GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM A

 

Một trong những mục đích của công cuộc Cứu Chuộc là đưa nhân loại ra khỏi cảnh tối tăm, bước vào sự sáng. Đấng Cứu Thế sẽ thực hiện điều đó trong cuộc Vượt Qua mà chúng ta sẽ tưởng niệm trong Tuần Thánh. Chính vì thế, ngay từ hôm nay, Phụng vụ đã giới thiệu về Đức Yêsu, Đấng ban Sự Sáng. Ngài là Đáng từng được cụ già Simêon nhìn nhận và công bố là “ánh sáng mạc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel Dân Người” (Lc 2, 32). Ngài là  Đấng, như ngôn sứ Ysaya báo trước, đã nên ánh sáng cho miền dất Dân Ngoại : Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng lớn lao, và cho kẻ ngồi trong vùng bóng tối sự chết, một ánh sáng đã rạng lên” (Mt4,16). Đức Yêsu là ánh sáng bởi vì những mạc khải Ngài mang đến, cũng như lòi dạy và lối sống của Ngài chỉ vẽ cho con người thấy sự thật và thấy con đường phải đi, tinh thần sống phải có.

 

I. Hôm nay, Tin Mừng Yoan giới thiệu về Ngài qua việc tường thuật lại việc Ngài chữa lành một người mù bẩm sinh.

Phép lạ này chứng tỏ tình thương và quyền năng của Đức Yêsu. Tuy người mù không van xin Ngài cứu giúp, Ngài đã quan tâm đến tình cảnh của anh ta và chữa lành. Phép lạ này cho thấy quyền năng lớn lao của Ngài : mặc dù Ngài cũng áp dụng cách thức chữa mắt như nhiều y sĩ thời đó – là nhổ xuống đất, trộn nước miếng thành bùn, thoa vào mắt người mù và bảo anh đi rửa – nhưng Ngài hơn hẳn các y sĩ, vì cách chữa trị của Ngài hiệu nghiệm tức khắc. Người mù đã được chữa khỏi và trông thấy được.

Phép lạ này cũng gián tiếp gợi đến sự đui mù của hàng lãnh đạo Do thái và báo trước phép lạ cho tâm linh con người.

-         Nhìn đến người mù, ai trong chúng ta cũng ít nhiều suy đoán về nỗi khổ của họ, nhưng nhiều khi chưa đi sâu vào vấn đề của cái nhìn. Người mù dĩ nhiên là người thật bất hạnh, vì họ không có diễm phúc trông thấy cảnh sắc muôn màu của thiên nhiên hay môi trường chung quanh – họ không trông thấy người khác và đường đi – họ gặp biết bao bất tiện trong sự di chuyển, ăn uống, sinh hoạt.

              Nhưng vấn đề của cái nhìn cũng thật phức tạp.Khi suy nghĩ một chút về vấn đề này, chúng ta thấy có những khía cạnh như : thấy và không thấy – nhìn rõ và không nhìn rõ – có thể thấy mà không muốn thấy – được sáng mắt mà lại muốn mù lòa…

-         Trong đời sống, biết bao trường hợp người ta có mắt mà lại không thấy – hoăc có mắt mà không muốn thấy, tức là cố tình bịt mắt lại – hoặc người ta có thấy nhưng không thấy đầy đủ.

-         Câu chuyện về Samuel trong bài đọc I chứng minh điều đó. Thiên Chúa truyền lệnh cho Samuel xức dầu cho một trong những người con của ông Y-sai làm Vua Israel. Samuel đã nhĩn từng người con ấy theo mắt thịt, căn cứ vào diện mạo vóc cao bề ngoài, khác với cái nhìn của Thiên Chúa là cái nhìn  đạt thấu bề trong và tâm hồn mỗi người. Đavit, tuy là đứa út trong nhà, có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp, ngĩa là thiếu vẻ oai phong, hùng mạnh, nhưng lại là người được Thiên Chúa kén chọn.

-         Cũng như hàng lãnh đạo Do thái : họ có mắt nhưng không nhìn thấy tư cách của Đức Yê su. Họ mang một thành kiến, một ác cảm đối với Ngài, nên mắt họ như bị che chắn bởi một lớp vải bọc, không cho họ thấy Ngài là người công chính, đến từ Thiên Chúa, mà chỉ thấy Ngài là một kẻ vi phạm Lề Luật, đi ngược lại những quy định trong Đạo. Đúng hơn, họ có mắt nhưng cố tình nhắm lại, không thèm nhìn để thấy rõ con người thật của Đức Yêsu. Họ tiêu biểu cho con người ở trong tối tăm, vì không biết đến sự sáng hoặc vì cố tình muốn ở lại trong đem tối.

 

II. Với việc chữa người mù, Đức Ye6su ám chỉ và báo trước cuộc giải thoát nhân loại khỏi đêm đen tội lỗi, nô lệ và vô tri.

Nhờ Ngài, nhân loại sẽ được đưa vào sự sáng. Ai tin vào Ngài – Đấng là Sự Sáng trần gian – kẻ đó sẽ ngày càng tiến xa trong sự thật, thoát khỏi những khổ đau bất lợi và nhận được nhiều hồng ân của Chúa.

-  Nghe bài tường thuật về người mù, chúng ta thấy anh đã từng bước đi đến sự thật toàn vẹn về Đức Yêsu. Ban đầu, sau khi hết mù và bị những người khác gạn hỏi, anh chỉ biết nói về Đức Ye6su là “người mà thiên hạ gọi là Yêsu”. Sau đó, anh tiến thêm một mức, nhận Đức Yêsu là “một tiên tri”, một người làm theo ý Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà đến, và cuối cùng anh tin Đức Yêsu có thần tính nên sấp mình thờ lạy Ngài.

Mọi kẻ được Đức Yêsu cứu khỏi đêm tối, đưa vào sự sáng siêu nhiên cũng sẽ ngày càng nhìn rõ về Ngài và nhận được nhiều lợi ích về mặt tâm linh : họ sẽ biết phân biệt điều tốt, điều xấu, sẽ trở nên “con cái sự sáng”, biết sống công chính lương thiện, làm những việc tốt lành,đáng khen như thánh Phao lô viết cho giáo đoàn Ê phê sô. Họ sẽ biết cùng đich cuộc đời và đi đúng đường, không còn bị lạc lõng, hoang mang vô định như những người không được thấy.

 

III. Nhớ đến con mắt và khả năng trông nhìn, nhất là nhớ đến cuộc Cứu Chuộc Chúa thực hiện vì nhân loại

       chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta là những ngưới có đôi mắt lành lặn, có khả năng nhìn và thấy

       chúng ta cảm thương và giúp đỡ những anh chị em khiếm thị, mọi lúc phải sống trong đêm tối với biết bao bất tiện, rắc rối

       chúng ta cũng tự “khám” lại chính con mắt linh hồn của mình, để giữ mãi độ sáng và tránh mọi nguy cơ đe dọa

Giữ mãi độ sáng bằng cách chạy đến với những phương thế Chúa ban là Lời Chúa, là giáo huấn của Hội thánh, nghĩa là biết tiếp thu những hiểu biết về Đạo, để ngày càng biết sâu sắc về Chúa hơn, và bước theo Chúa hơn.

Đồng thời tránh những nguy cơ như : ngày càng mất khả năng trông nhìn, giống như những con mắt càng lúc càng không nhìn rõ, hoặc ngay cơ “tái mù”, nghĩa là sau khi được Chúa đưa vào Sự Sáng ngày ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội và trở nên con Chúa, ta lại sống tiêu cực, lười biếng, thiếu phấn đấu, không quý chuộng ơn Chúa, khiến linh hồn mình ra tối tăm mê muội, không còn nhìn thấy chỗ đứng tối cao của Chúa trong cuộc sống và ý nghĩa của Đạo.

 

Đức Yêsu đã nói : chính là để luận xét mà Ta đã đến thế gian. Luận xét nghĩa là phân chia nhân loại thành hai hạng người, tùy theo sự chọn lựa của mỗi người : chọn tin Chúa, theo Chúa để thuộc hạng người được sáng mắt – hoặc chọn từ khước Chúa, xa lìa Chúa, để thành hạng bị mù lòa, vì tự giam mình trong đêm tối.

 

Antôn Trần thế Phiệt, Dòng Chúa Cứu Thế

27/2/2008

 


Về Trang Mục Lục