GỢI Ý GIẢNG LỄ MỒNG 2 TẾT (Giáp Thân)

 

1/ Con người khác con vật ở chỗ có trí khôn sắc sảo rộng lớn hơn và có tính người : ta biết hơn loài vật – ta sống nhân bản khác với thú vật.

Mà một trong những đặc điển của tính người là biết ơn, biết ôn lại quá khứ, ghi nhớ những điều người khác làm cho mình, và cảm ơn biết  ơn những kẻ đã giúp ích cho đời mình. Nói cách khác , lòng biết ơn ông bà tổ tiên là điều tự nhiên của loài người chúng ta, của loài làm người, không phải loài làm thú làm vật. Ta thấy trong Đạo ta và ngoài đạo ta, nhiều người biết ơn, nhắc lại công lao tổ tiên…cúng bái…tổ chức lễ hội, diễn tả lòng hiếu thảo với bậc tiền nhân đã khuất.

 

2/ Nhưng đối với ta là người công giáo, mọi thái độ sống của ta đều phải căn cứ vào một cái nền là Lời Chúa, một cái mẫu lý tưởng, là Chúa Yêsu. Ta có thể chạy đến với Lời Chúa, với Chúa Yêsu để hỏi : ta phải kính nhớ và biết ơn ông bà tổ tiên như thế nào ? Ta nhớ nhất hai thái độ của Chúa Yêsu :

 

a) Ngài sống thảo hiếu với ông bà cha mẹ

        - sống 30 năm trong khuôn khổ gia đình

        - Ngài không phế huỷ truyền thống tổ tiên : “Ta không đến để phá huỷ mà để làm trọn” – theo bài Tin Mừng : Ngài chống Biệt phái đặt ra lệ truyền để vi phạm, phá huỷ luật hiếu thảo (bằng cách cứ việc nói với cha mẹ “con đã dùng của này để dâng làm lễ vật cho Thiên Chúa  rồi” thế là khỏi phải lấy vật đó biếu cha mẹ nữa : thật là điều bất nhân)

 

b) thái độ thứ hai : Ngài nói “ai là Mẹ Ta…? ai giữ Lời Thiên Chúa  ” :

        câu này có nghĩa : Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn hết

        Còn Ông bà cha mẹ đáng được trọng nhất, đáng được nhớ ơn nhất, không phải ở điểm là sinh ra những con cháu về mặt xác thịt, mà ở điểm là truyền lại đức tin cho con cháu, truyền lại liên hệ với Thiên Chúa , như bài I nói truyền lại Giao ước. Vì sâu xa ra, chỉ nhờ truyền lại dức tin, con cháu mới đạt hết mức làm người , như ta sẽ nói thêm.

 

3/ Trong lễ kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ hôm nay, với tư cách là người Việt Nam và người công giáo

 

a) ta nhớ ơn các ngài về các công trình các ngài đã xây dựng và để lại cho ta (gầy dựng giang sơn, khai phá ruộng vườn, xây dựng nhà cửa, kiến thiết đường xá, nhà thờ…)

        - ta nhớ ơn các ngài vì các ngài đã có công nhận đức tin, sống đức tin và truyền lại cho ta

        . làm ta nên con cái Chúa

        . đạt mức làm người cách đầy đủ trọn vẹn

        . làm ta sống đời đời, nghĩa là được làm người và không còn bị mất đi, sự hiện hữu và việc ta sinh ra làm người không bị tiêu tan đi

 

c) ta nhớ cầu nguyện cho các ngài được rỗi, được sum vầy với Chúa

 

đ) ta nhớ sống đạo tốt, đó là điều đẹp lòng các ngài, hơn là ta có cơ nghiệp, có bằng cấp, có địa vị ở đời

 

e) ta lo sống đạo, truyền đạo cho hậu thế : ta có trách nhiệm với con cháu về nhiều mặt (ta thế nào sẽ sinh con, tạo cháu thế ấy) nhất là trách nhiệm về đức tin : tương lai của đạo đẹp hay xấu, còn hay mất, một phần là do ta. Con cháu sẽ nhờ ta mà sống đạo tốt hoặc sẽ tại ta mà sa sút đức tin, thậm chí bỏ đạo. Vì trách nhiệm này, ta cần tự rèn luyện mình, tự uốn nắn mình rất nhiều trong hiện tại.

 

g) và ta đừng vô ơn (vì vô ơn khiến ta không đáng là người và không có tính người ) đừng làm cho ông bà cha mẹ già cả, neo đơn phải tủi buồn do thái độ và lối cư xử thiếu sót của ta. Ai không yêu mến cha mẹ mình trông thấy, thì như Chúa nói, không thể nói mình kính mến Thiên Chúa  là Đấng mình không trông thấy.

 

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà