GỢI Ý GIẢNG LỄ LÁ 2008

(chủ đề : Đức Yêsu, Vị Thầy trong cuộc Khổ nạn – Phục Sinh)

 

A.     TRƯỚC KHI KIỆU LÁ

Hôm nay là ngày khởi đầu Tuần Thánh, Tuần chất chứa nhiều ý nghĩa : nó là đỉnh cao của tất cả lịch sử cứu độ, của công cuộc Cứu Chuộc và của cuộc đời Đức Yê su. Cũng như nơi đời sống một con người, những ngày giờ cuối cùng và những sự kiện rốt hết chính là điều xác định về con người đó và toàn bộ cuộc sống con người đó, thì Tuần Thánh cũng chính là Tuần xác định về tất cả lịch sử cứu độ, về tất cả cuộc đời Đức Yêsu. Với những sự kiện chúng ta tưởng niệm trong Tuần Thánh này, chúng ta sẽ gặp sự thể hiện chung cuộc của chương trình cứu thế mà Thiên Chúa Cha ôm ấp và chuẩn bị từ đời đời – chúng ta sẽ có mạc khải trọn vẹn về Thiên Chúa, về cuộc Cứu Chuộc, về đường lối cứu độ - chúng ta sẽ có sự tỏ lộ đầy đủ của con người, tư cách và những đức tính của Đức Yêsu . Càng đi sâu vào các sự kiện của Tuần Thánh, càng hiểu biết, chúng ta càng khám phá ra giá trị thật sâu xa của nhũng sự kiện cuối cùng đời Chúa.

Chúng ta hãy gác bỏ bớt những bận tâm, những lao xao để sống Tuần lễ đặc biệt này. Chúng ta xin Chúa thương ban cho mỗi người chúng ta nhiều ơn Thánh Linh để hiểu biết, để cảm nghiệm ý nghĩa của các nghi lễ chúng ta tham dự, nhất là để cảm tạ tình thương hải hà Chúa dành cho chúng ta.

Đặc biệt năm nay, Hội đồng Giám Mục Việt Nam lấy “giáo dục” làm chủ đề cho bức thư chung 2008, chúng ta sẽ chiêm ngắm Đức Yêsu trong tư cách “Vị Thầy”.

Dĩ nhiên Đức Yêsu không là vị  Thầy dạy chúng ta cách làm kinh tế hay kiếm tiền, làm giàu – không là Vị Thầy dạy chúng ta cách làm chính trị hay cách đạt đến chức cao quyền trọng trong xã hội. Ngài chỉ là Vị Thầy “dạy dỗ loài người mong chờ và đón nhận ơn cứu độ”, vì Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” (Thư chung số 5). Nơi các sự kiện của Tuần Thánh, tuần cuối cùng đời Ngài, Ngài sẽ tỏ lộ tất cả tư cách của Ngài là một Vị Thầy. Tích cực tham dự và sống Tuần Thánh là chúng ta đến thụ huấn dưới mái trường của Đức Yêsu, là chúng ta học chính bài học hay nhất, mà cũng là bài học quí nhất, cần nhất cho đời chúng ta.

Giờ dấy, bằng cuộc kiệu lá, chúng ta sẽ bước theo Đức Yêsu, vị Chúa và Vị Thầy của chúng ta, trên con đường cứu độ. Như ngày trước, Ngài đã thực hiện lời báo trước của ngôn sứ Giacaria về Đấng Thiên sai, bằng cách khởi hành từ Núi Cây Dầu tiến vào Thánh Yêrusalem và cỡi trên lưng lừa –chứng tỏ một cung cách khiêm nhường – giờ đây chúng ta cũng rước lá từ nơi đây, tiến dần vào nhà thờ. Tất cả chúng ta hãy kết hiệp với Ngài bằng tất cả lòng tin và tình mến. Tất cả chúng ta, trong những ngày Tuần Thánh năm nay, hãy chiêm ngắm và kính yêu Ngài, Vị Thầy tùng phục, Vị Thầy khiêm nhường, Vị Thầy hy sinh, Vị Thầy thành đạt và mẫu mực của chúng ta.

 

B.     GIẢNG TRONG THÁNH LÊ

Bài tường thuật của thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe bắt đầu bằng cuộc tiếp xúc bí mật giữa Yu đa và các thượng tế để mặc cả với nhau về giá tiền bán Đức Yêsu. Các thượng tế đồng ý trả cho Yu đa 30 đồng bạc.

Nghĩ về cuộc Thương khó của Đức Yêsu, nhiều người vẫn cho rằng Đức Yêsu là nạn nhân của những mưu mô đen tối và của sự thất thế. Sở dĩ Đức Yêsu bị bắt, bị kết án, bị đóng đinh vào thập giá, chính vì chung quanh Ngài, có một cuộc mặc cả và mua bán bỉ ổi, cũng như chung quanh Ngài, có một sự thù ghét càng ngày càng ác liệt của hàng lãnh đạo Do thái, Họ tập họp với nhau thành một nhóm đông đảo, rình rập theo dõi Ngài mọi nơi mọi lúc, trong khi Ngài ở vào thế yếu và gần như đơn thương độc mã.

Thế nhưng cuộc Thương Khó của Ngài, theo cái nhìn của các tác giả Tin Mừng và của Hội Thánh, không phải là do Đức Yêsu có lỗi gì khiến hàng lãnh đạo tôn giáo thời đó phải khai trừ -cũng không phải Ngài thất thế, không làm gì chống lại được các đối thủ.

Không, cuộc Thương Khó của Ngài thật ra nằm trong thánh ý của Thiên Chúa và do chính Ngài đón nhận. Bởi vì ở nhiều chỗ, bài Tin Mừng cho thấy Đức Yêsu rất sáng suốt và đầy quyền năng. Ngài biết rõ mọi chuyện : biết Yu đa sẽ nộp Ngài – biết quân dữ đang đến bắt Ngài – biết Ngài sẽ sống lại, sẽ lên ngự bên hữu Thiên Chúa. Ngài lấy quyền năng làm phép lạ chữa tai người đầy tớ Thầy Thượng Tế. Ngài đầy thế giá đối với Đức Chúa Cha, có thể xin Đức Chúa Cha một tiếng và Người “lập tức gởi đến hơn 12 cơ binh thiên thần” để chận đứng mọi âm mưu và hành động của đối thủ.

Thế nhưng Đức Yêsu đã chỉ có một thái độ : đó là hoàn toàn tùng phục Cha Ngài. Ngài chỉ muốn một điều duy nhất : để cho mọi lời Kinh Thánh báo trước về Ngài được nên trọn và để cho thánh ý của Cha, chương trình của Cha được hoàn tất. Ngay từ đầu, Ngài xác định “Con Người sẽ ra đi như đã chép về Ngài”. Cũng như lúc buồn lo đến chết được, Ngài vẫn lặp đi lặp lại “Lạy Cha, nếu được xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con muốn, mà theo ý Cha muốn”. Rồi khi trải qua những giờ phút đớn đau nhất, Ngài vẫn một mực làm Người Con thi hành chương trình của Cha.

x O x

Tất cả cuộc Thương Khó của Ngài được đóng ấn bằng thái độ vâng phục hết tình và trọn nghĩa. Cả đời Ngài, Ngài đã luôn tôn trọng ý Cha tuyệt đối, luôn lấy ý Cha làm như lương thực nuôi sống mình. Nhưng hơn lúc nào hết, vào lúc chịu Thương khó, Ngài đã làm “Vị Thầy vâng phục” tuyệt hảo. Trong năm nhấn mạnh về sự giáo dục, chúng ta không tìm thấy đâu tấm gương về một Vị Thầy thẳm sâu tùng phục như Ngài.

Chính thái độ tùng phục, đến nỗi khiến Ngài trút bỏ vinh quang của phận Thiên Chúa, trở nên phàm nhân lại còn đi đến cái chết thập giá,chính thái độ tùng phục đó đã làm cho Đức Yêsu trở thành Người Tôi Tớ lý tưởng mà ngôn sứ Ysaya nói tới trong bài đọc I, “Người Tôi Tớ sáng sáng mở tai nghe Lời Thiên Chúa...” và đã là nguyên nhân đưa Ngài đến vinh quang và sự tôn vinh, như thánh Phao lô nhận định theo một ca vãn trong Hội Thánh thời đầu.

Cũng chính thái độ vâng phục của Ngài

-           đã mang lại ơn cứu độ cho cả nhân loại, thay đổi trật tự tôn giáo và vũ trụ, khi màn đền thờ xé ra làm hai, khi trời rung đất chuyển

-           đã thay lòng đổi dạ nhiều người dân  ngoại : như chính Phila tô không muốn kết án Đức Yêsu – bà vợ Phi la tô can ngăn ông nhúng tay vào vụ án mập mờ, nhất là viên bách quản Rôma tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa.

-           và sự vâng phục của Ngài lam cho các thương tích của Ngài thành nguồn tuôn chảy sự sống công chính cho muôn người

+ Hôm nay, nhìn lên Đức Yêsu, “Vị Thầy thẳm sâu vâng phục”, chúng ta suy nghĩ về chính thái độ sống của mình

-           chúng ta có dịp xác tín lại về một câu nói quen thuộc “vâng lời trọng hơn của lễ” để nhớ rằng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta làm được việc lớn hay không, không quan trọng, chúng ta có lễ vật lớn hay nhỏ dâng lên cho Chúa không quan trọng, mà thái độ vâng phục, ngoan thảo mới quan trọng

-           rồi chúng ta xin Chúa tha thứ vì biết bao lần, chúng ta đề cao ý riêng, chúng ta gác bỏ luật Chúa, luật Hội thánh, sống buông thả theo sự tự do và khuynh hướng hay sở thích sai quấy của mình – chúng ta sẵn sàng phớt lờ những đòi hỏi của Tin Mừng, những ràng buộc của cương vị là Ki tô hữu, cốt để cho ý mình được thực hiện, lợi ích của mình được bảo đảm. Nhiều lúc chúng ta dễ đi theo đàng trái, vâng nghe trào lưu và ảnh hưởng thế gian, hơn là đặt đời mình, việc mình dưới ánh sáng Lời Chúa và Luật Chúa.

-           Mọi người chúng ta cùng nhìn lên Đức Yêsu, “Vị Thầy tùng phục”, cùng chiêm ngắm gương sống của Ngài, cùng xác tín rằng sự sống đời đời và hạnh phúc đích thực của ta hệ tại ở sự vâng phục, chứ không xuất phát từ thái độ di ngược thánh ý và lề luật Thiên Chúa.

Trong Năm nhấn mạnh dến giáo dục, hàng lãnh đạo trong Hội thánh và bậc phụ huynh được mời gọi tuân phục Lời Chúa, lương tâm, đòi hỏi Tin Mừng, để thông truyền lại cho con em và thế hệ trẻ thái độ ngoan ngùy đối với Thiên Chúa – thái độ duy nhất đưa đến ơn cứu độ và sự sống đời đời, đưa đến sự triển nở cho nhân cách, đức tin và vai trò chứng nhân của Kitô hữu chúng ta.

 

Antôn Trần thế Phiệt, DCCT

 


Về Trang Mục Lục