HỘI CHỨNG BẬN RỘN

(Chia sẻ tại nghĩa trang)

+++

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Gv 3,1-8

 

          Chúng ta đang sống vào những tháng cuối năm, nhất là chúng ta bắt đầu bước vào tháng 11, tháng các  Đẳng, và đặc biệt hơn nũa chúng ta đang đứng tại nghĩa trang này giữa những người chết đang nằm chung quanh chúng ta.

 

          Chúng ta cùng chia sẻ với nhau và với những người đang nằm ở đây một đề tài quen thuộc nhưng hay bị lãng quên :”Thời giờ của Chúa”.  Chúng ta đã dùng thời giờ của Chúa thế nào, có biết tận dụng từng giây phút Chúa ban cho một cách hợp lý không hay đã làm phí một cách vô ích ? Chúng ta có biết dùng thời giờ Chúa ban để tạ ơn Chúa và lo việc của Ngài không, hay đã bị rơi vào “Hội chứng bận rộn” để rồi quên Chúa, quên những người chung quanh và quên cả bản thân mình ?

 

          Những ngày cuối năm, chúng ta thường nói : năm cùng, tháng tận.

          Những ngày đầu năm , chúng ta thường nói : ngày rộng, tháng dài.

          Nói như vậy, xem ra chúng ta làm chủ thời gian, vì chúng ta nói : Thời giờ đã cùng tận, cũng được; mà nói : thời giờ đang rộng dài, cũng được.

          Nhưng thực tế, chúng ta không thể làm chủ được thời gian, vì, cũng như mọi loài mọi vật khác, con người chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên và cho sống trong một khoảng thời gian nào đó nhất định mà thôi. Vì thế sách Giảng viên mới nói :

 

“Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời ở dưới bầu trời :

thời để sinh ra và thời để chết,

thời để trồng và thời để nhổ cây trồng,

thời để giết chết và thời để chữa lành,

thời để phá và thời để xây,

thời để khóc và thời để cười,

thời để than vãn và thời để múa nhảy,

thời để quăng đá và thời để lượm đá,

thời để ôm và thời để tách rời không ôm nữa,

thời để tìm kiếm và thời để thất lạc,

thời để gìn giữ và thời để vất đi,

thời để xé và thời để khâu,

thời để nín thinh và thời để lên tiếng,

thời để yêu và thời để ghét,

thời giặc giã và thời bình an” (Gv 3,1-8).

 

          Sách Giảng viên đã khẳng định :”Omnia tempus habent” : Mọi sự đều có lúc (Gv 3,1). Thiên Chúa đã xếp đặt mọi việc trong trời đất, mọi vật diễn tiến theo qui trình Thiên Chúa đã ấn định. Hết ngày này sang ngày khác, hết đêm lại đến ngày, hết xuân sang đông, hết đông sang hè, hết hè sang thu và hết thu sang đông, rồi lại hết đông sang xuân… Qua 365 ngày lại có một năm mới.

 

          Nếu Thiên Chúa đã ấn định cho mọi việc có thời có lúc thì con người cũng phải theo qui trình ấy, hết việc này sang việc nọ, không thái quá, không bất cập.  Nếu biết dùng thời giờ vào những công việc của Chúa đã ấn định thì mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp và làm đẹp lòng Chúa.

          Nhưng nhiều khi con người đã làm đảo lộng chương trình của Chúa, dám cướp quyền Chúa mà làm những việc ngoài ý muốn của Ngài, đôi khi còn chống lại ý của Ngài nữa.  Ngày nay nhiều người không theo qui trình của Chúa, họ rơi vào “Hội chúng bận rộn”, theo đó, người ta loại Chúa ra ngoài cuộc sống để chỉ biết lăn xả vào công việc làm ăn, hay vui chơi, hưởng thụ…

 

II. “HỘI CHỨNG BẬN RỘN”

 

          1. Đà phát triển trên thế giới

 

          Không ai có thể phủ định được nền kinh tế thế giới phát triển đến đỉnh cao và vẫn còn phát triển không ngừng.  Khoa học đã tiến những bước nhảy vọt làm cho cuộc sống con người được thoải mái cả vật chất lẫn tinh thần. Đời sống con người được kéo dài hơn, thoải mái hơn. Các phương tiện phục vụ đời sống con người càng dồi dào.  Con người bớt vất vả trong lao động nhờ những phương tiện kỹ thuật tân tiến.

 

          Nói chung, nhờ khoa học và kinh tế phát triển, con người được hưởng một cuộc sống ấm nó, dễ chịu và hạnh phúc. Tuy nhiên những cái đó là con dao hai lưỡi, nó có thể nhằm phục vụ hạnh phúc con người và cũng có thể đem đến sự bất hạnh cho con người, tuỳ theo cách người ta dùng nó.

 

          2. Áp lực của công việc

 

          Trên nguyên tắc, với những tiến bộ của khoa học, đời sống con người được giảm tải khỏi những công việc khó nhọc, làm cho con người được nhẹ nhàng thoải mái hơn, có thời giờ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, có thời giơ giao lưu, thăm viếng, chia vui sẻ buồn, giúp đỡ nhau trong đời sống tinh thần và vật chất.

 

          Nhưng trong thực tế, người ta lại bị áp lực của công việc đè nặng, khiến người ta phải lao đầu vào công việc, không còn thời giờ để lo việc khác nữa. Người ta trở nên quá bận rộn, bù đầu bù óc, đến nỗi trở nên bạc nhược, đôi khi đi đến bệnh stress.

 

          Người ta còn thời giờ đâu để lo cho người khác, thậm chí người ta quên cả vợ con, chỉ còn biết chúi đầu vào công việc, họ không nghĩ rằng người vợ và con cái đang cần sự thương yêu nâng đỡ của người chồng, người cha là cột trụ của gia đình.

 

Truyện : Lời nhắc nhở chân thành

          Cậu bé 10 tuổi nói với bố :

          - Bố ơi, mỗi giờ bố làm được bao nhiêu tiền ?

          Không thích câu hỏi có tính cách tò mò, nhưng bố nó cũng trả lời :

          - Mỗi giờ bố làm được 10.000 đồng.

          - Bố cho con 5.000 đồng được không ?

          - Thì ra con hỏi bố làm được bao nhiêu tiền để xin tiền à ?

          Thằng bé bị bố tạt cho một “gáo nước lạnh”, tiu nghỉu lên võng nằm.  Thấy thương,  bó nó đến bên an ủi và bảo :

          - Bố cho con 5.000 đồng đây, con cần mua bút mực hay sách vở cứ nói, bố sẽ cho.  Thằng bé vui mừng chạy đến  chiếc cặp lấy ra 5.000 đồng nữa, tổng cộng nó có 10.000 đồng. Nó đưa cho bố và nói :

          - Đây là tiền công một giờ của bố, bố hãy đi chơi với con một giờ được không ?

 

          Ngạc nhiên, bố nó ôm vào lòng rồi nói :

          - Bố xin lỗi con,  bấy lâu nay bố lơ là không quan tâm đến con, bố đổ thừa cho công việc quá bận rộn.

          Thằng bé không hiểu, tròn mắt nhìn bố nó và nghĩ thầm :”Sao lại đổ thừa nhỉ” ?

          Như hiểu ý nó, bố nó nói :

          - Đi làm, bố thường đi sớm về trễ, ở nhà loanh quanh với những việc nhà, ngày lễ, ngày nghỉ cũng chỉ nghĩ đến công việc. Bố quá lo cho đời sống vật chất mà quên đi đời sống tinh thần.  Nói đến đây bố chợt nghĩ về mẹ con, mới đó mà đã 15 năm  kể từ ngày bố lấy mẹ, từng ấy năm không một chút thư thả, chưa một ngày rong chơi, bố và mẹ đã già đi rất nhiều so với số tuổi. Tất cả chỉ vì công việc !

          Im lặng một lúc, bố nói tiếp :

          - Bố hứa từ nay, bố sẽ bớt công việc, bố sẽ lo cho mẹ và con được cuộc sống đích thực, tận hưởng được những gì mà Thượng Đế ban cho, đó là cảnh vật thiên nhiên, không khí trong lành.

 

          Tất cả chúng ta có thể đang thật sự bận rộn hoặc đang nhiễm một hội chứng mới :”Ra vẻ bận rộn”.  Và rất nhiều người đang lấy cớ bận rộn để sống thờ ơ và lạnh nhạt trong cách sống đạo.

 

          Không có thời gian quan tâm đến người  khác vì lúc nào cũng có một điệp khúc trên cửa miệng :”Mình bận lắm, không có thời giờ đâu”.

 

          Đó gần như là câu cửa miệng của rất nhiều người trẻ.  Suốt 24 giờ, dường như là quá ít so với công việc một ngày của họ : đi học, đi làm, giao tiếp, cà phê, vi tính… đã khiến cho mọi người quên đi sự quan tâm đến bản thân mình và người xung quanh.

 

          3. Hãy phân chia thời giờ trong ngày

 

          a) Có thời giờ cho phần xác : một ngày có 24 giờ : có giờ làm việc, có giờ ngủ nghỉ, ăn uống, thăm nom, giải trí… Phải phân chia thế nào cho hợp tình hợp lý, nhưng đừng để cho công việc này lấn át công việc kia, làm sao cho mọi việc được trôi chảy đều hoà.  Làm việc rất cần, nhưng nghỉ ngơi cũng rất cần vì nó sẽ lấy lại sức khỏe cho thể xác, tăng cường sức dẻo dai để tiếp tục làm việc.

 

          b) Có thời giờ cho việc linh hồn : Là người Kitô hữu ai cũng biết : đến với Chúa để được gặp Chúa và tha nhân, được tận hưởng niềm vui, được hít thở không khí trong lành, thư giãn, quên đi những lo âu mệt mỏi…

 

          Hãy cố gắng giảm bớt những khoảng bận rộn bằng cách sắp xếp thời gian, bớt công việc cho khoa học, bớt đi những thú vui cho riêng mình, để chúng ta có những giây phút cận kề bên Chúa, lo cho bản thân mình, gia đình mình  và quan tâm đến những người chung quanh.

 

Truyện : Không có thời giờ

          Trong bài thơ “Sách Sự Sống” một thi sĩ khuyết danh đã viết :

          “Tôi quỳ cầu nguyện, nhưng chẳng được lâu : tôi có nhiều việc phải làm. Tôi phải cấp tốc đi làm vì hoá đơn đòi tiền chồng chất.

          Vì vậy, tôi quỳ, đọc vội một vài kinh và nhảy đứng dậy.  Việc bổn phận Kitô hữu của tôi đã làm xong và tâm hồn tôi thanh thản, bình an.

          Suốt ngày tôi không có thời giờ để buông một lời chào hỏi vui vẻ hoặc nói về Chúa Kitô cho bạn bè vì sợ họ nhạo cười tôi.

          Tôi luôn miệng la lớn : không có thời giờ, không có thời giờ, nhiều chuyện phải làm quá !  Không có thời giờ để lo cho phần rỗi linh hồn, nhưng cuối cùng giờ chết đã đến.

          Tôi trình diện trước mặt Đức Chúa : tôi đứng với đôi mắt cúi xuống, vì Đức Chúa đang cầm trong tay một cuốn sách, sách sự sống.

          Đức Chúa nhìn vào trong sách và nói : “Cha không tìm thấy tên con, vì có lần Cha dự tính viết xuống, nhưng chẳng lúc nào cha có thì giờ”.

 

III. BẠN CÓ BẬN RỘN LẮM KHÔNG ?

 

          1. Quên đi sự bận rộn

 

          Ma quỉ không cám dỗ chúng ta từ bỏ Chúa, bỏ cầu nguyện, bỏ Kinh kệ cũng như các việc lành phúc đức, mà chỉ làm sao cho chúng ta bận rộn với công việc để mỗi ngày chúng ta tự xa Chúa, bỏ kinh kệ và bỏ cả việc quan tâm đến linh hồn mình.

 

Truyện : Hội  nghị của bọn quỉ

          Sa tan mở một hội nghị thế giới. Nó khai mạc bằng cách ngỏ lời với đám ác thần

          - Chúng ta không thể ngăn cản Kitô hữu đi nhà thờ. Chúng ta không thể ngăn cản họ đọc Kinh Thánh và biết được chân lý. Chúng ta cũng không thể ngăn cản họ tạo ra mối tương quan thân mật với Đức Kitô. Nếu họ liên lạc được với Giêsu, quyền lực của chúng ta đối với họ sẽ tiêu tan.  Vì vậy, hãy cứ để cho họ đi nhà thờ, để cho họ giữ nếp sống của họ, nhưng hãy cướp lấy thời giờ của họ, hầu họ không có được tương quan thân mật với Giêsu Kitô. Đấy là điều tôi muốn các người làm, hỡi các ác thần. Hãy làm cho họ sao lãng việc tiếp xúc với Đấng Cứu Độ họ và giữ mối liên lạc ấy suốt cả ngày.

          Đám ác thần kêu lên :

          - Chúng tôi phải hành động thế nào để làm được như thế ?

          Satan trả lời :

          - Hãy làm cho họ bận rộn với những điều không thiết yếu trong cuộc đời và tạo ra thật nhiều chương trình để cho đầu óc họ không còn rảnh rỗi. Hãy xúi giục họ tiêu xài, tiêu xài, tiêu xài rồi kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền. Hãy thuyết phục các bà vợ đi làm nhiều giờ và các ông chồng đi làm 6-7 ngày mỗi tuần, 10-12 giờ mỗi ngày, để họ có thể thoải mái sống cái cuộc sống trống rỗng của họ. Hãy ngăn cản họ dành thời giờ cho con cái.  Khi vợ chồng con cái ly tán thì chẳng bao lâu  gia đình sẽ bị công việc làm áp lực !  Hãy kích thích tối đa tâm trí họ để họ không thể nghe ra tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ kia.

 

          2. Hãy quí trong thời giờ Chúa ban

 

          Thiên Chúa đánh giá thời giờ rất cao vì Ngài rất quí thời giờ.

 

          Khi ban thời giờ cho chúng ta sống, Thiên Chúa hết sứ tiết kiệm, chỉ ban cho chúng ta một cách nhỏ giọt : ban từng giây, ban từng phút, ban từng giờ, ban từng ngày, ban từng tuần, ban từng tháng, ban từng năm.

 

          Thiên Chúa lấy lại giây phút trước, rồi mới ban cho chúng ta giây phút sau. Giầu sang vô biên như Thiên Chúa, mà không bao giờ Thiên Chúa ban cho chúng ta có cùng một lúc hai giây, hai phút, hai ngày, hai tuần, hai tháng, hai năm.

 

          Mỗi sáng khi thức dậy, người giầu cũng như kẻ nghèo, người thông thái cũng như kẻ dốt nát, người lớn cũng như trẻ nhỏ. Ai cũng như ai, đều được Thiên Chúa ban cho có thời giờ đồng đều như nhau : ai cũng có trong túi 24 tiếng đồng hồ trong một ngày.

 

          Nhưng có thời giờ, không phải như có tiền.  Khi có tiền trong tay, chúng ta tiêu xài mấy ngàn, mấy vạn, mấy triệu cũng được. Trái lại, khi ban cho chúng ta sống trong một năm, Thiên Chúa ban cho chúng ta 31.536.000 giây đồng hồ (ba mươi mốt triệu, năm trăm ba mươi sáu ngàn giây đồng hồ), nhưng Ngài chỉ cho mỗi người chúng ta sử dụng từng giây đồng hồ mà thôi !

          Không gì quí bằng máu Chúa đã đổ ra để cứu chuộc chúng ta.  Mà thời giờ có thể nói được là giá Máu Chúa Giêsu đổ ra  để cứu chuộc chúng ta.  Những kẻ chịu phạt đời đời trong hoả ngục, chỉ cần được trở lại trên trần gian này để sống một ngày mà thôi, thì cũng đủ để cho họ ăn năn tội cách trọn mà lên thiên đảng.

 

          Thời giờ là tiền mua được nước thiên đàng.  Thời giờ rất quí báu !  Thế mà có những người phí phạm thời giờ, không dùng thời giờ để sống cho đẹp lòng Chúa.

 

          Theo một cuộc điều tra được tiến hành một nơi có số người sống đạo lơ là : trong một năm họ có tất cả 8.760 giờ , họ đã

          - mất 260 giờ để đi lui đi tới

          - mất 310 giờ để nói chuyện với người khác

          - mất 620 giờ để tắm rửa và sửa sắc đẹp

          - mất 930 giờ để ăn uống

          - mất 2.900 giờ để ngủ nghỉ

          - mất 3.650 giờ để làm việc

          - và họ chỉ dành ra cho các việc đạo đức có 25 giờ.

 

          3. Hãy xây dựng thiên đàng ngay ở dưới đất.

 

          Thánh Phaolô bảo :”Quê hương chúng ta ở trên trời”.  Thời gian ở trần gian này chỉ là một cuộc hành trình để chuẩn bị cho ngày đi về trời. Chúng ta phải xây dựng thiên đàng ngay khi còn ờ dưới đất này. Chúng ta có thể coi cuộc sống ở trần gian này chỉ là nguyên nhân và thiên đàng mới là kết quả bởi vì chúng ta gieo giống nào thì gặt giống đó.

 

          Linh mục Duval nói rất chí lý :”Trời của bạn sẽ được hình thành ngay dười đất bằng cánh tay của bạn”.

 

          Đối với các tín hữu, với những người đang sống đức tin, trời không là cái gì hoàn toàn mới mẻ, nhưng là sự khai nở, tỏ hiện và thành toàn cái đã có sẵn trong họ :”Chúng ta xây dựng đời đời trong mọi hành vi của mình : đó là khả năng kỳ diệu của con người. Chúng ta xây dựng Nước Trời tùng mỗi phút giây” (Guy de Larigaudie).

 

Truyên : Những viên sỏi.

          Nhóm người nọ rủ nhau đi hành hương. Điểm đến là ngôi đền nhỏ cheo leo ở đỉnh một ngọn núi cao vút, tưởng như chạm tới những cụm mây  lở lửng trên bầu trời xanh ngắt.

 

          Đường đi khó, phải mất dài ngày. Càng lên cao hành trình càng thêm vất vả… Nhưng cả nhóm quyết tâm vượt núi, vì ngôi đền từ xưa nổi tiếng linh thiêng và lão sư trụ trì là bậc chân tu đã chứng đắc chánh quả.

 

          Dưới chân núi dựng một nhà trạm, do vị đại đệ tử của lão sư trông coi, thường gọi là chủ trạm. Khách mộ đạo tạm trú ở đó, dưỡng sức, đồng thời chuẩn bị thêm ít lương thực và nước uống  trước khi bắt đầu leo núi.

 

          Ngủ một đêm ở nhà trạm, sáng sớm hôm sau thức dậy, nhóm người nọ cung kính cảm tạ và từ biệt chủ trạm. Tiễn khách ra cổng, đi ngang qua khoảnh sân nhỏ rải đầy sỏi trắng, chủ trạm tủm tỉm cười, bảo cả nhóm :

          - Mỗi vị hãy tự tay  nhặt mấy viên sỏi này mang theo.  Nhiều ít tuỳ tâm, Không nhặt cũng tuỳ tâm. Ai không nhặt sẽ hối tiếc, và ai có nhặt cũng sẽ hối tiếc.

 

          Lời nói lạ lùng ! Nghĩ đến dốc núi cao và dài, có người không muốn lưng vác thêm nặng, nên khẽ nhún vai.  Có người ngần ngại, nhưng cũng cúi xuống nhặt bừa vài viên gọi là.  Có người hồn nhiên ngồi thụp xuống, vốc sỏi đầy hai bàn tay…

 

          Có đi thì có đến. Cuối cùng được vào bái kiến  vị lão sư tại ngôi đền thiêng trên chót núi.

 

          Trong chánh điện, lão sư chúc phúc cho cả nhóm rồi ôn tồn nói :”Bần đạo ở nơi non cao hẻo lánh, không có món gì xứng đáng lưu niệm chuyến đi nhọc nhằn của quí vị. Tuy nhiên, ai có sỏi thì lấy ra xem”.

 

          Cả nhóm sửng sốt khi thấy những viên sỏi tầm thường ở nhà trạm chân núi đã hoá thành những viên ngọc óng ánh từ lúc nào.  Những người không nhặt sỏi  quá đỗi hối tiếc, thầm nhiếc mắng bản thân thậm tệ.  Những người đã nhặt sỏi cũng rất hối tiếc, thầm trách mình đã không chịu khó hốt thêm cho thật nhiều, thật đầy vào (Theo Internet).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

         

 


Gợi Ý Giảng Lễ An Táng