CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA 2019

 

Lễ Thánh Gia trước hết muốn chúng ta nhìn vào Gia Đình Giuse-Maria-Giêsu để tìm về cội nguồn của gia đình là chính Thiên Chúa.

Trong bài tường thuật của Tin Mừng cho thấy không chỉ việc kết hợp hôn nhân cho Giuse-Maria, mà ngay từng biến cố dù là biến cố nguy cơ trùng điệp liên quan tới gia đình đều đã được Thiên Chúa quan phòng hướng dẫn để gia đình được bình an. Chắc chắn Giuse không thể biết được “Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”, chính “thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông”. Và còn chỉ rõ cho ông “đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông”.

Kinh nghiệm sống qua nhiều thế hệ dân Israel đã đúc kết trong văn chương kinh thánh của họ những bài học độc đáo khác với mọi nền văn hóa về đời sống hôn nhân và gia đình, bài đọc trích sách Huấn Ca là một trong nhiều bản văn như thế. Qua đó chúng ta nhận biết chính Thiên Chúa đã thiết lập mối giây tương quan giữa cha-mẹ-con cái. Vinh dự và quyền lợi của cha-mẹ là ở nơi con cái, và ngược lại vinh dự và quyền lợi của con cái là ở nơi cha-mẹ. Vinh dự và quyền lợi của cha-mẹ hay của con cái đều để xây dựng “xây dựng đức công chính”. Sự công chính không là gì khác hơn “Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa”, phúc lộc do chính Thiên Chúa ban cho.

Thánh Phaolô trong đoạn thư gởi tín hữu Colossê cũng nêu lên những đức tính rất gần với  người Á Đông củng cố như lả đạo lý chân chính được sống bởi chính Đức Giêsu để khuyên chúng ta tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”. Thực sự văn hóa Việt Nam về vấn đề này cũng rất tương thích với đạo lý kinh thánh, vì Kinh thánh được Thánh Thần linh ứng trong bối cảnh văn hóa Á Châu.

Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp gởi Đại Hội Giới trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội vừa qua đã nhắc nhở các bạn trẻ “Trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong những nền văn hoá Châu Á, có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Chữ ấy gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở. … Do vậy, “Hãy về nhà” ….  Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy. Nhưng quan trọng hơn đó là trở về với NHÀ HỘI THÁNH.

Hôm nay tôi muốn thưa với anh chị em một vấn đề liên quan đến việc ban và lãnh nhận các bí tích, là những phương linh nghiệm giúp mỗi người đạt tới tầm vóc của chính Đức Kitô, mà bí tích cửa ngõ và nền tảng chính là Bí Tích Rửa Tội. Thưở ban đầu tuy vẫn có việc ban bí tích rửa tội cho trẻ nhỏ, nhưng thường là ban cho cả gia đình nhờ Đức Tin của cha mẹ. Ngày nay Giáo Hội kêu gọi hãy rửa tội cho trẻ sơ sinh. Nhưng theo GL

Điều 851 “cha mẹ nhi đồng sắp được Rửa Tội, cũng như người  đỡ đầu, phải được giáo huấn  cách xứng hợp  về ý nghĩa của bí tích này  và về những nghĩa vụ gắn liền với bí tích; … cha sở ,tự mình hoặc nhờ người khác, phải liệu để các bậc cha mẹ được chuẩn bị cách xứng hợp

Điều 868 “Với niềm hy vọng chắc chắn là em sẽ đựoc giáo dục trong đạo Công giáo,  nếu hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này , thì phải hoãn ban bí tích  Rửa Tội.”

          Vì chính đức tin của cha mẹ và người đỡ đầu là cái nôi làm cho ơn đức tin Chúa ban cho trẻ nhỏ trong Bí Tích mới được phát triển.

          Thánh Giuse và Mẹ Maria cũng chu toàn cho trẻ Giêsu tất cả những gì Lề Luật dạy phải làm. Như vậy các cha mẹ và chúng tôi cũng có nghĩa vụ như thế trong việc ban các bí tích.

          Nhìn lên Thánh Gia, ít nữa hôm nay, chúng ta nhận thấy một điều cần phải noi gương các Ngài : là luôn chu toàn cho con cái những gì Lề Luật Chúa dạy.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ A