CHÚA NHẬT 5 PS B 2018

 

Anh chị em và các gia đình trẻ thân mến,

Bài sách Công Vụ Tông Đồ có thể nói là một tường thuật điển hình đời sống cụ thể của Gia Đình Hội Thánh sơ khai, và cũng là điển hình cho đời sống trong các gia đình, các cộng đoàn hôm nay : đời sống luôn có những bóng ma của sợ hãi, nghi kỵ “Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ.”. Barnaba đã tạo bầu khí đối thoại để đánh tan sợ hãi và nghi kỵ, ông “dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Đamas ngài dạn dĩ xưng danh Đức Giêsu thế nào” nhờ đó “Hội Thánh được bình an”.

Đối thoại vốn dĩ vẫn là một sinh hoạt thường xuyên trong mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và mỗi xã hội. Nhưng đối thoại đem lại bình an là một điều hoàn toàn mới mẻ, và là một đặc tính riêng biệt của Hội Thánh. Vì ở đây nó mang những tiêu chí hoàn toàn khác với những cuộc đối thoại trong xã hội nhân loại.

Trước hết người nói cũng như người nghe phải đặt nền tảng trên hành động can dự của chính Thiên Chúa, lắng nghe Chúa phán dạy, và để dạn dĩ tuyên xưng Danh Chúa. Nói cách khác nó phải phát xuất từ LÒNG TIN vào Chúa. Trong khi mọi cuộc đối thoại của con người luôn đặt nền tảng trên địa vị với quyền và trách nhiệm. Người Việt chúng ta chẳng hạn (ở đây tôi không loại trừ ngay cả cha mẹ hay các đấng bậc trong Hội Thánh), chịu ảnh hưởng sâu đậm cái tôn ti trật tự của đạo Khổng trong quan niệm Quân, Sư, Phụ với nền luân lý như tam tòng, tứ đức khiến cho đối thoại hầu như chỉ còn là độc thoại. Và thường chỉ đem lại thêm ngăn cách và chia rẽ.

Nếu phải đối chiếu với hành động can dự của Thiên Chúa, lắng nghe Ngài, cuộc đối thoại thực sự là một lời mời gọi đến với TÌNH YÊU VÀ PHỤC VỤ bất chấp người đối thoại là kẻ đang tìm giết mình, như trong trường hợp của Saolô. Thư gởi tín hữu Do Thái đã viết về cuộc đối thoại ấy “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” Có nghĩa là Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị, hạ mình xuống, mang lấy thân phận tôi đòi để cho con người được nâng lên như lời Người nói : “Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con.”. Đó là ĐỐI THOẠI TRONG TÌNH YÊU VÀ PHỤC VỤ. Nói như thánh Phaolô, Đức Kitô là “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.

Vì vậy, mọi cuộc đối thoại trong gia đình Hội Thánh chỉ có thể là đối thoại đích thật khi người nói và người nghe đều phải ở trong cuộc đối thoại của chính Chúa Giêsu “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì”. Nói theo kiểu nói của chính Chúa “Ta là cửa chuồng chiên”, thì mọi đối thoại phải đi qua cửa này : cửa mở vào Tình Yêu của Thiên Chúa để cho chiên được sống và sống dồi dào. Khi đi qua cửa này, thì đối thoại không còn là tiếng nói của một vị Thầy, hay của một vị Chúa, mà là tiếng nói của kẻ quỳ xuống rửa chân cho các đầy tớ mình cho họ được vào tham phần với chính mình.

Mọi đối thoại trong cuộc sống loài người thường chỉ là những tranh luận để tìm ra sự thật nhưng thường chỉ là ông nói gà, bà nói vịt. Thánh Gioan hiểu điều đó nên mới viết cho chúng ta “chúng ta biết mình thuộc về sự thật” khi chúng ta “đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật”. Thánh Augustino cũng nói “Chân Lý trong Tình Yêu”, đó là cuộc đối thoại của chính Thiên Chúa với loài người trong Đức Giêsu, Đấng có thể nói về mình “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”, vì Người ĐÃ YÊU HỌ CHO ĐẾN CÙNG.


GỢI Ý GIẢNG LỄ B