GỢI Ý GIẢNG LỄ LÁ 2007 (NĂM C)

 

A. GIẢNG TRƯỚC KHI ĐI KIỆU

Hôm nay chúng ta khai mạc Tuần Thánh với việc nhắc lại biến cố Đức Yêsu vào thành Yêrusalem. Theo Tin Mừng Luca, Đức Yêsu luôn coi Thành Yêrusalem là đỉnh cao, là đich điểm của đời Ngài. Tất cả quãng đời hoạt động công khai của Ngài chỉ là một cuộc hành trình bắt đầu từ Galilê hướng về điểm đến là Yêrusalem, vì Yêrusalem chính là nơi Ngài sẽ tỏ mình, sẽ chu toàn sứ mạng của mình, sẽ được tôn vinh.

Theo đoạn Tin Mừng ta vừa nghe, Ngài rất sáng suốt và biết trước mọi việc sẽ xảy ra. Ngài ý thức mình vào Yêrusalem với tư cách gì và để làm gì. Ngài ý thức tư cách: mình là Con Thiên Chúa , cùng chia sẻ địa vị làm Vua với Đức Chúa Cha, và Ngài đến chính là để thực hiện chương trình cứu thế và hoàn tất các loan báo của Cựu Ước  về Đấng Thiên Sai, cụ thể là lời loan báo về việc Đức Vua đi vào Thành trên lưng lừa. Vì thế, khác những lúc khác, Ngài để người ta hoan hô, và nếu các môn đệ không hoan hô, Ngài sẽ làm cho chính sỏi đá lên tiếng công bố về Ngài.

Giờ đây chúng ta tưởng niệm biến cố Chúa vào Yêrusalem để chiêm ngắm tư cách Ngài là Đức Vua cao cả. Nhưng cùng lúc – theo tinh thần Thư Chung Hội đồng Giám mục VN năm nay – chúng ta cũng hãy lấy tâm trí nhìn Ngài như mẫu mực cho việc “sống đạo”. Vì thật sự Ngài “sống đạo” hơn mọi kẻ đang ở chung quanh Ngài. Đó là hạng Biệt phái và luật sĩ len lỏi trong đám đông : hạng có vẻ sốt sắng, mến Đạo, nhưng thực tế thường chỉ giả hình, đóng kịch, còn tâm hồn thì rỗng tuếch về đức tin và lòng mến. Đó là các tín hữu Dạo Do thái, những kẻ nhiều khi chỉ dành cho Đạo một chỗ đứng nhỏ bé, qua việc giữ luật chiếu lệ, thực hành các việc đạo đức cách hời hợt. Đó là nhóm rất đông những kẻ mà đầu óc ít nghĩ đến Đạo hơn là sôi sục những suy nghĩ chính trị, những dự tính làm ăn, kiếm tiền, hưởng thụ…

Còn Đức Yêsu hướng hết cả tâm trí về Cha mình, đặt tất cả chú tâm vào tôn ý và chương trình của Chúa Cha, đề cao Chúa Cha trên hết mọi sự, và từ bỏ thế gian để sống chết cho Chúa Cha. Ngài “sống đạo” hơn mọi người ở chỗ là nhớ đến cương vị “làm Con Thiên Chúa ”, nhớ đến lẽ sống mình là thánh ý Chúa Cha, nhớ đến cùng đich đời mình là về cùng Cha, đi vào Nước Trời.

Giờ đây, khi cầm lá trên tay và đi thành đoàn kiệu tiến vào nhà thờ, chúng ta xin Ngài cho chúng ta ơn biết sống đạo cho xứng đáng : đó là mọi lúc nhớ tư cách mình là Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô –mọi lúc nhớ cùng đich đời ta là đạt đến Thiên Chúa , thi hành thánh ý Chúa – nhớ đến con đường sống đạo là cùng với Đức Yêsu đi lên Yêrusalem, nghĩa là quả cảm, mạnh bạo đi vào con đường hẹp, theo gót Đức Yêsu dẫn đầu chúng ta, sống tinh thần hy sinh từ bỏ, để đạt đến vinh quang và hạnh phúc đich thực.

 

B. GIẢNG SAU BÀI THƯƠNG KHÓ

(Ý chính : sống đạo là bỏ mình. làm Tôi Tớ Thiên Chúa , sống khiêm nhường, hiền lành)

 

Khi kể lại cuộc Thương Khó của Đức Yêsu – như chúng ta vừa nghe – thánh Luca có một điểm đặc biệt là đề cao tư cách “Chúa” của Đức Yêsu, đề cao khuôn mặt khả kính và khả ái của Ngài.

Ở cả 4 giai đoạn hay 4 nơi chốn, Đức Yêsu đều lộ ra tư cách cao cả của Ngài : lúc bị quân dữ bắt, lúc bị điệu đến toà án Dothái, rồi đến trước Hêrôđê hoặc Philatô, và lúc chết trên thập giá. Ngài oai nghi vì là Chúa. Ngài nhận mình là Con Thiên Chúa , là Vua Dân Dothái. Ngài chứng tỏ mình gần gũi Đức Chúa Cha, có thể xin Đức Chúa Cha tha thứ cho quân dữ và Ngài ban thiên đàng cho tên gian phi biết tin tưởng nơi Ngài.

Tuy Ngài là Chúa, là Vua thật cao cả, nhưng Ngài lại sống tư cách Người Tôi Tớ của Yavê và bỏ mình hoàn toàn, như bài đọc 1 và bài đọc 2 cho thấy. Ngài hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha, chấp nhận mọi sự việc xảy đến, như bị bắt, bị xử án và cuối cùng chết an bình trong tay Đức Chúa Cha.

Tuy là Chúa cao cả, đầy quyền năng, dư sức cứu mình khỏi tay kẻ dữ và dư sức làm phép lạ, nhưng Ngài lại rất khiêm tốn và hiền lành : Ngài không cho môn đệ dùng gươm giáo chống lại quân dữ để bảo vệ Ngài, Ngài lấy quyền năng chữa lành tai cho tên đầy tớ thầy Thượng Tế, Ngài nhẫn nhục khi bị khinh bỉ, hành hạ, xét xử bất công, giống như con chiên hiền lành cúi đầu cho người ta đem đi giết.

Tuy là Chúa Trời Đất, Ngài bỏ mình và bỏ mọi lợi lộc, không màng vinh quang thế gian, vì đối với Ngài, Nước Trời mới là giá trị đích thực. Bởi đó, trước mặt Hêrôđê từ lâu chỉ mong có ngày giáp mặt Ngài để được thấy một phép lạ, Đức Yêsu không đáp lại ông một lời nào và không làm một phép lạ nào. Ngài không nhượng bộ thế gian, không chiều theo kẻ có quyền để được an thân hoặc vinh thân. Ngài không để ý đến sự an nguy của bản thân, cũng không lo cứu vãn mạng sống mình hoặc bảo vệ lấy hạnh phúc của cá nhân mình. Ngài chi lo cứu độ. Bởi đó, Ngài đi đến Núi Sọ trong sự bình tâm, không muốn các phụ nữ khóc thương Ngài, mà chỉ muốn họ lo đến số phận sắp bị đe doạ của chính họ và con cái họ, để biết ăn năn sám hối. Và Ngài trải qua những giờ khắc trên thập giá, không phải trong hãi hùng và thê thảm như người đời tưởng nghĩ, mà trong niềm xác tín mình đang lên cùng Chúa Cha, đang vào thiên đàng và chính lúc đó, Ngài cũng hứa ban thiên đàng cho tên cướp xin Ngài nhớ đến hắn.

Vậy cả đời, có thể nói Đức Yêsu đã là “một giáo hữu trong đạo Do thái sống đạo một cách tận tình” nhưng không lúc nào bằng trong cuộc Khổ Nạn, Ngài đã sống đạo trọn vẹn và tột mức. Ngài trở thành gương mẫu cho Kitô hữu mọi thời trong việc sống đạo.

Nhìn vào Ngài, chúng ta hiểu rằng sống đạo chính là sống nên những  người con ngoan thảo, những người tôi trung của Thiên Chúa  : đặt Thiên Chúa  làm lẽ sống của mình – lấy thánh ý của Thiên Chúa  và mọi sự an bài của Thiên Chúa  làm kim chỉ nam cho đời mình, để mọi nơi mọi lúc, mình quy hướng về Thiên Chúa , thực thi các mong muốn của Thiên Chúa , qua việc chấp nhận mọi sự kiện xảy đến cho mình, qua việc sống đẹp lòng Thiên Chúa  hơn là thoả mãn những mong muốn cá nhân, hơn là tìm kiếm sự an thân, lợi lộc, hạnh phúc cho bản thân.

Nhìn vào Đức Yêsu trong cuộc Thương Khó, chúng ta hiểu sống đạo là sống bỏ mình, sống hiền lành và khiêm nhường, là thể hiện trong cuộc sống chính tinh thần của Đức Yêsu : không đua chen với đời, không tìm kiếm và củng cố địa vị, cũng không phô trương thanh thế, giành giật chức quyền, không dừng lại nơi những giá trị mau qua của thế gian, nhưng từ bỏ tất cả để đạt đến Nước Trời là giá trị tối cao.

Là môn đệ đích thực của Đức Yêsu, chúng ta không được phép bám vào cái tôi và những đam mê bất chính của cá nhân mình, đến nỗi quên lãng Thiên Chúa  và bịt tai trước tiếng gọi của Trời Cao. Chúng ta không được phép sống hưởng thụ, tìm kiếm sự thoải mái và giảm bớt ngày càng nhiều, thậm chí gạt bỏ mọi hy sinh cố gắng vì Chúa.

Hiệp thông với Đức Yêsu trong cuộc Khổ Nạn, chúng ta thấy mình không xứng với Ngài khi còn là nô lệ cho thế gian, cho xác thịt – khi không để cho tinh thần của Ngài chi phối hành vi thái độ của ta.

Ta chỉ thấy mình xứng với Ngài khi bắt đầu sống nên Người Tôi Tớ trung kiên và quảng đại của Thiên Chúa .

 

Lm. Antôn Trần thế Phiệt.

Dòng Chúa Cứu Thế.

29-3-2007


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà