CHUYẾN TẦU HÔN NHÂN

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Ga 17,20-23

 

          Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ, Ngài còn lo cho tương lai của các ông.  Ngài đã cầu xin Cha Ngài ban cho họ được hiệp nhất với nhau trong Hội thánh mà Ngài sắp thành lập.

 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn cầu nguyện cho  cả những người tin vào Ngài nhờ lời rao giảng và giáo huấn của các môn đệ, nghĩa là Chúa cầu cho hết mọi thành phần trong Hội thánh..

 

          Mục đích Chúa Giêsu cầu nguyện là để mọi người tin vào Chúa Giêsu được hiệp nhất với nhau. Chính sự hiệp nhất này là sức mạnh và có tinh cách thuyết phục thế gian tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

 

          Chúa Giêsu cầu xin để “tất cả nên một” : “nên một” là một điều hết sức quan trọng, tính hiệp nhất không thể được thiếu trong Hội  thánh. Chúa Giêsu cầu xin ơn ấy cho Hội thánh, cho mỗi cộng đoàn và cho mỗi người chúng ta.

 

          Vì thế, ở trong Hội thánh, ở trong mỗi cộng đoàn chúng ta phải :

          - Tránh mọi chia rẽ, hận thù, ghen ghét…

          - Không phải chỉ cố nhịn nói, cố tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng ta đang chia rẽ.

          - Mà còn biết sống quảng đại và vị tha trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào.

          - Nỗ lực duy trì sự hiệp nhất huynh đệ trong cộng đoàn, trong tương giao với tha nhân để làm chứng tá cho Chúa.

 

          Suy niệm về tính hiệp nhất của Hội thánh, tôi liên tưởng đến sân ga và chuyến tầu hôn nhân để  rút ra một vài ý tưởng  về sự hiệp nhất  giữa vợ chồng và các thành viên trong gia đình.

 

II. SÂN GA, BẾN ĐỢI TẦU ĐẾN TẦU ĐI

 

          Ngày nay ngành xe hỏa đang phát triển mạnh, đó là một phương tiện di chuyển rất thuận lợi.  Chúng ta đã có một tuyến xe lửa bắc nam, tuyến xe Thống nhất, tuy chưa hiện đại nhưng đã tiến bộ nhiều, thời gian di chuyển đã được rút vắn lại.

 

          Những nước tiên tiến có công nghiệp hiện đại đã có những tuyến xe lửa siêu tốc như ở Đài loan, Nhật, Đức… Xe chạy với tốc độ trên 300 cây số/giờ. Xe chạy êm làm cho hành khách có cảm tưởng như đang  ngồi trên máy bay.

 

          Sân ga lớn hay nhỏ, hiện đại hay thô sơ đều là bến đợi tầu đến tầu đi. Sân ga chứng kiến những chuyến tầu đến với những bàn tay vẫy chào  trong  niềm vui chờ đón, trong niềm yêu thương của những người thân sắp gặp nhau.  Sân ga cũng chứng kiến những chuyến tầu đi với những bàn tay vẫy chào từ biệt trong niềm nhớ thương, trong luyến tiếc và đợi chờ.

 

          Sân ga luôn khách quan, không buồn không vui, chỉ biết chứng kiến những chuyến tầu đến tầu đi thay phiên nhau  mà không có bình luận gì.

 

II. SÂN GA CUỘC ĐỜI.

 

          Cuộc đời cũng là một sân ga chứng kiến bao chuyến tầu hôn nhân.  Sân ga cuộc đời chứng kiến nhiều chuyến tầu hôn nhân đem đến niềm vui hạnh phúc. Trong chuyến tầu này, vợ chồng sống với nhau trong cảnh trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, biết nhường nhịn nhau, nâng đỡ nhau, tha thứ cho nhau, mọi thành viên nỗ lực  tạo nên một tổ ấm hạnh phúc.  Đúng như lời thánh vịnh  đã nói  :

 

                                      Xinh thay là cảnh anh em

                             Cùng nhau vui sống dịu êm một nhà.

 

          Sân ga cuộc đời cũng chứng kiến những chuyến tầu hôn nhân đem đến sự bất hạnh.  Trong chuyến tầu này, vợ chồng sống trong cảnh lạnh lùng, rời rạc, xích mích, có khi còn sống trong cảnh “chồng ăn chả, vợ ăn nem”… Gia đình biến thành một ngôi nhà lạnh lùng, hay tệ hơn nữa biến thành  một bãi tha ma hoang vắng.  Trong hoàn cảnh này,  gia đình đang có nguy cơ rơi vào vực thẳm của sự ly dị  không còn xa.

 

III. CHUYẾN TẦU HÔN NHÂN.

 

          Chúng ta có thể ví hôn nhân như một con tầu di chuyển trên hai đường ray. Tầu đến hay tầu đi đều phải nhờ có hai đường ray song song, cách nhau một khoảng nhất định. Nếu một tuyến đường rời xa ra một khoảng cách nào đó, con tầu sẽ lâm nguy.

 

          Cũng thế, vợ chồng là hai tuyến đường sắt cho con tầu hôn nhân di chuyển, nghĩa là để mọi sự kiện xẩy ra một cách trôi chảy.  Nếu vợ hay chồng cách ly nhau thì chiếc tầu hôn nhân sẽ gặp nạn : gia đình tan vỡ, con cái sẽ không cha không mẹ.

 

          Sự song hành là một điều rất cần thiết.  Mất sự song hành  là mất căn tính của tuyến đường.  Nhưng song hành của vợ chồng là tự do trong hai trái tim.  Ngày mà vợ chồng đồng hóa nhau, kẻ này muốn kẻ kia phải hoàn toàn nên giống như mình, thì lúc đó  không còn là hai con đường song hành làm nên một tuyến đường nữa.  Ngày mà phía bên kia muốn cho mình là đúng, bắt kẻ khác phải đứng về phía bên đó mãi, thì tuyến đường mất song hành mà trở thành một thế giới cô độc.  Con tầu không về bến được vì đã mất con đường rồi.  Vợ chồng cũng giống như chuyến tầu hôn nhân của con người, hạnh phúc đổ vỡ.  Phải vậy không ?

 

          Khổng Tử đã nói :”Hòa nhi bất đồng”.  Trong cộng đoàn cũng như trong gia đình không bao giờ có sự đồng nhất, vì đồng nhất thì chỉ có một thôi, mà trái lại, chỉ có sự hợp nhất hay hòa hợp, trong đó mọi thành phần tạo nên một cái gì chung, nhưng mỗi thành phần, mỗi cá nhân vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, chứ không phải bị tan biến đi, chồng vẫn là chồng, vợ vẫn là vợ.

 

          Vì thế, thi sĩ Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu nói một cách triết lý khi ông nhìn vào bức ảnh chân dung của mình :

 

                                       Mình với ta tuy hai mà một

                                      Ta với mình tuy một mà hai.

 

          Hôn nhân có thể được gọi là “2 in 1” : vợ chồng làm nên một gia đình trong đó chồng vẫn là chồng và vợ vẫn là vợ, không ai bị đồng hóa cả, mỗi người vẫn còn giữ được sắc thái riêng của mình.

 

          Chúng ta có thể ví hôn nhân như một ly nước chanh đường. Chanh và đường hòa hợp với nhau  tan biến trong nước để làm thành một ly nước chanh đường, trong đó chanh vẫn là chanh và đường vẫn là đường.  Không bao giờ ly nước chanh đường chỉ còn là chanh hoặc chỉ còn là đường, và như thế không còn là ly nước chanh đường nữa, mà chỉ còn là ly nước chanh hay ly nước đường mà thôi.

 

          Như vậy, trong đời sống vợ chồng mọi người phải theo nguyên tắc “Hòa nhi bất đồng”, vợ chồng chỉ có thể hòa hợp với nhau để xây dựng một gia đình hạnh phúc, dựa trên tình yêu và hy sinh.

 

                                      Truyện : Một lỗ nhỏ trên vách tường.

          Tại một trung tâm bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên,  có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.

          Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này.  Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá ra rằng  xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Đó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. 

          Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười  và biến mất.  Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong trung tâm bài phung đó  đã giải thích cho vị nữ tư như sau :

          “Người đàn bà ấy chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy cho tôi. Mỗi ngày,  nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn… Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa tôi  vào trung tâm này.

          Nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hổng của vách tường và mỉm cười với tôi.  Nhờ nàng,  tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng,  tôi vẫn còn muốn sống”.

 

          Trong thông điệp “Familiaris Consortio” Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói :”Sự hiệp thông trong gia đình đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở rộng lòng ra  để thông cảm, bao dung, tha thứ và hòa giải với nhau” (FC số 21).

.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục