CHÚA NHẬT 24 TN A

THA THỨ

Có lẽ trong mọi hôn nhân và mọi gia đình đều luôn gặp những hoàn cảnh rất khó xử : đó là những bất hòa, những giận hờn, những tệ bạc, những tranh chấp…thậm chí có khi phải báo thù. Các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống đó nhiều khi nghĩ rằng tất cả đều có thể giải quyết nhờ biết ngồi lại với nhau, và nhất là nhờ tình yêu. Nhưng thực tế lại không như thế.

Lời Chúa hôm nay không phủ nhận thực tế ấy nhưng lại đề nghị một đường lối khác : đường lối phát xuất từ Thiên Chúa và từ chính bản thân.

Bài sách Huấn Ca khẳng định : “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm… Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù… ” bởi vì trước hết phải nhìn lại chính mình trước Nhan Chúa “Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao?” và bài sách khuyên chúng ta “Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.” Như thế khi “tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”. Ai chẳng là tội nhân trước Nhan Thiên Chúa. Do đó muốn có thể tha thứ thì phải “nhớ đến điều sau hết… nhớ đến sự hư nát và sự chết” vào thời khắc đó ai trong chúng ta chẳng cần đến sự khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải xác tín điều này “không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình.”, và như vậy mọi thực tế bi thảm của đời sống hôn nhân và gia đình dù vượt lên mọi ranh giới cõi nhân sinh, đều có thể tìm được tiếng nói cuối cùng khi chúng “đều thuộc về Chúa”. Nhưng làm sao để thuộc về Chúa, thánh Phaolô nói rất rõ khi tất cả thuộc về Đức Kitô nhờ sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, và chính Người là Đấng “cai trị kẻ sống và kẻ chết”, có nghĩa là mọi vấn đề phải được giải quyết trong Người thì mới có sự bình an và hòa giải.

Chính Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng đã nói đến việc con người vẫn thường giải quyết mọi vấn đề bằng cách tìm đến với nhau, ngồi lại trao đổi với nhau, xin nhau sự tha thứ qua dụ ngôn chúng ta vừa nghe. Nhưng thực sự dù được giải quyết cách nào, cuối cùng vẫn không đem lại bình an bền vững, do “không hết lòng tha thứ cho anh em mình”, và nhất là không nhìn lại bản thân mình trước Nhan Thiên Chúa còn cần tới sự tha thứ của Chúa hơn. Vì thế trả lời câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu mới nói “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy” có nghĩa là phải tha thứ luôn luôn : chỉ vì Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa tha thứ. Ngài đã tỏ hiện Mình là Thiên Chúa tha thứ trong suốt lịch sử cứu độ và tột đỉnh của lòng tha thứ của Chúa được bày tỏ trong việc Ngài đã phố nộp Con Một chịu chết cho tất cả những ai tin vào Con của Ngài đều được ơn tha thứ. Và sự tha thứ của Chúa lại còn được hiện tại hóa cho chúng ta, ngay cả trước khi chúng ta phạm tội, nhờ các Bí Tích : Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Giải Tội, Bí Tích Xức Dầu Thánh vào những giai đoạn quan trọng cuộc sống của chúng ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Và nhất là hằng ngày ơn tha thứ được hiện tại hóa trong Bí Tích Thánh Thể. Nhờ đó khi chúng ta cảm nhận mình được tha thứ thì dễ dàng tha thứ cho anh chị em xúc phạm đến chúng ta.

Chớ gì các hôn nhân và các gia đình hiểu và đón nhận đường lối này của Chúa để kiến tạo bình an và bền vững cho gia đình.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ A