BÁT BÚN RIÊU

+++

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA. 

 

          Chúng ta đọc : Mt 19,3-6; Cl 3,12-17.

 

          Những người biệt phái luôn chống đối Chúa Giêsu, họ muốn cho Ngài bẽ mặt một phen. Vì vậy, hôm nay họ đến chất vấn Ngài về vấn đề ly dị :”Những người biệt phái đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài : Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không” (Mt 19,3) ?

 

          Sở dĩ có câu chất vấn này là vì khi đó có hai lập trường chống đối nhau :

-          Lập trường của phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng.

-          Lập trường của trường phái Shammai thì khắt khe hơn,  chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít

trường hợp.

          Biệt phái biết vấn đề này gay go nên đem ra gài bẫy Chúa Giêsu. Theo họ nghĩ :  Ngài trả lời thế nào cũng có thể bị kết án : hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.

 

          Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích hai đoạn trong sách Sáng thế (St 1,27; 2,24). Đó là những lời thiết lập định chết đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vì :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

 

          Những người biệt phái chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đnl 24,1, nội dung là cho phép ly dị với điều kiện phải viết chứng thư cho người vợ bị ly dị.

 

          Chúa Giêsu đã trả lời cho họ biết việc ly dị là một thể chế  loài người tạo ra, lý do : “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Maisen đã cho phéùp các ông rẫy vợ, chứ thưở ban đầu không có như thế đâu ”(Mt 19,8).  Điều này cho thấy rằng con người ích kỷ, nghĩa là đặt sự thỏa mãn của lòng mình trên hết, trên cả ý muốn của Thiên Chúa nữa, nên họ đã bất trung với Chúa và vì vậy, họ bất trung với nhau trong đời sống hôn nhân.

 

          Theo lời Chúa dạy, chúng ta hãy cố gắng tránh những va chạm, xích mích, những mối bất hòa ngấm ngầm hay bùng nổ để cho gia đình được luôn bền vững.

 

II. TẢN MẠN VỀ BÁT BÚN RIÊU. 

 

          1. Món ăn đặc thù miền quê.

 

          Miền quê có một món ăn rất đặc thù, đó là bún riêu cua. Khi nói bún riêu là nói chung chung, có nhiều cách biến chế, còn nói “bún riêu cua” thì chỉ nấu bằng cua rốc thôi. Người ta có thể nấu bún riêu giả, không cần cua rốc, người ta có thể nấu trứng với nõn tôm, ăn cũng ngon, nhưng không thú vị bằng bún riêu cua, món ăn này mới thật là bún riêu “gin”.

          2. Cách nấu canh bún riêu cua.

 

          Khi nấu canh cua, người làm bếp phải lưu ý đến một số điều để có thể nấu được một cục riêu to mà không sợ vỡ :

          - Khi xé cua xong, cần rửa sạch cua bằng nước pha chút muối. Làm như thế có hai cái lợi : canh không có mùi hôi và giúp cho có cục riêu to. Sau đó, đem giã rồi vắt lấy nước cốt đem nấu.

- Lửa đun phải liu riu, không được to vì nếu lửa to sẽ làm tan cục riêu.

          - Không được quấy vì cục riêu sẽ tan ra, và nếu cho cả bún vào mà quấy thì bún và riêu sẽ thành một cục, khó ăn lắm.

          - Phải nhẹ nhàng trong lúc múc riêu cũng như lúc di chuyển kẻo làm tan cục riêu.

 

          3. Cách ăn bún riêu. 

 

          Bún riêu cần phải ăn nóng mới ngon, để nguội sẽ tanh, khó ăn.

          Nên thêâm vào một ít gia vị như chanh, ớt, rau muống chẻ, rau chuối, rau riếp, rau thơm… các gia vị này làm tăng sự hấp dẫn của bát canh bún riêu cua, ăn vào thấy ngon miệng.

 

III. SUY TƯ VỀ BÁT BÚN RIÊU CUA.

 

1.    Bát bún riêu và gia đình

 

Nếu đem bát bún riêu so sánh với gia đình thì không xứng đáng, nhưng dù sao nó cũng gợi lên cho chúng ta  một vài tư tưởng để suy nghĩ, rồi áp dụng. Khi về miền quê, ai cũng muốn được thưởng thức bát bún riêu, một món ăn rất dân dã nhưng nó lại làm cho người ta khoái khẩu, thích thú. Phải chăng  bát bún riêu cua là hình ảnh của một gia đình hạnh phúc.

 

Các bạn trẻ nam nữ vào tuổi “teen” đang đua nhau  đi tìm người yêu để lập gia đình. Ai cũng ước ao lập được một gia đình hạnh phúc. Nhưng khi lập gia đình ai cũng lo, không biết tương lai sẽ rao sao, không biết gia đình có được bền vững không, có được hạnh phúc không, kẻo lại xẩy ra cảnh :

                             Anh đi đường anh,

                             Tôi đi đường tôi,

                             Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

                                      (Thế Lữ)

2.    Cục riêu cua và sự bền vững. 

 

Muốn cho cục riêu lớn và không vỡ, trong quá trình thổi nấu, người làm bếp phải kiên nhẫn giữ cho lửa không lớn, không được quấy hay không được lắc mạnh. Trong gia đình cũng thế, muốn  cho gia đình được yên vui đầm ấm,  mọi ngươi có thể sống hòa hợp với nhau, cần tránh những va chạm không cần thiết, tránh mọi xích mích, những mối bất hòa ngấm ngầm , nhất là những bất hòa bùng nổ.

 

Có hai loại bất hòa : một là bất hòa ngấm ngầm, hai là bất hòa bùng nổ. Mối bất hòa ngấm ngầm thì rất nhiềâu, tuy nó không làm cho gia đình lộn xộn mất an vui, mất bình yên nhưng nó làm cho gia đình trở nên tẻ nhạt, mất sự đầm ấm thân mật. Còn mối bất hòa bùng nổ thì làm cho gia đình lộn xộn, hoang mang, lo lắng vì nó đưa đến chỗ chửi mắng om sòm, đập phá, và có khi đánh nhau nữa, mang tai mang tiếng với hàng xóm.

          Vì thế người ta mới nói :

                                                Chồng giận thì vợ bớt lời,

                                        Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.

 

          Nếu chồng giận mà vợ cũng sùng lên thì sẽ có chiến tranh : không chiến tranh bằng miệng thì chiến tranh bằng chân tay, đôi khi dùng đến cả võ khí gây thương tổn cho thân xác. Có trường hợp chồng tức giận đập phá, vợ cũng không chịu thua, sẵn sàng tuyên chiến :”Mày đập thì tao cũng đập” Kết quả sau trận chiến thì chiến trường không có xác chết mà chỉ thấy xác bát đĩa nằêm ngổn ngang !

          Vì thế người ta khuyên :

                                                Chồng giận thì vợ phải lùi,

                                         Chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng.

 

3.    Phương pháp giữ cho gia đình được bền vững.

 

Muốn cho gia đình khỏi tan vỡ , chúng ta hãy thực hiện lời Chúa đã dạy :”Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11,29-30). . Ai cũng ưa chuộng người hiền hòa, nhịn nhục, dễ thương, ưa những người biết “yêu nhau chín bổ làm mười”. Không ai chê người biết nhịn nhục, người ta phải thán phục những con người đó, vì họ đã chế ngự được con người mình, đã thắng được tính tự ái có sẵn trong con người.  Họ đã thực hiện được lời thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côlôssêâ  về vấn đề gia đình :”Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em  người này có điều gì phải trách móc người kia”(Cl 3,12-13).

 

          Trong sự nhịn nhục, cần nhất là phải làm chủ được cái miệng bởi vì cái miệng có thể gây ra nhiều tai họa không thể lường được như  người ta đã nói :”Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” : Bệnh theo miệng mà vào, tai họa do miệng xuất ra.

 

Truyện : Cứ khóc thôi.

 

          Một bà mẹ dặn con gái trước khi về nhà chồng :

-          Đây là lời khuyên mà bà cố đã dành riêng cho bà ngoại, bà ngoại đã dành cho mẹ và bây giờ mẹ truyền lại cho con, con ráng nhớ kỹ, nghe không ?

-          Dạ.

-          Không bao giờ cãi nhau, muốn gì thì cứ khóc thôi, nghe chưa ? Đó là thứ vũ khí mạnh nhất đối với đàn ông.

 

 

Đúng như một nhà tâm lý nói :”

          Át xít làm cháy được kim khí

          Kim khí làm cháy được trái tim đàn bà

          Nhưng nước mắt đàn bà làm cháy được trái tim đàn ơng”.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục