hai người sống trong cảnh :”Ông ăn chả, bà ăn nem”, không ai lo cho con cái nữa, chúng bị gạt ra ngoài , sống chơ vơ hoặc lạnh lẽo như người khách trọ trong gia đình.

        

         Nhà văn hào Pháp, ông Honoré de Balzac, đã nói một cách quả quyết :”Hôn nhân là con đường đưa ta tới thiên đường hay tới địa ngục”.  Thật thế, hôn nhân gia đình là phương tiện để người ta tạo lập hạnh phúc hay tạo ra bất hạnh.  Người ta có thể tạo ra một thiên đường hạnh phúc cho con cái và cũng có thể biến gia đình thành một bãi tha ma vắng lạnh, tạo ra cho con cái có cảm giác đang sống trong hoả ngục.

 

Truyện : Gia đình là địa ngục

 

         Một hôm, người ta gặp một em bé lạc đường đang khóc mếu máo. Người ta không biết cha mẹ em là ai, nhà ở đâu. Họ hỏi :

         - Em tên là gì ?

         - Thằng trời đánh thánh vật.

         - Bố em tên là gì ?

         - Thằng quỉ.

         - Mẹ em tên là gì ?

         - Con đĩ.

         - Nhà em ở đâu ?

         - Ở hoả ngục.

         Sau đó người ta cũng tìm ra nhà cha mẹ nó.

 

         Tìm hiểu lý do tại sao em nhỏ lại trả lời như thế ?  Người ta mới thấy cách sống ở nhà em : bố mẹ hay gọi em là thằng trời đánh thánh vật, mẹ hay gọi bố là thằng quỉ, bố hay gọi mẹ là con đĩ, và cả hai bố mẹ gọi cái nhà này là hoả ngục.

 

III. HÌNH ẢNH BA NGỌN NẾN LUNG LINH

 

         Ca sĩ – nhạc sĩ Ngọc Lễ đã sáng tác một bài hát rất dễ thương về gia đình :”Cha là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình…”. Chúng ta hẳn đã có dịp trực tiếp xem và nghe gia đình Ngọc Lễ - Phương Thảo và các con trình diễn hoặc được xem băng đĩa bài hát “Ba ngọn nến lung linh” này ?

 

         Hình ảnh thật đẹp, diệu vời, hấp dấn từ đầu đến cuối !  Cái đẹp huyền diệu và quyến rũ từ ánh sáng lung linh của ba ngọn nến vàng-xanh-hồng : cha-mẹ-con cái. Mộc bức tranh thật tuyệt vời nói lên tình yêu thắm thiết và hiệp thông giữa cha mẹ và con cái. Bức tranh nói lên cái vẻ hấp dẫn của một gia đình hạnh phúc, làm cho ai cũng phải ao ước.

 

         Ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình”. Nói đến cây nến là phải nói đến ánh sáng vì cây nến có mục đích được đốt lên để toả sáng ra chung quanh. Ánh sáng của cây nến  ngoài  tác dụng chiếu sáng, còn có một tác dụng khác nữa là toả ra sức nóng.  Lửa thì bao giờ cũng nóng, có thể đốt cháy hay sưởi ấm.

 

         Trong mùa đông lạnh lẽo dưới không độ, nhà nào cũng cần có lò sưởi. Lửa sẽ toả ra sức nóng để sưởi ấm mọi người trong nhà.  Lửa có thể được coi là biểu tượng của tình yêu vì người ta thường nói :”Tình yêu bùng cháy”.  Chính tình yêu sưởi ấm cho mọi người trong gia đình và người ta có cảm giác đang được ở trong một tổ ấm gia đình.  Ai mà không muốn xây dựng cho mình một tổ ấm yêu thương ?

 

         Chính vì vậy, văn hào André Maurois đã nói : “Hôn nhân là một công trình mà ta phải kiến tạo suốt đời”.  Công trình hôn nhân, vừa khó khăn, vùa lâu dài, được thực hiện không do một người mà là nhiều thành viên trong gia đình.  Gia đình trước tiên là một cộng đồng. Một cộng đồng cơ bản và làm hạt nhân cho những cộng đồng lớn hơn.  Và cộng đồng này trước hết được xây dựng trên nền yêu thương.

 

         Đai văn hào Pháp, ông Victor Hugo, đã thi vị hoá gia đình như sau :”Ngôi nhà được xây bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột kèo. Gia đình được xây bằng những việc làm yêu thương thì sẽ trụ vững một ngàn năm”.  Rõ ràng là, để hôn nhân bền  vững, để gia đình hạnh phúc bền lâu, người ta phải xây dựng bằng những vật liệu không mối mọt, đó là chất liệu tinh thần : lòng nhân ái yêu thương đùm bọc và sự chung thuỷ kiên vững. Gia đình là một kiến trúc xây dựng thuộc về trách nhiệm của mỗi thành viên.

 

         Chúng ta còn một tấm gương sáng ngời của thánh gia thất Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Đây là một mô hình tuyệt vời về cuộc sống gia đình, đáng nêu gương cho chúng ta. Các Ngài đã sống trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm, tạo thành một mái ấm yêu thương tuyệt  vời. Các Ngài đã giúp nhau chu toàn nhiệm vụ được Cha trên trời trao phó, để chuẩn bị cho Chúa Giêsu thực hiện được chương trình cứu chuộc nhân loại. Đây là một gia đình hạnh phúc đáng nêu gương cho chúng ta.

 

         Như vậy,  theo gương thánh gia thất, hạnh phúc gia đình phải được xây dựng trên nền tảng là cùng nhau thực hiện thánh ý Thiên Chúa thì mới vững bền. Cổ nhân nói :”Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” , nghĩa là thuận theo trời thì còn, thì hạnh phúc, còn nghịch với trời thì mất, thì bất hạnh, thì đau khổ.  Câu này đúng trong mọi trường hợp, đặc biệt trong mọi tình huống của gia đình. Nếu không quan tâm thực hiện thánh ý Chúa, con người càng tìm hạnh phúc thì càng gặp đau khổ và thất bại.

 

         Chúng ta hãy cầu nguyện :  “Lạy Cha, đời sống gia đình có biết bao khó khăn, thử thách và đau khổ, chẳng những đến từ ngoại cảnh, từ xã hội, mà còn đến từ chính những người trong gia đình.  Xin cho con nhận ra  mọi đau khổ thử thách đều là những phương tiện Cha dùng để thánh hoá, tinh luyện tình yêu của bản thân con và gia đình con, để chúng con có được  những cơ hội quý giá chiếm được những phần thưởng vô cùng lớn lao mà Cha muốn dành cho chúng con. Xin ban cho mọi người trong gia đình con đủ tình yêu để gia đình được trở thành một tổ ấm hạnh phúc, thành một hình ảnh của thiên đàng mai sau. Amen.

 

                                                                       Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                       Giáo xứ Kim phát

                                                                       Đà lạt

 


Về trang Mục Lục