GỢI Ý GIẢNG TUẦN THÁNH NĂM C

( NĂM 2004)

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

 

Bài giảng trứơc lúc kiệu lá

 

Tuần Thánh năm nay, cộng đoàn chúng ta suy niệm chủ đề “ Đức Giê-su chết và phục sinh để ký kết giao ước mới”. Theo Tin mừng thánh Luca, trong cuộc đời Đức Giê-su chỉ có hai lần Ngài lên Giê-ru-sa-lem, lần thứ  nhất khi Ngài được 12 tuổi. Và lần thứ hai khi Ngài đi chịu chết. Cũng theo thánh Luca thì tất cả đời Chúa nhắm tới Giê-ru-sa-lem như  đỉnh cao, tất cả đời Chúa chỉ là một lộ trình đi dần đến Giê-ru-sa-lem như đích điểm, để ở đó Ngài thực hiện việc cứu thế và từ Giê-ru-sa-lem đó, ơn cứu độ lan tràn đến muôn dân.

 

        Dĩ nhiên đền thờ Giê-ru-sa-lem, lãnh địa Giê-ru-sa-lem, gợi lên cho mọi người Do thái rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều hình ảnh, rất nhiều biến cố. Giê-ru-sa-lem là trái tim của đất nước họ, dân tộc họ.

 

Riêng đối với Đức Giê-su, trong cuộc đi lên Giê-ru-sa-lem lần thứ hai, có lẽ một trong những điều quan trọng nảy ra trong tâm trí Ngài, chính là nhớ đến Cha Ngài, Đấng đang ngự trong đền thờ Giê-ru-sa-lem đây và nhớ đến cả vua Đa-vít, cách riêng trong lần vua nghinh đón Hòm Bia Giao ước về Giê-ru-sa-lem, trước khi có đền thờ. Lần ấy, vua Đavít đã tổ chức một cuộc lễ tưng bừng – khi những người khiêng Hòm Bia bứơc được sáu bứơc, vua lại tế sát một con bò và một con bê béo tốt. Và vua đã đem tất cả sức lực  mà múa trước nhan Gia-vê. Lần ấy vua cùng toàn thể nhà It-ra-en đã kiệu Hòm Bia lên trong tiếng hò reo và tiếng tù và ( 2 Sm 6)

 

        Đức Giê-su hôm nay nhớ đến vua Đa-vít , nhất là nhớ đến Gia-vê, Cha Ngài, hiện diện một cách vô hình, nhưng đầy quyền năng, nơi Hòm Bia trong Đền Thờ. Đồng thời, đối diện với đám đông đang vây quanh Ngài, Ngài lại nhớ mình chính là Con Thiên  Chúa đang tiến vào Giê-ru-sa-lem để thực hiện chương trình của Cha Ngài. Trước đây Ngài vẫn từng là Con Thiên  Chúa rồi, vẫn tế nhị tỏ ra cho mọi người biết tư cách khác lạ của Ngài rồi, cách riêng qua các phép lạ, thế nhưng chưa bao giờ, Ngài tỏ mình rõ như lần này:

-     Ngài sai hai môn đệ vào làng trước mặt, mở dây một con lừa con, cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ, và dẫn về cho Ngài, và mọi sự xảy ra đúng từng chi tiết như Ngài dặn trước, chứng tỏ Ngài  thông biết mọi sự

-       Ngài cũng xưng mình là Chúa,  khi dặn các môn đệ “ nếu có ai hỏi các con:Tại sao các anh mở dây cột lừa, thì hãy nói:Vì Chúa  cần dùng đến con lừa này”

-       hoặc Ngài chấp nhận để cho các môn đệ Ngài tung hô một cách công khai. Ngài trả lời với mấy người Biệt phái xin Ngài cấm các môn đệ: Tôi bảo cho các ông biết, nếu họ làm thinh, thì những viên đã sẽ la lên.

Vậy xin Chúa ban cho tất cả chúng ta được hết sức sốt sắng trong các ngày Tuần Thánh năm nay để kết hợp với Chúa, để hiểu những việc Chúa làmvì chúng ta. Và giờ đây, khi tham dự nghi thức kiệu là, chúng ta hãy chia sẻ tâm tình của các môn đệ và đám đông ngày xưa, hãy bứơc đi theo Chúa bằng tâm trí, cảm tạ Chúa đã đến như vị đại diện Tối Cao của Thiên  Chúa Cha, để thực hiện  công cuộc cứu thế, để ký kết giao ứơc mới,  đời đời  nối kết nhân loại chúng ta với Thiên  Chúa Ba Ngôi.

( TrongTuần Thánh năm nay- 2004 khi tìm hiểu và suy niệm về Giao ước mới là chúng ta cũng đáp lại một trong những đòi hỏi chính của Năm Thánh Truyền Giáo: đó là biết kỹ về Tin mừng mình đã lãnh nhận để có thể làm chứng cho Tin mừng ấy)

 

Bài giảng sau Bài Thuơng khó

 

Theo cách sắp xếp của phụng vụ, tiếp liền sau quang cảnh long trọng của cuộc kiệu lá ban nãy, lại là bầu khí thương khó trầmbuồn, với bài ca về người tội tớ thống khổ, thánh thi về  ĐK huỷ mìnn ra không và bài Thương khó.

 

Cách sắp xếp này của phụng vụ vừa nhắc ta nhớ ngay đến mục đích chính của Tuần thánh là chiêm ngắm cuộc Thương khó của Chúa, vừa gợi đến kết cuộc mà một vị Thiên  Chúa Giao ước phải nhận lấy: đó  là phải bẽ bàng, phải đau khổ vì chính dân tộc mà mình đã kén chọn và kết nối vào đời mình.

 

Khi nghe lại bài Thương khó, ta thấy thánh Luca đặc biệt nhấn mạnh đến tư cách thần linh uy nghi của ĐG, thậm chí ở một số chỗ, thánh nhân còn xử dụng từ “ Chúa”

 

 

Cuộc đối diện này có 4 khía cạnh

a. Trước hết, ĐG đây là hiện thân của vị Thiên  Chúa giao ước, Đấng đã vì yêu thương mà ra khỏi mình, đến với It-ra-en, vì muốn lập cho mình một dân và đưa dân ấy vào sự thân mật của Người. Một cách nào đó Người cột buộc mình vào những kẻ Người kén chọn. Người đối xử bằng tình Cha mặn mà. Người mãi mãi yêu thương và trung thành, thậm chí sôi sục ghen tuông vì yêu họ. Người đồng hành với It-ra-en, giúp đáp họ, gầy tạo cho họ một cuộc sống hạnh phúc, an bình trong hiện tại và hứa hẹn cho họ một tương lai huy hoàng.

 

b. Khía cạnh thứ hai là ĐG, hiện thân của vị Thiên  Chúa giao ước, đang cay đắng nhìn thấy sự phản bội và thất trung của chính dân mà mình gầy tạo, kén chọn, yêu thương, Ngài nhìn thấy trứơc mắt mình mọi hình thức phản bội:

 

1.   từ  sự phản bội của Giuđa, tông đồ thân tín của mình, “ Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Ngừoi sao?”, trước đó ở phòng tiệc ly, Ngài nói về Giuđa: “ này bàn tay kẻ nộp Thày đang cùng đặt trên bàn với Thầy”. Trường hợp của Giuđa ăn khớp với trường hợp mà Sách Thánh Vịnh từng nói đến: chính bạn tôi lại giơ gót đạp tôi

2.   hoặc sự  phản bội của hàng lãnh đạo dân – những kẻ chính ra phải dậy dân giữ Giao ước, trung thành tuyệt đối với Thiên  Chúa của mình – thế mà họ đã bắt Ngài như bắt một tên cướp, họ đứng cùng bên với quyền lực của tối tăm và chỉ nghĩ đến một điều là bằng mọi giá tiêu diệt Ngài.

3.   cho đến sự phản bội của đám đông dân chúng, vưà mới chứng kiến các phép là Ngài làm, vừa mới thán phục Ngài, giờ đây khi Philatô muốn thả Ngài, họ lại cứ một mực la lớn: Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá

 

c. Thế nhưng khía cạnh thứ ba, mặc dù Dân  phản bội, Ngài vẫn yêu thương  và gắn bó, thái độ từ  khước của Dân gợi lại lần tổ tiên họ xưa kia trong sa mạc phản đối Môsê và Thiên  Chúa, đến nỗi Thiên  Chúa định tru diệt họ để lập một Dân khác. Nhưng giống như  lần xa xưa ấy, nay Ngài cũng cầm mình nhịn nhục, nhìn xuống họ bằng ánh mắt nhân từ

 

d. Chẳng những thế, ĐG có mặt nơi đây chính là để chuẩn bị ký kết Giao ước Mới  một giao ước vừa thể hiện tình thương nồng nàn hơn xưa của Thiên  Chúa, vừa làm cho con người có khả năng đáp lại tình Chúa và sống phù hợp với các ơn huệ của Người một cách tích cực

 

Điều xót xa là tình thương phía Người càng nồng nàn và sự phản bội vô ơn phía con người càng quá mức thì cõi lòng Ngài càng tan nát. Không cảnh tượng nào bi thảm và bẽ bàng cho bằng cảnh tượng xảy ra trứơc dinh Philatô: Vị Thiên  Chúa một đời sống chết cho con cái, không tiếc gì với con cái đang bị chính con cái khước từ, khinh mạn và sắp sửa giết chết. Nhưng cảnh tượng đó cũng liên quan đến chính mỗi chúng ta hôm nay. Chính chúng ta cũng đã được đưa vào giao ước của Thiên  Chúa, được kén chọn, được yêu riêng, chính chúng ta từng vô ơn  phụ bạc cách này cách khác. Bởi đó trong suốt Tuần thánh này, chúng ta cũng đừng quên nhìn lại bản thân, để thấy những thiếu sót của mình hơn và chân thành xin lỗi Chúa./.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà