THÍCH NGHI

***

I. SUY NIỆN LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Ga 2,1-11.

 

          Thánh Gioan cho biết khi mới khai mạc công cuộc truyền giáo, Chúa Giêsu và các môn đệ được mời dự tiệc cưới của người bà con tại Cana, cả Đức Mẹ cũng được mời tham dự. Tiệc cưới bao giờ cũng vui tươi với tiếng đàn tiếng ca, với bao nhiêu lời chúng tụng tốt đẹp cho cô dâu chú rể, chúc cho họ được trăm năm hạnh phúc.

 

          Rượu là một thành phần không thể thiếu được trong tiệc cưới vì rượu làm cho khách dự tiệc thêm hứng khởi như  Sách thánh đã nói:”Vinum laetificat cor” (Tv 103,15 ; Eccli 31,35). Đang dự tiệc mà thiếu rượu thi thật là nhục nhã và khổ tâm cho gia chủ.

 

          Nhưng may thay, Mẹ Maria có mặt ở dưới bếp và Ngài biết rõ sự cố xẩy ra vì Ngài thấy người ta xì xèo, bàn tán xôn xao và nỗi lo lắng hiện ra trên nét mặt gia chủ và những người phục vụ. Không cần phải ai nhờ vả, Mẹ Maria đã nhanh chân lên nhà trên, ghé vào tai Đức Giêsu và nói:”Họ hết rượu rồi”. Mẹ đã xin thì Chúa Giêsu không thể từ chối nên Ngài đã làm phép lạ cho nước hóa thành rượu. Rượu mới này vừa ngon lại vừa dồi dào, mọi người tha hồ chén tạc chén thù

 

          Qua sự cố này, chúng ta thấy tiệc rượu bao giờ cũng vui, hết rượu thì lo buồn và có thêm rượu thì lại vui. Biến cố này hé mở cho chúng ta thấy đời sống hôn nhân gia đình bao giờ cũng khởi đầu bằng sự vui mừng, nhưng trong quá trình của cuộc sống rượu tình đôi lúc cũng bị vơi, có lúc cạn kiệt bởi những sự va chạm, xích mích và những bất hòa làm cho gia đình phải chao đảo cóù khi đi đến chỗ tan vỡ. Nhưng nếu biết chịu đựng lẫn nhau, biết dung hòa những quan điểm khác nhau làm nên một sự hiệp nhất thì đời sống gia đình lại trở nên vui tươi đầm ấm.

 

II. PHẢI TẬP THÍCH NGHI.

 

          Trong đời sống hôn nhân, không bao giờ vợ chồng có cùng một tính khí, một ước vọng hay một quan điểm bởi vì “bá nhân bá tính”, làm sao có thể có sự đồng nhất được mà chỉ có sự hòa hợp, hòa đồng  với nhau. Ngoài ra, nếu hai người có một tính khí như nhau, một ước vọng, một sở trường sở đoản như nhau thì đời sống sẽ mất vui đi vì cần phải có sự đa dạng, cần có sự bổ túc cho nhau để làm nên một cái gì mới.

 

          Có người hỏi một bà :

          - Trong cuộc sống 20 năm của ông và bà, bà cảm thấy có những gì chung nhất ?

          Bà vợ suy nghĩ một hồi lâu rồi trả lời :

          - Điểm chung nhất là chúng tôi cưới cùng ngày, cùng tháng, cùng năm.

 

          Như vậy, không ai giống ai, mỗi người có một thế giới riêng. Thế giới của chồng thì khác với thế giới của vợ, và ngược lại, thế giới của vợ chắc chắn phải khác với thế giới của chồng. Chính vì vậy người ta mới nói :

                                      Thế gian được vợ hỏng chồng,

                                      Có đâu lại được cả ông lẫn bà.

                                                   (Ca dao)

 

Khi học về tâm lý hôn nhân, chúng ta đã được học 5 định luật về sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Chỉ còn có một cách là hai vợ chồng phải bổ túc cho nhau để làm nên sự hòa hợp chứ không bao giờ có sự đồng nhất cả.

 

                                                Truyện : Con thằn lằn.

          Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nghuyện sang các nước thuộc thế giới thư ba để phục vụ.

 

          Một thanh niên nọ đã xin đến Aán độ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bao nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản : từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối vói anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng quan tâm mấy.

 

          Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm, anh dọn dẹp và sắp xếp lại cho tươm tất.. Duy chỉ có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản. Đó là sự hiện diện của một con thằn lằn. Anh tìm mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích. Đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.

 

          Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.

 

          Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống : những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính là bản thân của anh.

(Lẽ sống tr 64-65).

 

          Miền Hậu giang của chúng ta bị lũ lụt hằng năm mà không thể nào tránh được. Người ta phải tìm cách sống chung với lũ. Đã không chống lại được thì phải tìm mọi cách để sống chung với lũ mà mình không bị thiết hại. Đã không chống lại được thì phải tìm cách thỏa hiệp.

 

          Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du :”Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta cảm thây như cảnh vật chung quanh cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám, Lắm khi những vấn đề khó khăn  không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người chung quanh, cảnh vật chung quanh chỉ là phản ảnh cái tâm trạng của anh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta sẽ cảm thấy như mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người ta sẽ đong đấu ấy lại cho chúng ta.

          Những khó khăn xẩy ra cho chúng ta  nhiều khi không phải do người khác hay ngoại cảnh gây nên mà do chính lòng chúng ta đã tạo nên nó. Cho nên, người xưa dạy :”Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ” : trước tiên phải trách mình, sau mới trách người. Như thế, chính mình là nạn nhân của những sai lệch mình tạo ra.

 

          Chúng ta không thể theo chủ trương của những người theo thuyết hiện sinh vô thần được và ông tổ của họ là Jean Paul Sartre. Không hiểu ông Sartre có cái nhìn thế nào mà dám tuyên bố một câu xanh rờn :”L’enfer, c’est les autres” : tha nhân là hỏa ngục đối với tôi. Nhưng ta có thể hỏi ngược lại : tha nhân là hỏa ngục của ông hay ông là hỏa ngục của tha nhân ? Thưc ra, thiên đàng hay hỏa ngục ở ngay chính trong lòng mình : hễ mình nghĩ thế nào thì chính mình sẽ ra thể ấy.

 

                                      Truyện : Phải sửa lòng mình trước.

          Có một chàng thanh niên khao khát trở thành một thánh nhân. Chàng xin vào một dòng tu. Không mấy chốc, chàng khám phá ra tính tình nóng nảy của mình. Nhưng thay vì tìm căn nguyên nơi mình, chàng qui trách cho những người chung quanh. Tha nhân đã trở thành hỏa ngục đối với chàng. Sau cùng, không còn chịu nổi đời sống tập thể nữa, chàng nghĩ có thể tìm thấy sự yên tĩnh trong sa mạc. Thế là chàng đã lên đường tìm đến một nơi hoang vu vắng vẻ để cắm lều sống đời ẩn sĩ. Mà thật thế, chàng đã tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn.

 

          Tuy nhiên, sự bình an trong cô quạnh ấy không kéo dài được. Ma quỉ đã kéo đến và chúng đã gây xáo trộn trong căn lều xinh xắn của chàng. Không còn giữ được bình tĩnh, chàng đã nổi cơn tam bành và đạp đổ tất cả…

 

          Sau cơn giận dữ, trở lại trạng thái bình thường, chàng mới hồi tâm suy nghĩ : Tôi đã bỏ lại tu viện các anh em của tôi, nhưng tôi lại mang chính tôi vào sa mạc. Không phải anh em tôi là căn nguyên của đau khổ của tôi, nhưng tính tình của tôi mới là đầu mối của mọi đổ vỡ…

 

          Trong việc thích nghi với hoàn cảnh sống, sự nhịn  nhục là một yếu tố quan trọng không thể thiếu được. Muốn dung hòa được sự khác biệt thì cần phải từ bỏ mình, chịu nhìn nhận quan điểm của người khác, còn nếu cứ khăng khăng giữ lấy quan điểm của mình thì không bao giờ có sự dung hòa được. Vì thế người ta mới nói:

 

                             Nhẫn thị thân chi bảo, bất nhẫn thân chi vong,

                             Thiệt nhu thường tại khẩu, xỉ chiết chỉ vị cương.

                                                (Sách Cảnh Hành lục)

                   Nghĩa là:

                             Nhịn là của báu của thân mình,

                             Chẳng nhịn là vạ của thân mình.

                             Lưỡi mềm vẫn còn nơi miệng,

                             Răng gẫy chỉ vì cứng.

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

 


Về trang Mục Lục