CHÚA NHẬT 3 MC 2020

 

Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,

Có một lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà Samaria mà hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy nghĩ những gì Chúa muốn nói qua câu nói này : “đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý”.

Trước hết chúng ta phải đặt câu Tin Mừng trên trong toàn cảnh những đối đáp giữa Chúa và người phụ nữ Samaria mới có thể thấy những gì Chúa muốn nói. Trong bối cảnh câu chuyện thì vấn đề “tinh thần và chân lý” phải đặt ra về phía chính người thờ phượng và cũng phải đặt ra về Đấng người ấy thờ phượng.

Khi nhìn như thế thì về phía người thờ phượng thì đâu là “tinh thần và chân lý” của họ. Người phụ nữ Samaria khi Chúa bảo “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây” bà trả lời thế nào? Bà nói “Tôi không có chồng” rõ ràng bà đang muốn che dấu tinh thần và sự thật của bà “bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà”. Nhờ Chúa mà bà phải nhận sự thật đó của đời mình, và chỉ khi đó bà mới có thể thấy “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri”. Nhận biết sự thật của mình là ai lúc đó mới có thể tiến gần đến niềm tin vào Đấng mình tôn thờ. Nhưng biết mình không phải là điều con người tự mình có thể nắm bắt chân lý về mình. Adam Eva, nguyên tổ chúng ta, đã thất bại. Thánh Phaolô qua kinh nghiệm bản thân đã phải khẳng định “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng”, ân sủng nền tảng cho mọi ân sủng chính là biết mình “là tội nhân, và Chúa Kitô đã chết vì chúng ta”. Và đây chính là nỗ lực chúng ta được kêu gọi trong suốt mùa chay. “Hãy nhớ mình là bụi tro” và hãy tin vào Tin Mừng.

Khi nhìn “tinh thần và chân lý” của Đấng chúng ta tôn thờ, vấn đề như trong câu chuyện Tin Mừng vừa tường thuật, có lẽ chúng ta cũng không hơn gì người phụ nữ Samaria khi bà nói với Chúa “Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”, có nghĩa là cũng như bà chúng ta căn cứ vào những công trình do con người làm ra như thể Thiên Chúa phải và chỉ ở đó thôi. Vấn đề không phải là ở đây hay ở kia, không phải ở linh địa này hay linh địa khác. Vấn đề như Chúa nói với bà “Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết”. Theo đó Thiên Chúa chính là Đấng Cứu Độ được loan báo trải dài suốt lịch sử Israel qua biết bao biến cố : Thiên Chúa Cứu Độ qua miêu duệ của Đavid và đó chính là Chúa Giêsu mà bà đang được gặp gỡ. Đấng sẽ làm cho NƯỚC HẰNG SỐNG vọt lên trong lòng kẻ tin Người “nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Và đây mới chính là “tinh thần và chân lý” của Đấng chúng ta tôn thờ. Thánh Phaolô cũng từng nói “Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20)”. Nhưng chân lý về Đấng chúng ta thờ phượng không ai có thể tự mình đạt tới được, mà chỉ những ai được gọi và mau mắn đến và ở lại với Người mới có cơ hội được Thánh Thần của Ngài soi sáng và ban ơn để hiểu và sống mầu nhiệm của Người. Đúng như lời dân thành Samaria đã nói với người phụ nữ “không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”.

Xin anh chị em thêm nỗ lực đến với Chúa, gặp gỡ Người để có NIỀM TIN ĐEM LẠI SỰ SỐNG.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A