GỢI Ý GIẢN LỄ CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM A

          Vua Salômôn là vua rất nổi tiếng của dân Do thái thời Cựu ước. Người ta biết nhiều về sự tài giỏi của vua ấy trong việc cai trị quốc gia, trong việc xây dựng Đền thờ Giêrusalem, về sự khôn ngoan trong việc xét xử những chuyện rác rối trong dân, nhất là về lời xin mà vua ấy tỏ bầy với Thiên Chúa khi Người hiện ra, với vua trong giấc mơ như ta vừa nghe trong bài đọc một. Thay vì xin cho mình được sống lâu, giầu có, đầy thế lực, vua chỉ xin cho mình có tâm hồn biết lắng nghe và biết phân biệt phải trái để cai trị một dân mà vua thấy là quá đông đúc. Sự khôn ngoan của vua Salômôn chẳng những nổi tiếng trong nước, mà còn được đồn đãi ra các nước chung quanh, khiến nữ hoàng Saba một lần kia đã đích thân đến Israel để được chứng kiến tài trí của nhà vua.

Thế nhưng sự nổi tiếng và khôn ngoan của vua Salômôn chỉ mới là những điều thuộc đời sống trần thế, là những điều còn rất thấp kém và thứ yếu so với những điều thuộc Nước Trời. Người ta chỉ đáng khen ngợi và nể phục thật sự khi khôn lanh về những vấn đề của Nước Trời và biết phán đoán, biết sử trí đúng đắn trong những việc thuộc Nước Trời. Giống như chuyện người may mắn gặp được kho báo trong ruộng, hoặc chuyện người thương gia đi tìm ngọc đẹp mà gặp được một viên ngọc quý như Đức Giêsu kể trong các dụ ngôn của bài Tin Mừng. Từ những thực tế ở đời, như chuyện tìm thấy kho báo trong ruộng, gặp được viên ngọc quý, Đức Giêsu muốn gợi ý về Nước Trời và mời gọi những kẻ nghe Ngài suy nghĩ và hướng lòng về Nước Trời và những thực tại vô cùng đáng quý của Nước Trời. Qua những dụ ngôn ta vừa nghe, Đức Giêsu muốn người ta khi đối diện với Nước Trời mà Ngài mang đến trần gian, biết lập tức nắm lấy cơ hội may mắn khi gặp được Nước Trời, giống như người tình cờ phát hiện kho báu được chôn giấu dưới ruộng, biết chụp ngay cơ hội may mắn và mau lẹ đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy, để sau đó khai thác kho báu mình mới gặp, hoặc giống như thương gia gặp được một viên ngọc quý, chụp ngay cơ hội may mắn và đi bán mọi sự mình đang có để mua  viên ngọc ấy.

Dĩ nhiên để có được cách ứng sử mau lẹ và quyết liệt như vừa nói, người ta phải hiểu biết rõ ràng về giá trị cao quý và tuyệt đối của Nước Trời, đến nỗi thấy Nước Trời đáng giá hơn tất cả mọi sự khác trên đời và không ngần ngại mất mọi sự đang có để đổi lấy hay chiếm lấy Nước Trời. Nói như thánh Phaolô ở một chỗ khác: tôi coi mọi sự là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô.

Ta biết trong vấn đề cứu rỗi, có phần của Chúa và có phần của con người. Về phía Chúa, nói như thánh Phaolô trong bài đọc hai, Thiên Chúa tiền định cho ai được cứu độ thì cũng kén chọn kẻ ấy, và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kẻ ấy, giúp kẻ ấy đạt đến ơn cứu độ. Dĩ nhiên nói Thiên Chúa tiền định không có nghĩa là Thiên Chúa thương kẻ này ghét kẻ nọ, muốn cho kẻ này được lên thiên đàng và đẩy kẻ khác xuống hỏa ngục, trái lại ta phải hiểu Thiên Chúa chỉ muốn mọi người được cứu độ, Người chỉ có một sự tiền định là tạo dựng con người để cho con người được hiện hữu và đạt đến sự sống đời đời. Chỉ có sự khác biệt nơi phía con người, khiến kẻ này đạt đến ơn cứu độ, người khác bị mất linh hồn. Điều đó tùy thuộc tự do và sự chọn lựa của mỗi cá nhân. Ai biết xa tránh những điều tiêu cực và những ảnh hưởng xấu để trở nên công chính, thì sẽ được vào Nước Trời, giống như cá tốt được ngư phủ chọn lấy và bỏ vào giỏ, chứ không bị vất bỏ. Ai biết lợi dụng tất cả những gì cần thiết cho phần rỗi, giống như gia chủ biết tận dụng cái cũ cái mới trong kho của mình, thì dễ có điều kiện đạt đến sự sống đời đời.  Lời Chúa hôm nay khuyên mời chúng ta biết khôn ngoan cân nhắc đâu là giá trị chính yếu và tuyệt đối, đâu là giá trị chỉ có tính cách thứ yếu và tầm thường, để ta biết chọn lựa cho đúng đắn. Điều đáng buồn là biết bao người, thậm chí có lúc cả chính chúng ta, đã hoặc đang khờ khạo coi nhẹ và bỏ mất những điều quý giá và tối cần cho phần rỗi đời đời của mình, trong khi lại mù quáng chạy theo và cố sức đoạt lấy cho bằng được những thứ chẳng những vô bổ mà còn nguy hại cho tương lai vĩnh cửu của mình.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A