CHẾT LÀ NGÀY SINH NHẬT

+++

 

I. CHẾT, NGÀY VỀ NHÀ CHA

 

          Khi nói tới cái chết, nhiều người sợ không dám dùng từ ấy, phải kiêng kỵ kẻo xui, mà dùng nhiều từ khác thay thế, trong đó có từ MẤT. Theo nghĩa thông thường thì từ  “mất” nói lên cái gì tiêu cực, nghĩa là mình không còn sở hữu một cái gì đó, ví dụ tôi mất một chỉ vàng . Tuy thế, theo tương quan biện chứng, nó vẫn có tính cách tích cực, nghĩa là mất mà vẫn còn : đối với tôi là mất một chỉ vàng, nhưng chỉ vàng vẫn còn trong túi của thằng ăn cắp.

 

          Đối với sự chết cũng vậy. Với cái nhìn đức tin của người Kitô hữu, thì chết là mất sự sống ở đời này nhưng vẫn còn ở sự sống đời sau. Như vậy, chết là kết thúc cuộc sống ở đời này, nhưng là khởi điểm của cuộc sống đời sau.

 

          Người Việt chúng ta vẫn thường nói :”Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” : chết mà vẫn sống, mất mà vẫn con.

 

                                       Truyện : Chết là gì ?

 

          Paul Claudel là một viện sĩ trong Hàn Lâm viện Pháp, ông thuật lại : Hồi nhỏ, đã nhiều lần ông thắc mắc hỏi mẹ ông :”Chết là gì” ? Nhưng mẹ ông chỉ im lặng, nhìn ông mà không chịu nói gì. Thế rồi, một hôm, bên cạnh nhà ông có người chết, ông tò mò quan sát từ lúc xác người này còn ở trên giường, cho đến lúc được khâm liệm vào quan tài, và đóng nắp quan tài lại. Ông về nhà năn nỉ hỏi mẹ cho bằng được :”Chết là gì” ?

 

          Ông thuật tiếp :”Có lẽ, mẹ tôi cho là tôi đã đủ khôn lớn, nên mẹ tôi vào tủ sách của gia đình, lấy cuốn Thánh Kinh ra. Mẹ tôi mở chương 13 sách Phúc âm thánh Gioan, mẹ tôi thong thả đọc câu 1 :”Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà trở về với Chúa Cha ” rồi mẹ tôi âu yếm nhìn tôi và nói :”Con ạ, chết là bỏ thế gian để trở về với Chúa Cha”

 

          Thật là một câu định nghĩa đầy tinh thần đạo đức, đầy hy vọng, đầy an ủi cho mỗi người chúng ta.  Mỗi người chúng ta sẽ chết, và sẽ được trở về với Thiên Chúa là Cha của chúng ta.  Người Cha đang lo lắng mọi sự cho ta, và sẽ đón chúng ta, trong giây phút sau cùng, về sống cuộc đời vĩnh viễn với Ngài.

 

          Các hướng đạo sinh cũng hay nói về người qua đời rằng :”Họ đã về nhà Cha”. Quả vậy, đối với người Kitô hữu, phần mộ không phải là “nhà ở cuối cùng”.

 

          Ở nghĩa trang thành phố Lìège có khắc một hàng chữ “Domus secunda, donec veniat tertia” (đây là ngôi nhà thứ hai, trong khi chờ đợi ngôi nhà thứ ba).  Nhà thứ ba này mới là nhà sau cùng. Đấy mới thật là ngôi nhà mà người Cha đang chờ đợi ta với tình yêu phụ tử.

 

          Nếu nói có vẻ triết lý một chút thì khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết. Làm gì có sự chết nếu không có sự sống. Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đòi.  Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

 

          Ngay từ trong bào thai của mẹ. bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi. Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau. Trong lớn lên đã có mầm tan rã. Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

 

          Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết. Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề. Hoàng hôn  buông xuống thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

 

          Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi. Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết. Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

 

          Như vậy, ngày chết được gọi là “ngày về nhà Cha” :”Lạy Cha, Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho  Con cũng ở đó với Con” (Ga 17,24) “Căn nhà dưới đất bị hủy diệt, có căn nhà vĩnh cửu trên trời” (2Cr 5,1-5).

 

II. CHẾT, NGÀY SINH NHẬT

 

          Hội thánh xem cuộc đời tín hữu như là thời thai nghén và gọi ngày mỗi người ra đi là “Ngày Sinh Nhật”.  Đã là ngày sinh nhật thì ai cũng vui mừng vì một con người được sinh ra trên đời. Vì thế, ngày sinh nhật trên trời cũng phải là ngày vui mừng cho các thần thánh và mọi người.

 

          Trong nghi lễ an táng, ca đoàn thường hát Thánh vịnh nói lên niềm vui đó :

Khi Chúa thương gọi tôi về ,

hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ.

Miệng tôi nức vui tiếng cười ,

lưỡi tôi vang lời ca hát ,

Toàn dân tung hô tôi thật vinh phúc.

 

          Thi sĩ Chateaubriand nói :”Chính trong cái chết mà người Kitô hữu chiến thắng”.

 

          Sự chết dưới cái nhìn đức tin, không thể là một điều khủng khiếp như người ta quá quen tưởng tượng.  Chúng ta cần nhìn tới khía cạnh tốt đẹp của sự chết : kết thúc cuộc lưu đầy, ngày được giải phóng, thoát khỏi vòng tội lỗi, được Chúa Kitô đón tiếp.

 

          Nhìn như thế, cái chết xuất hiện như một ngày đẹp nhất của cuộc đời, ngày sinh vào sự sống vĩnh cửu. Thánh Têrêsa Avila hiểu sâu sắc điều đó, đến nỗi ngài tỏ ra buồn phiền vì chưa được chết. Ngài kêu lên :”Ôi cái chết, làm sao phải ngần ngại vì trong ngươi đã thấy sự sống ? Tôi chết đi được vì chưa được chết”.

 

          Trong lễ an táng của văn hào Honoré de Balzac, thi sĩ Victor Hugo đã quả quyết :”Không, sự chết không là đêm tối, đó là ánh sáng. Đó không phải là kết thúc, nhưng là khởi điểm. Đó không là sự hư vô, mà là vĩnh cửu”.

 

                                      Truyện : Sinh dữ tử lành

 

          Thánh Ambrôsiô kể rằng : dân chúng xứ Thrace khóc và thốt lên những tiếng kêu thảm thiết khi có một người sinh ra; và trái lại, họ vui mừng hát những bài ca hân hoan  khi có người qua đời.

 

          Họ tin – và họ có lý - rằng tất cả những ai đi vào trong thế giới này, một thế giới tràn đầy đau khổ, đều đáng thương hại; và khi họ thoát khỏi nơi lưu đầy buồn khổ này, người ta phải vui lên mừng cho họ. Melior est dies mortis die nativitatis : ngày chết là ngày đáng ưa thích hơn ngày sinh ra.

 

          Như vậy phải chăng người Việt nam ta có câu tục ngữ :”Sinh dữ tử lành”. Sinh là đẻ, tử là chết.  Có nghĩa là nằm mơ thấy người chết sẽ gặp nhiều chuyện lành; còn nằm mơ thấy việc chửa đẻ là điềm xấu (theo mê tín ?)

 

          Sự chết còn được coi như là “cuộc nhập tịch sau cùng để được làm công dân Nước Trời.

 

          Sự định cư của con người trên trần gian giống như hành trình của người du mục. Họ được sống trong thời đại và muốn nên giống thời đại  qua những phương tiện nổi bật nhất.

 

          Nhưng họ chỉ được phép nhập tịch vào một thời đại nào đó mà không có thể định cư trong mọi thời đại. Chính yếu tố không gian và thời gian quyết định cho họ phải như thế.

 

          Sự chết là một hành trình đưa người ta vào một cuộc nhập tịch một “thời đại” mới mà nơi ấy họ sẽ định cư vĩnh viễn chứ không phải như người du mục. “Thời đại” ấy chính là một thế giới khác mầu nhiệm đã được chuẩn bị cho con người trước khi tạo dựng vũ trụ.

 

          Cũng như đời sống con người phải nhập tịch vào một thởi đại rõ ràng thì sự chết cũng bắt người ta  phải nhập tịch theo một kế hoạch đã được Thiên Chúa an bài trong trật tự của Ngài.

 

          Đây là điều giúp con người tin tưởng vào thế giới mới không là một huyền thoại, không là một ảo ảnh, không là sự ru ngủ nhau :”Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24) là một lời mạc khải đầy vui mừng và hy vọng của Đức Giêsu cho chúng ta về hành trình con người sẽ đi tới.

 

          Chết chính là lúc được sinh ra và nhập tịch vào thế giới mới.  Như nước trở về nguồn để hòa tan trong một khối mênh mông nơi đó được xuất ra thì con người cũng thế, tất cả phải đi đến và trở về với Vĩnh Cửu. Vĩnh Cửu là Cha mọi loài thọ sinh. “Thầy từ Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Ga 17,28).

 

          Sự chết còn được gọi là một Cuộc Vượt Qua. Cuộc sống con người là những chuyến đi liên lỉ tùy theo mức độ dài ngắn khác nhau. Và kết thúc cuộc đời thì người ta phải làm chuyến đi quan trọng, vĩ đại nhất.  Lúc ấy người ta phải thực hiện bằng tất cả sự đánh đổi để dứt bỏ tất cả những thực tại trần thế nên xẩy ra sự chết.  Và chuyến đi cuối cùng này chúng ta dành cho nó một tên gọi là “Cuộc Vượt Qua”.

 

          Ai đã một lần thực hiện một chuyến đi xa thì dễ dàng nhận ra sự liên hệ giữa hành trang với chính bản thân mình. Càng đi xa người ta chuẩn bị hành trang càng kỹ. Chuyến đi càng dài thì người ta chuẩn bị hành trang càng chu đáo.  Hành trang chính là những gì cần thiết để mang theo mình lúc thực hiện chuyến đi.

 

          Thế nhưng, đôi khi những thức cần thiết ấy lại trở thành những vật cản hoặc gây trở ngại cho một cuộc hành trình. Thành thử ra, nhiều khi chúng ta phải cố gắng loại bớt đi sự cồng kềnh, rườm rà bao nhiêu có thể để bản thân được nhẹ nhõm trước những bận tâm khác.

 

III. CHẾT, NGÀY HỒI CÔNG

 

          Ở nơi chúng ta, có thói quen khi làm xong một ngôi nhà thì có ngày “hồi công”. Ngày đó thường được gọi là ngày ăn mừng tân gia và đồng thời cùng là ngày thanh toán tiền công cho thợ.  Nói đến ăn mừng tân gia thì hiểu ngay là ngày vui vì đã hoàn thành được ngôi nhà theo phương châm “An cư lạc nghiệp”,  muốn có việc làm thì cần phải có nhà ở đã.  Qua số tiền người ta đến ăn mừng nhà mới, gia chủ mới có sẵn tiền để trả công thợ được sòng phẳng.

 

          Ngày Chúa gọi chúng ta về với Chúa cũng được gọi là ngày hồi công.  Chúa sẽ thưởng công cho chúng ta nếu biết ăn ở cho xứng đáng chức vị người làm con Chúa, biết làm tròn trách nhiệm đối với Chúa và với tha nhân trong cuộc sống ở trần gian.

 

          Đại thi hào Ấn độ, ông Rabindranath Tagor, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn lạc quan về ngày đó. Ông bảo rằng con người như một diễn viên được mời dự đại hội trần gian, khi vở kịch kết thúc, bức màn sân khấu khép lại, chúng ta mới sống thật vai trò của mình.

 

          Trên sân khấu cuộc đời, mỗi người đều có một vai diễn, người làm cha, làm mẹ, làm kỹ sư, bác sĩ, làm giáo viên, công nhân, làm ông chủ hay kẻ nô lệ… tất cả đều phải sống đúng với bổn phận, phải hoàn tất ơn gọi của mình.

 

          Nói một cách ví von hơn, Thượng Đế giống như người mẹ đang cho con bú, khi mẹ giằng ta ra khỏi bầu vú này, mẹ lại ban cho bầu vú khác.  Thiên Chúa lấy đi sự sống ở trần gian là để cho chúng ta  sự sống nơi thiên đàng. Vì thế, cái chết là một ngưỡng cửa rất cần thiết để chúng ta bước vào cõi sống, ở đó chúng ta không bao giờ phải chết nữa.

 

          Chúng ta hãy sống hoàn thiện trong từng ngày, từng phút, từng giây. Chúng ta bước vào thời gian ngay lúc vừa mở mắt chào đời, và ra khỏi đó khi giờ chết đến. Hãy sống với giây phút hiện tai cho đầy đủ.

 

          Khi suy nghĩ về thời gian, ta thường gặp một cám dỗ chính, đó là thái độ thoái thác. Tất cả chúng ta quen có cái khuynh hướng nhắm tới tương lai hay quay về với quá vãng một cách thái quá. Do đó, ta trở nên những kẻ bạo tợn hoặc nản lòng.

 

          Một thanh niên đã nói :”Lúc này tôi cứ việc ăn chơi cho đã…sau này sẽ sống nghiêm túc hơn”.  Một ông già, với quá khứ rỗng không công nghiệp và đầy tràn tội lỗi, đã kêu lên :”Giờ này thật đã quá muộn ! Tôi đã làm hỏng mất cuộc đời” !

 

          Thực ra, không khi nào quá sớm, cũng không khi nào quá muộn… Giây phút hiện tại là hông ân cần nắm giữ.  Đó là giây phút cứu độ.  Bí quyết thành công của con người, của ơn Chúa,  là can đảm và tin tưởng chấp nhận thời gian trước mắt.

 

          Thời gian hiện tại sẽ đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và trần thế của ta  cách thích đáng hơn. Nhờ đó, ta đón nhận từng giọt sự sống và tìm cách làm phong phú đời mình.  Phương thế hữu hiệu để khỏi làm hư hỏng đời mình, là dù lúc nào, tuổi nào, ta cũng dính kết trọn vẹn vào giây phút hiện tại, như chốt cắm điện dính liền với dòng điện, để phát tỏa ánh sáng và sức mạnh (Charles Lebrun, Vượt qua cõi hồng trần, tr 24).

          Hằng ngày, Chúa vẫn gửi cho chúng ta những dòng tin nhắn để ta chuẩn bị tương lai cho một ngày viên mãn. Thái độ của chúng ta  là lắng nghe hay thờ ơ lãnh đạm.

 

          Chúa nhắc nhở chúng ta  bằng những lời thì thầm, nhẹ nhàng và sâu lắng qua qui luật tự nhiên, qua trật tự trong vũ trụ.  Nhìn chiếc lá vàng rơi về cội, nhìn dòng nước xuôi về nguồn, ta hiểu được rằng con người cũng phải trở về với gốc tích của mình.  Trông thấy người chết ta phải tự nhủ mình : nay người, mai ta, sẽ đến lượt tôi, tôi sẽ phải rời cõi đời này bất cứ lúc nào.

 

          Tất cả mọi sự vật chung quanh là lời Chúa nhắc nhở ta phải chuẩn bị cho ngày ra đi vĩnh viễn, tuy những dấu hiệu ấy không rõ ràng.

 

                                      Truyện : Lời Chúa nhắc nhở

 

          Có một người đàn ông nọ qua đời vì chứng nhồi máu cơ tim. Ông phàn nàn với Chúa rằng :

          - Thưa Ngài, Ngài gọi con về, con không chút oán hận. Nhưng tại sao trước lúc gọi, Ngài không thông báo cho con một tiếng  để con chuẩn bị tâm lý và cũng là để con bàn giao mọi việc với vợ và các con của con. Ngài đã khiến con trở tay không kịp.

          Thiên Chúa trìu mến đáp :

          - Ta đã từng viết cho con 3 bức thư, nhắc nhở con ngày về mà !

          Người đàn ông kinh ngạc đáp :

          - Làm gì có ! Con chưa hề nhận được lá thư nào.

          Thiên Chúa đáp :

          - Trong bức thư thứ nhất, Ta để con đau lưng. Trong bức thư thứ hai, ta để con tóc bạc đi. Và bức thứ ba, Ta khiến cho răng con rụng dần. Tất cả đều là tín hiệu nhắc nhở con sắp đến thời hạn quay về đấy.

 

                             Thế gian không phải là nhà

                    Thiên đàng vĩnh cửu mới là quê hương.

                             Ai ai cũng phải tìm về,

                    Bởi vì “sinh ký, tử qui” rõ ràng.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục