CĂNG BUỒM

---

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

         

          Chúng ta đọc : Mc 4,35-41.

 

          Chúng ta vừa được nghe đoạn Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió trên biển cả theo lời cầu cứu của các môn đệ Ngài. Chúa Giêsu để cho sóng gió xẩy ra để thử thách niềm tin của các môn đệ, và trình bầy sứ vụ cứu thế của Ngài, đồng thời cũng là dịp củng cố niềm tin cho các môn đệ Ngài.

 

          Biển, theo quan niệm người Do thái, là nơi hỗn mang. Từø đó phát xuất những sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa và con người. Việc Chúa dẹp yên sóng gió trên biển tỏ bầy quyền năng của Chúa trên sự dữ. Trên biển trần gian này, không thiếu gì nhữmg sóng gió của gian nan thử thách làm cho con người phải chao đảo, nhưng tất cả những sự dữ đó không thể vượt quá quyền năng của Thiên Chúa.

 

          Việc Chúa Giêsu nằm ngủ gợi đến sự vắng bóng của Chúa. Chúa nằm ngủ trên thuyền là hình bóng Hội thánh tại thế : vẫn có Chúa hiện diện nhưng bề ngoài chúng ta không cảm thấy. Sự hiện diện của Chúa nơi Hội thánh chỉ có thể nhìn thấy qua các biến cố và qua con mắt đức tin. Cuộc đời của từng người chúng ta đôi lúc như thiếu vắng Chúa, nhất là tnhững cơn gian nan thử thách. Chúng ta có cảm giác như mình bị bỏ rơi và muốn thưa với Ngài:”Lạy Chúa, Chúa ở đâu”? Nhưng Chúa chỉ trả lời trong ơn thánh và đức tin :”Ta vẫn ở bên con. đừng sợ”.

 

          Việc Chúa truyền cho sóng gió phải yên lặng gợi lên cho chúng ta ý tưởng rằng Chúa là Đấng toàn năng trên mọi tạo vật. Mọi loài, mọi vật phải vâng phục Ngài. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, chúng ta hãy kêu cầu Chúa, Ngài sẽ đến giúp như xưa Chúa đã đáp lời kêu cứu của các môn đệ mà truyền cho sóng gió phải yên lặng. Có Chúa trong đời ta còn sợ gì ?

 

                                      Truyện : Thi sĩ Lord Tennyson.

          Thi sĩ Lord Tennyson và một người bạn đang đi dạo trong vườn hoa và cùng nhau trao đổi về những chủ đề thời thượng của quần chúng. Là một Kitô hữu, người bạn muốn biết thái độ của thi sĩ đối với Đức Kitô. Sau mấy giây thinh lặng, người bạn hỏi:”Anh có khi nào nghĩ về Đức Kitô không”? Tennyson đưa tay ngắt một bông hoa rực rỡ tỏa hương bên đường, nói:”Như mặt trời đối với đóa hoa thế nào, thì Đức Kitô đối với tôi cũng vậy”(Góp nhặt).

 

II. CÁNH BUỒM TRƯỚC GIÓ.

         

          1. Tức cảnh sinh tình.

 

          Trong Thánh lễ buổi sáng, tôi đã được chia sẻ bài Tin mừng này, trở về nhà, tình cờ tôi được xem một tấm ảnh chụp mầu một còn thuyền đang lướt sóng trên biển cả vào một buổi chiều với một cánh buồm căng gió. Đó là bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp, muốn xem mãi.

 

          Sau này có dịp ra Vũng tầu, tôi cũng có dịp xem tận mắt một cánh buồm lướt sóng trên biển cũng vào một buổi chiều tà. Cảnh vật này này làm tôi nhớ đến bài hợp xuớng “ Rakhơi” của nhạc sĩ Hải Linh mà tôi đã có dịp điều khiển dàn hợp xuớng Thông reo, vừa ngâm nga, vừa xem cảnh, thật là thú vị.

 

          Ngày nay, khoa học tiến bộ hơn, đời sống giầu có hơn nên người ta thường dùng máy nổ chứ không dùng cánh buồm nữa. Tuy thế, ngày nay người ta vẫn còn tổ chức đua thuyền buồm, một cuộc thi rất đẹp mắt. Ngoài ra, môn thể thao lướt ván vẫn còn cần đến cánh buồm.

 

          2. Một mối liên tưởng.

 

          Đúng là “Tức cảnh sinh tình”. Đứng trước một cảnh vật tuyệt đẹp, người nghệ sĩ không thể nào ngăn được những cảm hứng gợi lên trong tâm hồn, tôi đã sáng tác bài “Cánh buồm trước gió”. Và cũng trong dịp đó, tôi lại phải chứng kiến cảnh một gia đình tan vỡ, chồng một nơi, vợ một nẻo, con cái bơ vơ không có chỗ nương tựa.

 

          Trước cảnh cánh buồn căng gió và một gia đình tan vỡ, tôi tự nhiên nảy ra một vài tư tưởng mà tôi muốn trình bầy ra dưới đây :

 

          * Gia đình là chiếc thuyền .

          Tôi coi gia đình là chiếc rhuyền lênh đênh trên biển đời với một chiếc buồm căng gió đang ra khơi. Thuyền chỉ có thể lướt trên mặt nước nhờ cánh buồm, nhưng cánh buồm chỉ có tác dụng khi có gió thổi.

 

          * Cánh buồm là sự cố gắng.

          Tôi coi cánh buồm là sự cố gắng không ngừng của vợ chồng. Sự cố gắng của vợ chồng phải đồng đều. Thiếu cố gắng là không có cánh buồm hay buồm bị gẫy. Buồm phải luôn vươn lên đón gió, tức là vợ chồng vừa cố gắng, vừa đón nhật sự trợ giúp của Chúa.

 

          * Gió là ơn Chúa trợ giúp.

          Thánh Phaolô khi bị cám dỗ quá sức đã cầu khẩn Chúa trợ giúp, Chúa đã trả lời :”Ơn Ta đã đủ cho con”. Ơn Chúa ban cho chúng ta khi nào cũng đầy đủ, tùy theo công việc và tùy theo hoàn cảnh.

          Có hai thứ ơn Chúa :

                   - Ơn thánh hoá : được ban cho ta khi ta sạch tội trọng, có ơn nghĩa cùng Chúa.

                   - Ơn trợ giúp (ơn hiện sủng) : khi nào Chúa cũng ban đầy đủ, nếu cần Chúa

                      ban thêm cho từng trường hợp.

 

          * Tương quan giữa buồm và gió :

          Gió chỉ có tác dụng với thuyền khi buồm được căng lên. Nếu buồm không được căng lên thì gió chỉ đi qua, không thể làm cho thuyền di chuyển được. Cũng thế, ơn Chúa xuống nhiều trên ta mà ta không cố gắng tận dụng thì ơn Chúa sẽ qua đi một cách vô ích, không ảnh hưởng gì tới cuộc sống gia đình.

 

          * Hai mái chèo :

          Ngoài cánh buồm ra, chiếc thuyền còn được hỗ trợ bằng hai mái chèo. Khi buồm không thuận gió, người ta dùng đến hai mái chèo để đẩy con thuyền đi. Hai vợ chồng được ví như hai mái chèo : trong cơn gian nan thử thách, không thuận buồm xuôi gió, vợ chồng phải gồng mình lên mà chèo chống. Nhưng cứ yên trí, Chúa ngồi ở đàng lái mà lèo lái con thuyền gia đình ta đi đến đích bình an.

 

III. SÓNG GIÓ VÀ CON THUYỀN.

 

          Ai cũng phải công nhận đời sống gia đình rất phức tạp, cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng gặp cảnh thuận buồm xuôi gió :

                             Duyên đằng thuận nẻo gió đưa”(Kiều)

nhưng có những lúc gió chuớng, có những con sóng tạt vào thuyền, đó là những lúc bị gian nan thử thách, mấy gia đình mà được bình an thoải mái. Người Ả rập có kinh nghiệm về vấn đề này khi nói:”Hôn nhân là một cái bao trong đó có 99 con rắn và một con lươn, ai có thể thọc tay vào đó” ?  Phụ hoạ vào đó, ông Ben Jonson nói :”Hôn nhân là một cuộc  xổ số”.

 

          Tuy thế, muốn cho gia đình được bằng an hạnh phúc, không phải là một điều khó lắm.  Người ta tường nói : mỗi công việc đều có phương pháp của nó. Một hình ảnh đẹp gợi lên cho tôi ý tưởng đó. Tôi thấy một mẫu ảnh giấy vẽ cảnh hai vợ chồng đang cùng nhau vác cây thập giá lên dốc, có vẻ khó khăn lắm, nhưng có Chúa Giêsu,với hình bóng mờ mờ, đi đàng sau đang nâng thập giá lên.

 

          Tấm ảnh ấy có ý nói rằng : hôn nhân được coi như là một thập giá Chúa trao cho mà vợ chồng đang phải khó nhọc vác đi lên, nhưng họ không cô đơn lạc lõng vì có Chúa đang nâng đỡ.

Nhưng nếu gia đình nào không chịu vác thập giá : hoặc vợ hoặc chồng hoặc cả hai không chịu vác hay cưa bớt cây thánh giá đi, thì gia đình đó sẽ thất bại.

 

                                      Truyện : Cưa bớt thập giá.

 

          Một đoàn người vác thập giá của mình, vác đi cực nhọc dưới sức nặng của cây thập giá đè trên vai. Có một người vác một cây thập giá khá dài, không chịu được, ông cưa bớt đi một khúc. Sau cuộc hành trình gian truân, đoàn người đến trước một vực thẳm : tại đây không có một cây cầu  nào để sang bên kia, là nơi được sống cạnh Chúa, và hưởng niềm vui muôn đời.

          Sau một lúc do dự, không ai bảo ai, mỗi người đều đặt cây thập giá của mình bắc qua vực thẳm. Lạ lùng thay, chúng vừa khít với bề ngang của vực thẳm, chỉ riêng cây thập giá bị cưa bớt cho đỡ nặng là hụt, và người vác nó phải đứng lại bên kia với niềm tuyệt vọng (Thiên Phúc).

 

          Đọc xong câu chuyện ngụ ngôn trên, chúng ta thấy Chúa đã cân sức của từng người, có sức vác bao nhiêu thì Chúa trao cho bấy nhiêu, cứ bằng lòng với hoàn cảnh của mình, đừng đứng núi nọ mà trông núi kia cao. Ai trong chúng ta đã không một lần gặp đau khổ, thất vọng trong cuộc sống. Được tạo dựng để sống hạnh phúc nhưng đau khổ đã trở thành người bạn của cuộc sống. Điều đau khổ hơn nữa là chúng ta không thể hiểu được nguồn gốc của đau khổ.

 

          Đức Kitô đã đến trong thế gian. Ngài đã sống như một con người đau khổ:”Đức Giêsu Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Ngài”(1Pr 2,21). Chết treo trên thập giá, Ngài đã biến thập giá thành chiếc cầu nối giữa sự chết và sự sống. Qua cái chết của Ngài, ánh sáng đã chiếu dọi vào từng nỗi khổ đau của con người:”Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”(Dt 2,18). Từ nay, thập giá không còn là chướng ngại trong cuộc sống, nhưng là con đường dẫn đến sự sống đích thực.

 

          Muốn có một gia đình hạnh phúc, chúng ta phải :

          - Cộng tác với ơn Chúa : Chúa không hành động một mình, cần phải có sự cộng tác của ta. Thánh Augustinô đã nói:”Khi dựng nên con, Chúa không cần đến con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không cộng tác”.

          - Gia đình phải luôn cầu nguyện nhất là khi gặp những sự khó khăn. Hãy noi gương các môn đệ kều cầu Chúa cứu giúp khi gặp sóng gió bão táp, nhất là khi con thuyền sắp chìm. Chúa vẫn luôn ở kề bên chúng ta. Hãy lấy con mắt đức tin mà tìm ra Ngài.

 

“Lạy Chúa,

con biết rằng Chúa không bao giờ gửi đến cho con một cây thập giá nặng hơn sức mạnh, và dài hơn đôi vai của con. Thế nhưng, đã không biết bao nhiêu lần, con đã vội ném thập giá. Xin ban thêm sức mạnh để con vui vẻ tiến buớc theo Chúa. Amen (TP).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

         

 


Về trang Mục Lục