CHÚA NHẬT LỄ LÁ B

Cho dù trong bài Thương Khó theo thánh Marcô không thấy sự hiện diện của Mẹ Maria, nhưng những gì Marcô tường thuật xảy ra trong và chung quanh biến cố này đều đã xảy ra một cách đặc biệt hơn nơi Đức Mẹ. Và nếu chúng ta muốn được như lời Thánh Phaolô nói “cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.”(2, 11).” thì chúng ta cần phải được Mẹ hướng dẫn, dạy bảo và trợ giúp.

1.   Mở đầu bài Thương Khó, thánh Marcô tường thuật việc “một người phụ nữ mang đến một bình ngọc đựng dầu thơm rất quý giá. Đập vỡ bình, bà đổ dầu thơm trên đầu Người”. Chúa đã bênh vực bà trước sự chống đối của người xung quanh khi nói “bà đã xức dầu thơm có ý tẩm liệm xác Ta trước”. Nhưng dầu thơm quý giá ấy làm sao sánh ví được với Dầu Thánh Thần mà ngay từ khi tượng thai trong lòng thân mẫu Chúa Giêsu đã được lãnh nhận, vì như lời sứ thần đã nói với Giuse “bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Từ đó mỗi tường thuật của Tin Mừng liên quan đến Mẹ và Con từ hang đá Belem, qua Ai Cập, đến chân Thánh Giá đều thấy ẩn dấu mầu nhiệm cuộc Thương Khó, mà nhờ Dầu Thánh Thần đã biến thành một cuộc Vượt Qua, một cuộc Hành Hương từ cõi chết đến cõi sống vĩnh cửu. Chính vì được tuyển chọn đồng hành trong cuộc Hành Hương của Con mà phải nói cuộc sống của Mẹ từng bước “cùng chết với Người” và do đó đi trước mọi người Mẹ đã “cùng sống với Người” trên Thiên Quốc.

2.   Bài Thương Khó của thánh Marcô cũng tường thuật sự việc trong vườn Cây Dầu mà nổi bật lên chính là lời cầu nguyện của Chúa “Tiến xa hơn một chút, Người phục xuống đất, và cầu xin nếu có thể được thì xin cho qua khỏi giờ này.”, Giờ mà Người đã nói với Mẹ trong tiệc cưới Cana “Giờ của tôi chưa đến”. Đó là giờ đi tới tuyệt đỉnh của sự chống đối với cái án tử, nhưng cũng là giờ tột đỉnh của Tình Yêu. Mẹ Maria cũng đã phải trải qua từng ngày cái cảm nghiệm về giờ đó qua lời ông già Simeon đã báo trước “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”, khi Mẹ bị họ hàng lôi kéo phải đi tìm Chúa Giêsu vì nghe nói Chúa bị quỷ ám, điên khùng… Chắc chắn Mẹ từng phải cầu xin để qua khỏi giờ ấy, nhưng cũng luôn sẵn sàng và kiên trì “XIN VÂNG”. Chỉ có sự xin vâng mới làm nên Giờ của Mẹ và của Con Mẹ.

3.   Isaia đã nói về Người Tôi Tớ rằng “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn”. Lời tiên tri ứng vào chính Đức Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu ngay từ khi còn trong lòng Thân Mẫu đã cảm nghiệm được việc Thiên Chúa thức tỉnh tai và miệng lưỡi Mẹ mình để Mẹ lên lời nâng đỡ kẻ nhọc nhằn và Ngợi Khen khi đến thăm viếng bà Elisabeth với lòng Tin Yêu, để sau này có thể khuyên bảo mọi người “Người bảo gì anh em cứ làm theo”. Đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria không chỉ là Mẹ của Người mà còn là Mẹ của tất cả những ai muốn là tôi tớ Thiên Chúa, nên Người đã nói với môn đệ “Bà ấy là Mẹ Con”.

4.   Ý Niệm HÀNH HƯƠNG và chính việc HÀNH HƯƠNG cũng chính là để thực hiện MẦU NHIỆM VƯỢT QUA, nó đòi hỏi phải có những hy sinh, cam khổ của chính thân xác trong tinh thần Tin Yêu. Và đó là lý do thường thấy Đức Mẹ chọn lựa những nơi xa xôi hẻo lánh khó đến để thông ban những mệnh lệnh của Ơn Cứu Độ vậy.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ B