QUYỂN SÁCH CUỘC ĐỜI

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Ga 17,24-26.

 

          Chúa Giêsu rất thương yêu các môn đệ của Ngài.  Ngài muốn môn đệ được luôn luôn ở với Ngài.  Có lần Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa Cha :”Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con, để chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,24).

 

          Nhưng lời cầu nguyện này không phải xẩy ra trước mắt nhưng nhằm  khi Chúa Giêsu đã về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.  Chúa muốn cho những người đã theo Ngài cùng được hưởng vinh quang mà Chúa Cha đã dành cho Ngài.  Nhưng muốn về với Ngài thì cần phải rời khỏi thân xác này như thánh Phaolô đã nói :”Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng : ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa… Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa khỏi thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5,6-8).

 

          Muốn về ở với Chúa thì đòi linh hồn phải lìa thân xác , và linh hồn lìa khỏi xác là phải chết. Như vậy chết là điều kiện “ắt có” để được hưởng vinh quang với Chúa trên thiên đàng.

 

          Vì thế, chết là một sự đương nhiên và cần thiết. Ở đời này không có gì là bền vững. Kinh Thánh nói :”Phù hoa nối tiếp phù hoa, thế gian tất cả chỉ là phù hoa” (Kn 1,1).    Và kinh nghiệm người đời cho hay :

 

                              - Hoa nào mà không tàn phai.

                              - Trăng nào mà không khuyết.

                             - Nước đầy mà không vơi.

                              - Ngày nào mà chẳng có đêm.

                              - Yến tiệc nào mà không có lúc tàn.

 

          Theo triết lý Á đông thì “Sự vật hễ có hình thì có hoại”. Do đó , có sinh thì phải có tử, nếu không có tử thì cũng chẳng có sinh.

 

          Nhưng đối với Kitô hữu, sự chết không phải là cái gì ghê gớm, không phải là một thất bại, không phải là đi vào hư vô trống rỗng, nhưng chết mà vẫn sống, mất mà vẫn còn, chết chỉ là một chuyển đổi từ cuộc sống đời này sang cuộc sống đời sau.

 

          Mọi người đều công nhận : khi ra đi khỏi đời này chẳng ai mang theo được vật gì, ra đi với hai bàn tay trắng. Mọi sự phải để lại cho người khác :

 

                                      Vua Ngô băm sáu tàn vàng

                             Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.

                                                (Ca dao)

 

          Alexandre đại đế, một ông vua quyền thế và giầu có nhất thế giới, đã truyền cho các quan trong triều khi khiêng quan tài vua phải để đôi bàn tay của ngài lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người trông thấy.

 

          Làm như thế, nhà vua có ý nói cho quần thần : Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng  chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng, và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

 

          Khi từ giã cõi đời này, tuy chúng ta chỉ đi với hai bàn tay trắng, chẳng mang được gì, nhưng chúng ta có thể và phải mang theo  quyển sổ đời mình để trình diện Chúa, trong đó chúng ta đã ghi rõ những việc lành việc dữ, những tội phúc chúng ta đã làm trong cõi đời này.

 

II. QUYỂN SÁCH CUỘC ĐỜI CỦA MỖI NGƯỜI

         

          1. Mục đích quyển sách đó.

 

          Khi được sinh vào đời, Thiên Chúa trao cho mỗi người một quyển sách trắng tinh và một cây viết để mỗi người ghi chép  mọi việc của mình vào trong đó.  Quyển sách mới tinh, dầy hay mỏng tùy ở Chúa, nhưng đủ để ghi chép mọi công việc mình đã làm trong cuộc đời.

 

          Quyển sách này  đẹp tuyệt vời được đánh số từng trang cẩn thận.  Quyển sách này không giống quyển lịch treo tường để rồi cứ mỗi ngày trôi qua là có thể xé bỏ quăng đi, còn quyển sách này vẫn tồn tại mãi mãi đi theo con người.

 

          Quyển sách này để ghi chép toàn thể sự việc trong đời từ việc lớn đến việc nhỏ, không bỏ sót một việc nào. Chúng ta ghi lại những việc của quá khứ, của hiện tại và tương lai.  Quá khứ là những gì ta đã viết, hiện tại là những gì ta đang sống và đang viết, còn tương lai là những gì ngày mai ta sẽ viết, viết cho đến khi kết thúc cuộc đời.

 

          2. Chúng ta viết những gì ?

 

          Những người đã từng viết nhật ký đều biết người ta viết những gì.  Thường người ta ghi lại những biến cố, những việc quan trọng hoặc những việc đáng ghi nhớ, chỉ viết vắn tắt chứ không dài dòng.  Nhưng trong cuốn nhật ký đời mình, người ta phải ghi chép tỉ mỉ từng sự việc một, từ sáng sớm đến đêm khuya.

 

          Người ta sẽ ghi lại mọi việc lành, việc dữ đã làm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót như trong kinh Cáo mình chúng ta thường đọc trong Thánh lễ.

 

          3. Ngày trình diện quyển sách đó.

 

          Con người ra đi về đời sau không mang được gì chỉ có thể mang theo được một quyển sổ đời mình trong đó có ghi lại công và tội, việc lành việc dữ đã làm theo nguyên tắc :”Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt.

 

          Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan đã thấy một thị kiến và ghi lại :”Tôi là Gioan, tôi thấy một ngai lớn mầu trắng và thấy Đấng ngự trên đó… Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác đã mở ra : đó là Sổ Trường Sinh.  Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì được ghi chép trong sổ sách” (Kh 20,11-12).

 

          Như vậy, sau khi chết, mỗi người sẽ phải trình diện Chúa Giêsu để chịu phán xét.  Và mỗi người sẽ trình cho Chúa quyển sổ cuộc đời mình do chính mình đã ghi chép.  Chúa cho mỗi người nhìn lại toàn bộ sự việc đã được ghi chép và mỗi người sẽ tự đánh giá mình.

 

          Theo Đức Hồng y Billot thì “Ngay khi linh hồn lìa khỏi xác, trong phút chốc thì cuốn sách lương tâm liền mở ra, làm cho ta nhận thức ngay một trật về toàn bộ các việc ta đã làm khi còn sống.

 

          Chính ta sẽ phán xét ta, bởi tình trạng quá hiển nhiên công khai không thể chối cãi được.  Công trạng và lỗi lầm sẽ xuất hiện trước mắt ta trong ánh sáng chói lọi, đồng thời cũng cho thấy những phần thưởng và hình phạt tương xứng với ta. Như thế, chính ta sẽ tuyên án cho ta và quan tòa khoan dung hay khắc nghiệt không có gì ảnh hưởng đến bản án đó, thiên thần và quỉ dữ có trổ tài hùng biện cũng không thể thay đổi được bản án đó (Parvilliez, Niềm vui trước sự chết, tr 57-78).

 

          Ta mang trong mình bản án của ta, do chính ta soạn thảo, bị phạt đến vô cùng hoặc được thưởng tức khắc đến vô cùng hoặc phải đền trong luyện ngục… Chính vào lúc chết mà ta sẽ nói lên những lời không thể rút lại được.  Và lập tức phép công thẳng vô cùng sẽ đáp ứng  bằng việc thi hành đúng phán quyết mà chính ta định đoạt (Pavilliez, ibid, tr 58-59).

 

          Trong cuộc sống con người, không ai có thể sống hoàn thiện được như Cha trên trời.  Con người vốn yếu đuối như cây sậy phất phơ trước gió, không thể đứng vững trước những cơn cám dỗ.  Nhưng Chúa lại thương ban đủ ơn cần thiết cho chúng ta để có thể đứng vững trước sóng gió ba đào như Ngài đã nói với thánh Phaolô :”Ơn Ta đã đủ cho con” (2Cr 2,6; 12,6).

 

          Trước nhan Chúa thánh thiện tuyệt đối, không ai dám tự hào là mình đã sống hoàn thiện,  chỉ biết khiêm nhường cậy vào lòng nhân từ thương xót của Chúa vì :”Nếu Chúa chấp tội, nào ai được rỗi” (Tv  130,3).  Trước thái độ khiêm tốn nài van của con người, Chúa sẽ rộng lòng tha thứ.

 

                                      Truyện : Trước cửa Thiên đàng

          Đây là câu chuyện viết trên trang web Công giáo Mỹ đại khái như sau :

          Ông nọ qua đời và hồn lên trời. Dĩ nhiên trước khi có thể bước vào cửa Thiên đàng ông phải được thánh Phêrô tính điểm.

          Thánh Phêrô giải thích :

          -  Điều kiện như thế này : con phải đạt đủ 100 điểm mới lọt qua cửa này được. Vậy hãy kể ta nghe  tất cả những việc thiện con đã làm ở thế gian.  Cứ từng việc làm ấy ta sẽ chấm điểm.  Điểm cao hay thấp tùy thuộc tính chất ấy lớn hay nhỏ. Hễ  cộng đủ 100 điểm, ta mở cửa mời con vào.

          Ông nọ mau mắn kể :

          - Thưa ngài, trong 50 năm kết hôn, con chỉ biết một người đàn bà duy nhất là vợ con và con chưa từng lừa dối nàng lần nào.

          Thánh Phêrô gật gù, cầm bút biên vào sổ :”Hết ý” ! Con đáng hưởng 3 điểm.

          - Có 3 điểm thôi ư ? Ông ta nhăn mặt,  nhưng cố kềm chế và kể tiếp : Cả đời con, Chúa nhật nào con cũng đi nhà thờ và không bao giờ trốn tránh bất kỳ công tác nào cha xứ nhờ làm.

          - Tuyệt vời ! Con được cộng thêm một điểm.

          - Thưa ngài, chỉ một điểm sao ?  Còn việc này thì mấy điểm ạ ?  Hơn 10 năm qua, mỗi tháng con đều góp tiền ủng hộ bữa cơm từ thiện giúp bệnh nhân nghèo và người vô gia cư.

          - Giỏi lắm ! Thế thì con được thêm 2 điểm nữa,

          - Hai điểm ! Lạy Chúa ! Ông ta gào lên chán nản : Nếu thang điểm mà gắt như vậy, thì con vô phương lọt qua cửa Thiên Đàng, trừ phi con được Chúa ban ơn.

          Thánh Phêrô xếp quyển sách lại, tươi cười :

          - Quả thật, lời con nói chẳng sai.

                   (Lê anh Dũng, Công giáo và dân tộc, số 1781, tr 41).

 

          Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Cũng thế, chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì phải nghĩ trước về ngày chết của mình.  Người ta nói :”Sống khôn, chết thiêng”, sống thế nào thì chết như vậy. Hãy suy nghĩ về sự chết vì thánh Augustinô đã nói :”Hãy để sự chết làm Thầy dạy ta”.

 

          Lm Giuse Đinh lập Liễm

          Giáo xứ Kim phát

          Đà lạt


Mục Lục