SỨ ĐIỆP TỪ LOÀI  HOA

+++

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 6,24-34.

 

          Chúng ta vừa nghe bài Tin mừng do thánh Matthêu thuật lại. Có lẽ chúng ta thắc mắc vì bài Tin mừng hôm nay không ăn nhằm vào lễ an táng. Đúng vậy, vì bài Tin mừng hôm nay có hai ý tưởng chính :

 

          1. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Đừng “bắt cá hai tay”. Vậy phải chọn làm tôi Thiên Chúa hay làm tôi tiền của.

 

          2. Đừng quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống thân xác (cơm ăn, áo mặc, nhà ở, tuổi thọ) vì đã có Chúa lo cho ta  những thứ đó. Điều cần lo trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

 

          Nhưng trong thánh lễ an táng hôm nay, chúng ta có thể rút ra từ Lời Chúa một câu nói để làm đề tài cho Thánh lễ hôm nay :”Vậy nếu hoa cỏ ngòai đồng, nay còn, mai đã quăng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho đẹp như thế, thì huống là các con, ôi những kẻ kém tin”(Mt 6,30).

 

          Người ta thường nói :”Đẹp như hoa”. Tại sao hoa lại đẹp như thế để người ta phải ví đẹp như hoa ? Đó là Thiên Chúa ban tặng vẻ đẹp kiều diễm cho hoa đến nỗi bậc đế vương sang trọng như vua Salomon cũng không sánh bằng. Nhưng chúng ta lại thắc mắc : Hoa đẹp như vậy mà tại sao lại chóng tàn thế ? Tại sao chỉ một cơn gió thỏang cũng làm nó biến đi, chỗ nó mọc không còn vết tích ?

 

          Chúng ta lại tìm được câu trả lời trong đọan Kinh thánh vừa được trích : Chúa muốn qua lòai hoa để dạy chúng ta về sự quan phòng của Ngài và muốn chúng ta hãy phó thác cho tình yêu thương của Cha trên trời. Đồng thời, Ngài còn nhắc chúng ta về sự mỏng giòn chóng qua của kiếp nhân thế.

 

II. SUY NGHĨ VỀ LÒAI HOA.

 

          1. Người ta khen :”Đẹp như hoa”.

 

          Khi khen cái gì đẹp, người ta khen đẹp như hoa. Vậy hoa tượng trưng cho cái gì đẹp, cái gì cao quí.  Vì vậy, những ngày lễ tiết, người ta đều chưng hoa, thiếu hoa là mất vẻ đẹp. Ngày Tết thì nhà nào cũng phải có cành mai, cành đào hay một vài lòai hoa khác để chưng trong nhà cho ra ngày Tết. Trên bàn thờ tổ tiên đều có căm hoa nến để tỏ lòng tôn kính ông bà tổ tiên.

          Từ đó, người ta lại còn muốn nhân cách hóa lòai hoa.  Người ta ví người đàn bà đẹp như bông hoa :

                             Đàn bà như cánh hoa tươi,

                             Nở ra chỉ được một thời mà thôi.

                                       (Ca dao)

          Người ta còn tặng cho người đàn bà đẹp câu tục ngữ “Hoa cười ngọc thốt” nghĩa là người con gái đẹp, miệng cười tươi như hoa, giọng nói trong như tiếng ngọc :

 

                             Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

                             Mây thua nước tóc tuyết nhường mầu da.

                                      (Truyện Kiều)

 

          Ngay trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta cũng thấy Hội thánh xưng tụng và ví Đức Me như hoa hường tươi đẹp thơm tho trong vườn hường Giêricô :

 

                             “Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy”.

 

          2. Kiếp hoa chóng tàn.

 

          Nhìn vào cuộc sống con người, mọi người đều thấy cuộc đời vắn vỏi :”Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”(Nguyễn công Trứ), một trăm năm cũng chỉ như một giấc mộng. Vì thế người ta mới ví :

 

                             Đời người khác thể bông hoa

                             Sáng ngày hé nở chiều ra đã tàn.

                                      (Ca dao)

 

          Câu ca dao này cũng giống ý tưởng trong câu Kinh thánh :

 

                             Như cỏ đồng trổ mọc ban mai

                             Nở hoa vươn mạnh sớm ngày

                             Chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

                                      (Tv 90,5-6)

 

          Đúng vậy, kiếp nhân sinh thật vắn vỏi :

 

                             Aáy con người khác chi hơi thở

                             Vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.

 

          3. Kiếp người và kiếp hoa.

 

          Kiếp hoa thật ngắn ngủi, chóng tàn thật nhưng cuộc đời ngắn ngủi của hoa cũng phục vụ được con người. Hoa đem đến cảnh tươi đẹp làm phấn khởi lòng người, đem đến hương thơm làm ngấy ngất lòng người đến nỗi người ta phải khen :

                             Hoa chi thơm lạ thơm lùng

                             Thơm cây, thơm rễ, người trồng cũng thơm.

                                                (Ca dao)

 

          Chúng ta cũng phải là những bông hoa cho đời, đem đến cho đời một niềm vui bằng cách biết tận tụy phục vụ mọi người. Và sau cùng, những bông hoa này sẽ được dâng tiến Chúa trong ngày nhắm mắt lìa đời như thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã viết  khi sắp qua đời :

“Con là hoa xuân, nay Chủ vườn muốn hái đem về làm cảnh. Chúng ta hết thảy là hoa Chúa vun trồng trong vườn thế gian, sẽ có ngày Chúa hái về hết, nay hoa này, mai hoa khác, chày kíp gì cũng xong cả. Thân con là đóa hoa phù dung, dám mạn phép hồi hương trước. Hẹn một ngày kia chúng ta cũng sẽ gặp nhau, tay bắt mặt mừng trên thiên đàng, hân hoan trong vinh phúc trường cửu”.

 

III. SỨ ĐIỆP TỪ LOÀI HOA.

 

          1. Nhắc nhở một Mùa xuân Vĩnh Cửu.

 

                             Hoa đến báo hiệu mùa xuân tới

                             Mùa hy vọng, mùa sự sống vũ hòan.

 

          Sứ điệp mùa hoa không chỉ nhắc nhở cho con nguời về sự mỏng giòn chóng qua nhưng còn khơi lên niềm hy vọng : Chết không phải là hết mà là :

 

                             Thu qua Đông tới Xuân về

                             Cúc tàn Sen nở trên Quê Vĩnh Hằng.

 

          Ngay từ ngày xưa, Hòai Nam Tử đã nói một câu để đời, làm cho nhiều người phải suy tư trước cái chết :”Sinh ký tử qui” (sống là gửi, chết mới là về). Nhưng về đâu ? Hòai Nam Tử chưa xác định được, nhưng chắc là về nơi mình đã phát xuất, về với cội nguồn : “Lá rụng về cội”.

 

          Anh em Phật giáo quan niệm : nếu sống tốt, sống thiện thì khi Thu qua Cúc tàn sẽ được hưởng Muà Xuân vĩnh hằng trên tòa sen. Còn nếu sống ngược lại, thì sẽ bị hóa thân làm kiếp khác thấp hơn. Đó chính là niềm tin có sự sống đời sau được diễn tả qua thuyết Luân hồi.

 

          Còn đối với chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta không chỉ nhận ra những dấu chỉ, những mạc khải của Chúa sau cái chết qua thiên nhiên, qua khát vọng sống vĩnh cửu của con người, mà còn được chính Thiên Chúa cho biết về điều đó.

 

          Từ rất xa xưa, qua tiên tri Ezéchiel, Chúa đã thông báo cho dân Ngài và cũng cho tòan thể nhân lọai một tin mừng :”Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, và các ngươi sẽ được sống”(Ez 37,13).

 

          Trong khi rao giảøng Tin mừng, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã nói đến sự sống đời sau, sự sống đời đời. Những người luật sĩ và biệt phái đã tin nhận điều đó, trừ ra nhóm Sađucêu. Họ chối bỏ điều đó và đưa ra những vấn nạn để bảo vệ cho chủ trương của mình, nhưng Chúa Giêsu đã đưa ra những lời giải thích rõ ràng, khiến cho họ phải im miệng(x. Mt 22, 23-33).

 

          Những lời hứa từ xưa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu và phép lạ “kéo Lazarô ra khỏi mồ”(x. Ga 11,1-44) là một dấu chỉ, một điều báo trước cho phép lạ vĩ đại nhất, kỳ công lớn lao nhất mà Thiên Chúa, qua Thánh Thần của Ngài, sắp thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, và chính đó là niềm hy vọng lớn lao nhất của chúng ta :”Và nếu Thánh Thần của Đấng  đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần của Người ngự trong anh em”(Rm 8,11).

 

          Như vậy muốn ra khỏi mồ thì phải vào trong mồ đã, tức là phải chết đi cho xác thịt, cho tội lỗi và sống trong Thánh Thần. Hãy chết cho xác thịt để hoa trái của Thánh Thần nở rộ giữa cuộc đời.

                             Hãy chấp nhận làm cõi lòng tan nát

                             Như hoa tàn dâng trái ngọt lựng hương.

 

          2. Để đón nhận Mùa Xuân Vĩnh Cửu.

 

          Cái chết của mỗi người là việc sau cùng của cuộc sống. Nhất định nó phải tới. Nó là một phần của cuộc sống. Một phần hết sức quan trọng.  Cuộc sống là một cuộc hành trình. Cái chết là việc chấm dứt hành trình cuộc sống. Sự chấm dứt này không giống bất cứ sự chấm dứt nào. Chết không có nghĩa là hết sống. Nhưng nó là một kết thúc cuộc sống này và là một khởi đầu cho cuộc sống khác.

 

          Một cách nào đó, cái chết, khi kết thúc một dòng đời, sẽ đóng ấn vào đó. Để theo dấu ấn ấy, con người sẽ đi vào cõi sau theo một hướng nhất định.

 

          Nếu một dòng đời là những chuỗi lựa chọn tốt lành đạo đức, thì khi cái chết đến chấm dứt nó, sẽ có một dấu ấn đẹp xinh được đóng vào cuộc đời ấy. Nếu một dòng đời là những chuỗi lựa chọn tội lỗi xấu xa, thì khi cái chết đến chấm dứt nó, sẽ có một dấu ấn ghê tởm đóng vào cuộc đời ấy. Dấu ấn kinh khủng này sẽ buộc người quá cố phải đi vào nơi lãnh nhận hình phạt rất đáng sợ (GM Bùi Tuần).

 

          Trong cuộc sống, chúng ta phải luôn thực hành lời Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta :”Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào Chúa của các con đến”(Mt 24,42). Trong thực tế, khi Chúa đến sẽ có người đang tỉnh thức, có người đang ngủ vùi trong say sưa rượu chè hoặc trong những vui thú đớn hèn.

 

                                        Truyện : Một cuộc điều tra.

          Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ  chỉ còn sống đúng một ngày nữa thôi” ? Đó là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường và có kết quả :

          20% được hỏi liền trả lời :”Chúng sẽ dùng thời gian còn lại để uống say sưa, hút ma túy và vui chơi cho thỏa thích”.

          Cuối cùng có một nữ sinh 18 tuổi trả lời :”Tôi sẽ dành thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để đến gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ”.

 

          Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó ? Hay chúng ta chỉ mải sống trong nếp sống cũ ? Hay tỉnh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta ?   Chúng ta hãy sẵn sàng cho chuyến du lịch cuối cùng.

 

          Một tu sĩ dòng Tên thuật lại câu trả lời đầy tràn niềm xúc động sau đây của một thủy thủ sắp chết. Anh luôn sống đạo đức. Đây là điều hiếm có nơi các thủy thủ, và trong buổi sáng hôm đó, anh nhận của ăn đàng. Buổi chiều, khi Linh mục đến gặp anh và nhận thấy anh rất yếu, bèn hỏi :

- Con đã sẵn sàng cho chuyến đi lớn lao chưa ?

- Thưa Cha, hòan thòan sẵn sàng !

- Con không sợ ư ?         

- Sợ ? Con sợ ư ? Tại sao con lại sợ ?

Và đặt tay trên ngực, nơi Chúa ngự đến buổi sáng, anh nói thêm :”Hoa tiêu đã xuống thuyền, vậy con còn sợ gì nữa chứ” ?

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục