C Ơ N    L Ũ

_____________________________________

Trung thành trong hôn nhân

 

I. LỜI  CHÚA.

 

        Một hôm, có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói :”Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không” ?

        Người đáp :”Các ông không đọc thấy điều này sao : “Thuở ban đầu, Đấng Tạo hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán :Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt,

        Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 3-6).

 

II. BÍ TÍCH HÔN NHÂN.

 

          1. Ý nghĩa của hôn nhân

 

        Hôn nhân Công giáo không những chỉ là một giao ước giữa một người nam và một người nữ õtheo luật tự nhiên, nhưng còn là một Bí tích.  Đó là Bí tích Đức Giêsu đã lập ra để kết hợp người nam và người nữ thành vợ chồng và ban cho đôi bạn những ơn cần thiết :

                - Tăng thêm ơn thánh hoá, làm cho sức sống siêu nhiên nơi họ dồi dào hơn.

                - Ban nhiều hiện sủng, để họ được trợ giúp khi thi hành công việc bổn phận hằng

                   ngày.

        Nhờ dòng suối ân sủng này, đôi bạn được nâng đỡ trong nỗ lực thánh hóa bản thân, trong trách vụ làm vợ chồng, làm cha mẹ (x. MV 48b ; Cl 3,12-17).

 

          2. Hai đặc tính của hôn nhân.     

 

        a) Đơn hôn :

                        Đơn hôn là hôn nhân giữa chỉ một người nam và một người nữ. Hôn nhân Công giáo là duy nhất, trung tín, không chia sẻ. Người nam không thể là chồng của người nữ nào ngoài vợ mình;  và người nữ cũng không thể là vợ của người nam nào ngoài chồng mình.  Dùng kiểu nói xưa, thì gọi là “Nhất phu nhất phụ”. Đặc tính  Đơn hôn loại trừ mọi hình thức đa thê, đa phu và hôn nhân của những người đồng tính luyến ái.

 

        Con sông Cửu long, khi chảy xuống miền Hậu giang, dòng sông liền trở nên nông cạn. Tâm hồn người càng chia sẻ cho nhiều sự vật, càng bị phân tán, yếu nhược và cằn cỗi đi.

 

        Quả tim tôi rất nhỏ và hẹp đối với các của hữu hình :

        * Muốn yêu tha thiết nồng nàn ? Tôi phải yêu thật ít sự vật (hay thật ít người)

        * Muốn yêu thật nhiều sự vật (hay thật nhiều người) ? Tôi sẽ yêu rất hững hờ, sẽ thấy tình

           tôi nhạt như  nước ốc.

        Thân với hết mọi người, tức là không thân ai cả. Thích hết mọi sự, tức là không có sở thích. Đó cũng là triết lý của thánh Toma tiến sĩ.

                        (Vũ minh Nghiễm, Vươn, tr 85)

 

        b) Bất khả phân ly :

        Bất khả phân ly tức là vĩnh viễn, nghĩa là hôn nhân ràng buộc hai người cho đến chết. Khi người nam và người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải chung thủy với nhau trọn đời (MV số 20).  Không ai có thể tháo dây hôn phối đó, dù hai vợ chồng đồng tình, dù quyền lực tôn giáo hay dân sự. Đặc tính vĩnh viễn này loại trừ sự LY DỊ.

 

        Trong lời hứa hôn, đôi bạn đã đọc công khai trước mặt mọi người : Nhận nhau làm vợ làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

        Trong lúc xỏ nhẫn cho nhau, đôi bạn cũng nói lên : hãy nhận lấy chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của nhau.

 

        Và Linh mục chứng hôn cũng nhắc cho đôi bạn : Điều gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly (x. Mt 19, 6).

 

                Truyện : Án Tử và người vợ xấu xí

        Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử :”Ôi, vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao” ?

        Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự :”Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng khi còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi”   (Lẽ sống, tr 302).

 

        Trong cuộc hôn nhân nào cũng phải có lời thề, không bằng lời nói thì cũng bằng giấy bút hoặc bằng một cử chỉ ưng thuận.  Lời hứa nào cũng hàm chứa một lời cam kết phải trung thành với nhau :

                        Dù cho sông cạn đá mòn,

                        Còn non còn nước hãy còn thề xưa.

                                   (Tản Đà)

 

II. CƠN LŨ KHỐC HẠI.

 

        1. Cơn lũ ly dị.

 

        Ly dị hiện nay được coi như cơn lũ đang tàn phá đồng bằng Sông Cửu long : nước lấy đi tất cả, tràn vào căn nhà gia đình : xô sập, cuốn đi.  Cơn lũ đồng bằng sông Cửu long có ngày, có tháng, dâng lên cao rồi lại rút đi, nhưng cơn lũ ly dị thì chẳng có tháng có năm, cứ dâng lên cao và chẳng rút đi bao giờ. Thật là một thảm họa cho gia đình, cho xã hội và cho con người.

 

        Cơn lũ ly dị phát sinh không phải do thiên nhiên mà do con người, nên rất tế nhị và phức tạp.  Muốn giải quyết vấn đề có người chạy đến với giáo luật như một lời răn đe, hay tìm khe hở để che chắn.  Giáo luật trong hợp này chỉ giống như những bao cát chắn bờ, nằm tạm bợ và chơ vơ giữa dòng nước lũ.  Vậy đâu là giải pháp để ngăn chặn cơn lũ ly dị ?

 

        Đây là câu trả lời của đôi bạn trẻ đã lập gia đình, cho câu hỏi : có bao giờ bạn nghĩ  đến chuyện ly dị không ? Nếu có, bạn đã giải quyết thế nào ?

        - Chúng tôi đã thực sự cam kết dấn thân theo Chúa khi chúng tôi còn ở bậc trung học. Chính vì thế chúng tôi cam kết trung thành với nhau.

        Đôi bạn trung thành với Chúa sẽ có nhiều cơ may trung thành với nhau.

        Cam kết trong hôn nhân là một lời hứa công khai, long trọng, trung thành  mà đôi bạn trao cho nhau để kết bạn với nhau trước mặt Chúa và Hội thánh.

 

        2. Tình trạng hiện nay.

 

        Nhưng tình trạng hôn nhân ngày nay hết sức bi đát.  Làm gì có nhiều đôi bạn trẻ dám trả lời được câu hỏi như ở trên ?  Được bao nhiêu người trung thành theo Chúa để cho họ có thể trung

å thành với nhau ?

 

        Gia đình thay đổi theo chiều hướng đổ dốc, đến độ năm 1993, người ta phải tổ chức hẳn một hội nghị quốc tế tại Paris, xoay quanh chủ đề “Hãy xây dựng lại gia đình” , với sự tham dự của các nhà tâm lý học, xã hội học, luật học và dân số học. Tầt cả đều nhất trí rằng gia đình hiện tại đang như chiếc lá rụng.

 

        Châu Âu giật mình là phải, bởi lẽ, cứù 4 đứa trẻ dưới 16 tuổi thì có một đứa thấy bố mẹ ly hôn hay ly thân ! Và cứ 10 em thì có một phải sống chung với người lạ, nghiền ngẫm nỗi đau trong cái câu “mấy đời bánh đúc có xương”

 

        Ở Mỹ, tình trạng lại càng tệ hơn, khi trẻ em tuyệt vọng và bất hạnh. Số trẻ em tự tử đã tăng lên gấp 3 thập niên 70, trong khi số người lớn tự tử không tăng. Có 20% trẻ em Mỹ gặp vấn đề về thần kinh, không thể yên tâm để sôi kinh nấu sử, vì bố mẹ đã “ân đoạn nghĩa tuyệt”.  Gia đình rạn nứt đã gây sốc đến trẻ em mạnh đến nỗi, có những em đã 17 tuổi mà chưa biết làm toán thập phân, chưa biết tính phần trăm...

                        (Kiến thức ngày nay, số 145, 1994, tr 22)

 

        3. Giải pháp.

 

        Kinh nghiệm thực tế cho thấy : tại Hoa kỳ vào năm 1975, cứ 4 gia đình thì có một gia đình ly dị (ngày nay thì chắc phải tăng gấp đôi). Tuy nhiên, trong 500 gia đình năng đọc Kinh thánh và cầu nguyện thường xuyên chỉ có một gia đình ly dị mà thôi.

 

        Từ kinh nghiệm thực tế này, đi đến kết luận : gia đình nào biết cầu nguyện chung với nhau, gia đình đó thường chung thủy và sống hạnh phúc.  Người ta đã đưa ra mọi biện pháp tự nhiên để củng cố các gia đình, nhưng xem ra thất bại và chỉ còn một cách là trở về với đời sống thiêng liêng, phải quay về với Chúa.

 

        Giải pháp đọc Kinh Thánh và cầu nguyện chung trong gia đình xem ra xưa và tầm thường. Nhưng có một điều ai cũng biết : bất cứ khó khăn nào như cơn lũ ly dị chẳng hạn, nếu biết chạy đến với Chúa thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết trước khi nó trở nên trầm trọng.

 

        Nếu chúng ta biết kết hợp những lời Kinh thánh lại :

        “Không có Thầy các con không thể làm gì được “

        “Hãy xin thì sẽ được”(Mt 7,7-8 ; Lc 11. 9-11)

        “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”

             thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Tháng 01 / 2002


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà