YÊU NHAU TRĂM SỰ CHẲNG NỀ

*****

 

          Trong ca dao tục ngữ, chúng ta thấy có rất nhiều câu thơ nói về tình yêu, mỗi câu thơ nói lên một khía cạnh của tình yêu. Hôm nay chúng ta chọn một câu thơ rất quen thuộc để nói lên tính cách vô vị lợi của tình yêu, nhất là trong tình yêu hôn nhân :

                                     

                                      Yêu nhau trăm sự chẳng nề,

                                  Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

 

          Chúa Giêsu đã thực hiện tình yêu vô vị lợi này nơi chúng ta. Tình yêu đó đã được thánh Phaolô ca tụng trong bài thánh thư gửi cho tín hữu Philipphê.

 

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

         

Đức Giêsu Kitô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.

          (Pl 2, 6-8)

 

          Thánh Phaolô ca tụng tình yêu Thiên Chúa đối với loài người chúng tatrong việc trút bỏ mọi vinh quang của Ngôi vị Thiên Chúa để trở nên người phàm. Và thánh Gioan tông đồ cũng nói: ”Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”(Ga 3,16-17).

Đây là một tình yêu hoàn toàn vo vị lợi.

 

          Tình yêu ấy được biểu lộ nơi Đức Giêsu. Ngài tuy là Thiên Chúa nhưng không giữ cho mình chức vị ấy, nhưng đã từ bỏ tất cả để trở nên giống phàm nhân như chúng ta. Còn hơn thế nữa, đã mặc lấy thân phận của người nô lệ hèn hạ nhất trần gian và kết thúc cuộc đời bằng cái chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã yêu thương phục vụ chúng ta cho đến cùng và tình yêu ấy được thể hiện cách cụ thể trong cái chết trên thập giá”Không có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu”(Ga 15,13)

 

          Thánh Gioan khẳng định:”Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,10). Ngài là nguồn gốc tình yêu. Ngài ban cho chúng ta tình yêu của Ngài để chúng ta yêu Ngài và yêu thương nhau. Vì thế Ngài mới nói:”Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn hết sức ngươi và hãy yêu anh em như chính mình”(Mt 22,37.39). Ngoài ra, Chúa còn nói rõ ràng và mạnh mẽ hờn:”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”(Ga 13,24 ; 15,12).

 

II. TÌNH YÊU HÔN NHÂN.

 

          1. Nhu cầu yêu và được yêu.

 

          Con người ai cũng có nhu cầu yêu và được yêu. Ai không biết yêu là con người không bình thường hoặc là con người điên loạn bởi vì :

                                     

                                      Đố ai sống được mà không yêu,

                                    Không nhớ không thương một kẻ nào.

                                                (Xuân Diệu)

 

          Tình yêu triển nở theo thời gian. Khi còn nhỏ, đứa trẻ sống rất vô tư, chỉ biết yêu cha mẹ và bạn bè, sống phó thác trong tay cha mẹ. Đến tuổi dậy thì, người thiếu niên thấy có sự thay đổi gì đó trong con người mình, bắt đầu ưu tư, một tình cảm mông lung nổi lên, tình yêu chớm nở, một nỗi buồn vu vơ không hiểu lý do đang xâm chiếm tâm hồn :

 

                                      Hôm nay trời lặng lên cao,

                             Tôi buồn , không hiểu vì sao tôi buồn.

                                                (Xuân Diệu)

 

          Nhưng đến tuổi trưởng thành, người thanh niên thực sự có tình yêu, không chỉ là tình yêu bạn bè, mà tình yêu thiên về gia đình. Lúc này trai tài gái sắc tìm gặp nhau để tìm hiểu nhau và đi đến quyết định lập gia đình.  Người ta không còn yêu một cách chung chung nhưng muốn tìm đối tượng riêng biệt và đặc thù để lập gia đình, muốn giới hạn tình yêu vào một đối tượng duy nhất : tình yêu vợ chồng.

 

          2. Lý do của Hôn nhân.

 

          Theo quan niệm bình dân, người ta cho rằng ông Tơ bà Nguyệt chuyên lo việc cưới vợ gả chồng, ông bà buộc sợi dây xích thằng vào ai thì không thể cởi ra được, họ buộc lòng phải lấy nhau. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận được quan niệm bình dân ấy. Hôn nhân phải có tính cách tự do và ý thức chứ không do một nguyện nhân mù quáng nào đó sắp đặt. Nếu không có tình yêu, người ta không thể lấy nhau được.

 

          Trong tông huấn về Gia đình, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói:”Tình yêu là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của con người”.

 

          Trong Thông điệp “Đấng cứu chuộc con người”, Ngài cũng nói:

Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ mãi mãi không hiểu được chính mình, và cuộc đời sẽ mất ý nghĩa nếu con người không đón nhận mạc khải về Tình yêu, nếu con người không gặp được tình yêu, nếu con người không thử nghiệm tình yêu, nếu con người không biến tình yêu thành của mình, nếu con người không dự phần một cách mạnh mẽ vào tình yêu”.

 

          Người ta đi đến hôn nhân là do tình yêu. Tình yêu nối kết hai người lại với nhau. Chính tình yêu làm cho hôn nhân bền chặt. Ngoài tình yêu ra, mọi cái khác chỉ là phụ thuộc. Có người coi nền tảng hôn nhân chỉ dựa trên chức quyền, danh vọng, tiền tài, sắc dục. Nhưng những thứ đó không bền chặt, không hoàn toàn tùy thuộc mình, có thể một ngày nào đó sẽ mất đi, lúc đó hôn nhân sẽ ra như thế nào ? Nền tảng đổ vỡ, toà nhà hôn nhân cũng sụp đổ.

 

          3. Tình yêu xây dựng và củng cố hôn nhân.

 

          Mọi cuộc hôn nhân phải được xây dựng trên tình yêu. Tình yêu là nền tảng của hôn nhân và gia đình. Tình yêu ây không phải là một tình yêu lãng mạn đầy thơ mộng nhưng một tình yêu đã được thử thách qua thời gian. Tình yêu này phải bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về thứ tình yêu này, đó là tình yêu hy sinh, dâng hiến phục vụ. Người ta kết hôn với nhau không vì một lý do nào khác ngoài việc thương yêu nhau tận tình, trong sáng, hy sinh cho nhau để tạo hạnh phúc cho nhau. Tình yêu bền vững sẽ là tình yêu được dệt đan bằng đau khổ và hy sinh vô vị lợi.

 

                                                Truyện : méo miệng

          Sau khi đem vợ ra khỏi phòng cấp cứu, người chồng trẻ vội đưa nàng đến ngay thẩm mỹ viện quen biết để xin bác sĩ giải phẫu chỉnh hình cho cô.

          Sau khi khám nghiệm, bác sĩ đồng ý giải phẫu ngay lập tức. Thế làø bác sĩ và y tá nhào ngay vào việc trong suốt bốn tiếng đồng hồ.

          Tại nạn xe hơi đã khiến một phần mặt cô rách nát, nhưng nhờ tài khéo léo, bác sĩ đã cứu cô khỏi sẹo. Nhưng khi chữa đến miệng thì bác sĩ đành chào thua.

          Giải phẫu xong, bác sĩ cho mời người chồng vào thăm vợ. Hai người cầm tay nhau nghẹn ngào.

          Quay sang bác sĩ, người vợ ấp úng hỏi :

          - Miệng tôi sẽ mãi mãi như thế này phải không ?

          Bác sĩ gật đầu :

          - Một sợi gân miệng của cô đã bị cắt đứt. Tôi e rằng, miệng cô...

          Người chồng vội ngắt lời :

          - Miệng em nay trông duyên hẳn ra !

          Rồi chàng cúi xuống, hôn lên miệng vợ. Bác sĩ đứng gần đấy đã trông thấy, và ông làm chứng rằng :

          - Chàng đã cúi xuống, méo miệng, rồi âu yếm hôn nàng... cho nàng thêm xác tín bốn làn môi ấy vẫn còn hòa điệu sắt cầm.

 

          Chúa yêu thương loài người đã “méo mó” vì tội lỗi, không để ý đến sự xấu xa của con người, mà cứ yêu thương, yêu thương cho đến cùng. Chúa Giêsu đã không thủ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã cúi xuống  “méo mó” như chúng ta và trở nên giống như chúng ta (x. Pl 2,6-11). Ngài đã trở nên giống hệt chúng ta chỉ trừ tội lỗi (Dt 4,15) để yêu thương và đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

 

          Anh chị hãy chiêm ngắm gương mặt Chúa Giêsu. Ngài đã hy sinh tất cả cho chúng ta để chúng ta được hạnh phúc. Anh chị cũng hãy yêu thương và hy sinh cho nhau để cùng nhau tạo lập một gia đình hạnh phúc.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

 

         

 

         


Về trang Mục Lục