CHÚA NHẬT 24 TN 2018

Anh chị em và các gia đình trẻ thân mến,

Lời Chúa và Giáo Hội luôn trình bày hạnh phúc và sự bền vững của gia đình hệ tại việc gia đình phải đặt Đức Giêsu làm trọng tâm của tình yêu, của mọi mối tương quan, và của cuộc sống gia đình. Nhưng chắc chắn mọi gia đình đều không thể làm được điều đó nếu trước tiên họ không thể trả lời rõ ràng và chuẩn xác câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”.

Tiên tri Isaia đã phác họa trước con người Đức Giêsu như chúng ta vừa nghe. Qua đó Ngài là người tôi tớ của Thiên Chúa luôn lắng nghe, không cưỡng lại, cũng không thối lui trước đòi hỏi của Thiên Chúa, cho dù bị đánh, bị vả mặt, bị giật râu, bị nhạo cười, bị phỉ nhổ. Người “không hổ thẹn” khi mang thân phận là tôi tớ của Thiên Chúa. Vì Người tin “Đấng xét tôi vô tội ở gần tôi” cũng chính là “Thiên Chúa bênh đỡ tôi”.

Chính Chúa Giêsu đã nói về Ngài “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.”.

Và Giáo Hội là Thân Mình của Người trải qua hơn 2000 năm cũng mang thân phận là cộng đoàn những người “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” Ngài. Đặc biệt ngay trong thời buổi ngày nay, ở mọi nơi trên thế giới, Giáo Hội đang bị mọi thế lực trần gian phỉ nhổ, bách hại và loại trừ.

Trước một Giêsu như thế, đại đa số các gia đình hôm nay giống như Phêrô cho dù có được một đặc sủng khi trả lời “Thầy là Đấng Kitô”, nhưng ông cũng chưa hiểu Đấng Kitô của Thiên Chúa, điều ông nghĩ và muốn vể Đấng Kitô là người “không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”, nghĩa là một Đấng Kitô đến để thống trị bằng uy quyền như một vị vua độc bá thiên hạ.

Và vì thế khi đối diện với một Giêsu bị bắt, bị trói, bị kết án tử các môn đệ kể cả Phêrô cũng đã bỏ trốn hết vì sợ người Do Thái. Các gia đình hôm nay cũng vậy, khi đối diện với Đức Giêsu đang hiện diện trong Giáo Hội trước các áp lực của đời sống, của xã hội, của tiền tài và chức vị, cũng chẳng đang tìm mọi cách để dần dần bỏ đi đó sao?

Vì thế Thánh Giacôbê đi từ một sự hiểu biết, tin và yêu mến Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được xức dầu Thánh Thần, được sai đến loan báo Tin Mừng Bình An cho các con người phận nhỏ và bị loại trừ qua con đường Thập Giá, con đường của Tình Yêu cho đến cùng, để làm nên một Giáo Hội Hiệp Thông là chứng nhân của Sự Sống Hiệp Thông của Ba Ngôi, đã kêu gọi chúng ta “ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì?”. Cụ thể là thực hành Tình Yêu cho đến cùng của Thập Giá Đức Kitô “Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?”.

Chúng ta không nên quên điều Chúa trách Phêrô “Satan, hãy lui đi!”, một lời trách tố giác cái sự thật con người xác thịt của Phêrô, đó cũng là sự thật của từng con người trong gia đình và trong những con người có tương quan với gia đình : con người của Satan, của tội lỗi, của sự chết. Nếu cứ giam hãm mình trong cái sự thật xác thịt đó, thì gia đình chắc chắn luôn sống trong sợ hãi, bất an và dễ bị tan vỡ. Nhưng không ai có thể thoát khỏi sự giam hãm này nếu không được chính Đức Giêsu giải thoát cho bằng TÌNH YÊU THẬP GIÁ CỦA NGƯỜI. Tình Yêu của Thánh Thần thánh hóa, tha thứ và hiệp thông.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

         

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ B