Ơ N     G Ọ I (2)

__________________________________

Ơn gọi hay định mệnh ?

 

I. ƠN GỌI CHO MỌI NGƯỜI.

 

        Mỗi người chúng ta được ơn Chúa mời gọi : được sinh ra làm người, được làm con Chúa và Hội thánh, được hưởng sự sống đời đời.

 

        1. Ơn gọi làm người : Khi dựng nên muôn loài muôn vật thì Thiên Chúa chỉ phán một lời làì mọi sự đều hiện hữu, nhưng khi dựng nên con người Thiên Chúa còn suy tư xem sẽ dựng nên con người như thế nào ; và kết cục Ngài đã quyết định dựng nên con người giống hình ảnh Ngài.  Ngài cũng cho con người được quyền quản lý những gì Ngài đã tạo dựng.

              

        2. Ơn gọi làm con Chúa, con của Hội thánh : Khi sinh ra, chúng ta mang tội nguyên tổ, không được quyền làm con Chúa, nhưng Ngài đã xuống thế làm người chịu chết chuộc tội chúng ta và qua bí tích rửa tội, chúng ta lại được chấp nhận làm con Chúa và con của Hội thánh.

 

        3. Ơn gọi được hưởng Nước Trời : Vì tội của nguyên tổ Adam và Evà, chúng ta đã mất quyền được hưởng sự sống đời đời, nhưng Chúa Cha vì yêu thương loài người đã sai Con Một của Ngài đến giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi và ban cho con người được hưởng sự sống đời đời :”Thiên Chúa yêu thế gianđến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai on của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

 

II. HÔN NHÂN LÀ ĐỊNH MỆNH ?

 

        Rất nhiều người coi việc kết hôn là do duyên phận hay duyên số. Hay nói cách khác hôn nhân là do định mệnh nghĩa là việc cưới vợ gả chồng là do một lực lượng vô hình đã xếp đặt và con người không thể cưỡng lại được.

        Trách duyên phận bẽ bàng, người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn gia Thiều đã thốt lên những câu bi phẫn :

 

                        Tay Nguyệt Lão chẳng xe thì chớ,

                        Xe thế này có dở dang không,

                        Dang tay muốn dứt tơ hồng,

                        Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.

 

        Thương nàng, ta cũng giận Nguyệt Lão. Thế nhưng Nguyệt Lão là ai ?

        Tự điển Thanh Nghị giải thích : Nguyệt Lão là tên một vị tiên, chủ về hôn nhân.

       

        Nguyệt Lão được hình dung như một ông già quắc thước ngồi trên cung trăng định đoạt chuyện nhân duyên của người trần thế.  Ông lấy một sợi tơ đỏ buộc chân một người nam và một người nữ với nhau.  Thế là nhất định họ sẽ phải thành vợ chồng. Vì vậy, chuyện vợ chồng, theo quan niệm cũ, là do nơi sắp đặt của Nguyệt Lão.  Nguyệt Lão còn được gọi là ông tơ (vì ông ta dùng tơ đỏ, tơ hồng).  Nhưng trong cách hiểu dân gian thì “lão” có thể là lão ông mà cũng có thể là lão bà. Cho nên, người trần thế lại cũng tưởng tượng mà gán cho cõi tiên những quan hệ trần tục như mình : đã có Ông Tơ thì thế tất phải có Bà Nguyệt !

 

        Sự thực Ông Tơ và Bà Nguyệt chỉ là hai tên gọi khác nhau của một vị tiên là Nguyệt Lão mà thôi. Về sau,  Ông Tơ Bà Nguyệt được dùng với nghĩa rộng,  chỉ chung những người mối lái trong chuyện dựng vợ gả chồng. Và, dĩ nhiên, những ông mối hay bà mối được gọi là ông Tơ bà Nguyệt này là người trần mắt thịt chứ không phải là tiên.

                       (Hoàng văn Hành, Kể chuyện, thành ngữ, tục ngữ, tr 385-386)

 

                          Truyện : nhân duyên của Vi Cố.

        Đã muộn mằm lắm mà Vi Cố chưa lấy vợ. Mãi đến một hôm, chàng quyết định gặp một cô gái vừa được đưa mối. Dọc đường, chàng thấy một cụ già đeo cái túi bên người. Hỏi ra mới biết cụ là người chuyên xe duyên cho các đôi vợ chồng. Cụ già phán bảo chàng rằng : cái đám chàng đi đến chẳng nên duyên vợ chồng. Cái số của chàng là phải lấy một cô bé lúc này mới lên ba thường đi theo mẹ bán rau ở chợ,  nhưng mãi đến năm nàng mười bảy tuổi mới cưới xin được.  Cái túi bên người cụ đựng toàn những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân những người dù ghét bỏ đến đâu, xa cách đến mấy cũng vẫn phải lấy nhau.  Chỉ ấy đã buộc chân chàng với cô bé kia. vềà nhà, chàng thuê một người đi giết cô bé, nhưng sự chẳng thành. Mười bốn năm sau, chàng tập ấm và được quan trên tin cẩn gả con gái cho.  Thành vợ thành chồng được mười năm, chàng mới nhận ra vợ mình là cô bé mà chàng thuê người giết ở chợ để thách thức với số phận. Sau bao biến đổi, từ một cô con gái của người bán rau, nàng trở thành con nuôi của một viên quan trong triều. Kinh ngạc thay, vợ chồng không ai khác mà chính là nàng !  Rõ là Vi Cố không thoát được tiền định, không thoát được sự buộc chân của sợi chỉ hồng trong túi cụ già hai mươi bốn năm về trước.

                        (Hoàng văn Hành, Kể chuyện, thành ngữ, tục ngữ, tr. 278)

 

III. HÔN NHÂN LÀ ƠN GỌI ?

 

        Thiên Chúa ban cho con người hai cái phẩm tính đặc biệt mà không loài vật nào có, đó là lý trí và tự do. Con người có lý trí để suy xét công việc mình làm : tốt hay xấu, làm hay không làm, làm cách này hay cách khác, con người có quyền tự do quyết định.  Chính vì có lý trí và tự do nên con người phải có trách nhiệm về những việc mình làm.

 

          1. Vấn đề độc thân :

 

        Kinh thánh nói :”Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10, 6-8).

 

        Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ thật, nhưng Ngài có đòi buộc họ phải kết hợp với nhau không, hay Ngài để cho con người tự do, muốn kết hợp cũng được, mà không kết hợp cũng được ?  Theo cách thông thường thì người nam và người nữ kết hợp với nhau thành vợ chồng, nhưng Chúa  không đòi buộc con người phải làm như thế, vì Ngài cho biết : cũng có người không cưới vợ gả chồng vì một lý do cao đẹp : vì Nước Trời.  Đây, chúng ta hãy nghe lời Chúa :”Qủa vậy, có những người là hoạn nhân vì từø lòng mẹ sinh ra đã như thế ; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn ; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời.  Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 12,12 ) .

 

        Trong thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô tông đồ cũng cho biết có bậc độc thân, cũng có bậc gia đình, mỗi người phục vụ bằng những cách khác nhau :”Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng người. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1 Cr 7, 32-34).   

 

        2. Vấn đề lập gia đình.

 

        Như trên đã nói, Thiên Chúa không buộc ai phải sống độc thân, cũng không phải lập gia đình, ai muốn sống độc thân trong đời sống tu trì hoặc trong cuộc sống ngoài đời cũng được.  Mọi người phải có quyền tự do trong việc lập gia đình : có lập gia đình hay không hoặc lập gia đình với ai.  Quyền tự do này được bất khả xâm phạm. Mất quyền tự do thì hôn phối sẽ không thành sự.

 

        Ngày xưa, cha mẹ có quyền áp đặt con cái trong việc lập gia đình theo phương châm :”cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Quan niệm ấy ngày nay đã lỗi thời rồ. Chính vì có sự áp đặt như vậy cho nên có những cô dâu phải ngồi than thân trách phận :

                                Mẹ tôi tham thúng xôi rền,

                             Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

                                Tôi đã bảo mẹ rằng đừng,

                             Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

                                Bây giờ kẻ thấp người cao,

                             Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

                                        (ca dao)

 

        Vì có tự do trong hôn nhân nên một danh nhân mới khuyên một câu rất chí lý :

                        “Hãy mở mắt to trước khi cử hành hôn lễ,

                          và sau đó hãy nhắm mắt lại”.

                                (Thomas  Fuller)

 

        3. Vấn đề nên thánh.

 

        Mọi Kitô hữu được kêu gọi nên thánh . Thánh có nghĩa là thuộc về Chúa. Mọi Kitô đã thuộc về Chúa cho nên phải có nhiệm vụ nên thánh, không những trong đời sống tu trì mà ngay cả trong đời sống hôn nhân. Dĩ nhiên, linh đạo nên thánh của người lập gia đình phải khác với bậc tu trì.  Nói chung, người sống trong bậc gia đình hãy yêu thương nhau tha thiết như tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh Người.  Tình yêu vợ chồng được đúc kết bằng hy sinh, phục vụ, dâng hiến, nhịn nhục chịu đựng và trung thành suốt đời.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim Phát

Tháng 2 / 2004


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà