MỘT BỘ XƯƠNG KHÔ

***

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

Chúng ta đọc : Lc 12.35-40.

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là một dụ ngôn Chúa Giêsu muốn dùng nhắc nhở chúng ta phải sẵn sàng chờ đợi Chúa đến gọi chúng ta về với Chúa.  Dụ ngôn nhấn mạnh tới hai từ “Tỉnh thức”. Chúa bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức như một người đấy tớ chờ đợi ông chủ đi ăn cưới về. Theo tục lệ người Do thái, tiệc cưới kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa.  Người đầy tớ phải “thắt lưng cho gọn” tức là ở trong tư thể sẵn sàng làm việc, và”ø thắp đèn cho sẵn”là cầm đèn soi lối cho ông chủ về. Nếu biết rõ lúc nào chủ về thì dễ hơn nhiều, vì chỉ cần chờ đến lúc ấy mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào ông chủ về nên phải sẵn sàng luôn.

Và Chúa Giêsu kết luận : phúc cho đầy tớ nào đang canh thức khi ông chủ về, ông sẽ thưởng công bội hậu cho nó, ngược lại, nó sẽ phải trừng phạt nặng nề.

Như vậy, qua bài Tin mừng Chúa Giêsu dạy chúng ta là những Kitô hữu phải luôn luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Dụ ngôn nói “để đợi chủ về”, nghĩa đầu tiên là chờ ngày Chúa Giêsu lại đến ; nghĩa thứ hai là giờ chết của mọi người và nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. Trong 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng.  Tỉnh thức bằng cách sống trong ơn Chúa. Muốn vậy ta phải tránh tội và chừa cải tội lỗi. Chúng ta sẵn sàng bằng cách chăm lo làm những việc lành phúc đức để chuẩn bị cho sự sống đời sau.

Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ, Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ trong cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài... Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố của cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng  mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin  Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

II. HÃY NGHĨ TỚI GIỜ CHẾT.

1. Một nhắc nhở.

Trong lễ an táng hay cầu hồn, chúng ta thuờng hát bài đáp ca : Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (Tv 102,15-16). Đời sống thì vắn vỏi, mọi người cố bám lấy sự sống, sống được phút nào hay phút ấy mà ít khi hay chẳng khi nào nghĩ tới giờ chết, mặc dầu biết rõ mọi người phải chết. Có những người không bao giờ nghĩ tới sự chết : chết rồi sẽ ra sao ?  Nếu có hỏi thì họ chỉ biết trả lời : chết là hết. Có lẽ họ chỉ biết trả lời như em bé.

Trong một lớp học giáo lý ở một xứ đạo kia, cha xứ hỏi một em bé :

- Sau khi chết, con người sẽ ra sao ?

Em bé ngây thơ trả lời :

- Thưa cha, chết rồi, con người sẽ trở thành bộ xương khô.

Đúng vậy, chết rồi ai cũng trở thành một bộ xương khô, đấy là xác sẽ thành bộ xương khô, nhưng còn linh hồn thì sao ?  Về vấn đề này, chúng ta thấy mọi vật chung quanh đều nhắc cho chúng ta về sự chết : Lời Chúa, Lời giảng dạy khuyên răn, một biến cố nào đó, nhất là một người chết và ngay trong những việc bình thường trong cuộc sống hằng ngày.

Truyện : Một bộ xương khô.

Một thanh niên trẻ đẹp giầu có yêu một thiếu nữ  cũng giầu đẹp không kém gì. Thật là môn đăng hộ đối, đẹp đôi vừa lứa mọi bề. Chẳng may vì công vụ chàng phải đi xa một thời gian. Trước khi đi,  chàng đã tặng nàng một bức chân dung của mình được lồng trong một khung bằng vàng. Còn nàng cũng quyết định tặng chàng bức chân dung của mình trước lúc chàng trở về và muốn chân dung của mình phải do một hoạ sĩ bậc thầy vẽ.

Vì thế nàng đến yêu cầu một tu sĩ Capucinô có biệt tài vẽ chân dung thực hiện ý muốn của mình. Trước tiên vị tu sĩ vẽ cái đầu và gửi đến xem nàng có bằng lòng không. Bức hoạ cái đầu tuyệt đẹp chưa từng thấy khiến cô gái rất ưng ý. Cô ta gửi lại bức họa với một món quà tặng quí giá kèm theo lời khẩn cầu hoàn thành càng sớm càng tốt.

Vị tu sĩ lại tiếp tục vẽ. Thay vì vẽ dưới cái đầu tuyệt đẹp là một thân hình tương xứng, vị tu sĩ lại vẽ một bộ xương như thật, ai nhìn vào cũng đâm sợ hãi. Khi đã hoàn tất liền gửi ngay cho cô gái. Nóng lòng chờ đợi, cô ta vội mở ra xem và thấy bức chân dung của mình là một bộ xương , tức điên lên không nói được nên lời.  Dù vậy cô ta vẫn thích nhìn cái đầu, nhưng khốn nỗi hễ nhìn đầu là phải nhìn bộ xương ghê tởm. Dần dần quen đi không còn ác cảm với bộ xương nữa. Và cô tự nghĩ:”Một ngày nào đó mình sẽ ra như thế này. Có lẽ vị tu sĩ không có ý chơi xỏ mình mà muốn nhắn gửi cho mình một bài học gì đây”.

Đang trầm tư thì đúng lúc tiếng chuông Truyền tin từ tu viện Carmel gần đó vang lên khiến cô càng thêm bồi hồi. Thế là cô đến tu viện với hình ảnh bộ xương trong đầu.  Cuối cùng nghe theo tiếng gọi nhiệm mầu cô ta xin vào tu viện. Từ trong tu viện cô viết thư cho người yêu, chia sẻ những suy tư của mình và khuyên chàng hãy làm như mình. Và chàng trai đó chẳng những không hận đời, trái lại nghe theo lời khuyên cũng đã xin vào dòng Capucinô.

(Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 123)

Như người ta thường nói thiên nhiên vạn vật là một cuốn sách tuyệt hảo luôn luôn biểu lộ quyền năng và sự hiện diện của Chúa và cũng có thể nói mà không sợ sai rằng mọi biến cố trong cuộc đời là những thông tin kỳ diệu diễn tả ý định của Chúa. Bởi vì Thiên Chúa thường lợi dụng những biến cố, hoàn cảnh trong cuộc sống để mời gọi con người đi theo Ngài và thực thi những gì Ngài muốn.

2. Một thái độï.

Thái độ cơ bản của người Kitô hữu, đó là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta đặt ra cho mình một câu hỏi và phải thẳng thắn trả lời : Trong cuộc sống tôi đã làm được những gì ? Tôi đang ở trong tư thế nào để đón chờ Chúa đến gọi tôi ?

Một y sĩ nổi danh nói rằng :”Một người có thể sống mạnh khỏe đến 81 tuổi”. Dĩ nhiên với điều kiện người ấy phải là người bình thường.

Y sĩ này nói thêm:”Mặc dầu người ta có thể tìm ra được thuốc chữa cho những căn bệnh giết người như ung thư hay cứng động mạch, thì thiên nhiên sẽ buông một cú đánh cuối cùng, cái mà người ta gọi là “chết”.

Bàn về câu nói trên, một tờ báo đã viết:”Điều đáng kể không phải là sống bao lâu, nhưng ta đã xử dụng thời gian như thế nào ? Đúng như thế, vì một số những phần đóng góp quan trọng nhất của công ích nhân loại đã từng và hiện đang được thực hiện do những bộ óc trên 81 tuổi (Giọt nước mắt cuối cùng, tr 114).

Do đó, chúng ta hãy suy niệm lời Thánh vịnh 88 :

Đời con là một kiếp phù du,

Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.

Sống làm người ai không phải chết,

Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty ?

(Tv 88,48-49)

3. Một kinh nghiệm.

 

Khi đối diện với cái chết, người ta không còn nghĩ gì khác nữa mà chỉ còn nhìn về quá khứ. Dù muốn dù không người ta phải đối diện với quá khứ, không thể chối bỏ được, vì lúc đó người ta chỉ còn có hai thái độ : hài lòng hay hối hận.

Nữ bác sĩ Kubler Ross, thuộc trường đại học Chicago có viết một cuốn sách nhan đề “chết và hấp hối” (Death and Dying). Cuốn sách được viết ra  là vì bà thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân sắp chết. Bàn vễ những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống lúc họ nhìn ngược lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết :

Khi phân tích mọi sự lần cuối cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi : Tình yêu đối với tha nhân và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín, quyền lực thì đều là vô nghĩa”.

Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với điều Chúa Giêsy dạy bảo lúc Ngài còn ở dương trần. Ngài nói:”Con người không đến để được phục vụ, mà đến để phục vụ”(Mc 10,45) và Ngài cũng nói:”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”(Ga 15,12)

(Thiên đàng là thế đó, tr 169-170)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục