CON VE SẦU

+++

 

I. CÂU CHUYỆN CON VE SẦU

 

          1. Truyện con ve và con kiến

 

          Hầu hết các em học sinh đã có dịp đọc thơ ngụ ngôn của La Fontaine, một thi sĩ nổi danh của Pháp, trong đó có bài “Con ve và con kiến”, với câu mở đầu tóm kết ý nghĩa của bài thơ :

 

                             Ve kêu ve ve

                             Suốt mùa hè

                             Đến kỳ gió bấc thổi

                             Nguồn cơn thật bối rối.

 

          Đọc câu truyện này ai cũng biết ngụ ý của tác giả  là khuyên người ta phải biết lo xa, phải biết lo cho tương lai bằng cách phải chăm chỉ làm việc, nếu không, khi cơn khốn khó đến, không biết nhờ vào ai, bởi vì “nhân vô viễn lực, tắc hữu cận ưu” : người không biết lo xa, ắt phải buồn gần.

 

          Con ve chỉ ca hát suốt mùa hè, không chịu làm việc, không lo tích trữ, khi mùa đông đến ắt gặp khó khăn.  Trái lại, con kiến biết chăm chỉ làm việc và biết tích trữ theo phương châm “tích cốc phòng cơ”, nên trong suốt mùa đông đã có đồ ăn dự trữ, không lo thiếu thốn nữa.

 

          Nhưng hôm nay, chúng ta không khai thác tư tưởng đó, mà quay sang một khía cạnh khác để nói lên một tư tưởng đạo đức :  cuộc sống ở trần gian là thời gian người Kitô hữu phải chuẩn bị cho ngày qua đời để được trở thành một công dân Nước Trời.  Nói khác đi, muốn được vào Nước Trời, muốn được hưởng vinh quang vĩnh cửu chúng ta phải làm gì trong cuộc sống ở trần gian này ?

 

          2. Đời sống con ve sầu

 

          Ve la một loại côn trùng có đời sống đặc biệt mà nhiều người chưa biết tới.  Trên thế giới có tới 2.500 loại ve. Sự sinh hoạt của loài ve rất đặc biệt : Sau khi giao phối, những con ve cái sẽ đào những rãnh nhỏ lên các cành cây rồi đẻ trứng vào đó. Ve cái có thể làm nhiều lần như vậy cho đến khi đẻ hết vài trăm trứng mới thôi.

 

          Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống đất và đào sâu vào trong đất. Hầu hết các loại ve có vòng đời từ 2-5 năm, một số loài sống lâu hơn như loài Magicicada có vòng đời 17 năm và đôi khi là 13 năm.

 

          Phần lớn vòng đời của ve là thời kỳ ấu trùng nằm dưới đất có độ sâu khoảng 30 cm cho tới 2,5 m. Các ấu trùng ve hút nhựa từ rễ cây và có những chân trước đào bới rất khỏe.

 

          Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời ký ấu trùng, các ấu trùng ve sẽ đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên.  Sau đó chúng lột xác lần cuối trên một cây gần đó và trở thành ve trưởng thành.  Vỏ xác ve sẽ nằm lại và gắn vào cây (Theo Internet).

II. MỘT VÀI SUY TƯ VỀ CON VE

 

          1. Đời sống con người.

 

          Người đời thường nói :”Nhân sinh thất thập cổ lai hy” : người đời sống được 70 tuổi là hiếm.  Nhưng ngày nay, nhờ khoa học tiến bộ, tuổi thọ con người đã tăng lên  :  70 tuổi mới là tuổi trung bình của con người. Ở bên Nhật tuổi trung bình còn cao hơn.

 

          Nhưng dù sao, người ta vẫn coi cuộc sống con người quá vắn vỏi. Đời sống con người giống như hoa sớm nở chiều tàn, cuộc sống rất mong manh, không có gì là vững chắc (x. Tv 102,15-16).

 

          Trên thế giới, mỗi ngày có trên 300.000 người chết, gồm có vua chúa cho đến thứ dân. Cái chết không kiêng nể ai. Nó gọi ai thì phải theo nó, không ai có thể cưỡng lại được một phút.  Có người trông thấy nó thì sợ hãi, có người lại vui vẻ đón tiếp nó như người bạn thân thiết.  Cái đó tùy ở thái độ sống của từng người, bởi vì người ta thường nói :”Sống khôn, chết thiêng”.

 

          Người ta thường cho cái chết đến đột ngột vào giữa lúc không ngờ. Nhưng thực ra cái chết chỉ đến đột ngột cho những ai không chuẩn bị, chỉ sống cho qua ngày, và không bao giờ nghĩ đến sự chết, họ sống một cách vô tư như những người ở thành Sođoma và Gomora xưa, khi lửa diêm sinh  bất ngờ thiêu hủy cả thành.

 

          Trái lại, những người đã chuẩn bị thì sự chết không được coi là đột ngột vì lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp nó.

 

          Người Á châu có một câu tục ngữ rất hay nói về việc chuẩn bị này :”Lúc hoàng hôn xuống, chớ tự hào rằng : ngày mai, bạn sẽ thức dậy như thường lệ”.

 

          Vì thế những người khôn ngoan luôn nhắc nhở mình bằng tư tưởng này :

 

                    “Bình minh tới nhắc cho tôi một bước đang đi tới,

                    “Hoàng hôn xuống nhắc cho tôi ngày vĩnh biệt sẽ gần kề”.

 

          2. Phải chuẩn bị sẵn sàng

 

          a) Thời gian chuẩn bị của con ve.

 

          Ở đây chúng ta không chú trọng đến việc con ve ca hát suốt mùa hè, không lo cho mùa đông, mà chúng ta chỉ bàn đến thời gian lâu dài con nhộng ve ở trong lòng đất trước khi trở thành con ve trưởng thành.

 

          Theo đó, ve cái đẻ trứng trên thân cây.  Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống đất và đào sâu vào lòng đất độ 30 cm đến 2,5m. Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời ấu trùng, như loài Magicicada có vòng đời 17 năm và đôi khi 13 năm, các ấu trùng ve sẽ đào một đường hầm mà chui lên. Sau đó, chúng lột xác trên một thân cây gần đó và trở thành ve trưởng thành.  Trong thời gian 5,6 tuần, ve chỉ việc đẻ trứng, sau đó thì chết (Theo Internet).

 

          Để ý nhận xét, chúng ta thấy con nhộng ve đã dành 17 năm trời trong lòng đất để chuẩn bị trở thành con ve trưởng thành, để đẻ trứng trong vòng 5,6 tuần lễ rồi chết, thời gian sống trên mặt đất quá ngắn.

 

          Thời gian ve sống trên mặt đất chỉ có 5 tuần mà đã phải chuẩn bị tới 17 năm trong lòng đất.  Thật là một thời gian khá dài cho cuộc sống ở dưới đất trong một thời gian rất ngắn trên mặt đất.

 

          b) Thời gian chuẩn bị của chúng ta.

 

          Cuộc sống của con người trên mặt đất này trái ngược với cuộc sống của con ve.  Cuộc sống ở trần gian này của con người là thời gian chuẩn bị để được sinh ra trong Nước Trời, để trở thành một thành viên trong đời sống vĩnh cửu, khi chúng ta từ bỏ cõi đời này.

 

          Thời gian chúng ta chuẩn bị trong trần gian này quá ngắn so với cuộc sống đời đời trên thiên đàng. Vậy đó, tuy thời gian chuẩn bị ở trần gian này rất ngắn ngủi nhưng cũng phải làm được cái gì đó mới có thể được hưởng hạnh phúc trường sinh, như lời Chúa Giêsu đã nói :” Không phải những ai cứ kêu Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành ý Cha trên trời thì mới được vào” (Mt 7,21).

 

          Chúng ta có thể nói : Đời sống hiện tại chỉ là cái giàn khung để cho người ta xây dựng, và việc xây dựng này  có hoàn thành hay không là tùy ở từng người.

 

          Linh mục Sertillanges viết :”Đời sống trần gian chỉ là cái giàn khung, để giúp xây dựng tòa nhà thiêng liêng cho tinh thần”.

 

          Người ta có thể nhạo cười nhà thầu khoán nào đó, chỉ lo bắc giàn khung bằng vàng, bằng bạc hay bằng đồng, rồi treo những vòng hoa lúc nào cũng luôn luôn tươi mới, và cử người phục vụ mỗi tầng lầu, trong khi đó ông lại không chịu  xây cất cho xong tòa nhà.

 

          Ấy vậy mà nhiều người, nam cũng như nữ, vẫn hành động như thế đó !  Họ ra công tô điểm cuộc sống trần gian mà quên không xây dựng trong họ sự sống đời đời.  Họ biết rằng (nhưng họ không chịu nghĩ đến) công trình xây cất có hoàn thành hay không, thì giàn khung cũng sẽ bị bạ xuống…  Lúc đó, họ chỉ còn thấy rỗng không  (Charles Lebrun, Vượt qua cõi hồng trần, tr 20) !

 

          Chúng ta bước vào thời gian là lúc chúng ta vừa mở mắt chào đời, và ra khỏi đó khi giờ chết đến.

 

          Khi suy nghĩ về thời gian, ta thường gặp cám dỗ chính đó là thái độ thoái thác.Tất cả chúng ta quen cái khuynh hướng nhằm tới tương lai hay quay về với quá vãng một cách thái quá. Do đó, ta trở nên những kẻ bạo tợn hoặc nản lòng.

 

          Một thanh niên đã nói :”Lúc này tôi cứ việc ăn chơi cho đã… sau này sẽ sống nghiêm túc hơn”.  Một ông già, với quá khứ rỗng tuếch, không công nghiệp và tràn đầy tội lỗi, đã kêu lên :”Giờ này thật đã quá muộn ! Tôi đã làm hỏng mất cuộc đời”.

 

          Không khi nào quá muộn, không bao giờ quá muộn… giây phút hiện tại là hồng ân cần nắm giữ. Đó là giây phút cứu độ.  Bí quyết thành công của con người, của ơn Chúa, là can đảm và tin tưởng chấp nhận thời gian trước mắt.

 

          Thời gian hiện tại sẽ đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và trần thế của ta cách thích đáng hơn. Nhờ đó, ta đón nhận từng giọt sự sống và tìm cách làm phong phú đời mình. Phương thế hữu hiệu để khỏi làm hỏng đời mình, là dù lúc nào, tuổi nào, ta cũng dính kết trọn vẹn vào giây phút hiện tại,  như chốt cắm điện dính liền với dòng điện, để phát tỏa ánh sáng và sức mạnh (sđd, tr 24).

 

          Chúa cho chúng ta sống ở trần gian này lâu hay chóng, việc đó không quan trọng.  Việc quan trong là ta làm được những gì trong thời gian ấy, thời gian nào đối với chúng ta cũng là đủ.  Chúng ta nên ghi nhận điều này :”Thời gian không tính bằng năm tháng, nhưng tính bằng những gì chúng ta làm được”.

 

                                       Truyện : Ngày sinh nhật của con.

 

          Một anh bạn đã tâm sự về ngày sinh nhật của mình :”Em tôi và tôi sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, và cách nhau đúng một năm; nên năm nào anh em tôi  cũng mừng chung một ngày sinh nhật.

          Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần đến bữa tiệc sinh nhật của chúng tôi, cha tôi cầm hai ngọn nến sáng  đặt vào lòng bàn tay của từng đứa và nói :

 

“Cha đặt vào con một ước mơ, đừng tắt nến trước khi tiệc tàn, cũng như đừng chết trước khi con tắt thở”.

 

          Lời ấy vẫn đọng lại trong tâm trí tôi, và cho đến tận bây giờ cứ mỗi lần đời tôi gặp khó khăn, tôi lại nhớ đến những lời đẹp đẽ ấy để vượt qua, và đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất về ngày sinh của mình”.

 

          Và ngày sinh nhật của chúng ta là ngày đáng mừng hay đáng buồn ? Cái đó tùy ở từng người. Nếu ta đã sống theo thánh ý Chúa, sống trọn từng giấy phút  trong việc bổn phận một cách hoàn hảo thì ngày sinh nhật đó là ngày đáng mừng. Con nếu như ngược lại, thì quả là ngày đáng buồn.

 

          Nếu bạn chỉ thích sống nhanh, sống dễ dàng, sống bất chấp

          Thì ngày bạn sinh ra cũng chính là ngày bạn chết.

 

          Phải sống thế nào như ông Kazankasis đã nói rất chí lý :”Anh phải sống thế nào để ngày sinh ra, anh khóc mà mọi người phải cười, và ngày chết, anh nở một nụ cười mà người ta phải khóc, thì cuộc đời đó mới có giá trị.

 

Lạy Chúa,

          Xin cho con sống trọn vẹn 24 giờ trong một ngày,

          Xin cho con sống can trường 30 ngày trong một tháng,

          Xin cho con sống thật người 12 tháng trong một năm

 

          Nếu được như vậy thì ngày sinh nhật của con là ngày đáng vui, đáng nhớ và đáng mừng. Và ngày con ra đi khỏi đời này cũng là ngày sinh nhật của con trên cõi vĩnh hằng, ngày sinh nhật đó cũng phải là ngày đáng mừng như lòng con hằng mong ước.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

                  

 

         


Mục Lục